Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Hồn Bướm Mơ Tiên – Khái Hưng
Hồn bướm mơ tiên trích từ hai câu thơ cổ trong Bích Câu Kỳ Ngộ:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.
Tương truyền là của vua Lê Thánh Tông làm để xướng họa với một nàng tiên ni cô ở chùa Ngọc Hồ. Sự lựa chọn của Khái Hưng hàm ý thần tiên, thơ mộng, nảy ra từ một kỳ tích Việt. Âm vang hồn bướm mơ tiên gợi không khí Tú Uyên, nhắc đến phường Bích Câu, đến những kỳ ngộ trong lịch sử và văn hóa Việt.
Cách mở màn trực tiếp và bát ngát của Hồn bướm mơ tiên dẫn thẳng vào không gian Bắc Ninh, vào chùa Long Giáng, vào ca dao, vào đời sống dân quê miền Bắc; mà sau này lối khai khúc ấy xuất hiện trong trường ca Con Đường Cái Quan. Phạm Duy chịu ảnh hưởng Khái Hưng chăng? Chưa chắc. Có thể chỉ là ngẫu nhiên bởi những nghệ sĩ đắm mình trong linh hồn dân tộc thường gặp nhau trong ca dao, huyền sử:
Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than đôi lời.
Thập niên ba mươi, ở Bắc người ta vẫn chưa bỏ hẳn lối hành văn theo kiểu Tố Tâm, “Rồi đây, cánh hồng bay bổng tin nhạn vắng tanh” của Hoàng Ngọc Phách.
Nhất Linh trong tác phẩm đầu Nho Phong 1926, vẫn còn viết: “Lê Nương năm ấy tuổi mới trăng tròn” và Đông Hồ, Tương Phố sụt sùi kẻ khóc vợ, người khóc chồng:
Chiều thu ảm đạm một mầu,
Gió thu hiu hắt thêm sầu lòng anh.
Khái Hưng là người thứ nhất đem nụ cười giải tỏa bầu khí sướt mướt và trịnh trọng ấy.
Nụ cười là cột trụ độc đáo đầu tiên. Hóm hỉnh, ông tung ra một không gian lẳng lơ quan họ: gái tán trai. Chưa hết, ông còn thả vào đó một cái nhìn rất trẻ rất vị thành niên, rất “Di Caprio” trong Titanic, của thế kỷ XIX: Ngọc, cậu công tử con nhà, lên thăm bác là sư cụ chùa Long Giáng, mới chỉ thoáng “liếc mắt nhìn trộm”chú tiểu, thấy “hắn đẹp trai thế” chàng bèn ngờ “hắn là gái” và tán sát ngay.
Là người thấm nhuần nho học nhất trong Tự Lực văn đoàn. Khái Hưng có đủ tài năng và vốn liếng nho học để làm việc bắc cầu giữa hai nền văn hoá Đông Tây. Khái Hưng luôn luôn giữ thái độ trung dung, ôn hoà, trong khi Hoàng Đạo dứt khoát, quyết liệt. Mai trong Nửa chừng xuân khác với Loan trong Đoạn tuyệt. Cùng thuyền, nhưng khác nhau ở tính cách ứng xử với thời cuộc và xã hội, vì thế mà Tự Lực có một địa bàn tư tưởng rộng, đi sâu và đi xa vào lòng người và chiếm lĩnh được tâm hồn của nhiều thế hệ.
Trong Hồn bướm mơ tiên, để phá không khí trang nghiêm trong xã hội tam giáo, Khái Hưng không ngại đem những chữ: thú quá, thú nhỉ, sướng lắm… vào trình cửa Phật. Rồi ông nhúng văn phong trong sáng của mình trong chất thiền, nhuộm vào lịch sử văn hóa dân tộc xuyên các đời Nhân Tông, Thái Tổ, qua Văn Khôi công chúa đến Cao Huyền hòa thượng ngày xưa, để tạo nên chất đạo cốt của sư cụ Long Giáng thời nay. Khái Hưng bắt Ngọc phải chấm cái Tây của mình vào mực Nho, dàn dựng sự đuổi bắt ú tim giữa Lan và Ngọc như cuộc gặp gỡ giao hưởng đông tây, tình tứ và hóm hỉnh trong không khí cao mặc và u tịch của Mâu Ni.
Khái Hưng còn đưa ra một technique rất mới, rất “Columbo”: mật bí cho biết trước chú tiểu là gái nhưng lại giữ nhẹm bí mật đến màn cuối cùng. Người đọc bị lôi cuốn theo cái bí mật mật bí ấy, lẽo đẽo theo dõi hành tung Lan và Ngọc như coi phim trinh thám. Đến những đoạn ngoạn mục như Lan sợ rắn, ngã ngửa ra ôm chặt lấy Ngọc, hay đoạn Vân thị màu tán tỉnh chú tiểu Lan trong màn “chạy đàn” bất hủ, thì đến Như Lai cũng phải phì cười: bởi trong Lan đã có hồn Văn Khôi, có vong Thị Kính; trong Ngọc đã có hóm hỉnh Khái Hưng; trong sư cụ Long Giáng đã có cốt cách của Thái Tổ ngồi thiền.