Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Cơm Thầy Cơm Cô Và Cạm Bẫy Người – Vũ Trọng Phụng
Thưa các ngài, xưa nay tôi vẫn để tóc rẽ bên.
Vậy mà tháng trước đây, tôi đã phải nuôi tóc rõ dài cho sau đỉnh đầu tôi, tóc chấm xuống gáy… Rồi thì là hai bên tai tôi cũng có hai nắm tóc mắc lên trên như hai cái đuôi gà.
Thế nghĩa là tôi đã trang điểm cái đầu tôi cho nó theo mốt, cái mốt mà những người không biết gì vẫn gọi mơ hồ là mốt Phi – lu – dốp! Muốn nói cho người thượng lưu cũng hiểu nổi thì phải cắt nghĩa rằng : tôi đã có cái đầu “cơm thầy cơm cô”.
Áo tôi là một cái áo mua có hào rưỡi ở hiệu bán vải Tây đen nhưng trông oai vô cùng. Màu hoa đào cụt tay. Quần tôi cũng là quần đen, nhưng mà bằng lĩnh cẩn thận.
Trong một thời gian khá dài, lúc nào tôi cũng đeo kính. Sáng sớm kính đen, giữa trưa kính đen, tối sẫm cũng kính đen. Tôi chỉ thiếu cái ngực hoặc hai cổ tay có trổ mặt hổ phù là bọn cơm thầy cơm cô phải tôn tôi lên bậc “anh chị”.
Ấy thế là tôi cứ việc “rong chơi tuyết nguyệt” các hàng cơm, các đầu hè, các cửa rạp hát, các máy nước, đến nửa tháng trời. Tôi đã bờm xơm với ba bốn con nhãi, tôi đã bắt nhân tình với một vú em. Tôi đã kết bạn thân với mấy bác quít, gọi cái mụ vú già bây giờ làm nghề đưa người là mẹ nuôi, nhận mình là con của mụ nữa.
Rồi thì một mợ phán định nuôi tôi mỗi tháng 8 hào nhưng mà tôi không bằng lòng. Rồi thì một tiểu thư tân thời đã ngã giá với tôi mỗi năm 12 đồng, hai áo quần, một thắt lưng, về sau lại thôi, bởi chưng tôi có vẻ cấc lấc, không mánh khóe và lại hơi du côn.
Thế là con đường công danh của tôi, than ôi nó trắc trở quá! Thế là sau nửa tháng đi tìm việc, tôi lại hiện “nguyên hình” là thằng tôi. Thật vậy, tôi không có số đi ở.
Một thiên phóng sự về nghề cơm thầy cơm cô…
Sao lại không! Maryse Choisy mới năm ngoái đây cũng đã phải khoác áo con đòi. Mà thiên phóng sự ” Carnet d une femme de chambre 1933″ không phải là không có giá trị trước mắt nhà xã hội học.
Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào làm gì. Các ngài chỉ cần biết rằng một hàng cơm như nghìn vạn hàng cơm khác, nghĩa là khi ta mới bước chân vào thì bổn phận ta là lập tức thấy buồn nôn buồn ọe. Nó là mùi cá mè, mùi thịt trâu, thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi me chua, mùi dưa khú… Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu mà lạ nhất là nó không hề bận đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn mà gãi sồn sột, tự nhiên như đàn ông.
Lúc ấy đã khuya lắm rồi.
Một mụ già làm nghề đưa người đưa tôi đến chỗ này mà bảo bà chủ :” Bà cho anh ấy ngủ đây vài tối, bao giờ anh ấy có việc làm, tôi xin đưa tiền trọ”, thì bà chủ chẳng buồn nhìn tôi nữa, đập một con muỗi ở cổ đến bốp một cái, gãi vung lên một hồi nữa rồi mới chọc chọc cái giá quạt về phía sau lưng, ra ý bảo tôi cứ việc vào trong kia mà nằm. Trước khi ra đi, mụ già lại dặn tôi:
– Ngày mai nhớ ra ngã ba cho sớm đấy!
– Vâng ạ!
Tôi đáp xong, rón rén lần vào phía trong. Thật vậy chân tôi chưa bao giờ phải dẫm lên một lớp bùn quánh và nhớp nháp đến như thế. Đến chỗ mấy cái giường cách nhau mỗi giường một manh cót thì tôi không biết nên đặt lưng vào giường nào, vì giường nào cũng đã thấy đầy những người là người, nằm ngổn nằm ngang…Tôi đương bỡ ngỡ thì thấy bà chủ hàng cơm quát:
– Thằng Hai đâu! Bảo nó lên sân gác, chỗ những đứa ở ấy mà nằm!
Rồi thì một anh chàng chạy ra dắt tôi qua một cái sân, đến một cái thang tre mà bảo:
– Lên đây.
Tôi theo lời, leo thang. Lên đến nơi thì đó là một gian gác cũng khá rộng. Trên mặt sàn chỉ có mấy cái chiếu, mà tường thì vàng ệch những khói ám, từ cái bếp gần ngay đó đưa ra.
Bọn cơm thầy cơm cô nằm ngổn ngang như lợn cả, bọn đực nằm phía bên kia, bọn cái nằm phía bên này. Bốn thằng nhỏ bằng trạc tuổi tôi với ba con sen, một con độ lên mười, một con 15, còn một con nữa trông đã đứng tuổi. Trong khi hai đứa trẻ tuổi nằm hớ hênh vô ý thì con đứng tuổi khép nép vào một xó tường, khẽ nâng cái quạt nhìn tôi.