Downloadsachmienphi.com

Trang

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Trang –

Thị trấn Khai Phong lúc bấy giờ vào đầu xuân. Mùa xuân đến muộn với tỉnh Hồ Nam, miền Hoa Bắc.

Sau các bức tường cao, hoa đào đã nở trong các hoa viên, sớm hơn ở các nông trại rải rác khắp cánh đồng phẳng lặng chạy dài chung quanh hào thành thị trấn. Dù được khuất gió, nhưng đến ngày lễ Quá Hải[1], các nụ đào cũng chỉ mới phơn phớt hồng.

Trong hoa viên nhà ông Era, nhiều cành đào đã được cắt từ trước, để các nụ hoa kịp nở trong ngày lễ. Mỗi mùa xuân đến, Trang, người nữ tỳ Trung Hoa lại trưng bày những cành đào đầy hoa khắp các bức tường gian phòng chính. Và hằng năm, ông bà Era cũng không quên lưu ý đến công việc của nàng. Hôm ấy, nghĩ đến mùa xuân băng giá với những cơn gió bấc lạnh lùng thổi thốc vào thị trấn, hai ông bà đặc biệt ngợi khen cô gái trẻ.

— Kìa, bà xem, thật là một phép lạ! Trang nó làm đấy! – Ông Era vừa nói vừa đưa bàn tay mập mạp trỏ các đóa hoa đào.

Bà Era dừng bước ngắm, nét mặt nghiêm nghị đã trở nên dịu hiền. Bà nói:

— Đẹp lắm con ạ!

Trang vẫn im lặng để giữ lễ, hai bàn tay nhỏ bé chắp lại trên cánh tay áo phồng. Nàng bắt gặp nét nhìn của Đavít nên vội quay đi, nhưng khẽ mỉm cười để đáp lại nụ cười nồng nhiệt của Lịch. Vị giáo trưởng già đứng yên vì đôi mắt đã mù hẳn, còn con trai giáo trưởng là Arông, thì Trang không nhìn đến.

Họ ngồi quanh cái bàn tròn lớn đặt giữa gian phòng chính. Trang đôn đốc các nô tỳ hầu khách một cách im lặng, duyên dáng. Nàng điều khiển bốn nữ tỳ khác, trong đó, mụ Hoàng lớn tuổi hơn hết giữ việc hầu trà.

Lâu lắm, từ hồi ký ức nàng còn ghi nhớ được đến nay, hằng năm, Trang đều có dự vào buổi dạ yến này tại nhà chủ nhân. Chính nàng coi sóc việc sắp dọn các món ăn, và đám nô bộc vâng theo lời nàng, vì nàng biết rõ chỗ cất đồ vật trong nhà như chính nàng là con gái của gia đình này vậy.

Người ta xếp cất bộ chén dĩa cẩn thận suốt năm, chỉ đem dùng một lần trong bữa dạ yến thường niên áp lễ Quá Hải. Nào muỗng bạc, nào đũa ngà, nào đèn đồng bảy ngọn chói lọi trong ánh sáng, đèn lồng treo cao trên xà nhà sơn son. Như mọi năm, trên một mâm bạc lớn, Trang đã xếp những vật tượng trưng mà nàng không hiểu ý nghĩa: một cái trứng luộc, một ít thoan thảo[2], vài trái táo, trái hồ đào và rượu nho. Những phẩm vật tượng trưng cho một tôn giáo kỳ lạ!

Ngày hôm ấy xem có vẻ kỳ dị đối với thành phố này. Và dù đã quen thuộc lễ nghi, Trang cũng không khỏi ngạc nhiên mỗi khi mùa xuân đến. Trước hết là việc tìm kiếm khắp nhà những mẩu bánh men. Sáng ấy, ông Era vừa lục soát trong mọi xó, vừa cười, lơ đễnh như thói quen thường ngày. Xưa kia, bà Era giấu các mẩu bánh thừa, nhưng đã từ bao năm nay bà phó thác việc ấy cho Trang, và ông Era bảo nàng đếm các mẩu bánh để biết lúc nào ông đã tìm xong. Có phần ngượng nghịu trước đám nô bộc, bộ điệu của chủ nhân trở nên ngộ nghĩnh buồn cười. Hồi thơ ấu, Trang và Đavít cùng nhau đi kiếm một cách vui vẻ, đưa tay chỉ mỗi mẩu bánh cấm và cười ngất. Nhưng lúc bấy giờ, nàng chưa biết mình chỉ là một kẻ nô tì.

Bây giờ, nàng đã biết. Nàng đứng yên chăm chú suốt bữa tiệc. Mỗi thực khách, nàng đều biết ít nhiều về họ. Nhất là Đavít! Chính vì chàng mà người ta đã mua nàng, vào một năm đói kém, lúc đê vỡ, nước sông tràn ngập các miền đồng thấp. Lúc bấy giờ, nàng còn nhỏ quá! Và dù cố đi sâu vào dĩ vãng, nàng cũng không nhớ được một khuôn mặt nào trước Đavít cả. Đây, kỉ niệm đầu tiên của nàng: gương mặt một cậu bé, hơn nàng hai tuổi, khi nào cũng lớn hơn, mạnh hơn, nên tự nhiên nàng thích gần gũi và nương nhờ che chở. Thuở ấy, cậu là người mà nàng giãi bày tâm sự, gởi gắm ưu phiền, và đã phải khó khăn lắm nàng mới chấm dứt được thói quen này. Nhưng, nàng biết cần phải chấm dứt. Sự thân mật giữa đôi trẻ không thể tiếp tục lúc đã lớn khôn, khi mà một kẻ là chủ và kẻ kia là nô tì.

Trang không than phiền; nàng cảm thấy sung sướng trong gia đình khá giả này. Chủ nhân, ông Era là một thương gia phì nộn và vui tính. Không có bộ râu rậm, Trang tự nhủ, ông Era đã giống một người Trung Hoa, vì ông là người Trung Quốc. Không ai đả động đến điều này bao giờ, điều mà bà Era đã lấy làm khổ sở, nhưng bà tự an ủi vì nhìn thấy Đavít, con bà giống mẹ hơn bố, và càng giống ông ngoại mà chàng mang tên hơn. Mặc dù người ta có mang ơn riêng của bà Era nhưng ai cũng kiêng sợ bà, vì tính khí bà thất thường nên lòng tốt của bà rất dễ tiêu tan một cách đột ngột. Tuổi xấp xỉ ngũ tuần, bà là một người đàn bà cao lớn, mạnh khỏe, và xinh đẹp đối với những ai không chê một sống mũi cong và một màu da sẫm. Bà có một lòng tin vững chắc, những tập quán bất di bất dịch lẫn lộn một cách lạ lùng với lòng quảng đại của bà. Hằng năm, bà mời giáo trưởng và hai người con là Lịch và Arông đến dự lễ Quá Hải. Arông mười bảy tuổi, bạc nhược và giả dối, Trang khinh bỉ vì mặt chàng xanh xao, nhem nhuốc và vì chàng trụy lạc. Nàng tự hỏi, không biết giáo trưởng hay gia đình ông Era có hay biết sự trụy lạc của Arông không. Nhưng thăm hỏi về vấn đề này không phải là việc của nàng. Có lẽ những người Do Thái ở Khai Phong không hay biết gì về hành vi của Arông, còn người Trung Hoa thì quá dè dặt nên không ai mách làm gì.

Lịch khác hẳn em trai. Nàng xinh đẹp, lại hiền lành, đó là bản tính thiên nhiên mà tạo hóa đã phú cho những nhân vật đặc biệt. Trang đứng cạnh bàn nhìn Lịch với một lòng thèm muốn pha lẫn đôi chút ưu tư, nhưng không bao giờ trở thành ghen ghét. Tối hôm ấy, Lịch bận áo màu rượu chát đỏ, với dải thắt lưng vàng, nàng xinh đẹp tuyệt trần, dù vóc dáng hơi cao. Người Trung Hoa không ưa đàn bà hình vóc cao, nhưng nước da màu sữa và đôi mắt đen sáng ngời sau hai hàng mi của Lịch cũng đã bù đắp được khuyết điểm ấy. Còn sống mũi của nàng, dù ít khuyết điểm hơn sống mũi của bà Era, nhưng đối với sở thích của người như thế cũng vẫn còn cong quá.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo