Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp
Tác Giả: Luis Sepulveda
Thể Loại: Văn Học Thiếu Nhi
Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp – Luis Sepulveda
Về câu chuyện này…
Vài năm trước, trong lúc chúng tôi đang ở ngoài vườn nhà, cháu trai Daniel của tôi cứ chăm chú quan sát một con ốc sên. Bỗng cu cậu nhìn tôi rồi hỏi một câu thật khó: tại sao ốc sên lại chậm đến vậy?
Tôi đã đáp là tôi chẳng thể trả lời ngay lúc ấy và tôi hứa sẽ giải đáp cho cu cậu, chưa biết khi nào, nhưng tôi sẽ giải đáp.
Tôi vốn luôn giữ lời, vì vậy câu chuyện này sẽ thử đưa ra lời giải cho câu hỏi ấy.
Và đương nhiên, tôi tặng câu chuyện này cho các cháu của tôi Daniel, Gabriel, Camila, Aurora, Valentina, đồng thời cũng tặng cho hết thảy ốc sên sống trong vườn.
Trên một cánh đồng gần nhà bạn và nhà tôi có một đàn ốc sên đang sinh sống, chắc mẩm là đã được ở nơi tốt nhất trần đời. Chẳng có con nào bò tới tận bìa đồng cỏ, lại càng không bò đến tận con đường nhựa bắt đầu chính tại nơi mọc lên những nhánh cỏ cuối cùng.
Vì chúng chưa bao giờ đi đây đi đó nên chẳng thể so sánh, do đó không hay biết rằng đối với loài sóc thì ngọn cây dẻ gai là chỗ trú ngụ tuyệt vời nhất, hoặc với loài ong thì không có nơi nào dễ chịu hơn những cái tổ bằng gỗ đặt thành hàng ở đầu bên kia đồng cỏ. Chúng không biết so sánh, việc đó cũng chẳng quan trọng gì, bởi với chúng, cánh đồng đẫm nước mưa này, nơi ngập tràn cây răng-sư-tử, hay còn gọi là bồ công anh, chính là nơi tuyệt vời nhất để sinh sống.
Khi những ngày đầu tiên của mùa xuân tới, và khi mặt trời nhả những tia ấm áp nhẹ nhàng ve vuốt, chúng thức dậy sau kỳ ngủ đông, chỉ cần cố gắng dãn cơ chút xíu là có thể nâng cái vỏ đủ để thò đầu ra ngoài rồi giương cao hai cái tua đỡ hai con mắt. Thế rồi chúng thích thú khám phá cánh đồng giờ đã ngập tràn cỏ cùng những bông hoa dại nhỏ và nhất là hoa bồ công anh ngon nghẻ.
Mấy cụ sên lão làng nhất gọi cánh đồng ấy là “Xứ sở Bồ Công Anh”, chúng cũng gọi cây ô rô rậm rạp, vẫn thường đâm chồi nảy lộc trỗi dậy tươi mới mỗi độ xuân sang từ những mảnh lá còn sót lại sau cơn tàn phá của băng giá mùa đông, là “Nhà”. Phần lớn thời gian, chúng sống dưới tán lá ô rô này, để trốn ánh mắt hau háu của lũ chim.
Giữa đồng loại với nhau, chúng gọi nhau đơn giản là “sên”, chuyện đó khiến đôi lần xảy ra vài vụ nhầm lẫn mà sau này việc hóa giải diễn ra rất chậm chạp. Chẳng hạn, nếu có con nào đó muốn nói chuyện với một con khác, nó sẽ thì thầm: “Sên ơi, tôi muốn kể cho anh nghe chuyện này”, thế là tất cả những con khác đều ngoái đầu nhìn. Những con ở bên phải quay sang trái, những con ở bên trái thì quay sang phải, những con ở đằng trước ngoái đầu ra sau, còn những con ở đằng sau thì rướn cái đầu bé tí của chúng ra thì thầm: “Cậu muốn kể chuyện gì cho tôi à?”
Khi tình huống này xảy ra, con ốc sên muốn kể chuyện chầm chậm bò, đầu tiên là sang trái, sau là sang phải, tiếp nữa là về phía trước hoặc phía sau mà lặp đi lặp lại: “Xin lỗi, không phải tôi muốn kể chuyện với anh đâu”, cho đến khi nó tới được chỗ con ốc sên mà thật ra nó muốn kể chuyện, thông thường chuyện ở đây là một sự kiện liên quan đến cuộc sống nơi đồng cỏ.
Chúng vốn biết rõ mình chậm chạp và lặng lẽ, rất chậm chạp và rất lặng lẽ, chúng cũng biết sự chậm chạp và lặng lẽ ấy khiến chúng mong manh, mong manh hơn rất nhiều so với các động vật khác có khả năng di chuyển nhanh nhẹn và biết kêu báo động. Để khỏi phải sợ sự chậm chạp và lặng lẽ, chúng tránh nói đến vấn đề này và chấp nhận sống như chúng vốn thế với vẻ cam chịu.
Những cụ sên già vẫn thường thì thầm thế này:
– Sóc kêu to và chuyền nhanh từ cành này sang cành khác. Kim oanh và khướu, con thì líu lo, con thì khẹc khẹc, cũng bay nhanh. Chó và mèo, con sủa gâu gâu, con kêu meo meo, thì chạy lẹ. Nhưng còn chúng ta, chúng ta chậm chạp và lặng lẽ, đời vốn thế chẳng việc gì phải khác đi.
Tuy nhiên trong số chúng có một con ốc sên, dù đã chấp nhận cuộc sống chậm chạp và lặng lẽ, vẫn muốn tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm chạp ấy.