Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Câu Chuyện Đời Tôi – Nguyễn hữu Hanh
Cuốn hồi ký này thật ra được viết cho các con của ông. Từ sự thúc giục của nhiều người vì một số sự kiện lịch sử quan trọng được đề cập tới, hồi ký này đã được ấn hành cách đây trên một năm, với hai ấn bản độc lập Việt ngữ và Anh ngữ. Trong ấn bản lần đầu, để tránh đụng chạm, trừ tên những nhân vật ai cũng biết như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… tên các nhân vật bị đụng chạm được thay đổi. Từ đóng góp của nhiều người, rằng giá trị sử liệu của hồi ký sẽ mất mát khi tên nhân vật bị thay đổi, trong bản hiệu đính này tên thật được khôi phục. Một số nhận định thời sự cũng được thêm vào.
Khi làm công việc đánh dấu cho bản hiệu đính, tôi không khỏi có một số nhận xét:
Qua cảnh sống thanh bạch, qua những suy tính, lo toan cho cuộc sống lúc xế chiều, mà tôi được chứng kiến tận mắt, của một người có trên 27 năm đảm trách những địa vị công quyền về kinh tế, tài chánh cao nhất trong nước và những chức vị khá cao trên trường quốc tế, mà chưa có ai khác của Việt Nam Cộng hoà cùng một lúc kiêm nhiệm trong một quãng thời gian dài như vậy; tôi nghĩ ông Nguyễn Hữu Hanh đã thi hành trách nhiệm một cách liêm khiết. Chỉ cần một chút tư tâm khi thi hành công vụ thì ông Hanh không có cái lo toan mà ông đang có bây giờ.
Từ năm 1977, ông Hanh được chính quyền Việt Nam tìm gặp và mời về giúp xứ sở, ông đã mất rất nhiều thời giờ đắn đo, suy nghĩ. Có lẽ do kinh nghiệm sống, làm việc chung với những nhân vật ở thượng tầng kiến trúc trong nhiều môi trường khác nhau, văn hoá khác nhau, ông thấy sự thật của lãnh tụ khác với sự thật của quần chúng, thấy tính tương đối của nhiều việc, thấy sự an sinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là quan trọng hơn những chế độ, thể chế chính trị tiếp nhau đi qua; và rồi ông đặt quyền lợi của dân tộc lên trước những danh từ, nhãn hiệu, thành kiến khi lấy quyết định về giúp Việt Nam vào năm 1991. Bất bình với IMF, ông Hanh về hưu sớm từ năm 1981 để tư doanh. Sau đó, ông nhận được nhiều lời mời tư vấn cho Liên Hiệp Quốc, IMF và World Bank trong việc giúp Việt Nam. Vì có những ý kiến riêng của mình về hệ thống ngân hàng của đất nước, nên thay vì làm việc cho Việt Nam trong khuôn khổ những tổ chức trên, ông bỏ tiền túi 4 lần về quê hương từ 1991 tới 1994 để làm công việc tham vấn vô vị lợi cho chính quyền, với tâm nguyện nhằm giúp đỡ đồng bào quá khốn khổ. Nhưng rồi ông thấy do tình hình chính trị trong nước, việc ông làm không thể thành tựu nên năm 1994, ông đành bỏ nửa chừng, không tiếp tục nữa.
Ngay trong lời nói đầu của hồi ký, ông Hanh viết: “Tôi muốn được hoàn toàn tự do khi kể lại các sự kiện đúng như tôi đã chứng kiến, tôi muốn đánh giá các nhân vật đúng như tôi đã nhận định, và mô tả các hoàn cảnh xã hội và chính trị đúng như tôi đã quan sát”.
Nhưng khi đọc hồi ký này, điều làm tôi lưu ý là ông Hanh đã có nhận xét nghiêm khắc về lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà, ông đã dứt áo ra đi; ông cũng chỉ trích chính sách của Mỹ qua những biến cố thời sự gần đây, thế mà ông chỉ nói sơ qua về những việc ông làm cho nhân dân Việt Nam qua sự trung gian của chính quyền trong 4 chuyến làm việc tại Việt Nam. Được huấn luyện từ buổi đầu sự nghiệp về cách nhận xét người, khả năng phán đoán của ông còn được tập dượt, cọ xát ở những chức vụ điều hành trong nhiều năm dài, làm sao ông lại không thấy, không đánh giá, phê phán những lãnh đạo mới của Việt Nam sau những lần tiếp xúc, làm việc với họ; lại không nhận định về Việt Nam hiện nay trong những lãnh vực sở trường của ông?
Câu trả lời của ông Hanh: Ông chỉ gặp những cấp lãnh đạo chính quyền mới ở Việt Nam trong một thời gian rất ngắn ngủi, không thể nào có ý kiến một cách chính xác, ông cũng không có đủ cơ hội, thời giờ để nhận xét, theo dõi, vì những ý kiến, đề nghị cuả ông không được áp dụng. Trái lại, đối với các cấp lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà ngày trước, ông làm việc, sống cùng với họ trong 13 năm liên tiếp, nên ông mới có thể nhận xét. Ngay cả đối với lãnh đạo miền Nam, ông cũng không nghe, không dùng những tin đồn không căn cứ, những lời chỉ trích không nền móng, như tin đồn về các ông Thiệu, Kỳ… Ông phải biết chắc chắn, có bằng chứng tai nghe mắt thấy, mới xét đoán.