Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Giông Tố – Vũ Trọng Phụng
Giông tố không phải là quyển tiểu thuyết như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay Đoạn tuyệt của Nhất Linh. Có nghiã là nó không chỉ tố cáo sự thối nát trong chế độ làng xã thôn quê, sự bóc lột người cùng đinh của bọn giàu có, quan lại, ở nông thôn, của một thời Pháp thuộc, như Ngô Tất Tố. Nó lại càng không đả phá chế độ gia đình trị trong xã hội cổ truyền đầu thế kỷ XX, như Nhất Linh.
Vũ Trọng Phụng trình bày con người của mọi thời dưới khía cạnh thực nhất: Đó sự thay lòng đổi dạ của con người trong một môi trường xã hội mà tiền bạc có thể chi phối tất cả.
Vũ Trọng Phụng viết về sự tha hoá của con người trong khi các tác giả khác mới chỉ đề ra những nạn nhân của chế độ, như Loan trong Đoạn tuyệt, nạn nhân của chế độ mẹ chồng nàng dâu ; Dậu trong Tắt đèn, nạn nhân của sưu cao thuế thuế nặng, của quan lại dâm ô ; Bính trong Bỉ vỏ, nạn nhân sự phản bội của người tình, sự tàn ác của cha mẹ, sự đoạ đầy của xã hội, v.v…
Nhân vật của Vũ Trọng Phụng khác hẳn: trong Giông Tố, chúng ta không tìm ra được khuôn mặt nào đáng thương quá đáng, cũng không tìm thấy khuôn mặt nào đáng ghét quá đáng, kể cả Nghị Hách và Thị Mịch, là hai đối trọng, kẻ hiếp dâm và kẻ bị hiếp.
Trong Giông tố, (cũng như trong Vỡ đê và Số đỏ), không hề có sự chia đôi giữa nạn nhân và thủ phạm, vì thế mà những người phê bình như Trương Chính, quá quen với lối phân chia tốt xấu, không thể hiểu được sự phức tạp của con người Thị Mịch.
Nghị Hách là một triệu phú, chuyên dùng sự khủng bố, chuyên mua tất cả, làm xong tội ác cũng trả giá bằng tiền. Sau khi hiếp dâm Thị Mịch, Nghị Hách đã dùng tiền và thế lực mua chuộc quan lại, đổi ông huyện thanh liêm đi chỗ khác, sai người giải truyền đơn giả cộng sản để ghép tội dân làng, Vũ Trọng Phụng viết :
«Đến hôm quan huyện và quan đồn về khám xét cả làng thì sự khủng bố lại càng hoàn toàn, lại càng đầy đủ. Bầu không khí hầu như không thở được nữa. Trẻ già lớn bé đều đã tái xanh mặt mũi khi thấy ông chánh hội, ông phó hội, ông lý trưởng, ông phó lý, người nào cũng run như cày sấy ở trong phòng hội đồng của làng, trước một hộ râu vênh vểnh của ông quan đồn và bốn cái lưỡi kiếm sáng quắc ở miệng súng của bốn bác lính khố xanh.
Ông đồn giơ miếng vải đỏ và những mẩu giấy trắng chữ tím ra, để mắng bọn lý dịch như tát nước vào mặt họ. Trẻ con người lớn đứng xem đen ngòm… Một người lính quát một tiếng, thế là cả cái đống người tò mò ấy tan tác ra như một đàn ruồi ở sau mông con bò, lúc bị cái đuôi bò đập một cái vậy.
Tối mặt tối mũi lại, một đứa trẻ hoảng hốt cắm cổ chạy, thế nào ngã đánh bõm một cái xuống ngay ao. Tuy vậy mà bọn người lớn, sợ sệt quá, cũng không dám vớt. Khi quan huyện phải quát xuống vớt, mới có một anh chàng lực điền chắp tay vái mấy cái rồi cởi áo ra, nhảy xuống ao mò đứa bé con…
Rồi bọn lý dịch phải theo ông đồn và ông huyện ra xe hơi lên tỉnh. Hôm sau, họ được về thì lại đến lượt ông đồ phải gọi lên tỉnh có việc quan. Rồi ông đồ cũng về. Thế là cả bọn đều là những cái trứng để đầu đẳng.
Ngoài cái kiện đua hơi với ông nghị giàu có, hách dịch nhất. Chưa biết được thua thế nào, mấy người còn lo sốt vó về tội canh phòng bất cẩn, dung túng kẻ phản nghịch trong làng, hoặc ở ngoài đến tuyên truyền ở làng, và dạy học trò mà không có phép mở trường tư. Cả làng đều nằm mê thấy toàn những ngục tù, những hình phạt.
Lại đến hôm thấy cái tin ông huyện cũ phải đi, để cho ông khác về thay. Thì cả làng ai cũng tin chắc chắn, y như được ông thành hoàng báo mộng cho vậy, là ông đồ và bọn lý dịch đã ký vào đơn kiện thế nào rồi cũng vì một việc cô Mịch bị hiếp mà mất chức, mà ngồi tù!» (trích Giông tố, trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, nxb Văn Học, 1987, trang 254).
Đoạn văn trên đây, không hề mô tả dân làng như những nạn nhân vô tội, điều mà chúng ta thường thấy trong những tác phẩm hiện thực thời ấy.
Vũ Trọng Phụng thoát khỏi lối trình bày một chiều phân chia nạn nhân và thủ phạm, ông mô tả dân làng, dưới những nét hiện thực tả chân : khi có việc tố tụng, mới thấy tính chia rẽ và nhu nhược không những của dân quê mà còn cả bọn lý dịch. Sự sợ sệt của họ trước bất cứ việc gì dây dưa tới cửa quan, càng khiến bọn nha lại dễ dàng khu xử theo luật tắc của đồng tiền, mà những kẻ như Nghị Hách, có đầy đủ phương tiện để chi phối toàn bộ guồng máy quan trường theo ý mình.
Trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng trình bày vấn đề tranh đấu của người dân đi hộ đê. Mặc dù có Phú, một thanh niên có học, biết luật, đứng lên dẫn đầu cuộc tranh đấu cho quyền lợi lương bổng, nhưng họ cũng vẫn trong tình trạng ô hợp, xung động, mất trật tự, chỉ cần mấy lời đe dọa của lũ nha lại, là tất cả đều tan rã, không đủ khí phách để đi đến cùng. Hai nhược điểm chính của người dân nước ta là chịu nhẫn nhục và không kiên quyết, cho nên họ không thể đấu tranh giành quyền sống, giành tự do, dân chủ được.
Toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nói lên điều đó như một lời tiên tri và vẫn còn đúng tới hôm nay. Vũ Trọng Phụng muốn nói : phải trách mình chứ đừng nên trách người.
Những nhân vật người Pháp trong tiểu thuyết của ông, thường không phải là bọn tham quan ô lại, mà bọn tham ô, thường là người Việt. Chính người Việt đã xử tệ với dân Việt, chính người Việt đã tham nhũng, tồi tàn, đã làm bẩn xã hội Việt.