Downloadsachmienphi.com

Gia Định Thành Thông Chí

Gia Định Thành Thông Chí - Trịnh Hoài Đức
Gia Định Thành Thông Chí –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Gia Định Thành Thông Chí –

Giữa vũ trụ, khí Khinh-thanh nổi lên trời, chất trọng-trọc ngưng dưới đất. Từ đời Bàn-cổ khai phá khi chất hỗn-độn mà thoát ra, từ đó vật loại mới hóa sanh ra nhiều. Những khu đất ở giữa rộng lớn thì gọi là trung-châu, còn bốn phía đông tây nam bắc đều tùy các chỗ mà gọi danh hiệu, chứ khi đầu chưa có hoạch định cương giới từng nơi nào cả. Kịp khi khí-vận lần mở, nhân dân lần đông, khi ấy vua Hoàng-đế (2697-2596 trước Dương-lịch) vạch ra khu vực, vua Thần-vũ (đời Hạ 2205-2198 tr. D.L.) chia ra làm 9 châu, có sách vở tương truyền. Nhưng ở Trung-quốc chỉ biết có 9 châu mà thôi, chứ sự thực thì ngoài 9 châu ấy ra lại có 9 châu nữa, cũng như ngoài bốn biển còn có 4 biển nữa. Như sách nhà Phật có nói: “4 Đại-bộ-châu” vậy thì những nước biết ăn gạo lúa mặc tơ lụa, chẳng biết còn có bao nhiêu nước nữa, chỉ vì sách xưa thiếu sót đó thôi.

[1b] Như vậy thì sơn hà nhân vật có phải ngày nay mới khai sinh ra đâu ? Như người Tây-dương bảo có “tân-thế giới” là cuộc theo cái kiến thức hạ-trùng[1] tỉnh-oa[2] tất nhiên không được hiệp lý vậy.

Do đó mà ta nhận thấy từ khi ngao-cực (trụ cá ngao)[3] đã lập, hồng-trảo[4] (móng chim hồng) đã phân, trời đất mở ở hội Tý, thì Gia-định cũng đồng thời mở từ khi ấy, đất mở ở hội Sửu, thì Gia-định cũng đồng thời mở từ khi ấy, người sinh ở hội Dần, thì người Gia-định cũng đồng thời sinh từ khi ấy, không phải trong ấy có chỗ riêng sinh riêng dưỡng riêng che riêng chở gì. Còn những cương thường, thân thể, ẩm thực, ngôn động, thì người thuở ấy bẩm thụ thiên tánh cũng như những người đời nay; hoặc có khác là chỉ khác sự ăn mặc vật dụng, xưng hô danh mục, do theo sự tập thượng của người, tùy theo thế đại Văn-minh hay chất phác mà biến chuyển đó thôi; ấy là lý tất nhiên vậy.

Nhưng thật ra, những người trong thời đại ấy [2a] ngày thường không biết sẽ làm việc gì ? Lúc đi cũng không biết sẽ đi đến đâu ? Cả đời già chết không qua lại nhau, lại ở khoảng giữa trời đất minh mông rộng lớn, núi sông cách trở, hiểm yếu, mà kiến thức của con người thì có hạn, ví như dừng chân đứng nơi bờ biển, phóng tầm con mắt trông ra ngoài khơi, chỉ thấy lai láng mờ mịt, mặt nước sát với chân trời, không tiến được nữa, bèn chỉ chỗ mình trông thấy nhận cho là chỗ trời đất tận cùng, như vậy đâu phải là lời nói đã do sự thấy biết một cách chắc chắn rõ ràng.

Vậy cho nên đời vua Thần-nông địa giới phía nam đến Giao-chỉ, đời vua Hoàng-đế phía nam đến sông Giang, đời Ngu-thuấn Hy-thúc trắc nghiệm khí hậu cũng chỉ đi đến Nam-giao; đời Hạ-vũ tuần hành phía nam, hội chư-hầu cũng tại Đồ-sơn (huyện Thọ-xuân tỉnh An-huy), ấy là cứ theo chỗ thanh giáo phổ cập và dấu chân đi đến mà biên chép theo sách vở đó thôi. Còn ngoài ra thế nào, phải đợi người đời sau, chứ chưa có thể cứu xét đến cùng. Vậy thì Gia-định của nước ta [2b] không biên vào sử sách của Tàu cũng vì lẽ ấy. Nếu không phải như vậy, thì sao đối với một khu vực vĩ đại cách tỉnh Hà-nam của Trung-quốc là nơi Kinh-đô của các vị đế vương ngày xưa, chỉ có 13.189 dặm, vả lại đất ấy liên tiếp cùng nhau nằm trong bốn biển, các nước đều đã giao thông, không phải sánh như nước ở hẻo lánh xa xôi; mà từ kỷ-nguyên Giáp-thìn (2597 trước Tây lịch) đời Đế-Nghiêu đến năm Nhâm-tuất (1802) niên hiệu Gia-khánh đời Thanh, trải qua 4164 năm mà sách sử Trung-hoa không từng nói đến, mãi cho đến năm nước ta bắt đầu sang cống hiến, thì tên Nông-nại (Gia-định, tục danh là Đồng-nai, người Thanh gọi là Nông-nại) mới thấy bày rõ ở nơi sử-quán, ấy là một điểm lớn mà sách xưa còn thuyết lược vậy.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo