Downloadsachmienphi.com

Cốt tủy của đạo Phật

Cốt tủy của đạo Phật - Daisetz Teitaro Suzuki
Cốt tủy của đạo Phật –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Cốt tủy của đạo Phật –

Vâng Thánh Chỉ của Thiên Hoàng, tác giả có thuyết trình hai bài giảng Cốt tủy của đạo Phật tại Hoàng Cung trong hai ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1946. Bài giảng liền sau đó được dịch ra tiếng Anh; và ông Christmas Humphreys, Hội Trưởng Hội Phật Học Luân Đôn đem bản thảo về Luân Đôn, và cho ấn hành đầu năm nay

Tuy nhiên, tác giả vẫn không vừa ý lắm với bản dịch đầu, nên sang xuân nầy đem ra duyệt lại. Trong khi làm công việc ấy, một ý nghĩ đến với tác giả: tại sao không mở rộng nội dung ra để bạn đọc Tây phương có thể hiểu được nhiều hơn? Nghĩ sao tác giả làm vậy.

Phần chánh yếu trình bày trong hai bài giảng đầu được giữ nguyên ở đây, nhưng có vài văn liệu mới được thêm vào, nhất là bản dịch một bài luận giải ngắn về giáo lý Hoa Nghiêm nhan đề Con Sư Tử Vàng; ngoài ra, phần luận về giáo lý sai biệt và vô sai biệt hoặc trí phân biệt và vô phân biệt cũng cần được trình bày lại tường tận hơn lần đầu. Đó là một trong những điểm chủ yếu của pháp Phật nhưng hơi khó hiểu cho bạn đọc Tây phương chưa quen lối tư tưởng Đại Thừa như người Đông phương chúng tôi.

Tác giả trân trọng ghi ơn sâu xa hai ông Lewis Bush và giáo sư R.H. Blyth đã ưu ái soát kĩ lại bản thảo. Tác giả cũng xin đặc biệt cảm tạ giáo sư Blyth đã giúp cho những lời phê bình và khuyên nhủ hữu ích. Daiseiz Teitaro Suzuki

(Linh-Mộc-Đế Thái-Lan)

Kamakura,

Tháng 4, 1947

BÀI MỘT. PHÂN BIỆT VÀ VÔ PHÂN BIỆT

Trước khi nói đến đạo Phật, tôi xin có vài lời về tôn giáo nói chung.

Thật vậy, đạo Phật là một tôn giáo. Như đối với các tôn giáo khác, nhiều người coi nó như không dính líu gì đến cuộc sống thực tế, nên họ thiết tưởng có thể phớt tỉnh đi qua, như không có nó. Có những người khác đi xa hơn, cho rằng đó toàn là mê tín, rằng thiên đường địa ngục, dầu có hay không, vẫn không liên quan gì đến họ. Nhiều người khác, cực đoan hơn, mô tả tôn giáo như một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng, một lợi khí tiện cho hàng tư bản và quan liêu đè bẹp dân chúng nhắm mắt cúi đầu dưới ý muốn mình. Sở dĩ người ta nghĩ đạo Phật là một thứ tôn giáo như trên, ấy vì người ta nhận lầm vai trò tự nhiên, hoặc phải có, của đạo Phật trong cuộc sống hằng ngày.

Trong cuộc sống hằng ngày, hầu hết chúng ta đều mơ hồ cảm thấy có một thế giới của giác quan và tri thức (tri giác), và một thế giới của tâm linh; và thế giới hiện ta đang sống đây là của tri giác, không phải của tâm linh, trong khi chính tâm linh mới là cái thực nhất, thân thiết nhất đối với chúng ta, còn tri giác chỉ là tưởng tượng, nếu không nói đó là một thế giới hoàn toàn hư giả. Mà dầu ta có thừa nhận tâm linh đi nữa, ta vẫn gác thế giới ấy qua một bên cho các nhà thơ, các nhà ảo giác giàu tưởng tượng và những người gọi là thần học; nhưng theo tinh thần chính thống của tôn giáo thì thế gian này chỉ là một cảnh giới giả, do tri thức và tư tưởng của ta khai triển ra từ những gì hiển lộ thẳng đến cho tâm. Điều ấy, ta chỉ nhận chân được sau bao năm tháng suy tư nhọc nhằn và vô vọng, nghĩa là sau vô số thất bại ê chề không khám phá được đâu là thực tại tối hậu trong thế giới tri giác.

Thế giới của giác quan là thế giới của cái nhiều, nghĩa là của tuồng thiên diễn liên miên, mà đã thiên diễn thì làm sao tâm ta yên được. Ta ao ước thoát qua bên kia vòng biến đổi, bằng cách nầy hoặc bằng cách khác. Ta ngờ cái mà ta gọi là thực tại thân thiết của thế giới giác quan dường như chỉ đưa ta lệch ra ngoài, thay vì đến gần hơn, bằng cứ là nó không trả lời được những khát vọng thầm kín ở trong ta, những khát vọng hiển nhiên ứng hóa từ thế giới gọi là ảo giác, hoàn toàn khuất lấp đối với giác quan ta. Và, cái mà ta gọi là ảo giác, xét cùng ra, vẫn chẳng ảo chút nào, mà chính đó mới là cái chân thực nhất, cụ thể nhất; và ta tha thiết khát khao là khát khao cái ấy, phải đâu cái gì khác.

Thế giới nhiều của giác quan thuộc tri thức suy luận. Hơn nữa, ta còn có thể nói chính tri thức suy luận tạo ra thế giới giác quan. Thật vậy, khi ta nghĩ thì ta biết có thế giới ấy, vậy rõ ràng thế giới ấy tùy thuộc vào khiếu suy tư của ta. Nhưng năng khiếu ấy không phải là tất cả cuộc sống nội giới của ta, bằng cớ là luôn luôn ta cảm thấy ở trong ta có cái gì tri thức không ổn định được nên ngóng tìm một lối thoát nào khác. Do đó, cuộc sống của chúng ta dẫy đầy mâu thuẫn và xung đột. Hầu hết chúng ta đều hững hờ không hay biết gì điều ấy cả; chỉ khi nào ta bất chợt ý thức được sự kiện ấy thì đó là lần đầu tiên ta dừng bước lại, và bắt đầu trịnh trọng tự xét lấy mình.

Ấy thế là đuổi theo chân lí, ta vô tình lạc bước vào tâm linh, hoặc nói đúng hơn, chính tâm linh nổ bung trên tri giác. Đó là lúc muôn vật bỗng dưng đảo ngược hết trật tự: cái nhất định không còn nhất định nữa; và cái hợp lí bỗng thành vô nghĩa, vì bấy giờ, thực tức chẳng thực, chân tức chẳng chân. Nói một cách cụ thể hơn, nước không chảy trong sông nữa, hoa không đỏ nữa, và liễu không biếc nữa. Đó là một cơ sự kì bí nhất có thể diễn ra trong phạm vi ý thức của con người. Tôi muốn nói đến hiện tượng nổ bung của tâm linh trên tri giác, lật đổ tất cả khuôn nếp kinh nghiệm thông thường. Nhưng phải đâu chỉ có vậy, vì biến cố ấy còn đưa đến một biến cố khác li kì hơn: ấy là toàn thể hệ thống phủ nhận- chấp nhận đổ vỡ tan tành mà vẫn không làm hư hỏng chút nào cái thế gian tri giác của chúng ta làm bằng kinh nghiệm hằng ngày trong cuộc sống, vì nước vẫn cứ chảy, và núi vẫn chót vót trên đầu ta. Điều ấy, ngặt vì các thiền sư phô diễn lại theo quan điểm tâm chứng của các ngài, nên rất khó cho ta hội ý. Thử xoay lại bằng tiếng nói của thế tục, ta sẽ thấy thiền sư không dạy gì khác hơn là kinh nghiệm hằng ngày của ta chỉ có đầy đủ ý nghĩa khi nó tiếp thông với tâm giới; bằng không thì bất cứ gì ta tưởng là thật đều chẳng thật chút nào, vì tự nó chẳng thật gì hơn một cơn mộng. Chỉ khi nào tâm in dấu trên dòng hiện sanh của tri giác thì thế giới nầy mới có được một giá trị mới lạ, đem đến cho chúng ta tất cả ý nghĩa của cuộc sống.

Nhưng, giải thích về tâm dài dòng như trên, ta cần dè đặt chớ tưởng rằng thật sự có hai thế giới riêng, biệt lập nhau, của tâm và của tri giác. Ta cần ghi nhớ đó chỉ là hai phương diện, sai khác nhau trên mặt tri thức, của một cái toàn thể, và chỉ vì thiếu thực chứng nên ta lầm tưởng có hai thế giới độc lập nhau và phủ nhận nhau. Xa hơn nữa, ta còn có thể cả quyết rằng đích thị cái thế giới tương đối mà ta biết ta đang sống đây là thế giới của tâm linh, không hơn không kém. Vì thật sự chỉ có một thế giới, toàn khối, bất khả phân, ngoài ra không có gì khác. Ấy chỉ vì ta vận dụng trí óc nên hậu quả là ta phải nói đến tâm như một thế giới thật hơn tri giác, hoặc ngược lại tri giác là một thế giới chính xác hơn tâm. Sự chia đôi ấy quả là hư giả, vì cái không chia được, ta cứ chia càn, và khi chia rồi thì phần nào cũng đòi quyền dự vào cái thật của toàn thể.

Thẳng thắn mà nói, cải thế giới một ấy không thuộc về tâm, mà cũng không thuộc về tri giác. Vì lẽ đó là cái một, tuyệt đối, nhất như, nên không còn gì để nói là sai biệt hoặc phân biệt; vả, cũng không thể nói gì, nghĩ gì được nữa; may ra chỉ có một sự im lặng hoàn toàn mới diễn đạt được phần nào. Mả rồi hai chữ im lặng nữa, nếu coi như phản nghĩa với ồn ào hoặc lời nói, thì vẫn hỏng nốt. Nhưng, vì lẽ chúng ta là con người sống trong xã hội, và làm thành xã hội, ta không thể câm lặng mãi; thế tất ta phải bùng vỡ thành tiếng nói; và phán: “Phải có sự sáng

”. Thì liền có sự sáng. Và, nầy đây! Lại có luôn sự tối. Rồi sáng và tối tạo ra cái thế giới hai mặt nầy. Rồi ta chấp đó là thật. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng do trí thức ta tạo ra, vì dầu muốn dầu không, ta vẫn không cách nào thoát khỏi tinh thần suy luận. Đó chỉ là hư giả, vì nó không hình dung được Cái Một, toàn diện, y “như thị”.

Ta có thể diễn đạt khác đi như vầy:

Chỉ có một thế giới, thật, duy nhất, là tâm linh, là cái Một, không phân biệt, không tất định, không sai biệt, không phân hóa. Nhưng ý thức con người chúng ta lại bị khuôn sẵn thế nào đó nên không trụ được trong trạng thái và đồng nhất; nên bằng mọi cách, ta đâm ra suy nghĩ về nó nhằm ý thức lại nó, gán cho nó một định nghĩa rõ ràng, biến nó thành chủ thể để trầm tư; ta đập nát nó thành manh mún vậy, đến đổi khối nguyên lực muôn đời niêm kín trong tịch mịch và vô vì chợt biến thành tiếng động, và thể hiện trong dòng sanh hoạt của con người. Thế là Cái Một bấy giờ trở thành tất định, phân biệt, phân hóa; mà kết quả là hiện giờ ta đứng trước một thế giới muôn sai ngàn khác. Nói thế, ta đừng tưởng tượng rằng Cái Một phân tán ra cái Nhiều là một hiện tượng diễn tiến trong thời gian, kẻo ta lại kết luận rằng có một thời nào đó, không đâu có gì hết, ngoại trừ cái thế giới Một kia tự hiện hữu một mình, và không tự ý thức gì về nó, rồi với thời gian, thế giới ấy mở rộng ra thành muôn vật, v.v. Buông lung theo đà tư tưởng ấy ắt ta mất tâm giữa cơn lốc của những sức mạnh thiên nhiên; ta biến thành món đồ chơi cho những ý nghĩ điên đảo, những giá trị điên đảo, những truyền thống điên đảo. Ta đánh mất mãi mãi thế quân bình nội tại. Ta dấn hẳn vào guồng mâu thuẫn, chằng chịt, tuyệt vọng.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo