Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Ngược Chiều Vun Vút – Joe Ruelle
Tình cờ được nhỏ bạn tặng nhân dịp sinh nhật. Thú thật cảm giác ban đầu là hơi chán nản, vì cái bìa sách không mấy thu hút và nó lại là thể loại sách bản thân rất ít đọc. Nhưng ngay sau khi đọc lại thấy không rời ra được. Đây là 1 trong số ít quyển sách mà mình không gặm như kiểu mì ăn liền khi đọc ngôn tình mà đọc chậm rãi từng bài cho…thấm. Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết, mẩu truyện ngắn về Việt Nam với cái nhìn rất độc đáo mà không kém phần thông minh của tác giả. Lối hành văn rất riêng và cách sử dụng ngôn từ của anh khiến ta khó mà ngờ được là của 1 người nước ngoài. Khi đọc sách, chắc hẳn không ai mà không bật cười trước lối viết dí dỏm rất tinh tế của anh, nhưng sau tiếng cười ấy là nhiều điều cần suy ngẫm về xã hội, con người Việt Nam. Với quyển sách này, Joe đã phần nào cho thấy cái nhìn của du khách nước ngoài về Việt Nam với cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng với lối viết hóm hỉnh nhẹ nhàng, anh khiến người đọc không những không thấy phản cảm mà chỉ thấy thú vị và tự suy ngẫm. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giống như 1 quyển cẩm nang ghi lại bí quyết thích ứng với cuộc sống, phong tục, quá trình học ngôn ngữ…ở Việt Nam, nó mang đậm dấu ấn hài hước dễ thương của riêng anh. Đây là quyển sách có giá trị và rất đáng đọc !
Không thể phủ nhận Joe đã thổi một làn gió mới vào Việt Nam; không phải từ cách viết lạ hay chủ đề mới, mà nó đơn giản là một cái nhìn mới về những vấn đề rất quen. Tôi đã từng rất thích thú với cái cách anh chàng dùng tiếng Việt để viết nên những cảm nhận rất Tây của mình.
Nhưng đúng là đã từng thật, bởi đến “Ngược chiều vun vút” cái ngòi bút ấy dường như không được sắc sảo như cái thời “Tôi là Dâu”. Vì chủ yếu vẫn là nhận định, nhưng có vẻ do viết nhiều, nhận định nhiều quá nên không thể hợp lý hoàn toàn được. Dâu quên mất rằng từ Xin chào trong thực tế người Việt chẳng ai dùng, đó là khác biệt văn hoá. Hay chuyện phải dừng xe bên trái để những người được phép quẹo phải không phải bóp còi, đây gọi là lịch sự, là văn minh…
Vẫn ủng hộ những trang viết của anh, và cố lên anh nhé, đừng để mọi người nhận thấy là Dâu đang đi lùi.
Mình tìm đọc cuốn sách này sau khi đã tậu cuốn “Tớ là Dâu” của anh và đã không hề làm mình thất vọng. Vẫn giọng văn hóm hỉnh, châm biếm để nói lên rất rất nhiều những vấn đề về người Việt trên đất Việt dưới góc nhìn của một anh Tây. Nhìn chung mình khá hài lòng chỉ là vì mình mong muốn một thứ gì đó mới mẻ hơn, vượt trội hơn sau TLD thì cuốn sách Ngược Chiều Vun Vút vẫn chưa làm được. Chắc tại mình mong đợi hơi nhiều. Tuy nhiên về cơ bản đây vẫn là một cuốn sách hay ho và thú vị, đáng để đọc nhất là những người trẻ với cách nhìn trẻ !
Thôi chết. Tôi mới bắt đầu là đã bóp méo sự thật. Chắc bạn không phải là “bạn” của tôi đâu. Chắc tôi chưa bao giờ gặp bạn, không biết mặt mũi của bạn ra sao. Với tôi, bạn là bức chân dung vẽ bằng sơn dầu trắng trên nền vải trắng. Nhưng mặt khác, bạn đang chịu khó khẳng định sự tồn tại của tôi nên xưng hô như vậy chắc cũng không quá thân thiện đâu.
