Downloadsachmienphi.com

Câu Chuyện Tiếp Theo

Câu Chuyện Tiếp Theo - Cees Nooteboom
Câu Chuyện Tiếp Theo –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Câu Chuyện Tiếp Theo –

Chẳng mấy khi tôi quá bận tâm về bản thân, nhưng không có nghĩa điều này ngăn tôi suy ngẫm về mình mỗi khi nổi hứng, thực là đáng tiếc. Và quả vậy, sáng nay tôi có đôi điều ngẫm nghĩ. Một kẻ nào khác có thể băn khoăn về lẽ sống chết, nhưng những từ to tát như thế ít khi thoát ra từ miệng tôi, ngay cả lúc tôi chỉ có một mình. Cũng như lúc ấy.

Tôi thức dậy với cảm giác buồn cười là có lẽ tôi chết, nhưng mà mình có thật chết hay không, hoặc chết hẳn rồi, hoặc vẫn chưa chết, lúc ấy tôi không thể nào dám chắc. Tôi hằng nghe ai nói cái chết chẳng ra gì cả, và tôi cũng thừa hiểu rằng một khi chết, mọi khả năng suy tư sẽ không còn nữa. Thế thì không đúng rồi, bởi vì tôi vẫn còn đây trầm ngâm với tư duy, với ký ức. Tôi vẫn còn đầy đủ khả năng đi đứng, nhìn ngó, ăn uống (trên lưỡi tôi còn đọng vị ngọt mảnh bánh sữa pha mật ong người Bồ Đào Nha thường dùng điểm tâm). Tôi lại có thể dùng tiền mặt. Đây là bằng chứng hiển nhiên nhất. Thức dậy trong một căn phòng chưa ngủ qua đêm, ví tiền như thường lệ nằm trên chiếc ghế cạnh bên. Tôi cũng biết mình đang ở xứ Bồ Đào Nha, dù rằng đêm trước tôi đã ngủ ở Amsterdam, nhưng tìm thấy trong túi mớ tiền Bồ này là chuyện không ngờ.

Tôi có thể nhận ra căn phòng tức khắc. Chính ở đấy tôi đã trải qua một thời khó quên trong đời, nếu đời tôi quả thực có gì đáng nhớ. Tôi lại lẩm cẩm rồi. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhà giáo, tôi thường phải lặp đi lặp lại ít ra hai bận, với hy vọng lập lại phần nào trật tự ở cái chốn hỗn mang ấy. Vì thế tôi cần trở lại giờ giấc đầu tiên buổi sáng, giây phút tôi vừa mở mắt ra. Thế thì cặp mắt của tôi vẫn còn đây. Ai đó từng nói: “Ta sẽ cảm nhận ngọn gió lùa qua những khe cửa ngôi nhà nhân quả”. Và sáng nay quanh tôi đầy ắp gió lùa, dù rằng khi mở mắt vật đầu tiên hiện ra là cái trần nhà với những xà chắc nịch song hàng; một cấu trúc chính xác, thực dụng dễ gợi cái yên tĩnh, sự an toàn, rất cần thiết cho con người dù có thăng bằng đến đâu mỗi khi trở về từ cõi bờ thâm u của giấc ngủ. Có gì thực dụng hơn những chiếc xà chắc nịch giữ vững cho tầng lầu phía trên, có gì chính xác hơn khoảng cách đều đặn giữa những chiếc xà. Đáng ra tôi yên tâm mới phải, nhưng nào có được đâu. Trước hết, những chiếc xà này không thuộc về ngôi nhà của tôi, và thứ hai, từ tầng trên dội xuống tai tôi những tiếng động cực kỳ khó chịu, tiếng động khi người ta làm tình. Chỉ có thể hoặc căn phòng này không thuộc về tôi, hoặc tôi hiện không có mặt ở đây, và trong trường hợp ấy cả hai mắt và hai tai này cũng không thuộc về tôi, bởi vì mấy cái xà này không những bé hơn xà nơi phòng ngủ nhà tôi ở đường Keizersgracht, mà nhất là tầng trên phòng ngủ nhà tôi tại Amsterdam không có ai ở đấy để có thể quấy tôi với cơn làm tình mắt tôi không nhìn thấy. Tôi nằm thật yên, dù chỉ để làm quen với ý tưởng con mắt tôi có lẽ không còn là mắt tôi, một cách nói vòng vèo thay vì nói tôi nằm im như chết, bởi vì tôi quá hãi tôi là một kẻ nào khác.

Đây là lần đầu tiên tôi kể chuyện này, cũng chẳng đơn giản gì cho cam. Tôi không dám cử động, bởi vì nếu tôi là ai khác, tôi không biết phải cựa quậy như thế nào. Sự thể là vậy. Cặp mắt tôi – cứ tạm gọi tiếp như thế – quan sát những xà nhà không phải xà nhà tôi, và tai tôi, hoặc tai của kẻ nào khác, đang nghe cơn bão làm tình từ tầng lầu trên đổ xuống, chen với tiếng còi xe cứu thương rền lên ngoài kia, không hẳn là những tiếng quen thuộc của thành phố Lisbon này. Tôi đưa tay sờ đôi mắt và nhận ra chúng đang nhắm lại. Bạn không thể nào sờ mó con mắt của bạn. Trước tiên bạn phải khép chúng lại, cái khó là bạn không thể nhìn thấy ngón tay bạn sờ lên con mắt phủ kín. Tôi có cảm giác chúng giống những khối cầu. Nếu bạo tay, có thể mân mó chút xíu. Tôi lấy làm hổ thẹn thú nhận rằng sau từng ấy năm sống trên trái đất này, tôi chẳng biết con mắt có những bộ phận gì. Nào giác mô, võng mạc, tròng đen, đồng tử – trở thành hoa và học sinh trong trò chơi ô chữ, điều này tôi biết. Nhưng cái chất liệu thực, khối thạch đông, khối gê-la-tin như thủy tinh ấy thường gây cho tôi cảm giác bất an. Mỗi lần tôi dùng chữ “khối thạch” tôi bị chúng nó cười ầm lên, nhưng có hề gì. Trong vở King Lear, ông quận công Cornwall khi móc mắt ông bá tước Gloucester đã thét lên: “Hãy ra đây, cái thứ nhầy nhụa bẩn thỉu kia!” và chắc tôi cũng nghĩ như thế khi tôi mân mó những quả cầu không có thị giác ấy, cặp mắt của tôi hay con mắt của ai.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo