Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Sống Mòn – Nam Cao
Nếu bạn hỏi tôi rằng cuốn tiểu thuyết Việt Nam tự cổ chí kim nào gây được những ấn tượng mạnh mẽ nhất trong lòng tôi, tôi sẽ nói với bạn đó chính là Sống mòn của Nam Cao. Nếu bạn hỏi tôi rằng để chọn một cái tên có thể nhắc nhở đến cả một thời đại văn học đã qua của dân tộc, tôi sẽ ngay lập tức liên tưởng đến Nam Cao và ngay sau đó là Sống mòn… Không một tác phẩm nào của văn học Việt Nam thời đại Nam Cao, hậu Nam Cao (tính đến thời điểm bây giờ) có được cái tầm vóc và vẻ đẹp đậm chất triết lý và nhân văn đến thế.
Sống mòn có cái long đong lận đận của một kiếp hồng nhan. Điều ấy âu cũng là cái nghiệp nó phải mang trong mình vậy, bởi dường như có cái phi thường nào trên cõi đời này mang những số phận bình thường? Được thai nghén trong lòng một nhân cách lớn của văn đàn Việt, thoát thai trong cơn đói khủng khiếp vô tiền khoáng hậu của dân tộc mà có lẽ hàng thế kỉ nữa con cháu chúng ta cũng còn phải kể cho nhau nghe để rùng mình, và để rồi say ngủ một giấc dài trong công cuộc chuyển mình vĩ đại của dân tộc. Bản thảo của Sống mòn hoàn thành vào tháng 10-1944, nhưng phải đến 12 năm sau (1956), mới được Nhà xuất bản văn nghệ in lần đầu tiên và cũng không gây được tiếng vang lớn trong phong trào nghệ thuật kháng chiến lúc bấy giờ. Đừng vội trách những con mắt tinh tường của giới văn nghệ sỹ, giới phê bình và học thuật lúc bấy giờ, những người mà chỉ khoảng hơn mười năm trước thôi, đã có thể tung hô Sống mòn như đúng giá trị mà nó mang trong mình: kiệt tác của văn học Việt, viên ngọc trai được nhào nặn từ cái bi kịch của người trí thức trước gánh nặng nghiệt ngã của vòng tục lụy…
Họ đang nỗ lực trên hành trình rũ bỏ sạch sẽ cái chất “tiểu tư sản”, “cái tôi cá nhân” – những điều mà trong thời đại ấy không còn chỗ đứng. Cái đẹp ư? Cái lớn lao và cao cả ư? Nó phải là những trang viết tái hiện lại cả một thời đại cách mạng sục sôi của dân tộc, khắc họa những con người mới trong thời đại mới, cổ vũ và nâng cao tinh thần chiến đấu của cả nước chống lại kẻ thù chung để xây dựng cuộc đời ấm no và hạnh phúc cho chúng ta và cả con cháu về sau. Còn gì thời gian cho những điều xưa cũ ấy? Những khắc khoải hơi “lố” và “kịch” của một người trí thức nghèo trong xã hội cũ có sá gì so với sự hăm hở của bao nhiều người nông dân đang cầm súng cầm gươm, đang từng ngày từng giờ mang máu, mang mồ hôi của mình bảo vệ và xây dựng tổ quốc Xã hội chủ nghĩa? Họ đúng. Rất đúng. Thời thế tạo ra lòng người vậy! Và để rồi Sống mòn chịu chung cái bi kịch “sống mòn” như những tác phẩm của một thời đại cũ, cần phải lãng quên. Không khí sục sôi của những ngày đầu tiên xây dựng xã hội mới trong lòng miền Bắc và đấu tranh chống lại âm mưu của Mỹ tại miền Nam đặt ra một yêu cầu mới, cấp thiết hơn rất nhiều cho văn học nước nhà. Và văn học đã tạm thời gác những cái cá nhân, những lo toan phù phiếm lại để thực sự trở thành một thứ vũ khí tinh thần to lớn trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Thời đại anh hùng cách mạng của thế kỉ XX đã qua, nhìn lại nền văn học kháng chiến, có thể kể tên ra một đỉnh cao thực thụ nào của làng tiểu thuyết?
