Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Chùa Đàn – Nguyễn Tuân
Chùa Đàn là truyện ma quỉ của Nguyễn Tuân viết vào năm 1945 đã được một số nhà phê bình coi như tác phẩm đặc sắc nhất của ông, có người nói đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật. Truyện đã được tái bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau này Nguyễn Tuân viết thêm một phần mở đầu gọi là Dựng và một phần kết gọi là Mưỡu Cuối và được Quốc Văn xuất bản tại Hà Nội 1946.
Năm 1947 Chùa Đàn được nhà xuất bản Tân Việt in lại tại Sài Gòn.
Sau khi Nguyễn Tuân viết thêm, Chùa Đàn viết năm 1945 đã trở thành phần thứ hai và được gọi là Tâm sự của nước độc.
Chùa Đàn viết 1945 đã được quay thành phim Mê Thảo Thời Vang Bóng năm 2002, đạo diễn Việt Linh.
Chùa Đàn nay đã được in lại trong tập III, bộ Nguyễn Tuân Toàn Tập, nhà xuất bản Văn Học năm 2000, bìa cứng rất đẹp và trang trọng. Truyện cũng đã được in lại trong cuốn Yêu Ngôn của Nguyễn Tuân, truyện ngắn do nhà xuất bản Hội Văn Hà Nội ấn hành năm 1999.
Nói về truyện quái đản nổi tiếng trên thế giới phải kể đến những đoản thiên của Edgar Allan Poe, một thi sĩ, văn sĩ cổ điển Mỹ (1809-1849), truyện nổi tiếng nhất của ông là The Fall Of The House Of Usher (1839), có người dịch là Giọt Máu Cuối Cùng Dòng Họ Usher, chắc nhiều quí vị đã đọc qua. Nhà thi hào Pháp Charles Baudelaire (1821-1867) đã dịch các truyện của Edgar Poe trong cuốn Les Histoires extraordinaires d’Edgar Poe (Những truyện quái đản của Edgar Poe), đây là một trường hợp đặc biệt, bản dịch lại được người ta coi là hay hơn bản chính.
Tại Á Đông phải kể Bồ Tùng Linh (1644-1715) với bộ truyện ma quỉ lừng danh Liễu Trai Chí Dị (1670-1707) đã làm say mê nhiều thế hệ đã qua với màu sắc, không khí quái đản của đông phương. Tác phẩm này đã được nhiều người hâm mộ từ thế kỷ 17 đến nay.
Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng của truyện ma quỉ Liêu Trai, vào năm 1943 ông viết một số truyện ma theo lối Bồ Tùng Linh đăng trên các tờ Thanh Nghị và Trung Bắc chủ nhật, hết sức hoang đường, kỳ quái. Hồi ấy tác giả đã có ý định thu thập các truyện quái đản trên để in trong một tuyển tập lấy tên là Yêu Ngôn nhưng vì chiến tranh bùng nổ nên công việc đã phải bỏ dở. Năm 1999 nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã thu thập những đoản thiên ma quái ấy để in thành tập Yêu Ngôn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành gồm: Khoá thi cuối cùng, Trên đỉnh non Tản, Đới roi, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Loạn âm, Tâm sự của nước độc (tức Chùa Đàn), Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét như sau.
“Nhưng Nguyễn Tuân tìm vào thế giới yêu ma có lẽ còn do một yêu cầu khác. Con người này luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt. . . . những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”
Vào những năm 1943, 1944, 1945 Nguyễn Tuân đã chuyển hướng từ tùy bút sang viết những truyện ngắn ma quỉ như trên và Chùa Đàn viết năm 1945 là truyện quái đản cuối cùng của ông. Nó cũng là tác phẩm được xem là thuần túy văn chương cuối cùng của tác giả. Từ thập niên 80 về trước Chùa Đàn đã bị coi như loại văn nghệ duy tâm phản động, với tinh thần đổi mới tư duy, hiện nay các nhà phê bình đã đánh giá lại Chùa Đàn và đã đề cao giá trị của tác phẩm như sau.
“Nhiều độc giả ái mộ và am hiểu văn chương Nguyễn Tuân đã đánh giá Chùa Đàn là tác phẩm đặc sắc nhất của nhà văn. Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân biểu lộ một tài năng sáng tạo đặc biệt. Mỗi công trình nghệ thuật đều in đậm dấu ấn đỏ chói của ông, không thể lẫn với một ai khác, không một người nào khác mô phỏng được. Với Chùa Đàn, tài năng sáng tạo của nhà văn đã vươn tới thượng đỉnh”. – Hoàng Như Mai – Tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân.
Hoặc
“. . . Tất nhiên Chùa Đàn là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Đọc Chùa Đàn phải thấy Lãnh Út,. . . Bá Nhỡ hay Cô Tơ, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ ấy, tất cả đều là Nguyễn Tuân”. – Nguyễn Đăng Mạnh – Đọc lại Chùa Đàn của Nguyễn Tuân.