Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Tâm Sự Tướng Lưu Vong – Hoành Linh, Đỗ Mậu
Trong suốt quá trình lịch sử cận đại của nước ta, trên cả ba miền đất nước mà đặc biệt tại miền Trung, khi nói đến cái “lò” cách mạng hay cái “nôi” văn học là phải nói đến hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía bắc Đèo Ngang, và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ở phía nam Đèo Hải Vân. Những bậc hào kiệt tài danh đứng đầu ngọn sóng cách mạng hoặc làm đẹp cho nền thi văn đất nước như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều xuất thân từ vùng đất Nghệ Tĩnh; còn những tên tuổi của Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, Trần Quí Cáp thì lại vươn lên từ vùng đất Nam Ngãi, nơi được mang danh là đất của “Ngũ Phụng Tề Phi” (năm con rồng cùng bay) nhờ kỳ thi Hội năm Mậu Tuất (1898) ba tiến sĩ và hai phó bảng trong số mười tám vị chiếm bảng vàng đều xuất thân từ tỉnh Quảng Nam, cho nên vua Thành Thái mới ban cho năm vị tân khoa bốn chữ “Ngũ Phụng tề phi” vang rền đất nước.
Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, dưới thời Pháp thuộc, cũng chính là vùng bất khuất, tiếp nối truyền thống cách mạng chống ngoại xâm của cha ông, vùng lên đối kháng chính quyền bảo hộ Pháp mà điển hình là các cuộc đấu tranh của Văn thân, của Cần vương, là phong trào chống thuế ở Nam Ngãi, là phong trào Xô Viết ở Nghệ Tĩnh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và một số các lãnh tụ khác của đảng cộng sản Việt nam, cũng xuất thân từ lò luyện thép này.
Bên cạnh vóc dáng và khí thế lẫy lừng của bốn tỉnh kể trên, Bình Trị Thiên là ba tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo lớn đó của miền Trung, vì quen nhọc nhằn chống lại thiên nhiên hà khắc, lại vốn làm cái đòn gánh chính trị oằn vai vì sức nặng cách mạng của bốn tỉnh tiếp giáp nên cũng đã cưu mang trong sức sống tất cả cái hào hùng và oan nghiệt của lịch sử. Tỉnh Quảng Bình, tuy là một tỉnh nhỏ về cả hai phương diện dân số lẫn diện tích nhờ đó chiếm được địa vị của một vùng đất quê hương nổi tiếng địa linh nhân kiệt.
Từ đời Hùng Vương, Quảng Bình đã là một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang, có tên là Việt Thường với thủ đô là Phong Châu. Vì là tỉnh cực Nam tiếp giáp với biên giới Chiêm Thành nên suốt một thời gian dài trong quá trình dựng nước và mở nước, Quảng Bình đã là chiến địa khốc liệt và dai dẳng, lắm phen thay ngôi đổi chủ giữa hai dân tộc Chiêm Thành bắt được vua Chế Củ và sát nhập ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bổ Chính thì Quảng Bình (và phần đất phía bắc tỉnh Quảng Trị) mới hoàn toàn thuộc về lãnh thổ nước Việt nam và thuộc về chủ quyền dân tộc Việt nam cho đến bây giờ.
Tuy là một tỉnh nhỏ, dù bề dài 110 cây số, nhưng bề ngang chỉ vào khoảng 45 cây số, quanh năm ách nước tai trời, lưng dựa vào Trường Sơn huyền bí, mặt nhìn về biển Đông thét gào, đất cày lên không sỏi thì đá, nhưng tạo hóa lại đền bù cho Quảng Bình nhiều danh lam thắng cảnh để tô điểm thêm cho thanh kỳ, mỹ tú mà nhiều tỉnh khác không có. Lũy Thầy, Đèo Ngang, sông Linh Giang, động Phong Nha… không những là kỳ tích của thiên nhiên mà còn là những địa danh ghi đậm những biến cố hào hùng trong lịch sử nước nhà.
Đèo Ngang nằm trên một rặng núi bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, vươn ra biển Nam Hải như một bức tường thành hùng vĩ nên có lẽ vì thế mà rặng núi này được gọi là Hoành Sơn. Sử chép rằng chúa Nguyễn Hoàng thời Lê Mạt trước khi vào trấn nhậm Đàng Trong, có cho người đến thỉnh ý cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ nhìn thấy một đàn kiến đang bò lên hòn giả sơn trước sân nhà, bèn nói “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (núi Hoành một dãy vạn đời dung thân).
Câu chuyện thuộc về dã sử không rõ thực hư, nhưng kể từ năm 1558, khi chúa Trịnh cho Nguyễn Hoàng vào Nam trấn nhậm cho đến khi nhà Nguyễn lập quốc xưng vương vào năm 1802, rồi kéo dài cho đến năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, tổng cộng gần 400 năm kể cũng là vạn đại lắm rồi.
Cảnh vật Đèo Ngang như là nơi tao ngộ của trời mây, non nước, đất đá, cỏ cây, lại có ải quan trơ gan cùng ngày tháng, có Cổ Lũy pha đậm nét rêu phong, cảnh trí vừa hùng vĩ vừa nên thơ dễ làm động lòng khách du quan mỗi khi đi qua đèo. Vua Lê Thánh Tôn, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu… những thi hào tên tuổi của Việt nam dừng chân trên đỉnh đèo, động lòng hoài cảm trước cảnh vật giao hòa đã để lại những vần thơ láng lai tình non nước. Người Việt nam không mấy ai không biết bài thơ hoài cảm Qua Đèo Ngang tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen dá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác dác bên sông chợ mấy nhà .
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Cách Đèo Ngang 15 cây số về phía Nam có sông Gianh mà lòng sông vừa sâu lượng nước lại vừa chảy mạnh. Sông Gianh bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn hiểm trở, bạt núi xuyên ngàn tạo ra nhiều thác lắm ghềnh và đổ òa ra biển Nam Hải, cắt đôi đất nước thành hai miền riêng biệt. Bề ngang rộng lớn của dòng sông và thế chảy mãnh liệt của dòng nước biến sông Gianh thành một trở lực thiên nhiên hữu ích cho các nhà quân sự muốn tạo một thế bố phòng vững chắc vào cái thời mà vũ khí và các phương tiện vận tải còn giới hạn.