Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Kim Đồng – Tô Hoài
Cuốn sách là câu chuyện cảm động về một trong những đội viên đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh – anh Kim Đồng.
Kim Đồng tên thật là Dền, một cậu bé mười ba tuổi người Nùng. Dù nhỏ tuổi nhưng Kim Đồng đã làm công tác cách mạng rất tích cực: “Học văn hóa chăm, lại biết đi liên lạc và canh gác cho đoàn thể”. Bằng lời kể súc tích, cảm động của nhà văn Tô Hoài cùng tranh vẽ chân thực và giàu biểu cảm của họa sĩ Mai Long, cuốn sách là tư liệu quý cho các em muốn tìm hiểu về Kim Đồng – người anh hùng nhỏ tuổi mưu trí, dũng cảm, anh mãi là tấm gương sáng để các em noi theo.
Chương 1
Phong trào tỉnh Cao Bằng bấy giờ là gương mẫu đầu tiên. Làng Nà Mạ nhỏ bé gần Pác Bó, đã góp phần xứng đáng cho tỉnh Cao Bằng. Làng Nà Mạ, châu Hà Quảng ngày ấy chỉ
có khoảng hai mươi nóc nhà dân tộc Nùng. Từ những hội đánh Tây trước kia, cho tới cao trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, cả làng Nà Mạ đã tham gia. Cụ già, em bé Nà Mạ đều vào hội cứu quốc.
Nhiều hy sinh thật to lớn. Đồng chí Quí Hiệu, đồng chí Nhất Sơn bị Pháp bắt, chặt đầu, bêu ở chợ Sóc Giang. Các đồng chí Phục Quốc, Phục Hưng gia nhập đoàn quân Nam tiến, hy sinh khi đánh Nhật ở Bắc Kạn. Có nhà bốn anh em thì hai người liệt sĩ, như nhà các đồng chí Ngư Mạn, Bát Ngư.
Có nhà, hai anh em cùng hoạt động, đều hy sinh cả, như nhà Kim Đồng.
Đương ồn ồn, bỗng lặng im.
Những tiếng nháo nhác đã xa. Không ai trông thấy gì nữa. Chỉ nghe chân bước ũng oẵng trong vũng nước hai bên cỏ tranh. Người làng bị lôi đi cả rồi. Các xóm ở Nà Mạ, ngõ nào cũng tụ lại, lố nhố người, nhưng im lặng. Im lặng như gốc mít, gốc trám, gốc nghiến, gốc vối. Chỉ còn những con mắt chớp chớp lóa nước mắt.
Thế là chuyến bắt phu các làng đi làm lô cốt đồn Sóc Giang hóa ra thật rồi, thật. Không ai ngờ làng xóm chẳng được kịp ăn tết rằm tháng bảy.
Cuộc bắt phu từ gà gáy. Lính cơ trên châu ập về, như cướp đến. Lính còn vây quanh làng. Sợ người trốn đi. Rồi, lính ùa lên nhà với xã đoàn, kéo từng người. Người xuống thang đành đạch như con cá giãy. Ngựa của châu đoàn ngoài đường cứ chốc chốc lại đập chân, rũ đuôi và chuông cổ coong coong như tiếng nhạc cúng ma. Đằng nào cũng buồn bã thế. Người bị lôi tay xuống thang, buông chân đi mà bụng buồn như còn nghe đoạn hát then “khảm hải” nửa đêm qua.
Lúc chuông ngựa châu đoàn réo, Dền mới thức dậy. Ngoài đường đã ồn ã lắm. Trong nhà mình vẫn lặng tờ. Ngoài đường nhộn nhạo, trong nhà im. Nhưng ngoài đường không phải tiếng ơi ới gọi nhau đi xem hội hát. Có tiếng chửi réo lên kìa. Tiếng rít, tiếng roi đập chát chát. Không xong rồi, Dền nhỏm lên.
Bố Dền đang nhóm lửa bếp giữa sàn để hơ lá gói bánh gai. Bấy giờ, cả mẹ, cả anh và Dền đã ra ngồi quanh lửa. Sương sớm buông xuống tận đầu nhà. Tháng bảy đưa cái lạnh về sớm thế này ! Mấy ngày vừa qua, mưa dầm nên không phơi lá gai được. Tết đến, nhà nào cũng làm bánh gai – trẻ con thích bánh gai, bánh gai ngọt hơn bánh nếp. Nhưng bấy giờ Dền cũng quên cả ăn bánh gai. Cái lặng lẽ quanh mình đương đầy sợ hãi.
