Downloadsachmienphi.com

Buồn Nôn

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Buồn Nôn –

Với phương pháp mô tả theo hiện tượng học, nền văn nghệ thời mới đã thực hiện được cuộc hôn phối toàn bích với khoa triết lý. Trong số những triết gia ở trên đỉnh cao của thời hiện đại, Sartre là hình ảnh biểu trưng toàn vẹn cho lối quả quyết trên, nhờ vào thiên tài văn nghệ và sức sáng tác phong phú của ông. Dòng máu văn nghệ luân lưu trong huyết quản Sartre đã chuyên chở đến cho quần chúng độc giả những chất liệu cần thiết để đi vào tư tưởng Sartre, và còn gây nhiều ảnh hưởng quan trọng hơn là những bộ triết luận vĩ đại của ông.

Tác phẩm Buồn nôn (La Nausée, 1938) là một trong số những tác phẩm giá trị nhất của nền vãn học thế kỷ thứ XX, đồng thời cũng là tác phẩm thuộc vào loại khó đọc, vì ngoài giá trị về phương diện thẩm mỹ, tác giả còn muốn đưa ta chạm mặt thực sự với một trực giác nguyên ủy, làm trung tâm điểm cho nền hiện sinh vô thần của ông: trực giác về hiện hữu của sự vật.

Tất cả cố gắng của Roquentin – nhân vật chính và cũng là tác giả tập Nhật ký này – nhằm xoáy sâu cái nhìn, xuyên thủng qua những lần vỏ ngoài bao bọc, để đạt đến tri kiến đích thực về bản chất của thực tại. Tri kiến ấy là tri kiến của hiện tính (existence) của vạn vật. Sự vật hiện hữu. Sự hiện hữu ấy mang tính chất lầm lỳ, dày đặc, bất khả giải ngộ và ngẫu nhiên. Chính cái tính cách bất tất (contingence) của sự vật là chất men gợi dậy cơn Buồn Nôn. Người ta bị đẩy vào trong cõi bao la đồng nhất của hiện hữu, một hiện hữu thoát vượt ra ngoài mọi tương quan để chỉ còn giữ lại mối tuơng quan duy nhất là tính chất “dư thừa” của những sự vật với nhau. Tất cả là dư thừa nên tất cả đều là phi lý. Mọi sự đều phi lý: đây không phải là tiếng kêu phẫn hận với cuộc đời mà là một nỗi cay đắng âm thầm phát sinh từ trực giác về hiện hữu của sự vật. Sống cho tận cùng nỗi cay đắng ấy, con ngưòi lại tìm thấy sinh lộ giải phóng: trực giác về hiện hữu dẫn đến sự khước từ Thượng đế và tự do trong trách nhiệm để tự thể hiện lấy vận mệnh của mình. Người ta đã có lý khi xem Buồn nôn là khai từ thơ mộng cho thiên triết luận Hữu thể và Vô thể (l’ Être et le Néant. 1943), hồng tâm của tư tưởng Sartre.

Điều tốt nhất là ghi lại những biến cố từng ngày một. Tạo giữ một cuốn nhật ký để nhìn thấy rõ ở đấy. Đừng để vuột thoát những sắc thái, những sự kiện nhỏ nhặt, ngay cả khi chúng không có vẻ gì cả, và nhất là xếp hạng chúng. Phải nói rõ tôi thấy chiếc đèn này, con phố, đám đông, gói thuốc lá của tôi như thế nào, vì lẽ chính điều đó đã thay đổi. Phải xác định một cách chính xác phạm vi và bản chất của sự thay đổi này.

Chẳng hạn, đây là một chiếc hộp giấy đang đựng lọ mực của tôi. Phải cố nói rõ tôi đã thấy nó trước đấy thế nào, và làm thế nào hiện tại tôi (1) nó.

Này! Đây là một chiếc hộp chữ nhật, nổi bật lên trên – thật ngu xuẩn, chẳng có gì để nói về nó cả. Đó là điều phải tránh, không nên đặt vẻ lạ lẫm vào một nơi chẳng có gì cả. Tôi nghĩ rằng đó là nỗi nguy hiểm khi viết nhật ký: người ta phóng đại mọi sự, người ta bị rình mò và cứ liên tục cưỡng bách sự thật. Đằng khác, từ lúc này sang lúc nọ, chắc chắn là tôi có thể – và nhất là nhân câu chuyện chiếc hộp ở trên hay bất cứ một đồ vật nào khác – tìm thấy lại cái cảm giác ngày hôm kia. Tôi phải luôn luôn sẵn sàng, nếu không, cảm giác ấy sẽ còn lọt qua những kẽ tay tôi. Tuyệt đối không nên (2) nhưng phải ghi chú cẩn thận và trong từng chi tiết tỉ mỉ, tất cả những gì xảy ra.

Dĩ nhiên, tôi không còn viết được chi rõ ràng về những câu chuyện xảy ra vào thứ bảy và ngày hôm kia, tôi đã quá cách xa với chúng, điều duy nhất tôi có thể nói được là, trong cả hai trường hợp, tuyệt nhiên chẳng có gì thuộc về cái mà thói thường người ta gọi là một biến cố. Ngày thứ bảy, những đứa trẻ chơi ném đá cuội lan thành vòng tròn trên mặt nước và tôi đã muốn, như chúng, ném một viên đá cuội lên mặt biển. Vào đúng lúc đó, tôi đã dừng lại, tôi để rơi viên đá xuống và bỏ đi. Hẳn lúc ấy tôi có vẻ lơ láo, chắc thế, vì mấy đứa trẻ đã cười rộ lên sau lưng tôi.

Đấy là về phần ngoại diện. Còn những gì đã diễn ra trong tôi thì lại không để lại những dấu vết rõ ràng. Có một cái gì đó mà tôi đã thấy và làm tôi phiền tởm, song tôi không biết nữa là mình đã nhìn vào mặt biển hay hòn cuội. Hòn cuội phẳng lì, khô khan ở một mặt và ẩm ướt, vấy bùn ở mặt kia. Tôi cầm nó ngoài mép, với những ngón tay rón rén, để tránh vấy bẩn.

Ngày hôm kia, chuyện lại càng phức tạp hơn nữa. Và cũng lại có một chuỗi những sự trùng hợp, những điều lẫn lộn quàng xiên, mà tôi không tự giải thích được. Song tôi sẽ không khuây vui khi viết lại tất cả những thứ đó trên mặt giấy. Sau cùng, chắc chắn là tôi đã sợ hãi hay đã có một tình cảm nào đó cùng loại. Nếu chỉ biết được là mình sợ gì, tôi cũng đã thực hiện được một bước tiến lớn lao.

Điều kỳ dị là tôi chẳng hề tin rằng mình điên: tôi lại còn thấy rất rõ rằng tôi không điên; tất cả những biến đổi kể trên chỉ liên quan đến sự vật. Ít nhất đó cũng là điều mà tôi muốn chắc tâm.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo