Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Cô Dung – Lan Khai
Phong trào phụ nữ ở Âu châu đã ảnh hưởng tai hại đến xã hội thế nào mà một nữ sĩ nước ý, bà Gina Lombroso, phải cất giọng lâm ly thống thiết trong cuốn sách “L’âme de la feme” để cảnh tỉnh những người đàn bà đã đi xa cái thiên chức làm vợ, làm mẹ, vì lẽ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa duy tân.
Tác giả đã phân tích “tâm hồn người đàn bà” bằng ngay tâm hồn của mình: như vậy công việc của bà hẳn có giá trị về sự thực không thể chối được, vì, như văn sĩ Jules Clarettie đã nói, tiếng kêu của một linh hồn bao giờ cũng đi thẳng vào trái tim người khác. Không những thế, cuốn: “L’âme de la feme” còn là kết quả bao nhiêu năm kinh nghiệm về tình cảm của tác giả, một người đàn bà không những có trí nhận xét tinh vi lại có học vấn uyên bác.
Gần đây, phong trào phụ nữ kia đã tràn lan đến xã hội Việt Nam, do một nhóm văn sĩ có thế lực, tự làm hướng đạo cho phụ nữ trên đường duy tân để đi đến cá nhân chủ nghĩa.
Cá nhân là gì nếu không có biến thể của vị kỷ?
Vậy đề xướng cá nhân chủ nghĩa cho phụ nữ, chẳng là làm một việc trái thiên nhiên, nghĩa là đem tinh thần vị kỷ thay vào cái tâm hồn vị tha thiên cổ của người đàn bà?
Thực thế, người đàn bà, theo sự nhận xét của tác giả “L’âme de la feme” bao giờ cũng vị tha.
Không biết đến sự dĩ nhiên ấy mà lại muốn làm hướng đạo cho đàn bà; lại muốn chủ trương phong trào phụ nữ thì thực là người ta đã phản cái ý tốt của mình và, vô tình, đã chủ trương công cuộc phá hoại người đàn bà ở người đàn bà, luôn thể phá hoại cả Gia đình, căn bản của xã hội.
Không đồng ý với nhóm văn sĩ nói trên, tôi, gần đây định viết nhiều về cuốn “L’âme de la feme” mà bài thứ nhất đã dăng trong số chót của một tờ tuần báo. Làm vậy, tôi chẳng có ý gì khác hơn là phản đối một cách kín đáo những người hiện chủ trương phong trào phụ nữ và đồng thời mượn lời nữ sĩ Lombroso, tôi muốn giác ngộ những bạn gái nông nổi đã bị lôi cuốn trên con đường nguy hiểm.
Ý tưởng đó tôi chưa đạt được một phần thì Lan Khai với tiểu thuyết Cô Dung đây, đã vượt lên trước và đã làm hộ tôi hét thảy những việc tôi định làm. Nhưng lập trường của Lan Khai và của tôi có chỗ khác nhau: Tôi dùng văn nghị luận để tranh đấu; Lan Khai, trái lại, đã dùng văn tiểu thuyết để cảm người. Ông sẽ mạnh hơn tôi ở chỗ đó, và nhất là ông đã dùng cái chiến lược của tác giả “L’âme de la feme”.