Downloadsachmienphi.com

Suy nghĩ về tư duy

Suy nghĩ về tư duy - Phan Dũng
Suy nghĩ về tư duy –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Suy nghĩ về tư duy –

Về thầy Genrikh Saulovich Altshuller

Thầy Genrikh Saulovich Altshuller: Tiểu sử và sự nghiệp

Altshuller with sign Suy nghĩ về

Thầy Genrikh Saulovich Altshuller sinh ngày 15.10.1926 tại Taskent, thủ đô nước Cộng hòa xô viết Uzbekistan thuộc Liên Xô trước đây. Sau đó gia đình Thầy chuyển sang sống ở Baku, thủ đô nước Cộng hòa xô viết Azerbaidgian. Năm 14 tuổi khi còn là học sinh trung học, Thầy đã có trong tay vài Bằng chứng nhận tác giả sáng chế (patent). Từ năm 1946, Thầy đã nung nấu những ý định đầu tiên xây dựng một lý thuyết giúp bất kỳ người bình thường nào cũng có thể làm các sáng chế mà sau này Thầy đặt tên là “Lý thuyết giải các bài toán sáng chế” (TRIZ). Thầy có một thời gian phục vụ quân đội làm chuyên viên về patent thuộc hạm đội Caspian (Lý Hải). Thầy tốt nghiệp Đại học công nghiệp (sau đổi tên là Đại học dầu mỏ và hóa học). Thầy và người bạn của Thầy là ông R. Shapiro đã cùng nhau thực hiện nhiều sáng chế. Năm 1949, nhân tìm ra công thức một loại thuốc nổ cực mạnh, hai người viết thư thông báo trực tiếp cho lãnh tụ Stalin với mong muốn giúp quân đội xô-viết một phương tiện mạnh để chế tạo vũ khí và đồng thời đưa ra một số kiến nghị đối với hoạt động sáng tạo sáng chế ở Liên Xô. Do sự “hiểu lầm”, hai người bị vu cáo là có âm mưu đánh bom Hồng trường và bị xử tù 25 năm. Năm 1954, sau khi Stalin chết, hai ông được trả tự do và được khôi phục lại danh dự. Trở về Baku, Thầy Altshuller có một thời gian làm nhà báo, trong khi vẫn theo đuổi công việc nghiên cứu xây dựng TRIZ. Công trình đầu tiên về TRIZ Thầy và ông Shapiro công bố trên tạp chí “Các vấn đề tâm lý học” (số 6, năm 1956) có nhan đề “Về tâm lý học sáng tạo sáng chế”. Trong bài báo này, các tác giả lần đầu tiên đưa ra một cách tiếp cận mới mang tính cách mạng: Sáng tạo sáng chế làm thay đổi các hệ thống kỹ thuật mà các hệ thống này phát triển theo các quy luật khách quan nhất định, không phụ thuộc tùy tiện vào tâm lý chủ quan của các nhà sáng chế. Do vậy, chỉ có thể nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình sáng tạo sáng chế, khi nhà sáng chế nắm vững các quy luật phát triển khách quan đó và biết điều khiển tâm lý chủ quan của mình theo chúng.

Sau này, ông R. Shapiro di cư sang Israel, chỉ còn mình Thầy Altshuller tiếp tục các công việc liên quan đến TRIZ. Năm 1968 Thầy Altshuller cộng tác với Hội đồng trung ương Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô (VOIR) thành lập Phòng thí nghiệm các phương pháp sáng chế (OLMI), năm 1971 – Trường sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity). Thầy trực tiếp giảng dạy hai khóa tại Trường nói trên: khóa 1971-1973 và 1973-1975. Sau đó, do bất đồng quan điểm và không chịu được sự quan liêu của các quan chức Hiệp hội, Thầy chấm dứt sự cộng tác với họ. Từ đó, Thầy chủ yếu truyền bá TRIZ thông qua các khóa do chính Thầy mở, do các nơi mời và qua các cuốn sách Thầy hoặc Thầy cùng các học trò viết. Đến những năm 80, hàng trăm thành phố ở Liên Xô đã có các Trường, Trung tâm, Câu lạc bộ hoặc nhóm giảng dạy TRIZ. Hiệp hội TRIZ (TRIZ Association) được thành lập năm 1989 và Tạp chí TRIZ (Journal of TRIZ) bằng tiếng Nga ra đời năm 1990. “Phong trào TRIZ” (TRIZ movement) hình thành và phát triển lúc đầu bên trong Liên Xô, sau đó lan ra các nước xã hội chủ nghĩa khác (TRIZ bắt đầu dạy ở Việt Nam từ năm 1977) và phương Tây.

Mỹ du nhập TRIZ từ năm 1991. Họ nhanh chóng nhận thấy đây là “Công nghệ mới mang tính cách mạng được đưa vào nước Mỹ” (TRIZ is a revolutionary new technology being introduced in the United States) và “tin rằng điều này sẽ làm tăng vị thế cạnh tranh của nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu dựa trên kiến thức đang xuất hiện” (in the belief that it will enhance our country’s competitive position in the emerging knowledge – based global economy). Kết quả, chỉ chưa đầy 10 năm họ đi học TRIZ, lôi kéo các chuyên gia TRIZ của Liên Xô, dịch các sách TRIZ từ tiếng Nga sang tiếng Anh, tự xuất bản tạp chí TRIZ riêng (TRIZ – Journal) từ tháng 11 năm 1996, thành lập TRIZ Institute (ở California), Altshuller Institute (ở Massachussets), TRIZ University… Hiện nay khá nhiều các công ty nổi tiếng sử dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề của mình như: 3M, General Motors, Ford, BMW, Mobil Oil, Amoco Oil, Kodak, Motorola, Procter & Gamble, Intel, Siemens, Texas Instruments, U.S. Air Force, NASA… TRIZ còn được đưa vào các trường đại học ở Mỹ như: Florida Atlantic University, Wayne State University, University of Michigan, University of Connecticut, Massachussets Institute of Technology (MIT), North Carolina State University, California Institute of Technology’s Industrial Relations Center,… Nhiều nước khác như Anh, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Israel, Phần Lan, Hà Lan, Mexico, Úc, Pháp (du nhập TRIZ từ năm 1996), Nhật Bản (du nhập TRIZ từ năm 1997), Hàn Quốc cũng ngày càng quan tâm TRIZ nhiều hơn. Các bạn có điều kiện vào Internet, có thể sử dụng danh sách địa chỉ các trang web, được đăng trong phần này để có được nhiều thông tin hơn về TRIZ trên thế giới.

Từ năm 1986, mặc dù sức khỏe sút giảm rõ rệt, chưa kể đến năm 1991, tình hình trật tự, an ninh ở Baku (miền Nam Liên Xô) trở nên lộn xộn, Thầy và gia đình phải chuyển nhiều ngàn cây số lên ở thành phố Petrozavodsk thuộc nước Cộng hòa tự trị Karelia (miền Bắc Liên Xô). Thầy Altshuller vẫn tiếp tục làm việc. Thầy không chỉ phát triển tiếp TRIZ mà còn bước đầu đặt nền móng cho những lý thuyết rộng hơn: Lý thuyết tổng quát về mạnh (viết tắt theo tiếng Nga là OTSM) và Lý thuyết phát triển nhân cách sáng tạo (TRTL).

Thầy Altshuller còn là nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng với truyện đầu tiên đăng năm 1957. Nhiều đồng nghiệp của Thầy trong lĩnh vực này nhận định: các truyện khoa học viễn tưởng của Altshuller mang tính trí tuệ cao, đậm đặc các ý tưởng bất ngờ, nhiều ý tưởng vượt thời gian hàng chục có khi hàng trăm năm và có lẽ vì vậy không phải dễ đọc đối với những người chỉ muốn đọc để giải trí. Khi viết truyện khoa học viễn tưởng hoặc TRIZ cho thiếu niên, nhi đồng Thầy thường lấy bút hiệu là Altov.

Thầy Altshuller mất lúc 5g30 chiều (giờ địa phương) ngày 24.09.1998 tại Petrozavodsk, Liên bang Nga và được an táng tại Nghĩa trang danh dự của nước Cộng hòa Karelia lúc 2 giờ chiều ngày 29.09.1998. Di sản Thầy để lại là hàng trăm ngàn học trò (hiểu theo nghĩa rộng) trên khắp thế giới, hàng chục quyển sách, hàng trăm bài báo về TRIZ, OTSM, TRTL và hàng trăm truyện khoa học viễn tưởng. Thầy không chỉ là nhà sáng chế xuất sắc, nhà nghiên cứu mang tính cách mạng, đột phá một lĩnh vực lâu nay được coi là huyền bí (lĩnh vực sáng tạo), nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng với một phong cách độc đáo, người tổ chức và dẫn dắt “phong trào TRIZ” mà Thầy còn là một người sống giản dị, hết sức chu đáo, hào hiệp với những người khác, suốt đời theo đuổi mục đích giúp mỗi người trong nhân loại có những công cụ cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất quyền mà tự nhiên trao cho mỗi người: quyền được sáng tạo. Các công cụ Thầy tìm ra và để lại cho mọi người không phải là ít: 40 thủ thuật (nguyên tắc) cơ bản và Bảng sử dụng chúng để khắc phục mâu thuẫn kỹ thuật, 76 chuẩn, 11 biến đổi mẫu để khắc phục mâu thuẫn vật lý, phương pháp mô hình hóa bài toán bằng những người tý hon (MBN)… và đặc biệt là ARIZ. Thầy mất đi để lại biết bao thương tiếc cho những người học Thầy, biết Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp. Đến nay có nhiều người đề nghị lấy ngày 15.10 (ngày sinh của Thầy) làm Ngày của những người TRIZ, lấy tên Thầy đặt cho Hiệp hội TRIZ quốc tế (International TRIZ Association) và thành lập Bảo tàng Altshuller.

Altshuller 03 Suy nghĩ về tư duy

Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về Thầy Altshuller xin xem trang web sau:http://www.altshuller.ru của The Official G.S. Altshuller Foundation

Tôi được học thầy Genrikh Saulovich Altshuller

Người viết:

Altshuller 04 Suy nghĩ về tư duy

Thầy Altshuller trên bục giảng

Cho đến bây giờ và cả sau này, chắc tôi vẫn nghĩ rằng tôi đến với TRIZ một cách tất yếu và được học Thầy Genrikh Saulovich Altshuller một cách vô cùng may mắn.

Tất yếu hiểu theo nghĩa, nếu tôi không đến với TRIZ như đã xảy ra vào năm 1971 thì nhất định sẽ có lần tôi bắt gặp TRIZ và đi theo TRIZ suốt cuộc đời còn lại của mình.

Tôi nhớ hồi nhỏ, khi mình làm điều gì sai (mặc dù động cơ là tốt hoặc ít ra tự tôi cho như vậy), thường bị người lớn mắng: “Sao dại thế, làm cái gì cũng phải nghĩ trước chứ”. Thú thật, tôi thuộc loại hay tự ái. Tuy không nói ra mồm nhưng trong đầu thì muốn trả lời: “Trước khi làm thì không ai dạy nghĩ cả, chỉ chờ làm sai thì mắng” và thấy phải cố gắng học được cách suy nghĩ.

Khi học phổ thông, cũng như các bạn khác, qua lời thầy cô, qua các quyển sách, tôi rất khâm phục các nhà bác học, sáng chế, các nhà văn, nhà thơ, và cũng ước mơ tự mình có được cái gì đó mới để đóng góp với đất nước, với nhân loại. Trong đầu tôi nảy sinh câu hỏi: “Những người đó nghĩ như thế nào mà ra được những cái tuyệt vời như vậy?” Ngay cả khi giải bài tập chung trên lớp, có những bài tập các bạn khác giải rất nhanh, xung phong lên giải cho cả lớp, tôi lại thắc mắc: “Các bạn đó nghĩ như thế nào mà giải bài tập nhanh thế?”

Các câu hỏi kiểu nói trên càng ngày càng xuất hiện nhiều lần trong tôi, đến mức, gần như hàng ngày. Tôi đem chúng trao đổi với bạn bè, hỏi người lớn nhưng không thấy thỏa mãn, chưa kể có khi chính các câu trả lời lại làm nảy sinh thêm các câu hỏi mới.

Khi học các quy luật trong các môn lý, hóa, sinh tôi lại liên hệ: “Còn trong suy nghĩ có quy luật không?, Tại sao không thấy dạy ở phổ thông hay phải học lên cao nữa?, Tại sao mình không tự tìm hiểu cách nghĩ của chính mình?”

Trong các môn học, đầu tiên tôi chọn môn toán để tự kiểm tra xem mình nghĩ như thế nào khi giải các bài tập. Nhiều lần, sau khi giải xong một bài toán, tôi hồi tưởng lại các bước nghĩ của mình, cố gắng lý giải một cách lôgích quá trình suy nghĩ, kể cả những bài toán mà lời giải bật ra thật bất ngờ, tưởng chừng như sự may mắn giúp đỡ. Không phải tất cả các bài toán tôi đều lý giải được một cách lôgích nhưng lần nào thì thấy rất phấn khởi. Bằng cách tự rút kinh nghiệm, tôi thấy suy nghĩ của mình khá lên đôi chút, từ đó thấy hơn và yêu thích giải bài tập (không chỉ riêng môn toán) hơn.

Năm 1967, tôi được cử đi học ngành vật lý thực nghiệm ở Liên Xô. Sau năm dự bị học tiếng Nga, tôi vào học tại Đại học tổng hợp quốc gia Azerbaigian, thành phố Baku. Tiếng Nga, các hiệu sách và các thư viện đã tạo thêm điều kiện cho tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lâu nay vẫn cứ ám ảnh mình. Có thời gian rảnh rỗi, tôi đi dạo các hiệu sách tìm mua, vào các thư viện tìm đọc các tài liệu nói về hoặc liên quan đến tư duy. Hiểu biết của tôi tăng lên rõ rệt. Một số cái đọc được tôi áp dụng cho suy nghĩ của mình và thấy kết quả khả quan. Tuy nhiên tôi vẫn muốn biết nhiều hơn nữa, cụ thể và thiết thực hơn nữa.

Tôi cho rằng, thói quen tìm kiếm các sách về tư duy sáng tạo để đọc chắc chắn giúp tôi, trước sau gì cũng đến với TRIZ. Và trong cái tất yếu đó đã xảy ra cái ngẫu nhiên may mắn, không gì thay thế được.

Năm 1971, tôi đang học năm thứ 4. Một lần, thầy dạy môn “Lý thuyết chất rắn” đến muộn. Tôi tranh thủ ngồi tán dóc với mấy bạn Liên Xô ngồi cạnh. Mười lăm phút đã trôi qua mà thầy vẫn chưa đến. Tôi lại đem các câu hỏi vẫn thường trực trong đầu ra trao đổi. Anh Anđrei cho tôi biết Hiệp hội các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô vừa thành lập Trường đại học sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity), dạy các phương pháp tư duy sáng tạo. Chính anh ấy đang theo học thêm ở đó và thấy rất thú vị. Giống như người khát gặp nước uống, tôi liền nhờ Anđrei sau buổi học ở Trường đại học tổng hợp dẫn tôi theo xin học.

Chúng tôi đi sớm, đến chào Thầy và sau vài câu giới thiệu của Anđrei, tôi vội vàng xổ một tràng dài những gì đã chuẩn bị trước. Chẳng là tôi có nhiều cái lo: trường đã khai giảng được một thời gian mà bây giờ mình mới đến, lỡ đủ chỗ rồi thì sao, lỡ môn này không cho người nước ngoài học thì sao, lỡ… Tóm lại đó là những nỗi lo không được nhận vào học. Thầy lắng nghe chăm chú không ngắt lời và chẳng dè Thầy chỉ nói ngắn gọn làm tiêu tan luôn những câu tôi dự định sẽ trả lời Thầy, nếu Thầy hỏi. Thầy nói: “Nếu anh yêu thích tư duy sáng tạo, xin mời, anh cứ vào học tự nhiên. Tôi nghĩ rằng những gì học ở đây sẽ giúp ích cho anh và đất nước anh hùng của anh. Có gì khó khăn chúng tôi sẽ giúp anh”. Nghe thấy thế tôi sướng bổng người, tưởng chừng như chân không còn chạm đất nữa. Và từ đó, một cuộc đời mới bắt đầu.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy Genrikh Saulovich Altshuller. Tôi cứ nghĩ rằng người dạy sáng tạo chắc phải nhiều tuổi (để có nhiều kinh nghiệm sáng tạo chia sẻ với những người khác) nên khá ngạc nhiên khi gặp Thầy. Thầy trông rất thể thao, rất thanh niên, có lẽ do dáng người cân đối, nhanh nhẹn, cách ăn mặc đơn giản (tôi hầu như chưa bao giờ thấy Thầy đeo cà vạt, kể cả đến bây giờ khi xem các ảnh của Thầy đăng trong các báo, tạp chí và sách), các cử chỉ thoải mái, gần gũi. Thầy có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt thông minh, ấm áp, mái tóc dầy màu hạt dẻ sáng, hơi quăn, bồng bềnh. Phải nói là Thầy khá đẹp trai theo kiểu truyền thống. Sau này tôi mới biết, lúc đó Thầy 45 tuổi và có các patent khi mới 14 tuổi.

Bằng cách nhận thông tin theo đường khác, cùng học khóa đầu (1971 – 1973) với tôi còn có các anh Nguyễn Văn Chân, Nguyễn Văn Thông; khóa hai (1973 – 1975) có các anh Dương Xuân Bảo, Thái Bá Cần và Nguyễn Văn Thọ là những lưu học sinh Việt Nam lúc đó.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

Tags:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo