Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn – Thích Viên Ngộ
Mấy lần gặp thầy Viên Ngộ tôi hoan hỷ thấy thầy quan tâm tham vấn pháp học, pháp hành một cách cặn kẽ, và hoan hỷ hơn nữa khi đọc cuốn Hạnh phúc tùy cách nhìn do thầy biên soạn để chiasẻ sự thấy biết đạo lý nhà Phật của mình với những người đồng đạo.
Những điều thầy viết xuất phát từ tư duy và trải nghiệm của chính mình trong đời sống thực tiễn hơn là chỉ “y kinh diễn nghĩa” như những vị Tăng có học thức khác. Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp hay tông môn nào, cho nên Đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình. Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế, nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng, nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.
Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo. Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó.
Tôi mong rằng những gợi ý chân thành của thầy Viên Ngộ sẽ là những thí dụ điển hình có thể giúp cho nhiều Phật tử nhận ra cách xử lý tình huống riêng của mình trong cuộc sống chân không diệu hữu này.
Sài Gòn, ngày 20-04-2012
Tổ Đình Bửu Long, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Hòa Thượng Viên Minh
Hạnh phúc tùy cách nhìn là tập sách được kếttập từ những bài viết đã đăng tải trong chuyên mục Phật học của tuần báo Giác Ngộ. Các bài viết này phần nhiều đều có trích dẫn một số đoạn kinh trong kinh tạng Nikàya và A-hàm.
Nội dung tập sách này, người viết trình bày dựa trên giáo lí căn bản cùng với sự tu niệm của tự thân, ngõ hầu giúp cho những người bước đầu học đạo dễ dàng tiếp nhận hành trì, nhằm chuyển hóa phần nào những bế tắc khổ đau vốn dĩ xảy ra trong đời sống thường nhật. Tuy cái nhìn về Chánh pháp chưa được sâu rộng, nhưng với tâm nguyện “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”, người viếtvận dụng hết khả năng tu tập quán chiếu của chính mình, nhằm đóng góp phần nào vào sự nghiệp hoằng pháp mà chư Tổ và các bậc thầy đã và đang thực hiện.
Thiết nghĩ, sống trong cuộc đời này dù bất cứ hạng người nào cũng đều có thể gặp phải những khó khăn trắc trở xảy ra, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, hạnh phúc hay khổ đau cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi con người. Nếu trong mỗi giây phút hiện tại chúng ta sống có chánh niệm tỉnh thức, thì khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh dù ngang trái đến mấy chăng nữa, ta vẫn giữ được thái độ an bình và tự tại.
Dù đã lưu tâm, suy nghiệm để tác phẩm này ra đời đem lại lợi ích an vui cho người đọc, nhưng với khả năng hạn chế của tự thân, người viết chỉ chia sẻ một số khía cạnh trong đời sống thường nhật, chưa trình bày hết những ý nghĩa thâm sâu trong các đoạn kinh đã được trích dẫn. Ngưỡng mong chư tôn đức và quý bạn đọc hoan hỷ bổ khuyết thêm.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chùa Phước Viên, Biên Hòa, Đồng Nai
Ngày 01-04-2012
Viên Ngộ
Thấy rõ khổ để bớt khổ!
Sống ở cuộc đời này, bất cứ người nào cũng có những nỗi khổ niềm đau, dù ít hay nhiều. Bởi thân thể ta đau nhức là khổ, giận hờn là khổ, tiếc thương cũng khổ… Có rất nhiều yếu tố đem lại cho ta đau khổ, nhưng chung quy đều xuất phát từ chính bản thân của mình.
Khổ là một sự thật hiển nhiên, không một ai có thể phủ nhận lẽ thật ấy (Khổ đế). Bất cứ ở nơi nào trên thế giới này, cho dù ở đó ta có nhiều tiền bạc, bằng cấp, địa vị hay uy quyền thì vẫn bị phiền não và khổ đau chi phối. Bởi mỗi khi ta chưa nhận diện và chuyển hóa được những hạt giống giận hờn, tham lam, buồn tủi, lo lắng, sợ hãi, ghen tị, trách móc… ở trong mảnh đất tâm của mình thì sẽ dễ dàng bị sợi dây phiền não trói buộc và sai sử. Tuy nhiên, hạnh phúc hay vắng mặt khổ đau lại là một sự thật khác (Diệt đế). Nếu như ngay tại đây, ta thấy rõ ràng từng diễn biến xảy ra ở thân tâm mình và hoàn cảnh xung quanh trong trạng thái sáng suốt, khách quan và trung thực thì khổ đau không có cơ hội để biểu hiện. Trong Kinh Tứ niệm xứ, Đức Thế Tôn dạy rằng:
Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. (Kinh Trung Bộ I, HT. Thích Minh Châu, tr.132)
Nhiệt tâm hay tinh cần ở đây, không phải là sự cố gắng, nỗ lực của cái ta tham vọng, mà chỉ cần không giãi đãi hoặc không hời hợt trong việc chú tâm quan sát đối tượng đang là. Chánh niệm, nghĩa là ta không bỏ quên thực tại hay bị dao động theo trần cảnh, mà luôn trực diện với chính mình. Tỉnh giác, tức là cái thấy biết trong sáng, khách quan, trung thực không bị che mờ bởi do sự điều động của ý thức hay quan điểm, tư tưởng chủ quan.
Vậy thì, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, có nghĩa là: ta chỉ cần thấu rõ mọi diễn biến ở thân tâm mình cũng như hoàn cảnh đương tại, và có mặt trọn vẹn với chính nó. Hiện cảnh ấy như thế nào ta nhận biết y như thế đó, chứ đừng thêu dệt hay thêm bớt gì nữa cả thì ta không bị bản ngã tham sân si trói buộc.
Thực ra, khổ chỉ xuất phát khi tâm ý vướng mắc vào đối tượng, hoặc có ý niệm muốn loại trừ đối tượng đó. Còn ngược lại, khi ta tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, nhưng chỉ ghi nhận đơn thuần thôi mà không khởi tâm muốn chiếm hữu hoặc loại trừ, thì khổ đau không có cơ sở để sinh khởi. Căn bệnh lớn nhất của chúng ta là muốn chiếm hữu các đối tượng thích thú, nhằm thỏa mãn các giác quan, và chạy trốn hay chống đối lại những gì thân tâm không ưa thích. Đây chính là nguyên nhân tạo ra phiền não và khổ đau. Bởi cố mong cầu để đạt được một cái gì đó thì rơi vào tâm tham lam, và mình ao ước mong muốn cái đó, nhưng giấc mơ ấy không thành tựu thì chắc chắn khổ đau sẽ hiện hữu (cầu bất đắc khổ). Còn, khi ta cố gắng để loại trừ những gì mình cảm thấy khó chịu thì đó chính là cái tâm sân hận. Và nếu, ta muốn dẹp bỏ chúng nhưng không được thì lại khổ hơn (oán tăng hội khổ). Như vậy, trong cuộc sống hàng ngày khi nào ta rơi vào hai trạng huống này sẽ trở nên bế tắc và bất an.