Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
36 Kế Ứng Dụng Trong Kinh Doanh Và Cuộc Sống – Ngọc Bích
“Ba mươi sáu kế” là bộ sách mưu lược quân sự mang tính kinh điển, sâu sắc, tinh túy trong kho báu trí tuệ của Trung Hoa cổ đại. Trải qua quá trình biến đổi và phát triển của lịch sử tư tưởng, mưu lược của “Ba mươi sáu kế” đã thâm nhập một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: chính trị, ngoại giao, kinh tế… Và trở thành tài sản trí tuệ được mọi người thừa nhận. Trong lĩnh vực kinh tế, buôn bán thương phẩm, kinh doanh từng giờ từng phút phải đối mặt với thách thức cạnh tranh và khuynh hướng khốc liệt hóa của cạnh tranh thị trường là tồn tại và phát triển tất yếu của thương trường nên mới có câu: “Thương trường là chiến trường”.
Các nhà kinh tế đều thừa nhận: Trong thương trường tư tưởng của “Ba mươi sau kế” cũng chính là: mưu lược, sách lược, nghệ thuật, kỹ năng, kỹ xảo để cạnh tranh tồn tại và phát triển.
“Ba mươi sáu kế kinh doanh” đã tổng kết một cách sâu sắc, độc đáo, hệ thống hoá, sinh động hóa những tri thức kinh điển áp dụng trong kinh doanh hiện đại với nội dung sáng rõ, dễ hiểu và đại chúng.
Hy vọng cuốn sách này sẽ là cẩm nang hữu ích đối với các doanh nhân và đông đảo bạn đọc quan tâm tới kinh doanh và thương trường.
Bày ra hiện tượng giả để che dấu ý đồ thực sự, che dấu ý đồ thực sự trong những việc đã rõ ràng; thực hiện ý đồ kinh doanh của mình dưới sự chở che của hiện tượng giả.
Nguyên văn: Bị chu tắc ý đài, thường kiến tắc bất nghi. Âm tại dương chi nội, bất tại dương chi đối. Thái dương, thái âm.
Chú thích:
Đài: Lỏng lẻo
Thái dương, thái âm: Khái niệm này xuất hiện từ rất sớm trong “Kinh Dịch”. Âm và dương vốn là phạm trù cơ bản của triết học Trung Quốc cổ đại, đại diện cho sự mâu thuẫn, đối lập của đôi bên. Thông thường thì cương (cứng rắn), minh (sáng), chính (chính trực, chính nghĩa), lợi (lợi ích), động (chuyển động), phúc, thử (nắng), thực (những cái có thật) được coi là dương. Nhu (mềm mại), ám (tối tăm), kỳ (lạ lùng), hại (điều hại), tịnh (yên tĩnh, yên lặng), họa (tai họa), hàn (giá rét), hư (không thật, trống rỗng) được coi là âm. Dương trong kế này chỉ sự công khai, rõ ràng, âm chỉ điều cơ mật, bí mật.
Thái dương: Hình thức cực đoan của dương (chí dương), chỉ sự cực kỳ công khai.
Thái âm: Hình thức cực đoan của âm (thái âm) chỉ ý cực kỳ cơ mật, bí mật.
Giải thích:
Nếu cho rằng mình đã đề phòng cực kỳ chu đáo sẽ dễ dàng nảy sinh thái độ tê liệt, lỏng lẻo trong ý thức. Những điều ngày thường nhìn quen mắt sẽ không chú ý đến, không bị nghi ngờ tới. Giấu điều cơ mật trong những thứ quá rõ ràng chứ không cho điều cơ mật và sự rõ ràng là điều hoàn toàn trái ngược.
Những điều cực kỳ công khai thường ẩn chứa trong nó bao điều cơ mật.
Xuất xứ của mưu kế:
Kế này được ghi trong cuốn “Vĩnh Lạc Đại Diễn. Tiết Nhân Quý chinh liêu sự lược”. Kể về việc Tiết Nhân Quý lừa Đường Thái Tông vốn không muốn vượt biển khiến Đường Thái Tông vượt biển mà không biết bản thân mình đang vượt biển.
Ý nghĩa vốn có của kế này là Tiết Nhân Quý lừa Đường Thái Tông (thiên tử) khiến ông ta lên thuyền vượt biển mà không hề hay biết. “Mạn thiên quá hải” là vận dụng giả tượng(1) để mê hoặc đối phương, khiến đối phương lơ là cảnh giác hoặc phân tán tư tưởng, sau đó xuất kỳ bất ý, đánh vào nơi không phòng bị, giành lấy thắng lợi. “Mạn” (che dấu) chính là vấn đề mấu chốt của kế này. Nó không chỉ việc khiến cho đối phương không biết được ý đồ thực sự của mình, đồng thời cũng yêu cầu người vận dụng kế phải có sự cố gắng đáng kể khiến đối phương không hề nảy sinh ý nghi ngờ mình, từ đó lơ là cảnh giác và có phán đoán sai lầm về mình.
Hải quan Mỹ có quy định đánh mức thuế cực cao cho sản phẩm găng tay nhập khẩu từ Pháp và dùng cách này để khống chế sự cạnh tranh giữa găng tay Pháp ngoại nhập và găng tay do Mỹ sản xuất. Vì vậy giá găng tay do Pháp sản xuất ở Mỹ rất cao. Hiển nhiên ai có thể lọt qua hàng rào thuế quan cực cao này của Mỹ để mang găng tay của Pháp vào đây bán, người ấy sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Taile đã đặt mua 10.000 đôi găng tay da chất lượng tuyệt hảo ở Pháp sau đó chia ra làm hai, để găng tay bên phải vào một hòm rồi gửi về Mỹ. Số hàng này về đến Mỹ, Taile không ra hải quan nhận hàng ngay. Theo quy định của hải quan nước Mỹ thì hàng gửi đến quá hạn mà không ai đến nhận sẽ được ngành hải quan đem ra phát mại. Thế là ban thương mại của hải quan Mỹ do Xituoer phụ trách phát mại hòm hàng này. Bởi hòm găng tay này chỉ toàn là găng bên phải nên được coi như hàng phế phẩm. Vì vậy người ta không trả giá cao lắm cho hòm hàng này. Cuối cùng, nó đã được một thương nhân mua với giá rất rẻ. Vị thương nhân ấy chính là Taile.
Xituoer cảm thấy chuyện này có cái gì đó rất kỳ lạ bên trong. ông ta bèn thông báo cho phía hải quan Mỹ phải thẩm tra một cách nghiêm ngặt mặt hàng găng tay nhập khẩu từ Pháp về, đặc biệt là găng tay bên trái. Đồng thời phải luôn để mắt đến những hành động của Taile. Nhưng sau đó Taile lại chỉ nhập khẩu găng tay nguyên đôi từ Pháp về, tổng cộng là 5000 đôi. Phía hải quan không hề phát hiện thấy Taile nhận được hòm găng tay bên trái nào. Chuyện gì xảy ra vậy? Xituoer luôn cảm thấy cực kỳ khó hiểu.