Rồi có tiếng động chân ngoài đầu sàn, đã thấy chiếc nón chóp nhoi lên. Kìa có lính đến nhà mình. Bố Dền đứng dậy.
Bố Dền bước ra. Bếp sưởi trống một chỗ. Còn như lạnh hơn lúc nãy. Bố Dền quay lại, nói:
– Hay là mẹ Dền nấu cơm cho tôi gói đi.
Lính quát :
– Ra ngay ! Người ta đợi cả ngoài kia rồi.
Ngay đó, lính đẩy bố Dền lao đầu xuống thang. Tuy vậy, bố vẫn phải quay lại chỗ cột, bê ra hai hòn đá to đã buộc sẵn, để đấy rồi bố Dền quảy đi.
Mấy lâu nay, xã đoàn đã đến bảo từng nhà: quan hai xây lô cốt trên đồn Sóc Giang, nhà nào có người ở tuổi đi phu phải sắp sẵn hai hòn đá to. Lúc đi, quảy đá lên. Không có hai tảng đá lên theo thì phạt kéo thêm hai ngày phu.
Mà cứ gì người đi phu mới phải vác đá xây lô cốt. Dền đã thấy người làng đi chợ Sóc Giang, chợ Nà Giàng, cả người đi chợ Nậm Nhũng lèo tèo xa nhất, ai cũng quảy theo một hòn đá. Không có hòn đá tảng đi chợ, không được vào mua muối của cai chợ đứng bán.
Không biết trời đất sắp thế nào mà đồn Tây, đồn châu, đồn bang tá phá hết bờ rào tre và tường đất, đắp nên lô cốt đá. Rồi đến các nhà châu đoàn, xã đoàn cũng đua đòi xây tường đá, lô cốt. Chánh tổng Thước ở Thông Nông bắt mỗi người đi chợ qua nhà phải nộp một tảng đá. Người ta nói rủa: Có việc gì mà mày phải đắp mả nhà mày kỹ thế ?
Bố Dền quảy hai hòn đá ra tới đầu ngõ. Những người trong làng phải đi phu đã đứng chen chân đấy, đương túi bụi, rối rít trong tiếng roi quất, tiếng cai cơ quát lính đếm xem đủ số phu chưa. Rồi con ngựa châu đoàn nhong nhong đi trước. Đám lính chạy sau, dồn phu quảy gánh theo, chửi om. Đoàn người bật ra ngõ. Tiếng ồn ào xa dần vào con đường lầy lội trong cỏ tranh cao lấp đầu, không nhìn thấy bọn người đi đâu nữa.
Những người đứng đầu xóm, có người òa khóc, rồi cung cúc chạy về. Không giữ được nước mắt, nhưng ai cũng cố kìm tiếng khóc. Sợ khóc thế thì sái cho người đi xa.
Mẹ và anh em Dền ra bờ suối. Chỗ suối ấy trông thấy bóng người dưới nước. Suối Pác Bó chảy về đến Nà Mạ, từng quãng trong vắt rồi trắng ngần qua hai bên những cây vối già nghiêng nửa mình, tựa vai nhau soi bóng trên mặt dòng nước phẳng như gương.
Nhưng không trông thấy bóng người. Bờ suối đằng kia, những cái chày hẫng không, chỏng lên bên cánh cối nước(1) quay vội vội. Cái cọn(2) thì thong thả, cót két, múc lên từng ố ng nước. Những cảnh hàng ngày ấy, trông đau lòng thêm. Trời Hà Quảng trong xanh, ruộng Hà Quảng đất lẫn đá bốn mùa khô xác, không giữ được một hạt nước, một hạt màu. Mưa lụt, nắng hạn, đất nghiêng đi đâu mà nghiêng mãi, lúc nào cũng chỉ thấy người tháo, người đắp giữ nước ngoài đồng. Tháng bảy rồi mà cọn nước còn kẽo kẹt suốt đêm múc từng ống vào ruộng. Hạn to rồi. Mới có tháng bảy mà những cái cánh cối đã tất tả quay suông. Như thế là chẳng còn hạt gạo dính trôn cối.