Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Nạn Kỳ Thị Giải Thích Cho Con Gái Tôi – Tahar Ben Jelloun
Ngày 22-02-1997, khi đi biểu tình để chống dự luật Debré về nhập cảnh và ngụ cư của người nước ngoài trên đất Pháp mà tôi có ý định viết về quyển sách này. Cô con gái tôi mới mười tuổi đã đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi. Cháu muốn biết tại sao phải đi biểu tình, mấy khẩu hiệu đó có nghĩa là gì, mấy biểu ngữ này dùng để làm gì khi xuống đường, vv.
Vì lý do đó mà chúng tôi nói về nạn kỳ thị. Nhớ lại các câu hỏi và các suy nghĩ của cháu, tôi soạn một bản văn. Lúc đầu chúng tôi cùng đọc chung với nhau, sau đó thì tôi phải viết lại hoàn toàn. Tôi thay đổi các chữ cầu kỳ và giải thích những khái niệm khó hiểu. Tôi đọc lại cho cháu và hai cô bạn của cháu nghe. Phản ứng của chúng rất thích thú. Tôi ghi lại và sau đó viết lại.
Bản văn này viết đi viết lại không dưới mười lăm lần. Cần phải trong sáng, đơn giản, khách quan. Tôi muốn ai đọc cũng hiểu dù tôi ưu tiên viết cho những em từ tám đến mười bốn tuổi. Cha mẹ các em cũng có thể đọc được.
Tôi đi từ nguyên tắc cuộc chiến chống kỳ thị phải bắt đầu từ giáo dục. Người ta có thể giáo dục trẻ con nhưng không giáo dục được người lớn. Vì thế bản văn này được nghĩ ra và viết trong chiều hướng giáo dục.
Tôi xin cám ơn các bạn đã đọc lại bản văn và ghi lại nhận xét cho tôi. Tôi cũng cám ơn các bạn của Mérième đã góp phần soạn thảo những câu hỏi.
– Ba, ba nói đi, thế nào là nạn kỳ thị?
– Kỳ thị là một lối cư xử khá phổ biến, chung chung trong tất cả mọi xã hội, than ôi, nó trở nên thường trong một vài xứ bởi vì người ta không ý thức điều này. Từ ngờ vực đến khinh bỉ những người có diện mạo bề ngoài, có văn hóa khác chúng ta.
– Khi ba nói “chung chung”, ba muốn nói là bình thường?
– Không. Không phải vì đối xử thông thường mà nó bình thường. Chung chung, con người có khuynh hướng ngờ vực ai đó khác mình, một người lạ chẳng hạn; đó là lối đối xử xưa như trái đất của con người; nó phổ biến. Nó xảy ra cho tất cả mọi người.
– Nếu nó xảy ra cho tất cả mọi người thì con cũng có thể là người kỳ thị!
– Trước hết, bản chất tự nhiên của trẻ con là không kỳ thị. Một em bé sinh ra chưa biết kỳ thị. Nếu cha mẹ và người thân không đặt trong đầu chúng các ý tưởng kỳ thị thì nó không có lý do gì để trở thành kỳ thị. Ví dụ nếu người ta làm cho con tin rằng người có nước da trắng thì hơn người có nước da đen, nếu con xem trọng lời khẳng định này thì có thể con sẽ có một cách đối xử kỳ thị với người có nước da đen.
– Thế nào là hơn?
– Ví dụ nghĩ rằng người có nước da trắng thì thông minh hơn người có một làn da khác như đen hoặc vàng. Nói một cách khác, các nét về thể lý làm người này khác người kia thì không can dự đến bất cứ một bất bình đẳng nào.
– Ba nghĩ con có trở nên kỳ thị không?
– Trở nên, có thể lắm; tất cả tùy vào giáo dục con nhận được. Tốt hơn là phải biết nó để ngăn mình đừng kỳ thị, nói cách khác là chấp nhận mọi trẻ em hay mọi người lớn có thể, một ngày nào đó, có suy nghĩ và đối xử hất hủi với một người mà người này chẳng làm gì mình hết nhưng chỉ vì họ khác mình. Điều này thường hay xảy ra. Mỗi người trong chúng ta, một ngày nào đó, có một hành vi xấu, một suy nghĩ xấu. Mình bực mình vì một người không quen thuộc, mình nghĩ mình hơn họ, mình có cảm tưởng mình hơn hoặc thua họ, mình hất hủi họ, không muốn họ là hàng xóm, lại càng không muốn kết bạn với họ, đơn giản vì họ khác mình.
– Khác?
– Khác là ngược với giống, một cái gì y hệt. Cái khác đầu tiên là khác giới tính. Người đàn ông cảm thấy mình khác người đàn bà và ngược lại. Khi có sự khác biệt này, thì chung chung là có lôi cuốn.
Mặt khác, người mà mình gọi cái “khác” thì họ có một màu da, ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, lối sống, thức ăn, cách thức mừng lễ, vv… khác với chúng ta. Khác qua sắc vóc (cao thấp, màu da, nét mặt…), qua cách đối xử, não trạng, tín ngưỡng…
– Như thế kỳ thị là không thích ai có ngôn ngữ, thức ăn, màu sắc khác mình?
– Không, không hẳn như vậy; một người kỳ thị có thể thích và học một ngôn ngữ khác bởi vì họ cần để làm việc hoặc để giải trí nhưng họ có thể có một phê phán tiêu cực và bất công đối với các dân tộc nói thứ tiếng này, giống như trường hợp họ từ chối không cho một sinh viên Việt Nam thuê phòng chẳng hạn nhưng lại thích đi ăn tiệm ăn Việt Nam. Người kỳ thị là người nghĩ những ai quá khác mình có nguy cơ làm mất yên tỉnh của mình.
– Chính người kỳ thị là người có thể cảm thấy mình bị đe dọa?
– Đúng, bởi vì họ sợ người không giống họ. Người kỳ thị là người đau khổ vì mặc cảm tự ti hay tự tôn. Hai thái độ này đều giống nhau vì trong trường hợp này hay trường hợp kia, lối đối xử của họ là khinh bỉ.