Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Bí Mật Chôn Vùi Sự Thật Tàn Bạo – Nhiều Tác Giả
Chiến tranh bao giờ cũng là một bi kịch hiểu theo một nghĩa rộng dù ở phía bên này hay ở phía bên kia. Nhưng chiến tranh sẽ là một tội ác không thể dung tha nếu như một trong hai phía lấy dân lành vô tội làm mục tiêu cho hành động giết chóc cuồng điên của mình.
Như tội ác của cái trung đội thám báo ác ôn Mỹ mang tên Mãnh Hổ đã gây ra ở vùng thung lũng Sông Vệ, Quảng Ngãi vào năm 1967 mà cuốn sách in loạt bài phóng sự đã đoạt giải Pulitzer 2004 cao quý của nhóm tác giả Michael D.Sallah, Mitch Weiss, Joe Mahr dưới tiêu đề “Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo” kia là một minh chứng hùng hồn không thể chối cãi.
Đọc xong cuốn sách, tôi tin rằng tất cả những người có lương tri trên trái đất này đều không tránh khỏi rùng mình ghê tởm và nỗi uất hận sẽ còn ngấm sâu, rất sâu vào đầu óc. Một vùng thung lũng mộng mơ, một rẻo đất tần tảo với những người nông phu lành hiền chỉ biết quanh năm trằn lưng ra để kiếm những hạt gạo nhọc nhằn bỗng chốc đã trở thành miếng mồi ngon cho chủ trương tìm diệt và huỷ diệt thảm khốc của trung đội này. Được huấn luyện cẩn thận, được trau dồi những lý thuyết man rợ như thời trung cổ, đơn vị thám báo đó nhận lệnh tự do bắn phá, tức là được tự do phạm tội, tự do giết chóc mà bất biết phía trước mũi súng của họ là ai, là đối tượng nào. Giết chóc càng nhiều càng tốt, nổ súng càng nhiều càng hay, miễn là sau mỗi cuộc càn phải có thây người gục xuống, đổ xuống để trả hận cho những thất bại nhục nhã, đau điếng mà quân đội Mỹ đang phải trả giá trên khắp các mặt trận.
Thế là xong cơn cuồng sát của quỷ dữ, 45 tay súng nguyên là “những binh sĩ dù vào loại xông xáo, dữ tợn nhất được tuyển lựa, được trang bị tận răng” này, thay vì nhiệm vụ chỉ do thám, phát hiện lực lượng đối phương, chỉ là “làm du kích để trị du kích” như chủ trương ban đầu, đã thản nhiên thả hàng loạt tạc đạn vào những căn hầm, biết rằng phía dưới chỉ có người già, đàn bà và trẻ em trong tay không một tấc sắt, để biến chúng thành những mồ chôn tập thể hãi hùng. Đã rượt đuổi nã đạn một cách hứng khoái tột cùng vào sọ những người nông dân cao tuổi đang canh tác trên đồng; đã tra tấn đánh đập, giở trò tùng xẻo, cắt cổ, lột da đầu, cắt tai của những em nhỏ treo lên nòng súng, xâu lại đeo vào cổ như một thú chơi, cất vào ba lô làm đồ lưu niệm; đã thay phiên nhau hãm hiếp đến chết, cắm cọc vào cửa mình những người phụ nữ chẳng may rơi vào tay họ. Họ đã trở thành một lực lượng tàn sát ghê rợn mà tội ác sau này đã trở thành “Một trong những bí mật chiến tranh đen tối và đáng xấu hổ nhất của nước Mỹ.”
Gần 40 năm trôi qua rồi mà những phát hiện của các nhà báo, cái lý do giết người của trung đội đặc nhiệm vào loại con cưng này đúng là vẫn không thể hiểu nổi! Giết vô tội vạ, giết lấy được, giết bằng lý do hoàn toàn nằm ngoài quy luật chiến tranh: Muốn lấy đôi giày tennis trên chân một cậu bé ư? Giết! Muốn bịt tiếng phàn nàn trên miệng một nhà sư ư? Giết! Giết xong còn gài một trái tạc đạn vào hông nhà sư đó để buộc tội đó chính là một Cộng quân cần phải trừ khử. Muốn lột những chiếc răng vàng trên miệng một nông dân ư? Giết! Giết xong, lấy mũi giày đá văng những chiếc răng đó ra khỏi lợi người đó. Thậm chí giết chỉ để cho đủ con số 327 nào đó, một con số trùng với phiên hiệu của trung đoàn bộ binh!..
Tất cả mọi tội ác mông muội này đều do chính từ miệng những binh sĩ của trung đội Mãnh Hổ nói ra sau khi cùng với năm tháng sám hối họ không thể ngủ yên được với những chính hành động của mình, của cấp chỉ huy, của đồng đội mình. Họ còn đau đớn khẳng định: “Theo lệnh của thượng cấp, thành công của những cuộc tìm diệt này được đo bằng số người bị giết chứ không phải bằng việc có chiếm được những ngôi làng ở đó hay không?” Vậy tổng số, số người chết là bao nhiêu? Con số đó có thể lên đến hàng nhiều trăm người, trong đó có cả những người mất tích mà cho đến nay vẫn chưa có một xác quyết cụ thể. Nhưng có một điều rõ ràng xảy ra rằng, cũng chính những kẻ trong cuộc nói ra, hành động của những tên đồ tể này không hoàn toàn tự phát mà đã có một sự chỉ đạo, gợi ý, khích lệ của một cấp chỉ huy vô hình hay hữu hình nào đó mà cho đến nay họ vẫn không dám hay không chịu thú nhận. Và đáng buồn hơn nữa là ngay cả Bộ chỉ huy quân đội Mỹ cũng bưng bít, làm ngơ đi trước những hành vi sai phạm này mặc dù công luận đã không ít lần nhắc nhở, động chạm đến. Hay nói một cách khác, không thể đừng được, họ buộc phải cho tiến hành những cuộc điều tra nhưng không có công lý, không tuân thủ luật lệ. Phải chăng chính vì vậy mà tội ác càng được thả rông, nhấn sâu, tội ác sau man rợ hơn tội ác trước. Vụ tàn sát dân thường ở Mỹ Lai, một vụ tàn sát rung động cả lương tri loài người một thời gian sau đó không lâu đã là một minh chứng cho điều đó.
Chiến tranh là một bài toán hóc búa với những động cơ gây tội ác. Quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược ở Việt Nam đã gây ra hàng loạt những tội ác mà công ước quốc tế về chiến tranh không cho phép. Nhưng họ vẫn cứ ngang nhiên gây ra. Thời gian có thể xoá mòn đi nhiều chuyện nhưng thời gian không thể làm nhoà đi được những nỗi đau trên các ban thờ mà các bà mẹ, các người vợ, người con phải ngày ngày gánh chịu; gánh chịu đến suốt đời bởi những hành vi sai phạm phi nhân trắng trợn đó. Cũng như cái chất độc da cam kia, lịch sử và con người Việt Nam biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai đi được một khi nó cứ hiện ra trên các thân thể lở loét, dị dạng được sinh ra. Không bao giờ!
Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo. Bí mật về tội ác trong 37 tội ác quân đội Mỹ đã phạm phải của trung đội Mãnh Hổ, rất tiếc, sau 38 năm vẫn còn là điều bí mật. Và trong cả cuộc chiến tranh dằng dặc và khốc liệt do Nhà Trắng gây ra, quân đội Mỹ còn có bao nhiêu những đơn vị theo kiểu Mãnh Hổ như thế nữa. Một câu hỏi nhức nhối không chỉ cho lương tri Việt – Mỹ mà còn cho cả loài người. Một câu hỏi trước hết đòi hỏi những người cầm đầu quân đội Mỹ, những người có thẩm quyền trong Nhà Trắng phải trả lời. Bởi cái ác vẫn đang được công khai tồn tại trên hành tinh, sự giết chóc vẫn không ngừng xảy ra ở góc này hay góc khác trên thế giới. Làm rõ vụ Mãnh Hổ là làm rõ công lý và số phận con người một thời và muôn thời. Cái gì đã qua là cho qua. Khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Đó là đạo lý, là cách ứng xử mã thượng của người chiến thắng, của dân tộc Việt. Nhưng chính vì cách ứng xử thấm nhuần phẩm chất đông phương ấy mà con người Việt Nam cũng đòi hỏi mọi sự trắng đen phải minh bạch, rõ ràng. Rõ ràng để cảnh tỉnh, để chấm hết một giai đoạn đen tối nhằm hướng tới một tương lai hoà đồng và hợp tác.