Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Phía Tây Không Có Gì Lạ – Erich Maria Remarque
Erich Maria Remarque (1898-1970) đã phục vụ trong Thế chiến thứ nhất và đã bị thương tất cả năm lần. Những hình ảnh ghê rợn của cuộc chiến trong giao thông hào đã để lại những vết sẹo không phai mờ trong tâm trí Remarque nên ông cố xua đuổi những bóng ma đó qua các sáng tác văn học. “Phía Tây không có gì lạ” là tác phẩm hay nhất của ông dù chín tác phẩm khác ông cũng viết về những đau đớn, khổ cực trong chiến tranh.
“Phía Tây không có gì lạ” là câu chuyện về Pôn Baomơ, một người lính Đức trẻ, xung phong vào quân đội vì Căntôrec, vị giáo sư của anh, đã thuyết phục cả lớp tham gia quân đội để làm cho nước Đức được vẻ vang. Sau một thời kỳ huấn luyện gian khổ dưới quyền của Himmenxtôt, một phu trạm, Baomơ và các bạn ra tiền tuyến. Dù được vẽ vời trong nhà trường với những hình ảnh huy hoàng của các anh hùng, Baomơ nhanh chóng nhận thức được rằng những chiến hào đầy máu của Mặt trận phía Tây là một sa lầy của những khổ đau và chết chóc. Ngay khi những quả đạn pháo đầu tiên nổ tung trong bùn lầy, Baomơ và các bạn thấy rằng tất cả những người ở lại nhà đều dối trá: chiến tranh không phải là một thay đổi vinh quang, chiến tranh không làm cho các cậu con trai trưởng thành mà nó hủy diệt một cách có hệ thống tất cả những ai khỏe mạnh và lịch sự. Tất cả các bạn của Baomơ đều chết, bị thương, hoặc đào ngũ. Pôn Baomơ bắt đầu tự vấn về cuộc đời mình và băn khoăn không biết mình có sống sót được sau cuộc chiến hay thậm chí có sống được trong một thế giới không có chiến tranh hay không.
Xuyên suốt câu chuyện, Remarque thường dùng từ “chúng tôi” để nói lên tình đồng đội – cái quý nhất mà chiến tranh tạo nên. Những người lính ấy đã trải qua những giây phút cận kề cái chết cùng nhau nên họ gắn bó với nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì họ có. “Chúng tôi không nói nhiều nhưng chúng tôi để ý săn sóc nhau từng ly từng tí, thiết tưởng còn hơn cả những cặp tình nhân. Chúng tôi là hai con người, hai tàn lửa sống nhỏ bé, và ngoài kia, là đêm tối, là vòng vây của thần chết.”