Downloadsachmienphi.com

Nữ Hoàng Thinh Lặng

Nữ Hoàng Thinh Lặng - Marie Nimier
Nữ Hoàng Thinh Lặng –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Nữ Hoàng Thinh Lặng –

Sinh tại Paris năm 1957, nhưng thường sống ở Normandie, miền Bắc nước Pháp, xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Sirène (Tiên cá) năm 28 tuổi.

Nữ hoàng thinh lặng, cuốn tiểu thuyết thứ chín là một truyện kể đầy xúc động về những quan hệ rất khó khăn giữa tác giả với người cha của mình.

“Nữ hoàng thinh lặng” – cha của Marie từng gọi cô bằng biệt hiệu này khi cô còn bé. Ông là nhà văn Roger Nimier, nổi tiếng từ tuổi hai mươi lăm với tác phẩm Khinh kỵ binh màu lam, chết vì tai nạn xe hơi năm 1962, ở tuổi băm sáu. Ngồi cạnh ông trên xe hơi và chết cùng ông là nữ tiểu thuyết gia xinh đẹp hai mươi bảy tuổi, mang cái tên lạ Sunsiaré de Larcône. Lúc đó Marie mới lên năm. Về ông bố tài hoa mệnh yểu, đứng đầu nhóm nhà văn trẻ ngỗ ngược mà mọi người gọi là các “khinh kỵ binh”, những kẻ “vô chính phủ và khuynh hữu”, khước từ văn học dấn thân theo kiểu Sartre, nhạo báng tiểu thuyết luận đề, chắc chắn Marie chẳng có nhiều kỷ niệm. Sau này, không cố ý mà khi ký tên, cô thường viết Ni-er, thay hai chữ m và i ở giữa bằng một nét gạch dài, thành thử tên cô hóa ra Nier (chối bỏ), như thể trong vô thức cô chối bỏ người cha. Và một thời gian dài Marie từng theo phái tả, có những lúc cực tả, đó cũng là một cách chối bỏ.

Phải đợi đến đến tuổi bốn mươi bảy, sau khi đã viết và công bố tám cuốn tiểu thuyết, mới quyết định lần theo dấu vết của cha, cố tái tạo bức chân dung đầy nghịch lý, mâu thuẫn. Đó là một người bố “chẳng thực sự ở đó khi ông đang hiện diện, chẳng thực sự vắng mặt khi ông rời bỏ chúng tôi” – sau này Marie biết rằng vào lúc cô sinh ra, cha cô đang tính chuyện ly hôn. Là nhà văn chói sáng đến mức tác phẩm trở thành tên gọi cả một nhóm, một khuynh hướng sáng tác, ông ngừng sự nghiệp tiểu thuyết rất sớm và cũng chóng bị lãng quên. Là “một con người thung dung nhẹ nhõm, nghiêm túc, dối trá, trung thực, chậm chạp, nhanh nhẹn, cần mẫn, lười nhác, trơ tráo, ái quốc, tàn nhẫn, yêu thương, dửng dưng, say đắm, trang trọng, phù phiếm, đúng đắn, vụng về trong tình cảm như thể người ta lóng ngóng chân tay”, bạn bè Roger miêu tả ông như vậy. Marie hoài nghi những tính từ “đóng sống” một cá tính, giam cầm một nhân cách. Các từ điển văn học, từ điển tác gia, như cô viện dẫn, cũng không giúp nhiều lắm: “Bảo hoàng dạng d’Artagnan, có kiến thức vô cùng rộng lớn, Roger Nimier đi ngược lại những gì ông coi là thứ suy-nghĩ-cho-sẵn của thời đại ông, giới tri thức cánh tả, chống lại họ sẽ là những người được đặt biệt hiệu Khinh kỵ binh…”.

Để khám phá điều bí ẩn, để hiểu sự dữ dội và những dằn vặt ở chàng khinh kỵ binh trứ danh, cô con gái viết về bố, nhà văn viết về nhà văn, đã tìm đến những nơi, những người, những thứ có thể giúp hồi ức sống lại: cô tới thăm mộ cha, đi gặp người anh ruột, người anh cùng khác cha, rồi người con của nữ tác giả xinh đẹp tử nạn cùng Roger, phát hiện những bức thư chưa từng công bố của ông… Song trước hết, và chủ yếu, cô thực hiện cuộc du hành vào tuổi thơ chao đảo không an ổn của chính mình, chắp nối những mảnh kỷ niệm, lần gỡ những mối dây liên hệ mỏng mảnh nối gia đình cô và bản thân cô với người cha lãng tử, với ông bố từng có mà cũng không hề có. Và, dần dà dần dà, trong khi đan dệt, phân tích mạng lưới những hồi tưởng, những quan hệ, lấp đầy khoảng trống do người cha chết yểu để lại, Marie không chỉ tìm lại được cha mà còn tìm lại được bản thân, không chỉ hòa giải với cha mà còn hòa giải với chính mình. Xem lại bản thảo cuốn tiểu thuyết Trẻ thơ buồn của cha, cô phát hiện “có lòng nhân hậu trong nét bút”, và đột nhiên thấy hình như kiểu chữ ấy không thể là kiểu chữ của một kẻ hung bạo, tàn ác. Trên một tấm bưu ảnh, Roger đã viết cho cô con gái nhỏ: “Nữ hoàng thinh lặng nói gì đây?”. Với bé Marie, ở đó chứa đựng một ẩn ngữ không sao giải được: “Nữ hoàng thinh lặng có thể nói gì để không bị mất danh hiệu của mình và không mất tình thương yêu của cha?”. Cuối cùng nữ tác giả đã tìm ra cách giải đáp: viết văn chính là “nói trong lặng thinh”, nhà tiểu thuyết là người vừa nói vừa không nói, kể chuyện mà vẫn im tiếng.

Khi được hỏi nên giới thiệu Nữ hoàng thinh lặng như tiểu thuyết hay truyện kể, trả lời là cứ để trống đừng xác định. Quả thật trong tác phẩm có kết cấu vừa tài tình vừa mang tính mộng du này, hư cấu và thực sự chồng lên nhau, quá khứ và hiện tại hòa trộn. Theo tác giả, có lẽ đó là một essai, không phải theo nghĩa tiểu luận, mà theo nghĩa đầu tiên của từ này: thể nghiệm. Với bút pháp giản dị và mực thước, với giọng điệu cực kỳ chính xác và tinh tế, câu chuyện thấm đượm nỗi đau kìm nén và nỗi buồn dịu dàng, không trách cứ, không oán hận, lay động tâm hồn người đọc tận bề sâu. Tác phẩm đã được trao tặng giải Médicis 2004.

Tags:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo