Downloadsachmienphi.com

Cô Gái Không Là Gì

Cô Gái Không Là Gì - Tomek Tryzna
Cô Gái Không Là Gì –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Cô Gái Không Là Gì –

Marysia, Kasia và Ewa, ba cô gái tuổi mười lăm, là ba nhân vật chính của tiểu thuyết. Marysia, con gái một gia đình công nhân nghèo, đông con, ở một làng quê Ba Lan, cùng gia đình chuyển nhà lên thành phố khi bố cô, một công nhân mỏ, sau bao năm xếp hàng chờ đợi, nay được phân nhà mới. Cô gái nhà quê ngây thơ, thật thà cảm thấy lạ lẫm ở chốn thị thành và tại ngôi trường mới của mình. Trong lớp học mới, Marysia làm quen và kết bạn với Kasia, cô bạn có là bác sĩ và bố đang ở nước ngoài. Kasia là một cô học trò có tính cách mạnh mẽ, lối sống ngang tàng, quan điểm sống dị thường và có năng khiếu âm nhạc. Cô từng bước đưa Marysia vào thế giới âm nhạc nhiều ma lực và giàu cảm xúc, lôi kéo cô bạn học đòi lối sống của mình, thuyết phục cô bạn nghe theo tư tưởng tự do tuyệt đối và bình đẳng của con người với Chúa Trời. Marysia tôn sùng, khâm phục và tin yêu Kasia như chị em ruột, thậm chí còn hơn thế : Con rất yêu mẹ con và Zenus, hai đứa em gái, Tadziu, bố, nhưng yêu nhất trần đời vẫn là Kasia của con. Tại sao lại như vậy, con cũng không biết nữa. Kể cả, nếu Kasia thôi không yêu con nữa, thì con vẫn không bao giờ quên được bạn ấy và con sẽ yêu Kasia cho đến tận những ngày cuối cùng của đời con. Kasia cho rằng mình bị quỷ ám, con quỷ này ẩn nấp trong người Kasia, nhờ có nó mà Kasia thăng hoa trong sáng tác âm nhạc. Làm theo hàng loạt mưu kế của Kasia, Marysia từng bước xa lánh gia đình, mất tính thật thà. Kasia xác người hồn quỷ đã đẩy Marysia vào con đường phạm thánh, điều khiến của hai cô gái bị chao đảo và hậu quả là Marysia kết bạn với cô gái khác cùng lớp, tên là Ewa. Ewa, cô gái xinh nhất lớp, con nhà giàu, bố mẹ là doanh nhân, một cô gái được nuông chiều, quen sống xa hoa, thích chơi ngông, hay ghen tỵ và nhiều mưu lắm kế. Gia đình Ewa là gia đình tôn sùng lối sống Mỹ. Biết Marysia là con nhà nghèo, thích ăn chơi đua đòi và dám liều, càng ngày Ewa càng tặng cho Marysia nhiều món quà mới lạ, nhất là đồ may mặc, lôi kéo cô bạn vào con đường hưởng thụ, đi tìm cảm giác mạnh và những thú vui hư đốn.

Tuổi mới lớn của Marysia là như vậy. Tuổi mới lớn thường không phải là giai đoạn dễ dàng trong đời người. Trong thời kỳ này, tuổi trẻ mộng mơ và nông nổi gặp muôn vàn cạm bẫy có thể hủy hoại cuộc đời mình trước khi nó thực sự bắt đầu. Có khi kịp sửa chữa những sai lầm mắc phải, nhưng, thật đáng tiếc, lắm khi không. Chả thế mà có người đã định nghĩa: Tuổi trẻ là điên rồ .

Tiểu thuyết gồm hai phần hầu như bằng nhau, viết ở ngôi thứ nhất, xưng tôi . Phần một viết về giữa Marysia và Kasia, một tình bạn mà Marysia những tưởng vững bền mãi mãi, nhưng không phải vậy. Phần hai viết về tình bạn giữa Marysia và Ewa giàu có, người đã nhấn chìm Marysia trong vũng bùn hư đốn, cho Marysia nếm mùi giàu sang để rồi trở thành đứa con hư, không thèm ngó ngàng gì đến gia đình. Trong phần hai của tiểu thuyết, Marysia không còn là Marysia nữa. Cùng với việc thay đổi xoành xoạch tên mình, tính nết của cô cũng không ngừng thay đổi. Có thể nói những cái tên mới của Marysia tượng trưng cho sự hư thân mất nết của cô gái (Kasia gọi Marysia là Minka, còn Ewa gọi cô là Majka). Rốt cuộc, do thiếu bản lĩnh, sống buông thả và học đòi, Marysia từng bước mất phương hướng, tự đánh mất mình để rồi đến phần cuối của tiểu thuyết chẳng còn là Marysia ngây thơ, trong trắng lúc ban đầu. Thậm chí cô không nhận ra chính mình và cái tên Marysia của mình nữa: “ Tôi nhìn mình, tôi nhìn, và tôi vẫn không thể nào nhận ra mình. Tôi mà gặp một cô gái như thế này ngoài phố thì chắc tôi phải hổ thẹn khi gọi cô ta. Mà đó là tôi chứ ai. Tôi hé môi, cô gái trong gương cũng hé môi, vì đó chính là tôi”. “Marysia, rõ ràng là Marysia. Bao nhiêu năm tôi muốn nhớ lại cái tên này, nhưng nó đội lốt những cái tên khác khi tôi muốn nhớ… nhớ lại”. Nhân vật người đàn ông đeo mục kỉnh, được gọi là “người đàn ông Ba Lan”, nhiều lần bất ngờ xuất hiện, muốn cứu vớt Marysia khỏi vũng bùn sa đọa, trở lại với bản sắc của mình, nhưng không thành công. Đây là sự can thiệp có dụng ý của tác giả. Người ta cho rằng, Marysia thất bại vì đã không nghe theo lời “người đàn ông Ba Lan” cũng như lời khuyên của con quỷ Pimpus vốn là bạn của mình. Đoạn cao trào của tiểu thuyết chính là lúc Marysia giật mình phát hiện ra sự thật những gì Kasia và Ewa nghĩ về mình, khi hai cô bạn đang cười khúc khích bàn tán về Marysia, nhạo báng, khinh thường Marysia vô tích sự, thậm chí gọi Marysia là Cô gái Không Là Gì . Không Là Gì là biệt danh của Marysia do Kasia và Ewa gán cho. Ta hãy nghe đoạn thoại sau đây của Kasia và Ewa: “- Thôi, cậu đừng nói về cô ta nữa! Cô ta không là gì cả, không có cô ta… – Cậu nói cực hay, cậu có lý, cô ta là cô gái Không Là Gì ”. Sau cú sốc này, Marysia chìm vào những cơn ác mộng hãi hùng.

