Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Lối Sống 2: Năng Lực Sống Trong Cộng Đồng – Nhiều Tác Giả
Lời dặn bạn dùng sách
Trẻ em ngày nay lớn lên dưới áp lực của nhiều hệ giá trị đạo đức khác nhau, “cái cũ”, “cái mới”… đan xen nhau. Trong phạm vi gia đình, các thế hệ khác nhau cũng muốn áp đặt hệ giá trị đạo đức của mình cho con trẻ, chưa kể là ngay khi đã có một hệ giá trị nào đó thắng thế, thì con trẻ cũng vẫn phải chịu tác động của nhiều luồng “giá trị” khác từ xã hội rộng lớn bên ngoài.
Khi trẻ bước vào trường phổ thông để bắt đầu hưởng thụ công cuộc giáo dục chính thống, cũng là lúc bắt đầu những hoang mang: Hoang mang giữa lời giảng bao giờ cũng đẹp với cuộc sống thực, hoang mang giữa những bài học tốt đẹp đã nhận được với cách ứng dụng ngoài đời…
Về mặt khoa học, Tâm lý học hiện đại đã cho thấy, trẻ em luôn luôn có cách khước từ những tiêu chí đạo lý bị áp đặt, đổi lại, các em rất tuân thủ những tiêu chí đạo đức do chính các em tham gia tạo dựng. Nói cách khác, lối dạy luân lý và đạo đức cho trẻ em như xưa nay vẫn tiến hành không còn phù hợp nữa. Đó là lý do thứ nhất dẫn đến sự ra đời môn học gửi trong bộ sách Lối sống này.
Bộ sách chứa đựng mục tiêu đạo đức học phải đạt được đồng thời cũng có cả cách thức tổ chức lối sống đã được trẻ em chấp nhận thành những hành vi sống tự nhiên, hằng ngày của mỗi con người.
Lối sống không phải là những giáo điều được đem ra giảng giải và áp đặt. Lối sống là nguyên tắc sống mang một giá trị đạo đức được cả cộng đồng tự giác chấp nhận. Lối sống còn là những nề nếp tư duy và hành động tự nhiên, giản dị như hơi thở hằng ngày – cần thiết và quan trọng như ôxy nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyên ngôn về tầm quan trọng vô cùng của ôxy. Đó là lý do thứ hai khiến bộ sách này không dùng những lời lẽ rao giảng, khuyên răn, đe nẹt, mà là sách hướng dẫn cách tổ chức cuộc sống mới cho trẻ em bắt đầu từ lớp 1.
Khái niệm “lối sống” đó có thể phát biểu như sau: Lối sống là những hành vi có ý thức hằng ngày của một con người, thể hiện quan niệm về đạo đức được chia sẻ với mọi người trong cộng đồng.
Bộ sách Lối sống này có hai mục tiêu trong một nội dung:
– Thứ nhất, trang bị cho trẻ em lối sống của con người hiện đại, đó là: với cá nhân mình thì độc lập, tự chủ, với người khác thì biết tìm sự đồng thuận, hai điều kiện để sống hài hòa trong nền văn minh đương thời.
– Thứ hai, hướng dẫn tổ chức thực hiện mục tiêu trên bằng hệ thống việc làm do chính học sinh thực hiện, sao cho việc “học” lối sống mới của trẻ em được thực hiện hoàn toàn khác với cách học đạo đức hoặc luân lý trước đây.
Xâu chuỗi toàn bộ nội dung các lớp trong phạm vi bậc Giáo dục phổ thông là tinh thần đồng thuận. Dựa trên tinh thần đồng thuận đó để thực hiện mục tiêu từng lớp như sau:
Ở lớp 1, thống nhất nhận thức đồng thuận của ba thành phần: Giáo viên, phụ huynh và học sinh để tổ chức lối sống tự lập của trẻ em, khẳng định cá nhân trẻ em thông qua việc tổ chức cho các em nhận biết và có năng lực cùng ý thích tự phục vụ.
Ở lớp 2, cũng trên tinh thần đồng thuận, tổ chức lối sống phục vụ cộng đồng (cộng đồng ở đây được hiểu là tập hợp người chung sống với nhau, nương nhờ lẫn nhau và hòa hợp với nhau).
Các bài học được triển khai như sau:
Bài mở đầu: Ôn lại khái niệm đồng thuận
– Bài 1: Khái niệm cộng đồng
– Bài 2: Trách nhiệm với cộng đồng
+ Quan tâm đến cộng đồng
+ Phát hiện và giải quyết xung đột trong cộng đồng
+ Thể chế của lối sống cộng đồng
– Bài 3: Mang lại vinh dự cho cộng đồng
– Bài học cuối năm: Sức mạnh cộng đồng
Do lối sống là nơi diễn ra mối quan hệ giữa cá nhân (luôn luôn khẳng định tính độc lập) với số đông (tập hợp khó đồng chất của những “kẻ khác”) nên chúng ta sẽ thấy, tiếp theo, từ lớp 3, việc tổ chức giáo dục lối sống cho trẻ em sẽ đi vào các chủ đề:
– Cộng đồng gia đình (lớp 3)
– Cộng đồng tổ quốc (lớp 4)
– Cộng đồng nhân loại (lớp 5)
Từ lớp 6 trở đi, các em sẽ trở lại với những khái niệm đã học trong năm lớp đầu bậc tiểu học trên tinh thần khám phá lý thuyết và thực tiễn. Các em sẽ đủ hành trang để vào đời sau những năm học phổ thông như thế.
Xin phép nhắc lại, cách học Lối sống cũng như tất cả các môn học của chương trình Giáo dục hiện đại là cách học không giảng giải, không áp đặt mà được nhà sư phạm thực hiện như một công tác tổ chức các việc làm cho trẻ em đến được các khái niệm và triển khai cuộc sống mới của chính mình theo đúng khái niệm.
Trên ý nghĩa đó, các nhà giáo và các bậc phụ huynh có thể đồng hành cùng con em mình, giúp từng em tự làm ra lối sống mới cho chính mình!
Chúc các bạn thành công!