Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Truyền Thống Dân Tộc – Lê Văn Siêu
Câu chuyện tôi nói với quý bạn hôm nay chắc sẽ dài. Không dài sao được khi đề cập đến những truyền thống của cả một dân tộc đã có gần năm ngàn năm lịch sử?
Tôi biết rằng quý bạn sẽ không xem xét vấn đề này theo con mắt của những nhà khảo cứu văn hóa. Mà sẽ chỉ cần biết những đặc tính cố hữu của nhân dân, để mai mốt đây có dịp tiếp xúc với nhân dân thì quý bạn không đến nỗi ngỡ ngàng như những người ngoại quốc, và công tác phụng sự xã hội của quý bạn mới có hy vọng nào chắc chắn thành công.
Nhưng cũng bởi ý muốn của quý bạn là như thế, nên tôi lại thấy cần phải trình bầy vấn đề cho thật giản dị và khúc chiết để không có gì ngộ nhận được nữa. Hễ ngộ nhận thì lạc đường. Hễ lạc đường thì thất bại và tai hại.
KHÔNG THỂ TÌM HIỂU TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC Ở NHỮNG VẬT THỂ THUỘC HÌNH THỨC
Chẳng hạn như người Việt mình xưa, đàn ông nho sĩ thì để móng tay dài uốn cong lên, lưa thưa vài sợi râu ở cầm và mép, đầu búi tóc, quấn khăn, còn đàn bà thì răng đen, chít khăn, tóc để đuôi gà, vận áo tứ thân mầu nâu non, vá vai, lại mặc yếm và váy.
Nếu bảo rằng Y phục ấy ở hình thức là truyền thống rồi, thì hết thảy người mình hiện nay đã xa lìa truyền thống rồi hay sao? Vả chăng đã lấy đâu làm chắc những y phục trang phục ấy đã hoàn toàn là của mình từ nguồn gốc, khi nhớ lại rằng từ đời Minh (đầu thế kỷ XV) kẻ giặc mạnh đã từng bắt người mình phải ăn vận theo họ. Và nếu chịu khó tìm tòi đến tận hồi không bị ảnh hưởng ngoại lai, thì y phục cũ của chúng ta phải là y phục thiên nhiên mới đúng, như hết thảy mọi giống dân khác.
Lại chẳng hạn như những món ăn uống: miếng trầu, điếu thuốc lào, chén nước mắm, bát phở, mắm cá, mắm tôm v.v… có thể rằng gần như cả toàn dân tộc đã quen giọng để nhìn nhận những món ấy là ngon, là thú. Nhưng không thể nói đùa dai để người ta tưởng thật rằng đấy là dân tộc tính, đấy là cái gì bất biến trong thị hiếu của người Việt Nam. Bởi có nhiều món, nhiều địa phương và nhiều người không dùng. Chẳng lẽ dân tộc tính lại không có ở địa phương và những người ấy. Huống chi các món ăn uống không phải có người Việt Nam trên trái đất này là có liền ngay theo thể cách mà ta thấy. Nó đã được hình thành qua rất lâu đời và chịu cũng đã rất nhiều ảnh hưởng. Nó thực là nguyên nhân để uốn nắn thị hiếu nhưng nó vẫn là kết quả của thị hiếu nữa. Giá trị của nó là những gì lạ miệng để giới thiệu cho những du khách. Còn nói rằng nó là dân tộc tính, ấy là nói đùa, và đùa trong khi người ta thao thức đi tìm truyền thống dân tộc, ấy là đùa mỉa.
Quan trọng hơn nữa là nhà ở. Nhà ở có biểu thị một lề thói sống chung của đông đảo nhân dân, cả về vật chất lẫn tinh thần và tâm linh, biểu thị một khả năng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, và biểu thị cả những ước vọng của người ta nữa. Nó là cái áo của một gia đình, áo dùng cho tất cả 4 mùa và thật lâu dài, năm này qua năm khác, dùng cho tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, cả sống và chết nữa, dùng cả ban ngày lẫn ban đêm, cả ngày thường lẫn ngày giỗ Tết, vừa bền bỉ, vừa cần đẹp mắt, vừa cần thoải mái. Tất nhiên nó chứa đựng trong nó cả một kho tàng đặc tính dân tộc.
Nhưng bởi cuộc sống trong dòng dài lịch sử có chịu nhiều ảnh hưởng ngoại lai, mà cái nhà lại trực tiếp chịu đựng nhiều hơn và trước hơn cái gì khác, nên khó mà phân biệt nổi những đặc tính cá biệt nào của mình trong một bộ phận nào của cái nhà.
Vả chăng, như hiện nay, có thiếu gì người không ở trong những nhà kiểu cũ nữa. Liệu dễ thường họ không còn dân tộc tính trong người sao? Và mai mốt đây có thể kỹ thuật đồ nhựa thay thế được đồ gỗ, đồ sắt, cái nhà có thể sẽ khoác một hình thức khác hẳn đi, thì liệu lúc ấy mình sẽ hết dân tộc tính chăng?