Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Nhớ – Phạm Duy
Cuộc đời tôi thật ra chưa có lúc nào yên ổn như bây giờ , khi tôi trở về sống trên quê hương mình sau ba mươi năm hòa bình và thống nhất… Từ khi sinh ra và trưởng thành, hoàn cảnh chung của đất nước thường xuyên biến động, thời cuộc đẩy đưa tôi thành một kẻ giang hồ nay đây mai đó. Đi khắp nơi trong nước, đi khắp nơi trên địa cầu, từ khi còn là tóc xanh môi đỏ cho tới khi đã là tóc bạc răng long. Sống tại nhiều nơi quá, xê dịch nhiều quá, thay đổi chỗ ở luôn luôn đến độ khi tuổi đã trên tám mươi rồi mà vẫn còn phải dọn nhà thêm một lần nữa, phải di chuyển tất cả sách vở, máy móc, đồ đạc từ một lục địa này qua một lục địa khác… Dù rằng trong đầu luôn luôn có nỗi sợ của câu châm ngôn Việt Nam: dọn nhà, như cha chết!
Tôi là nhạc sĩ nên phải có trí nhớ tốt. Nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chư ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình. Tôi có nhiều bài hát nhớ quê hương (Tình Hoài Hương, Thuyền Viễn Xứ), nhớ những cảnh huống (Còn Chút Gì Để Nhớ, Nha Trang Ngày Về) nhưng nhớ người bao giờ cũng da diết hơn là nhớ cảnh, thế mà tôi không có một bài hát nhớ bạn nào cả! Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang.
Nhớ bạn! Bạn nào? Bạn từ bao giờ?
Tôi nghĩ rằng lúc chúng ta tới tuổi cắp sách tới trường là lúc chúng ta khởi sự có bạn. Những bạn đầu tiên của tôi là những bạn học ở trường mẫu giáo chỉ có tên gọi là Trường Hàng Thùng và Trường tiểu học Nguyễn Du, tức Trường Hàng Vôi, Hà Nội. Tôi không bao giờ gặp lại những bạn học của thời thơ ấu này, hơn nữa cũng chẳng có ai là bạn thân để tôi nhớ. Tôi chỉ có cơ hội gặp lại một người là Nguyễn Đình Thi, hành nghề bác sĩ tại Orange County, California, USA.
trường Nguyễn Du
…Nhưng tôi có một người, vừa là bạn ĐẦU tiên, vừa là em kết nghĩa, quen nhau từ thuở chúng tôi mới lên 10 cho tới khi 16, 17 tuổi. Khi cả hai tới tuổi trưởng thành thì xa nhau rồi lại gặp nhau trong kháng chiến, cũng như sau khi nước Việt Nam bị chia cắt. Kể như hai đứa tôi là bạn thân với nhau trong khá lâu vậy.
Người đó là Phạm Viết, nhà ở phố Hàng Tre, cách nhà tôi ở phố Hàng Dầu khoảng một chục căn nhà, trước tiên là bạn học với tôi tại lớp vỡ lòng, sau nhận tôi là anh vì tôi lớn tuổi hơn và cũng cùng họ Phạm.
Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng đi học, hai anh em gặp nhau, chia cho nhau từng miếng xôi hay miếng bánh mì chấm dấm. Vào lớp, chúng tôi ngồi cạnh nhau, cùng đọc chung những sách vẽ Nhi Đồng. Ra sân chơi vì tôi khoẻ hơn Viết nên đánh nhau hộ Viết. Những ngày nghỉ, Viết hiền lành hơn tôi nên không tham gia những cuộc chơi phải dùng nhiều sức như đá bóng hay tắm sông. Cùng lắm là ra bờ hồ Hoàn Kiếm đào đất tìm dế, bỏ hộp đem về cho chúng chọi nhau.
Tôi thường tới chơi nhà Viết, gặp các anh chị của Viết. Cha của Viết là một nhà giáo: Phạm Học (hay Ngọc?) đặt tên cho các con là Bút, Sách, Viết… Bố tôi cũng đặt cho các con những tên mang tính chất khiêm nhường, cẩn thận… Mới hay thời chúng tôi mới lớn, trong gia đình thì có cha mẹ ban cho những cái tên có ý nghĩa tốt đẹp để mà theo, tới trường thì được dạy cho biết những gì gọi là cao nhã, lễ nghĩa, nhân hậu trong con người Việt Nam. Chúng tôi được hiểu biết những cái gọi là tình huynh đệ, tính đùm bọc, sự trong sạch, niềm tương trợ, lòng cao cả, sự cương nghị, niềm đại lượng, tính khoan hồng… Có thể nói tình bạn giữa tôi và Viết đã âm thầm và trong sáng từ lúc còn thơ cho tới khi cuộc đời làm chúng tôi phải xa nhau.
Khi lớn lên thì chúng tôi không còn học chung một trường nữa, vì nhà tôi dọn lên phố Lò Đúc, tôi học trung học tại Trường Thăng Long còn Viết thì học ở Trường Văn Lang. Rồi từ năm 1944, tôi bỏ nhà tham gia gánh hát, còn Phạm Viết thì bỏ học đi theo cách mạng.
Khi xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp, Viết là một cán bộ quân sự của Việt Minh, hoạt động ở nội thành, trong một cuộc chạm súng với lính Tây, Viết bị thương ở chân và sau đó đi đứng không được bình thường.
Trong kháng chiến, tôi hoạt động ở Việt Bắc, ở vùng trung du rồi vào Khu Bốn. Phạm Viết bỗng từ Hà Nội bị tạm chiếm ra vùng tự do và tới thăm tôi ở Chợ Neo, Thanh Hóa. Lúc đó Viết đang là trưởng ban chính trị của Trung đoàn 48, có tên là Trung đoàn Thăng Long (không phải Trung đoàn Thủ Đô như tôi đã nhớ sai) gửi lính của mình là Trịnh Hưng, Phạm Nghệ đi học tại lớp nhạc của Tạ Phước ở Hậu Hiền, Thanh Hóa. Về sau, cả hai thanh niên này đều trở thành nhạc sĩ có hạng ở miền Nam.
Vào năm 1948, cả hai anh em tôi chưa đầy 30 tuổi và đều rất vui vì được đem tuổi thanh niên của mình ra giúp nước. Tại Chợ Neo, trong những đêm trăng sáng, cùng mọi người, hai đứa trò chuyện, hát ca, không ai muốn đi ngủ cả.
Thế rồi vào năm 1951, tôi từ Thanh Hóa trở về thành, khi đó quân đội Pháp còn có mặt tại Hà Nội. Trước khi tôi vào Nam sinh sống, Phạm Viết vẫn đang là cán bộ quân sự nội thành, bí mật tới thăm tôi tại số 16 đường Carreau (nay là Lý Thường Kiệt) Hà Nội. Hai anh em nhìn nhau khóc… Từ đó chúng tôi vĩnh viễn xa nhau.
Vào năm 1972, ở Sài Gòn, tôi được tin Viết lâm bệnh nặng và qua đời. Ngày tôi về thăm Hà Nội sau 60 năm xa cách, gia đình Phạm Viết là nơi tôi tới thăm đầu tiên, để thắp nén hương trước bàn thờ người em.
Cả gia đình Phạm Viết tiếp tôi như một người thân, vắng nhà rất lâu, nay trở về. Tôi tự an ủi là đã gặp lại người bạn đầu tiên trong đời mình, dù chỉ là gặp một di ảnh trên bàn thờ.
Tôi mang ơn người bạn đầu đời đã cùng tôi sống những ngày ngây thơ, ngoan ngoãn và êm đềm của thời thơ ấu. Tôi đã không phải sống lẻ loi, lủi thủi một mình, lầm lỳ như một đứa bé con út và mồ côi cha là tôi. Khi soạn ra bài hát Kỷ Niệm mà nhiều người có lòng yêu vì sự trong sáng của nó, tôi nghĩ nhiều tới người em Phạm Viết.
Cho tôi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau