Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Bia Mộ Đen Và Bầy Diều Hâu Gãy Cánh – Erich Maria Remarque
“Bia mộ đen của bầy diều hâu gãy cánh” (Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh) nói về nước Đức và những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh. Tình trạng lạm phát diễn ra không thể kiểm soát, và người dân sống trong đói khổ, đến cả chết cũng phải đắn đo, vì không chắc mình có thể mua được một tấm áo quan đàng hoàng hay không. Louis – một chàng giáo viên “đã quá chán công việc nhồi vào óc trẻ con với những điều mà mình không còn tin tưởng nữa”, trở thành một nhân viên cửa hàng bán đồ tang chế, và mỗi sáng Chúa Nhật lại đến chơi đàn ở nhà thờ dành cho người tâm thần. Ở đây, anh đã yêu Issabelle – một cô gái điên, bằng tình yêu tuyệt đối thuần khiết. Thật thú vị khi theo dõi những đoạn đối thoại trong cuốn sách này, giữa những người bạn, giữa Louis và cha xứ, đặc biệt là giữa Louis và Issabelle – một người tỉnh và một người điên. Ở đó toát ra cái nhìn giễu cợt vào thời đại, vào cuộc sống, những hoang mang trước cái chết và sự cứu rỗi, cho đến sự bí ẩn của tình yêu.
Nắng xâm nhập văn phòng thương cuộc “Henri Kroll và Con”, chuyên sản xuất đủ loại mộ bia và niệm tháp. Công việc đầu tiên buổi sáng của tôi là gỡ một tờ lịch, 28 tháng Tư 1923. Sống giữa mùa xuân, buôn bán chạy đều, chẳng có gì để buồn phiền. Chúng tôi bán, tiếp tục bán ra nhưng hỡi ơi! Chẳng làm giàu được. Cái chết quá khắc nghiệt nên không thể nói với khách hàng: “Xin vui lòng trở lại lần sau”. Ngoài gia đình người chết thường đòi hỏi… sa thạch, cẩm thạch và, tùy theo tầm mức của gia tài hoặc mức độ của sự tiếc thương người ta có thể đòi loại đá hoa cương Thụy Điển đen và mài nhẵn tất cả các mặt. Tang chế là điều không thể tránh! Có ở vào địa vị của tôi, sống luôn nhiều năm trong vùng mồ mả mới thấy được mùa Xuân và mùa Thu là những mùa có nhiều người chết hơn cả mùa Đông… và chúng tôi ăn nên làm ra vào những thời kỳ dó. Chết nhiều ở mùa Thu vì nhựa sống khô cạn, và ở mùa Xuân vì nhựa sống dâng tràn khiến những cơ thể suy yếu không chịu nổi, cũng giống như một tim đèn lớn làm tan chảy sáp đèn cầy. Đúng ra thì đây là lối diễn của nhân viên đắc lực nhứt hãng chúng tôi, lão phu đào huyệt Liebermann của nghĩa trang thị xã. Tám mươi tuổi, lão đã từng hạ huyệt trên mười ngàn quan tài. Nhờ tiền chôn người, lão ta mua được một ngôi nhà cạnh bờ sông với một khoảnh vườn nho nhỏ và một chỗ nuôi cá hương; thì giờ nhàn hạ, lão cung phụng cả cho ma rượu và đã tìm thấy trong chất nước cay xè đó, một thứ khôn ngoan êm ả tuy có hơi lạm dụng nhưng rất tốt. Trong đời, người phu đào huyệt này chỉ giận có mỗi một chuyện: lò hỏa táng của thị xã. Cạnh tranh bất chánh! Ngay cả chúng tôi cũng không chịu nổi. Liebermann thường sang trọng, nhắc đi nhắc lại “Nếu chú mày muốn giàu sang, đừng thèm làm những bình chứa di hài”.
Tôi nhìn đồng hồ: sắp mười hai giờ trưa. Mai là Chúa Nhật rồi, cần thu gọn đồ đạc: đậy máy chữ với cái nắp bằng tôn, khuân máy ảnh “Pres to” để sau màn, đẩy những mẩu đá vào góc bàn, lấy các tấm phim ra khỏi chậu nước thuốc. Đó là các bức ảnh chụp những đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, những cảnh sắt dành trang trí cho lăng mộ và những nhà mồ. Vì không có quyền hạn đặc biệt nào, một mình tôi phải kiêm nhiệm tất cả các phần việc: thơ ký, kế toán, họa viên và trưởng tổ quảng cáo.
Và bây giờ đến lượt phần thưởng của tôi. Nó đang nằm trong ngăn tủ. Sáng nay, gã chào hàng của “xưởng đúc nghệ thuật Wurtemberg” đã mang tới một bất ngờ. Anh ta đề nghị bán lại một lô súc vật bằng đồng, sứt mẻ đôi chút. Sau khi được lo lót xì-gà, tôi bảo sẽ nói lại với chủ. Xì-gà Ba Tây loại đen một món lợi từ Trời rơi xuống! Cũng như mọi hôm, không có diêm quẹt. Tôi cuốn tròn một tờ giấy mười Đức kim châm vào lò sưởi đốt thuốc. Thật ra thì thời tiết cuối tháng Tư không cần gì có lửa. Tuy nhiên. lò sưởi này là một mánh khóe của chủ tôi. Georges Kroll. Anh ta quả quyết rằng những kẻ chịu tang sẵn sàng bỏ tiền ra trong một gian phòng ấm cúng hơn là trong một tủ lạnh. Nếu bạn thêm vào cái giá buốt ở tâm hồn với sự lạnh lẽo ở bàn chân thì miệng túi không chịu ra. Chính vì vậy mà nhà buôn chúng tôi triệt để giữ nguyên tắc không bao giở thương lượng chuyện mả mồ tại một nơi lạnh lẽo. Luôn luôn phải ở trong một phòng ấm và, nếu có thể thì sau bữa ăn.
Tôi ném phần cháy dở còn lại của tờ giấy bạc vào lò sưởi. Giữa lúc đứng lên, tôi bỗng nghe tiếng mở của sổ của nhà đối diện, cẩn thận tôi nghiêng mình trên bàn dường như còn một vài việc cần đánh máy. Tôi kín đáo liếc xéo vào một tấm gương nhỏ đặt sẵn để quan sát cửa sổ bên kia. Chính Lisa, vợ của gã đồ tể Watzek đang vừa ngáp vừa vươn vai trần truồng như nhộng, chĩa sang tôi một cặp lê căng phồng màu cẩm thạch Carrare như một vú em đang phe phẩy đồ chơi trước một đứa bé còn bú. Thình lình, ả cười nhe răng, tay chỉ vào tấm gương. Hơi xấu hổ vì bị lộ tẩy nhưng tôi làm như chẳng có chuyện gì, và phà một cụm khói ra, tôi biến mất vào trong. Nhiều người bảo Lisa là nữ thần hôn nhân Junon và tôi biết có hàng tá người sẵn sàng chi vài triệu chỉ để được nhìn ả mỗi sảng. Tôi cũng vậy, tôi thích rửa mắt, nhưng con cá mòi ra khỏi giường vào buổi trưa đó khiến tôi lộn mửa. Trong khi ả say phờ sâm banh và dan díu tùm lum thì Watzek bận giết những con ngựa già trong lò sát sanh Werdenbruch.