Tôi chọn cái tên Ngược chiều vun vút vì hai lý do, phụ và chính. Lý do phụ là trong khi mỗi năm có hàng nghìn người Việt sang các nước phương Tây đi học, đi làm, lập gia đình, định cư, cộng với hàng trăm nghìn người không đi khỏi Việt Nam nhưng cuối tuần nào cũng xem phim Hollywood, đọc sách dịch từ tiếng Anh – thì cũng có một số người Tây tạm biệt quê hương để đến với Việt Nam. Vì đó là hướng đi bất ngờ nên chúng tôi phải phản xạ nhanh, cố gắng giữ tốc độ mà không gây tai nạn văn hóa.
Còn lý do chính là từ “vun vút” nghe hay.
Đa số bài viết trong sách bắt nguồn từ những bài đã đăng trên Dân Trí, VnExpress, tạp chí Đẹp, blog cá nhân của tôi. Tôi dùng từ “bắt nguồn” vì thời gian gần đây tôi viết lại hết. Một số bài tôi chỉnh sửa ngữ pháp cho phù hợp với trình độ ngôn ngữ đã phát triển hơn; một số tôi xây dựng lại từ đầu. Xét về mặt lối viết, tôi bây giờ khác nhiều với tôi cách đây mấy năm, và tôi muốn các bài đều phản ánh phiên bản mới nhất của tác giả.
Vì được viết lại gần đây nên tôi không thể xếp các bài theo ngày viết, xếp theo chủ đề cũng khó. Cuối cùng, tôi quyết định xếp các bài theo cảm giác lúc viết, là nguồn cảm hứng chính khiến nảy sinh nội dung (dù có hiện rõ trong bài hay không). Cách sắp xếp nào cũng có thiếu sót, nhưng ít nhất cách này không thiếu cảm giác.
Trong quá trình biên tập lại cuốn sách, tôi nhận ra có nhiều bài mâu thuẫn với nhau; quan điểm phủ nhận quan điểm, ý dập ý. Cũng có bài mâu thuẫn với tác giả – với hành động, đạo đức, quá khứ và hiện tại của tôi (sổ đỏ không khớp với đất). Thay vì cố chỉnh sửa như lỗi ngữ pháp, tôi để nguyên. Xét cho cùng, đây là tác phẩm của một con người, và con người dù ở đâu cũng mâu thuẫn không chỉnh sửa được.
Thanh minh xong, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới bạn Võ Hằng Nga ở công ty sách Nhã Nam đã kiên nhẫn giúp tôi đánh bóng câu chữ, cũng như tới các biên tập cũ – đặc biệt bạn Lê Hồ Thị Mỹ Thanh Nga, người đã chứng minh họ tên không ảnh hưởng đến khả năng nhận ra từ thừa.
Tôi cũng muốn cảm ơn những người dành thời gian viết lời bình dưới các bài của tôi đăng trên mạng. Nhiều lời bình sâu sắc đã khiến tôi phải suy nghĩ, thay đổi hẳn một quan điểm giữ từ lâu. Nhiều lời bình vui vẻ khác thì khiến tôi khỏi phải suy nghĩ gì nữa, và cảm giác đó cũng hay.
Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn bạn vì đã ủng hộ lối viết cá nhân. Xây dựng một bộ sưu tập bài viết dựa chủ yếu trên đại từ nhân xưng “tôi” là một việc rủi ro. Tác giả phải cởi hết quần áo, đứng giữa quán cà phê. Nếu thích, khách sẽ mời tác giả ngồi bên cạnh, chia sẻ niềm vui rồi gửi chút ít tiền cảm ơn. Còn nếu không, khách sẽ hắt cà phê vào người ông đó, để lại một số vết bỏng lâu lâu mới lành.
11 giờ, 11 phút, ngày 11, tháng 11, năm 2011