Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Duyên Phận Lỡ Làng – Chateaubriand
Thuở xưa, nước Pháp đã từng phen làm chủ một dãy lãnh thổ mênh mông bát ngát ở phía bắc Châu Mỹ chạy dài từ Labrador tới Florides và từ các vùng bờ bãi của Đại Tây Dương tới những hồ nước hẻo lánh thuộc miền cao nguyên Gia Nã Đại.
Bắt nguồn từ khu vực núi non nói trên, bốn Đại trường giang đã phân xẻ dãy đất bao la thành nhiều mảnh: Giòng sông Saint Laurent hun hút biến dạng về hướng đông, hội nhập vào lòng vịnh mang cùng tên gọi gióng Tây giang cuồn cuộn; tuôn đồ vạn ngàn con nước tới những vùng biển cả xa lạ, giòng Bourbon hối hả chạy từ Nam sang Bắc rót vào tiểu vịnh Hudson và giòng Meschacebé[1] lao mình từ Bắc xuống Nam, tiến tới vịnh Mễ Tây Cơ.
Chính con sông cuối cùng này với một giòng nước dài hơn ngàn dặm đã tưới bón cho một vùng đất mỹ miều tươi tốt, nơi đã được dân Hiệp Chúng Quốc mệnh danh là miền Tân địa đàng và cũng là địa khu mà người Pháp đã dành cho một tên gọi thật là êm ái – Louisiane – Cả ngàn con sông nhánh của giòng Meschacebé, như Missouri llinois, Ankara, Ohio, Wabache, Tenase, đã làm cho miền đất này thêm mầu mỡ, phì nhiêu, nhờ vào hằng hà sa số những con nước mang đầy chất phù sa. Về mùa đông, khi tất cả các giòng sông bị tràn ngập bởi cơn Đại hồng thủy, khi những trận bão đã đốn ngã từng khoảng rừng lớn, thì những đám cây bị nhổ bật tung rễ lên, đã hội tụ lại tại các vùng suối nguồn. Chẳng bao lâu sau những đám cây đó đã bị bùn đất kết chặt lại, đã bị những nhóm dây leo ràng buộc vào nhau và đã bị hàng hàng lớp lớp những loại cây nhỏ bắt rễ đâm chồi, vươn lên ở khắp đó đây, tạo cho đám cây đất hỗn độn thêm phần bén chắc. Thế rồi, do những đợt sóng ngầu bọt, chiếc bè bằng cây đất hỗn độn ấy đã trôi dạt về phía giòng sông Meschacebé. Con sông dài liền cuốn hút lấy, đẩy đưa chúng về hướng vịnh Mễ Tây Cơ, bỏ rơi chúng ở hai bên bờ cát, nhờ vậy đã tự tăng triển thêm được khá nhiều những vùng hà khẩu của giòng sông. Cách khoảng từng chập một, giòng trường giang đã thét gầm lên mỗi khi băng ngang qua bên dưới những chân núi và trải lan con nước tràn bờ, vây quanh các hàng cột của những khu rừng cây và những hình khối tháp tại các vùng nghĩa địa của thổ dân. Đó chính là giòng sông Nil của vùng hoang địa.
Nhưng, vẻ diễm tuyệt bao giờ cũng là một hòa hợp của cái đẹp huy hoàng, lồng vào trong lòng cảnh trí của thiên nhiên: Trong khi giòng cuồng lưu ở giữa trường giang băng băng cuốn lôi những tàn tích của những cây thông, những cây sồi về hướng biển cả, thì người ta đã nhìn thấy những chiếc tiểu đảo chất chứa đầy cây nhũ hương và cây súng bập bềnh nổi trôi theo hai giòng nước ở sát đôi bờ trường giang, nơi mà màu sắc hồng hoàng đã vươn lên như những ngọn tiểu kỳ. Những con rắn màu lục, những con diệc màu xanh lơ, những con hồng hạc màu hồng, những chú cá xấu nhỏ bé đã trở thành khách lãng du trên con tầu hoa, và trú khu đó, đã trương căng những cánh buồm rực rỡ vàng tươi trước gió để rồi tạm ghé lại ẩn trú trong tiểu vịnh của giòng sông.
Hai bên bờ trường giang Meschacebé đã phô diễn lớp lớp cảnh trí vô cùng kỳ ảo! Về phía tây, những cánh đồng cỏ rộng lớn dàn ra tới mãi phía xa xa khuất hẳn khỏi tầm mắt. Những làn sóng màu xanh lục, gờn gợn chuyển mình, dường như đã vươn lẫn đến tận nền xanh lơ của bầu trời cao và mất hút tại nơi đó. Trong những cánh đồng cỏ bát ngát vô biên này, người ta đã nhìn nhiều đàn trâu hoang dã, từ ba tới bốn ngàn con cất bước lang thang vô định khắp đó đây. Thỉnh thoảng, một chú bò rừng, nặng nề vì năm tháng chồng chất, rẽ sóng bơi về hướng những tiểu đảo ở trên giòng Meschacebé để nằm ngơi nghỉ giữa đám lá cỏ xanh cao. Với chiếc trán trang trí bởi đôi rừng, với bộ râu cổ kính dính đầy bùn đất, chú bò già đã đem lại cho quý vị một hình ảnh vị thần sông đang tung ném tầm mắt vui thỏa về hướng những lượn sóng hùng vĩ và cảnh hoang dại mênh mông ở hai ven bờ nước.
Đó là cảnh trí của dải bờ phía Tây, nhưng về phía đối diện thì đã thay đổi hẳn và đã hòa hợp với cảnh trí thứ nhất, tạo thành một vẻ đối nghịch ưa nhìn. Nằm lơ lửng ở phía trên giòng thủy lưu, những đám cây muôn hình vạn trạng, đầy đủ mọi màu sắc, tràn ngập những hương vị, đã tụ hội lại ở trên những viên đá tảng ở trên những dãy núi cao, hoặc tản mác ở trong lòng những thung lũng, trà trộn vào nhau, cùng tăng triển theo nhau, vươn mình vào không phận, với những chiều cao làm mỏi mắt kẻ ngắm nhìn. Những dây nho dại, những dây tử oai, những dây mướp đắng, quấn quít từ phía dưới gốc cây leo lên các nhánh gạc bò lan ra phía đầu cành, phóng mình từ cây Phong sang phía cây Hàng thiên mộc, từ cây Hàng thiên mộc tới cây Thục quỳ, tạo thành hàng ngàn hang hốc, hàng ngàn chiếc cửa tò vò và hàng ngàn dãy hành lang hun hút. Thường thường những loại dây leo đã bị lạc hướng trong lúc chuyển mình từ cây nọ sang cây kia và đã phải băng ngang qua những nhánh sông, để rồi dựng nên những chiếc cầu hoa trên các khu vực đó. Ở giữa vùng lá cành rậm rạp nói trên, cây Mộc lan đã vươn cao đỉnh ngọn hình chóp nón, lặng lờ bất động, chùm phủ bởi những đóa hoa to lớn trắng toát, loại cây này đã vượt hẳn lên trên các loại cây rừng và chỉ có một đối thủ duy nhất, đó là loại cây thốt nốt đang nhẹ nhàng đu đưa những chiếc quạt xanh lục ở kế cận.