Đây là thiên tiểu thuyết viết về xã hội Ba Lan hồi những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đời sống của người dân thời bao cấp còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tiểu thuyết cho thấy, các cô gái tuổi học trò, cụ thể là tuổi mười lăm, đã manh động, thậm chí điên rồ, “hết khôn dồn đến dại” theo kiểu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” như thế nào khi đi tìm những khoảnh khắc “nhận biết bản thân” mà theo họ “mình được là mình thật sự”. Có thể nói, Cô gái Không Là Gì là lời cảnh cáo, là bài học đạo đức đắt giá cho tuổi học trò. Bức thông điệp mà tiểu thuyết muốn gửi tới các bạn trẻ là: Tuổi mười lăm đẹp như trăng rằm, nhiều đam mê, lắm mộng mơ, nhưng cũng đầy cạm bẫy, dễ tin và dễ vỡ, và xin các bạn đừng tự đánh mất mình.

Cô gái Không Là Gì là tiểu thuyết chẳng những dành cho tuổi học trò, những người đồng trang lứa với các nhân vật chính của truyện, mà còn dành cho cả người lớn, khi nó đề cập cả những vấn đề của họ nữa. Trả lời câu hỏi về điều này, nhà văn khẳng định rằng, ông không muốn tiểu thuyết Cô gái Không Là Gì đi theo lối mòn xưa cũ, theo đó, viết cho trẻ con là chỉ dành cho trẻ con đọc, viết cho người lớn là chỉ dành cho người lớn đọc, mà ông muốn cách tân (hậu hiện đại? phá cách?), và ông đã cách tân nội dung và hình thức… của tác phẩm hiệu quả tới mức nào thì chúng ta sẽ thấy sau khi đọc tác phẩm. Cuộc trò chuyện giữa Kasia và cô giáo chủ nhiệm Turska thực chất là cuộc đối thoại nảy lửa giữa hai thế hệ, giữa các triết lý, quan điểm sống trái ngược nhau, trong đó mỗi bên đều có cái có lý và cái phi lý của mình: “ – Tại sao cô không vứt bỏ những cái đó đi? – giọng nói của Kasia vang lên trong loa. Và giọng cô chủ nhiệm: – Được rồi, cô làm theo ý em nhé. Cô sẽ bỏ chồng, bỏ nhà, bỏ công việc ở trường và cô sẽ đi đâu? Cô ra đường ư? Em cho rằng cô sẽ tìm thấy ở ngay sau góc phố đầu tiên chăng? ”

Cuối cùng, trượt dài trên con dốc tự đánh mất mình, không nghe theo lời khuyên của “Người đàn ông Ba Lan” và Pimpus, Marysia đã thất bại, không thể tìm lại chính mình, không thể “tự sinh ra mình” được nữa. Bi kịch này được diễn tả bằng phép tu từ ở đoạn kết của tiểu thuyết. Sau khi nhảy từ ban công tự tử, Marysia có cảm giác trong bụng cô đang có một thai nhi, thai nhi nhiệt tâm, song thai nhi này không thể ra đời. Đứa con “nhiệt tâm” trong bụng bảo rằng, chẳng thể vãn hồi tính nết cũ được nữa rồi: “ Sao lại có sự sinh nở không bao giờ sinh nở, mặc dầu luôn luôn sinh nở và sinh nở, muôn đời chống chọi với nhiệt tâm dâng trào. ” Cách kết thúc câu chuyện của tác giả khiến người đọc sau khi đã gập cuốn sách lại rồi vẫn còn bùi ngùi, xót xa, vẫn còn suy nghĩ khôn nguôi.

Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu mà lắm khi có vẻ như chúng là hai trong một. Thiên tiểu thuyết này – thiên tiểu thuyết tự làm mới mình, giàu kịch tính và nhiều cảm xúc, đầy nét trẻ trung và hồn nhiên của tuổi học trò, đậm chất giả tưởng và nhiều yếu tố thần thoại, hoang đường, hư hư thực thực đan xen dày đặc, đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung – đã miêu tả rất những tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, điểm mạnh, điểm yếu và những bí ẩn của tuổi mới lớn. Một số tình tiết của tiểu thuyết có thể khiến người đọc có cảm giác là “nặng đô” đối với tuổi học trò. Tuy nhiên, phải chăng đó cũng chính là những lời cảnh tỉnh “nặng đô” có chủ ý của tác giả đối với các bạn trẻ ở lứa tuổi này? Tác giả không bình luận, không nhận xét trực tiếp hành động của các nhân vật. Ông dành việc này cho người đọc.

Tags:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo