Downloadsachmienphi.com

Những Cô Em Gái

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Những Cô Em Gái –

Khoa từ quê ra thành phố học, tấp tểnh làm thơ được đăng báo và bắt đầu nổi tiếng trong giới học sinh. Nhờ thế, Khoa được các bạn trai trong lớp hâm mộ, nhờ làm thơ tặng em gái mình, thực tế là dùng thơ ấy tặng bạn gái hoặc người yêu. Run rủi thế nào, những bài thơ ấy được truyền tay qua một con đường vòng nào đó lại đến tay Quyên, cô gái mà Khoa thầm yêu trộm nhớ và những bài thơ làm giùm bạn bè ấy đã lấy cảm tưởng thật từ mối tình chưa ngỏ với Quyên. Sự việc ấy gây nhiều hiểu lầm và nuôi trong Khoa niềm hy vọng trước khi Khoa đối diện với sự thật.

“…Những giấc mơ của tôi thường không trọn vẹn. Bao giờ cũng đứt khúc nửa chừng, thường là ở những chỗ hấp dẫn, gay cấn nhất. Hệt như cuốn sách hay bị qua nhiều người chuyền tay nên luôn bị mất những trang thú vị nhất ở phía sau.

Những lúc đó, tôi thường giật mình tỉnh giấc. Để đau khổ nhận ra rằng con người ta không ai sống bằng chiêm bao, càng không thể yêu bằng chiêm bao. Nàng Stephanette cho đến ngày nay vẫn ngạo nghễ ngự trên tầng hai trong tòa lâu đài của nàng, chưa hề đặt chân xuống đất để hỏi thăm của thần dân, dù thần dân đó là một thiên tài vĩ đại bằng cả Lý Bạch lẫn Rimbuad cộng lại …”

Chương 1 – Những Cô Em Gái

Năm lớp mười hai của tôi là một năm vô cùng buồn tẻ.

Bạn bè cũ tản mác đứa một phương. Thằng Nghị, “giáo sư” Bá và nhỏ Hồng chà-và xấu người đẹp nết tiếp tục học lớp mười hai tại trường tỉnh lỵ. Ngữ và Hòa lé rớt tú tài một năm đó, buồn tình khăn gói vào phương Nam lập nghiệp. Tôi và Gia Khanh ra Đà Nẵng.

Gia Khanh học khác trường với tôi, nó học trường con gái tôi học trường con trai. Nhưng dù nó có học chung với tôi, hai đứa cũng chả còn gì để nói. Từ khi phát hiện Gia Khanh có người yêu ngoài quê, sao chổi Halley trong lòng tôi đã tắt.

Không bà con thân thích, chẳng bạn bè quen, tôi lọt thỏm giữa thành phố lớn như lạc vào một hành tinh xa lạ, buồn ơi là buồn.

Ba tôi gửi tôi ở nhờ nhà một người bạn quen tên Đán. Gọi là “nhà”, thực ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ xíu ngay trong cơ quan bác Đán làm việc.

Gọi căn phòng thực ra cũng là gọi cho oai. Đó chỉ là một khoảnh diện tích nhỏ ngăn bớt của phòng làm việc để làm chỗ ngủ. Phòng chỉ đủ chỗ kê một cái tủ, một cái bàn, một chiếc giường con. Từ khi tôi xuất hiện, căn phòng có thêm một chiếc ghế bố.

Đêm đầu tiên, nằm trong mùng nghe muỗi bay vo ve bên ngoài, tôi nhớ nhà đến ứa nước mắt. Tôi nhớ ba mẹ, nhớ các em tôi, nhớ đám bạn bè cũ ghê gớm.

Bác Đán nằm trên chiếc giường con bên cạnh nghe tôi trằn trọc, gióng tiếng hỏi:

– Gì vậy con?

– Dạ, không có gì ạ.

– Muỗi nhiều con hả?

– Dạ không ạ.

– Hay rệp đốt?

– Dạ không.

Bác Đán không nghĩ tôi nhớ nhà. Con trai lớp mười hai chuẩn bị vào đại học lẽ đâu lại giống đứa con nít lên năm.

– Chắc con lạ chỗ nên khó ngủ!

Bác Đán chép miệng nói, rồi hạ giọng vỗ về:

– Ráng ngủ đi con. Ngày đầu bác cũng y như con vậy.

Tôi đi học xa nhà lần này không phải là lần đầu. Lên lớp mười, tôi đã khăn gói vô Tam Kỳ, sống xa ba tôi, xa các em tôi, xa con suối trong vắt chảy qua làng, xa ngõ tre bốn mùa râm mát.

Nhưng hai năm ở Tam Kỳ, tôi có Ngữ, Nghị, Hòa, Bá. Tôi có Hồng chà-và, tôi có Gia Khanh. Ra Đà Nẵng, tôi không có ai quen. Đêm đầu tiên ngủ trong căn phòng lạ, tôi cứ thao láo mắt nhìn lên đỉnh mùng, bâng khuâng tưởng mình là Robinson đêm đầu tiên ngủ ngoài hoang đảo. Sáng dậy, bác Đán đưa tôi một chiếc chìa khóa:

– Đây là chiếc chìa khóa phòng. Bác một chiếc, con một chiếc. Mỗi lần đi đâu nhớ khóa cửa lại.

Tôi “dạ”. Và cầm lên chiếc ổ khóa bằng đồng, tôi mở ra bấm vào cho quen tay. Sau đó, tôi khóa cửa phòng, xách cặp đi học.

Từ chỗ tôi ở cuốc bộ đến trường mất khoảng hai mươi phút. Tôi rảo qua các dãy phố, quẹo ba ngã tư mới đến nơi.

Cũng như hôm khai trường, tôi ngồi trong lớp lẻ loi một mình một góc. Tụi bạn chung quanh chuyện trò như bắp rang, chẳng ai để ý đến một học trò tỉnh lẻ mới lên như tôi. Ngồi cạnh tôi là một đứa có mái tóc dợn sóng, mặt xương xương, trông khá đẹp trai nhưng lại mắc tật nói lắp. Nó cũng ngồi lơ ngơ một mình như tôi.

Ngó quanh quất một hồi, nó xích lại gần tôi:

– Mày… mày ở Điện… Điện Bàn ra à?

Chờ thằng này nói hết câu, tôi ngóng muốn trẹo cổ. Nhưng dù sao có người bắt chuyện cũng hơn không. Tôi vui vẻ:

– Không, năm ngoái tao học trường Trần Cao Vân.

Thằng bạn mới gật gù vẻ hiểu biết:

– Quê… quê mày ở Tam… Tam Kỳ à?

– Không, tao ở Thăng Bình. Nhưng trường quê tao chưa mở cấp ba.

Nó gật gù:

– Mày… mày tên gì?

– Tao tên Khoa. Còn mày?

– Tao… tao tên Hồng… Hồng Hà.

Tôi ngạc nhiên:

– Hồng Hồng Hà à? Sao mày lót tới hai chữ Hồng lận?

Nó lắc đầu, vẻ khổ sở:

– Không… không phải! Tên tao là Hồng… Hồng Hà.

Tôi lại trố mắt:

– Thì hai chữ Hồng chứ gì nữa!

Nó giơ một ngón tay lên:

– Có… có một chữ Hồng… Hồng à.

Đến lúc này tôi mới sực nhớ đến cái tật nói lắp của nó, bèn nhe răng cười:

– Tao hiểu rồi. Tên mày là Hồng Hà.

Thấy tôi nói đúng tên nó, Hồng Hà sướng rơn. Nó lại giơ một ngón tay lên:

– Mày… mày… thông minh lắm.

Tôi thấy tôi chả thông minh tẹo nào nhưng nghe nó khen, tôi cũng vui vui. Tới phiên tôi chất vấn:

– Năm ngoái mày học trường nào?

– Trần Quý… Quý Cáp.

Lần này thì tôi biết chắc ông Trần Quý Cáp này chỉ lót có một chữ Quý. Tôi nheo mắt:

– Vậy là mày ở Hội An ra?

Hồng Hà gật đầu:

– Ừ, Hội… Hội An là quê… quê tao.

Tôi hất đầu về phía những đứa khác:

– Mày biết tụi kia không?

– Không… không biết. Tụi nó chắc là học… học sinh trường này.

Do cảnh ngộ đưa đẩy, từ hôm đó tôi và Hồng Hà dần dần trở thành một đôi bạn thân.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo