Downloadsachmienphi.com

Góc Nhìn Sử Việt – Quang Trung

Góc Nhìn Sử Việt - Quang Trung - Hoa Bằng
Góc Nhìn Sử Việt – Quang Trung –

Góc Nhìn Sử Việt – Quang Trung

Tác Giả:

Thể Loại: Lịch Sử – Địa Lý

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Góc Nhìn Sử Việt – Quang Trung –

Phần thứ nhất: Quật khởi

Thời loạn

Thời cục nước ta hồi cuối thế kỷ XVIII: một mớ tơ rối đương phủ xã hội mục nát; một bầu không khí nặng nề đương vây bọc nhân dân nghẹt ngòi!

Nguyên từ năm Quang Hưng thứ 16 (1593), nhờ sức vùa giúp của Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1623), vua Lê Thế Tông (1573-1599) tuy khôi phục được Thăng Long, nhưng ngọn đèn “trung hưng” của Lê từ đó ngày một hắt hiu lèo lẹt! Đến đời Hiển Tông (1740-1786), dầu gần cạn, bấc hầu tàn. Dân chúng bấy giờ âm thầm sống trong cơn lờ mờ, hồi hộp!

Ngoài Bắc Hà, từ hồi tháng ba năm Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769), việc chúa Tĩnh Đô Trịnh Sâm (1767-1782) bắt giam tử Lê Duy Vỹ1 đã làm xao xuyến tâm thần nhân dân, hạng người bấy lâu vẫn ngấm ngầm ghi nhớ công ơn bình Ngô của vua Lê Thái Tổ (1428 -1433). Qua hai năm sau, cái chết của Duy Vỹ lại lấy được bao giọt nước mắt của mọi người ở phố phường, chợ búa!

Vả, sau cuộc “đảo chính” (tháng mười, năm Nhâm Dần, 1782) của quân Tam phủ (Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia)3, cái ngai chúa của nhà Trịnh từ đó càng thêm lung lay!

Gia dĩ, từ khi Đoan Nam vương Trịnh Khải (1782-1786) giết hại con em quận Huy Hoàng Đình Bảo, một tay quyền thần đã từng dan díu với Đặng Thị Huệ, Trịnh Cán, mầm loạn đã ngầm ẩn trong tòa vương phủ lộng lẫy nguy nga.

Phải, thực lực bên Trịnh bấy giờ rỗng tuếch: tướng tá lười biếng, sợ trận mạc. Quân lính, từ hồi lộng quyền phế lập đến nay, ngày một kiêu căng rông rỡ, lồng lộn như ngựa bất kham, không chịu cương khớp.

Dân chúng, sống dưới chế độ phiền hà, chính sự nhũng nhiễu, đã “dám” phê bình các nhà cầm quyền bằng giọng hài hước nhưng kín đáo giấu giếm trong lời đồng dao:

“Trăm quan có mắt như mờ!…”

Để chứng thực cái trạng thái mục nát của xã hội Bắc Hà thời ấy, xin mời các bạn hãy đọc thêm đoạn này của ông Tùng Niên, trong Tang thương ngẫu lục, truyện Bùi công Huy Bích:

Năm Nhâm Dần (1782), đời Cảnh Hưng (1740-1786). Điện Đô vương (Trịnh Cán) lên cầm quyền trong tuổi thơ ấu; gần xa đều nao nao… Ngày 25 tháng mười (Nhâm Dần, 1782), binh Tam phủ làm loạn, ủng lập Trịnh Tông (tức Khải), con cả của cố vương (Trịnh Sâm): ấy là Đoan Nam vương…

… Bấy giờ kẻ dưới thì lăng loàn, người trên thì suy đốn, rường mối triều đình ngày một sa sụt hư hỏng. Ông Bùi Huy Bích lo âu về nỗi ấy, thường thường than thở trong khi đứng ở triều đình. Ông từng làm bài văn khóc ông Hồ Sĩ Đống chức quyền phủ, có câu rằng: “Trên chốn triều đình, việc chính trị không ra sao, lại thêm nỗi: nào nước lạt, nào hoàng trùng!…” (Tang thương ngẫu lục, tập dưới, tờ 46).

Xem đó đủ biết cục diện bên Trịnh bấy giờ đã dần dần đi đến bên hố diệt vong.

Trong Nam Hà, một danh từ hồi đó đối với Bắc Hà mà nói, vùng Quảng sống dưới trị quyền chúa Nguyễn từ năm 1588, bấy giờ cũng khặc khừ kêu rên trên giường bệnh!

Chúa Định vương (1765-1778), mới 12 tuổi, đeo cái “bung xung” lên ngôi “làm vì”. Chính quyền nắm cả trong tay Trương Phúc Loan!

Phúc Loan, một con dân, khoác áo “quốc phó” làm giàu bằng nghề bán quan buôn ngục. Xây biệt thự Phấn Dương trên đống mồ hôi, nước mắt và máu thịt của nhân dân, Loan dùng nó làm nơi chứa của. Sau trận nước lụt, Loan sợ của “mục”, phải sai phơi vàng dưới ánh nắng tưng bừng trên sân biệt thự. Vàng đỏ, lấp lánh dờn ánh dương, làm quáng cả mắt thèm thuồng những tôi tớ hắn. Ấy là chưa kể các động sản khác như trâu, ngựa, châu ngọc, gấm vóc và các bất động sản như nhà cửa, ruộng, vườn…

Dân đã khổ lại khổ thêm, khó cầm hơi nổi trước cơn mất mùa đói kém! Bức tranh “cơ cận” treo khắp dân gian. Những thân hình đói rạc kheo khư do nét bút thần “Hung niên” đã phác vẽ, trưng bầy trên cái biệt thự huy hoàng lộng lẫy ở làng Phấn Dương, thật là một cảnh mâu thuẫn mai mỉa!

Phần khổ vì chính sự bất lương, phần cơ cực vì ma đói ám ảnh, dân chúng ngắc ngoải dưới bàn tay sắt của Trương Phúc Loan, biết tìm đâu lấy chút sinh thú!

Sống không hi vọng, lòng họ lạnh như băng, tan nát như cám, ngấm ngầm ôm mối “tư loạn”.

Nói tóm lại, ngoài Bắc, trong Nam vào khoảng mấy năm cuối đời Lê Hiển Tông (1740-1786) đương lụng bụng đau đắng như mắc cái ung độc, tất phải chích ra cho vỡ mới mong lành mạnh được.

Thần Chiến tranh đứng rình trước thời cục nghiêm trọng. Thùng thuốc súng chỉ chực tàn lửa rớt xuống tức thì nổ bung.

Tags:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo