Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Ăn Mày Dĩ Vãng – Chu Lai
“Có một kẻ ăn mày. Ăn mày đặc biệt: không xin tiền vàng, chức tước, địa vị mà chỉ cần tìm lại và làm rõ một sự thật trong quá khứ. Sự thật về Ba Sương – cô y tá, xã đội trưởng là đồng chí và là người yêu của Hai Hùng đã chết hay còn sống – bây giờ là bà Tư Lan, giám đốc sở nông lâm, làm ăn nức tiếng lục tỉnh miền Tây?
Tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1991) thể hiện thành công thứ “ám ảnh xanh” đó qua ngòi bút góc cạnh và đầy cá tính của đại tá, nhà văn Chu Lai.”
Tên người đàn bà ấy là Sương, Ba Sương, đã chết rồi, chết rõ mười mươi ngay trước mắt tôi, chính tay tôi đã đào mồ chôn cất để rồi từ đó, đằng đẵng suốt mười mấy năm sau, cứ mỗi lần bất chợt nhớ đến, hình ảnh Sương lại xoáy buốt vào tôi những nuối tiếc khắc khoải và cả những day dứt ngọt ngào.
Vậy mà Sương lại không chết, không hề chết!
Trời ơi!… Nếu tôi không có chuyến đi vào Nam như cánh chim trốn rét muộn màng ấy, nếu như tôi không vô tình gặp lại, nếu như con người ấy đừng sống lại thì có lẽ cuộc đời tôi…
Đó là vào một đêm hè oi ả, dự báo những trận mưa triền miên buồn dứt sắp đổ xuống vùng rừng mới được phục sinh bên dòng sông Hậu.
Tôi vừa mới chân ướt chân ráo ở ngoài kia vào để thực hiện một hành vi ngang trái và tội tình: đi tìm việc làm, đi tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời. Vâng! Đã ngót ngét bước sang cái tuổi năm mươi rồi mà còn lận đận bỏ xứ xa quê để tìm công ăn việc làm thì thật là tội tình! Nhưng hỡi ôi, biết làm sao được! Cuộc đời vốn dĩ nó vẫn cứ hững hờ trôi chảy như thế cũng như tự trong cái thâm tâm đã quá chán chường mệt mỏi của tôi, tôi đâu có tính ngồi viết lại những dòng này, một việc làm mà chỉ cần nhắc tới thôi là cũng đủ thấy rùng mình, quá đỗi dớ dẩn rồi. Viết Lại! Động từ ấy mới sáo rỗng làm sao! Viết Lại có nghĩa là Sống Lại, sống lại cái cuộc sống nửa sống nửa chết ấy thì coi như chết hai lần! Viết Lại! Chao ôi, cái hành vi ấy mới bốc mùi ngầy ngụa làm sao! Vậy mà tôi vẫn phải kể lại, phải viết lại như một thứ ma đưa lối, quỷ đưa đường, có cố tình lãng quên đi cũng chẳng được.
Tôi bốn chín tuổi và đang thất nghiệp, đúng hơn là vừa mới thất nghiệp. Tôi, một kẻ dư thừa vừa bị bắn ra khỏi lề đường. Cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng có bốn mươi nhăm cân, hốc hác, bắt đầu có dấu hiệu thần kinh, tóc bạc nham nhở, ngực lép, bụng lép, mắt cá chày, da xám ngoét, môi thâm, răng rụng gần một phần ba, ít cười, ít nói, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ đô thị, sợ nơi đông người, dấu vết mặc cảm tự ti in hằn vào từng bước chân đi, từ trong cái nhếch mép rụt rè, nửa cười nửa khổ… Tóm lại, tôi là một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời đầy giông bão. Ấy vậy mà cái đống da thịt xương xẩu lằng nhằng là tôi đó lại đã có một thời ngang dọc, tráng kiện chẳng kém chi ai. Cái thời gắn liền với những cánh rừng bom đạn bên dòng sông Sài Gòn, cái thời mà giá như trái mìn Clâymơ màu xanh là cây cong vênh ấy đừng có nhằm giữa đỉnh đầu tôi lạnh lẽo giáng xuống thì có lẽ cho đến hôm nay, thể xác tôi, tâm hồn tôi chưa tới nỗi tồi tệ dường này. Tôi đã thành một lão già, lão già ốm o và sầu muộn. Mà, ô hay! Tôi đang lảm nhảm cái gì đây chứ? Tôi đang muốn kể về người đàn bà chết mười mươi mà đột nhiên sống lại kia mà. Chà!… Thì ra một khi đã già, đã đánh tuột hết lượng sinh khí ra phía sau đuôi, người ta đâm dở chứng ưa than thân trách phận.
Vâng, thưa bạn đọc! Thì tôi vẫn đang nói về người đàn bà đó đấy chứ. Ấy là vào một đêm hè oi ả… Chao! Lại lẩm cẩm rồi. Tội vạ gì mà thiên hạ động nhắc tới kỷ niệm lại nhất thiết cứ phải là đêm nhỉ? Có thể ngày, có thể sáng, có thể trưa thì đã chết chóc gì nào? Rõ thật… Dễ thường cứ phải là Đêm thì vùng ký ức mới có mùi vị thẳm sâu chắc? Lẩm cẩm! Chậc!… Mà thực ra không lẩm cẩm thì làm sao tôi có thể lạc được vào cái nhà hàng choáng ngợp cỡ đệ nhất, đệ nhị miền Tây đó. Còn tướt! Bạn bè một thuở kiêu dũng của tôi bây giờ gặp lại, cũng như tôi, sao mà ngán ngẩm quá thể! Hầu hết đã lui về vườn ăn theo vợ, núp váy vợ. Nếu còn có một người đàn bà chịu làm vợ. Đứa thì nhậu xỉn, tối ngày nằm trên võng nắng, đứa thì lụi hụi trổng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu, thằng này đang thở dài phì phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, bên kia là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn ở dưới đáy, thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu, chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo… Mỗi thằng một vẻ, trăm thằng trăm lối, không thăm thì nhớ, thăm rồi, trở ra, lại thấy buồn dứt ruột trong nỗi thương bạn. Đội hình đánh giặc ngang tàng năm xưa giờ đây, trừ vài thằng may mắn khôn ngoan, chẳng rõ nguyên cớ nào lại đều bị cuộc đời dồn chung vào một cục hẩm hui, méo mó. Chẳng may nhận ra nhau chỉ nhúc nhích chút xíu con ngươi đờ đẫn màu chì. Dĩ vãng… Kỷ niệm… Nhớ thương… Hết thảy đều chìm trong bụi thời gian mốc thếch. Càng buồn! Biết vậy chả nên gặp lại, chả nên tìm đến làm gì, chỉ tổ bẽ bàng, tan nát lòng dạ hơn. Cánh rừng năm nào đã không còn bóng dáng một loài cây cũ, mảnh đất năm nao đã phai lợt sắc màu, một lớp người xa lạ ở đâu đến hay vừa mới nhớn nhao lên đã nghiễm nhiên thay thế họ rồi.