Cái hiện thực lớn lao trong thế kỉ XX của dân tộc Việt xứng đáng là cái hiện thực khốc liệt bậc nhất của chiến tranh. Ấy vậy mà vắng bóng một tác phẩm khả dĩ đại diện cho cả thời đại đáng tự hào đến vậy. Để rồi đến một giai đoạn mông lung trong hoài niệm về quá khứ của giai đoạn văn học thời hậu chiến. Và sau nữa, chúng ta kỉ niệm 25 năm ngày “cởi trói” cho văn học nước nhà (1986 – 2011) trong nỗi khắc khoải về một giấc mơ đã có từ thời Nam Cao: đâu là giải pháp để tìm chỗ đứng xứng đáng cho nền văn học Việt? Người ta hô hào, người ta đặt những chỉ tiêu, những lộ trình dài hạn cho văn chương để tiến từng bước một đến những giải thưởng danh giá hơn. Người ta cho xuất bản rộng rãi những tác phẩm mang lại “tiếng vang” cho nền văn học nước nhà. Nhan nhản những đầu sách Việt trên các giá sách ngày nay, như thể những bộ phim mà đạo diễn của nó cố tình kéo càng dài càng tốt để đủ thời lượng chiếu trên “giờ vàng phim Việt” vậy. Đó gọi là cách để giành lấy chỗ đứng cho cái thứ nghệ thuật của chúng ta ngày nay nói chung ư, chiến thuật “biển người” trong quân sự của Trung Quốc?
Ấy vậy mà người ta quên những đỉnh cao như Sống mòn! Chà, giới học thuật và phê bình của chúng ta ngày nay còn mải dịch sách, mải viết tham luận cho các hội thảo, còn bận kiếm miếng cơm manh áo trong cái thời buổi kinh tế thị trường này mà đã quên mất những điều thực sự được gọi là thành tựu trong quá khứ? Cả những nhà xuất bản, ai hơi đâu quan tâm đến những cái đó làm gì, họ còn bao nhiêu chiến dịch mua bản quyền những câu chuyện đình đám nước ngoài, những hồi ức, hồi ký mà nhân vật chính là một cô gái xinh đẹp chịu nhiều “vùi dập” trong đời hay những chàng đồng tính cô đơn trong bế tắc và bệnh hoạn. Họa hoằn lắm mới có đôi lúc người ta cho tái bản lại một vài cuốn “cổ văn”. Người ta làm như thể một sự ban ơn. Cho ai? À, cho những kẻ gàn dở và cổ hủ, hay cho những sinh viên văn khoa năm cuối cần tài liệu làm luận văn, hoặc một vài nhà nghiên cứu nước ngoài cần tư liệu. Ấy đấy, và Sống mòn cứ ngủ yên.
Nói đến Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến Chí Phèo, thị Nở, đến những hình ảnh nhân vật nửa người nửa ngợm mà ngày nay được các nghệ sĩ hài quen đạo nhạc của chúng ta “hóa thân” thành những thứ dị hợm, gây cười. Cười gì? Cười ra nước mắt! Ôi, tri ân cho cả một tấm lòng nặng trĩu những suy tư, một tâm hồn khát khao làm những điều có ích cho toàn dân tộc và nhân loại là thế ư? Bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, tưởng nhớ Nam Cao ư, tôn vinh Nam Cao ư, chỉ là một thứ phim mô phỏng mà giá trị nghệ thuật khiến cho nữ biên tập và kịch bản Đoàn Lê phải xấu hổ và ngậm ngùi khi nhất mực cho rằng mình có lỗi với Nam Cao. Thời đại ấy (1982), người ta chỉ có thể làm đến thế, chúng ta không nỡ và không có quyền chê trách. Nhưng thời đại ngày nay, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa, sao chúng ta không làm?
Những khía cạnh đã được biết tới rộng rãi của tài năng Nam Cao làm nhiều người tưởng chừng như ngòi bút ấy chỉ giỏi trong thể loại truyện ngắn, mà không biết rằng chất văn của ông đích thị là một thứ văn tiểu thuyết, sinh ra cho tiểu thuyết. Nhưng cuộc đời phũ phàng lắm, cuộc đời không đùa với khách thơ, cuộc đời không cho những kẻ tôi đòi của nghệ thuật hết mình vì nghệ thuật. Những truyện ngắn viết vội vàng để cuối tháng có một khoản nhuận bút còm cõi nhưng khả dĩ nuôi thân và nuôi vợ con… Đâu còn chỗ cho tài năng ấy toàn tâm toàn ý cho ra đời những kiệt tác bất hủ của mình. Cả sau này nữa, bao nhiêu lần ông tự nhắc nhở mình: “Sống đã rồi hãy viết”, cái ước mơ cao vọng về một tác phẩm để đời ấy cứ lùi mãi, lùi mãi cho đến ngày ông giã từ sự sống. Những tiểu thuyết ông để lại cho đời, hầu hết đã thất lạc hoặc bị mối mọt ăn (than ôi, mối mọt…), chỉ còn sót lại bản thảo Chết mòn gửi Tô Hoài giữ hộ. Người bạn chí thân ấy sau này đã đổi tên thành Sống mòn và đem in… Cả một đời văn chỉ để lại độc trọi một thiên tiểu thuyết. Nhưng với những người đọc chân chính và yêu mến cái văn phong, trọng cái cốt cách của nhà văn thì đó đã là một cái gì vô giá, một phần thưởng ý nghĩa nhất mà tác giả gửi gắm cho đời.
Bởi thế, Sống mòn dường như là sự kết tinh tài hoa cả một đời cầm bút của Nam Cao. Đọc Sống mòn, người ta sẽ thấy được gần như toàn bộ những hình ảnh đã từng xuất hiện đơn lẻ trong các chuyện ngắn của ông trước đó: kiếp sống tạm bợ của người giáo khổ, đời nhàn nhạt vô vị của những dân ngoại thành, sự cơ cực đến làm mòn mỏi tâm hồn và tính cách tốt đẹp của những người nhà quê, suy nghĩ rất sâu về người, về đời… Sống mòn là một tiểu thuyết kén người đọc, bởi nó có rất nhiều điều cần suy ngẫm. Nền tảng của thiên tiểu thuyết chỉ được gây dựng nên bởi những suy ngẫm của nhân vật chính về kiếp nhân sinh, về hoài bão vá trời của kẻ sĩ, về nhân cách và phẩm giá con người, về sự ăn mòn và tha hóa, cả những nỗ lực chống lại sự tha hóa để giữ vững phẩm chất tốt đẹp và cao thượng. Không nhiều tình tiết, không nhiều nhân vật, gói gọn trong một bối cảnh thời gian có vài tháng và không gian chỉ là ngôi trường tư và ngôi nhà Thứ ở quê. Ấy vậy mà cái chất màu mộc mạc và chất phác ấy, qua tài năng của người cầm bút, đã trở thành một hiện tượng đơn lẻ và duy nhất trong chiều dài phát triển của văn học mãi về sau. Sống mòn đứng một mình trên đỉnh cao của một tiểu thuyết phân tích, miêu tả diễn biến tâm lý bậc thầy mà tầm vóc của nó vượt xa ngoài biên giới Việt. Những giá trị mà nó mang lại còn giữ được gần như nguyên vẹn cho đến thời điểm hiện tại, thể hiện tính hiện đại trong văn Nam Cao. Đọc Sống mòn nói riêng và các tác phẩm của Nam Cao nói chung, ta tưởng như nhìn thấy thấp thoáng những nhân vật, những cảnh ngộ éo le của thời hiện đại. Ta hiểu hơn, tin hơn vào người dưới cái nhìn “khắt khe và bi quan về người” của giáo Thứ. Ta biết nung nấu và làm đầy hơn trong mình cái khát vọng phụng sự cho đời của người trai trẻ. Và trên tất cả, ta học cách biết yêu thương con người từ những cái xấu xa, ích kỉ và cay nghiệt tưởng chừng như thấm sâu vào máu họ.
“Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái cuộc sống lầm than, nó đã bắt buộc người ta ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam…”
Trân trọng giới thiệu với các bạn thiên tiểu thuyết Sống mòn trong dự án Nam Cao toàn tập của tôi.