Downloadsachmienphi.com

Mười Ngày

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Mười Ngày –

Trong tập truyện Mười Ngày (Le Décaméron), của Giovanni Boccaccio (1313 – 1375),[1], ngay ở truyện đầu, Tinh thần gia tô giáo, Ngày thứ nhất, ta gặp tên đại bịp Xrappemenô. Trước khi chết y thêu dệt cuộc đời y bằng những sự kiện hoàn toàn bịa đặt để đánh lừa linh mục và các con chiên. Cuối cùng được phong làm thánh. Ta nhớ đến Trạng Quỳnh coi thường thần thánh, đã cột bò trước bàn thờ để lừa Chúa Liễu ngay trong khi cúng.

Anh chàng họa sĩ Calăngđranh bị bạn đùa, khiến anh ta tin rằng mình có thai, cũng phảng phất giống anh ngờ nghệch nọ của một truyện tiếu lâm nào đó (Người bệnh tưởng – Ngày thứ chín). Tác phẩm nổi tiếng thế giới Mười ngày của nhà văn và nhân văn Ý thế kỷ XIV, Boccaccio quả thật rất gắn với những truyện dân gian Việt Nam, đặc biệt là những truyện thuộc chủ đề phản phong, đả kích thói giả đạo đức của những người làm nghề tôn giáo, lên án cái luân lý khắc nghiệt mà họ đề ra, đòi hỏi trần gian với những thú vui tự nhiên của nó.

Dĩ nhiên khi nói đến chống phong kiến, chúng ta quan niệm thực trạng phong kiến ở châu Âu khác với phong kiến kiến Việt Nam, và châu Á nói chung, hai loại phong kiến có những nội dung kinh tế – chính trị – xã hội đôi khi ngược hẳn nhau. Truyện dân gian thể hiện phản ứng của giai cấp nông dân chống lại chế độ vua quan, địa chủ và kỳ mục, một chế độ mà khủng hoảng kéo dài từ thế kỷ XVII qua thế kỷ XVIII, XIX. Khổng giáo ngự trị xã hội bị phá từng mảng lớn. Những làng xã vẫn là những đơn vị cơ sở tự cung tự cấp, bất di bất dịch, đa số nghề thủ công nằm trong lũy tre xanh không tiến lên công nghiệp được, thành thị thị trấn thuộc quyền nhà vua, tầng lớp thường dân rất yếu ớt, quan hệ sản xuất nông nghiệp không thay đổi nên không có men tư tưởng mới.

Trái lại, những truyện mang tính chất dân gian trong Mười Ngày dậy chất men tư tưởng mới của giai cấp thị dân tư sản đang bước vào vũ đài chính trị. Boccaccio đại diện cho tầng lớp thương nhân ở các thành thị Ý. (Nước tư bản đầu tiên – Ăngghen). Châu Âu tiến lên chủ nghĩa tư bản bằng sự phát triển công thương nghiệp, giai cấp tư sản chống phong kiến thắng lợi, tách được thành thị ra khỏi quyền lực của nhà nước, của vua chúa.

Boccaccio và thời đại, hoàng hôn Thời Trung cổ, bình minh Thời Phục hưng.

Trước sức lấn công của những bộ tộc rợ Gốt (Goths), đế chế La Mã tan rã vào khoảng nửa sau thế XIX, nước Ý vẫn còn bị chia có thành hàng chục quốc gia nhỏ. Đến thế kỷ VIII, IX, sau khi bình định một bộ phận lớn đất đai thuộc lãnh thổ ngày nay của các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Âu… Saclơmanhơ lập ra chế độ La Mã – Đức Thần thánh. Sau đó là một thời kỳ hỗn loạn liên miên. Mãi đến thế kỷ X, đế chế Thần thánh mới được khẳng định lại.

Bắt đầu từ thế kỷ XI, nhờ có cuộc Thập tự chinh, các thành thị ở miền Bắc và miền Trung nước Ý buôn bán phát đạt nhất là các hải cảng Naplơ, Flôrăngx, Giênơ, Vơnidơ… từ đó công nghiệp (dệt, binh khí, kim hoàn…) phát triển đồng thời với kinh doanh tiền tệ cho vay lãi.

Những thế kỷ XII và XIII được đóng dấu bởi hai sự kiện lịch sử quan trọng: sự tranh giành quyền lực giữa Giáo Hoàng La Mã và hoàng đế đóng đô trên lãnh thổ Đức, và sự phát triển của các quốc gia thành thị. Nội bộ các quốc gia Ý bị xâu xé bởi cuộc tranh chấp giữa hai phe, một phe ủng hộ Hoàng đế Ý là một bộ phận của đế chế, một phe ủng hộ Giáo Hoàng. Thực chất cuộc tranh chấp là sự vùng lên của các thành thị – công xã Ý đã vững mạnh, muốn thoát khỏi sự cai trị của Hoàng đế bằng cách chấp nhận sự bảo hộ lỏng lẻo hơn của Giáo Hoàng.

Bước sang thế kỷ XIV, thế kỷ của Boccaccio, có thể nói là các (quốc gia thành thị ) Ý thống trị nền kinh tế châu Âu qua thương nghiệp và ngân hàng. Dù phục tùng về danh nghĩa Hoàng đế hay Giáo Hoàng, những thành thị ấy đã là những công xã được giải phóng khỏi ách phong kiến, tự trị về mặt chính trị. Ở đó giai cấp tư sản đương lên xây dựng một nền văn nghệ huy hoàng, báo hiệu thời kỳ văn nghệ phục hưng ở châu Âu.

Ngay khi văn học Ý ra đời, đã xuất hiện ba thiên tài: Đantê ( 1265- 1321), người ra hùng ca. thơ tự sự và giáo huấn Ý. Pêt’raca (1304-1374), người canh tân thơ trữ tình Ý và Giôvanni Boccaccio ( 1313- 1375), người đặt nền tảng cho văn xuôi nghệ thuật Ý. Ba người là gạch nối giữa thời Trung cổ và thời Phục Hưng văn nghệ châu Âu.

Con hoang của một thương nhân Ý và một phụ nữ Pháp, sinh ở tỉnh Xectanđô, gần Flôrăngx. Boccaccio qua thời thơ ấu ở đây. Năm mười lăm tuổi, ông được cha cho đi Naplơ để học nghề buôn và học luật. Những năm tuổi thanh niên này ở Naplơ có một đời sống văn hóa sôi nổi đã quyết định bước đi của ông, ông học tiếng La Tinh, nghiên cứu văn học cổ La Mã, say mê nhà thơ Vecgiliut. ông tham gia sinh hoạt cung đình vua Rôbe, giao thiệp với những nhà văn, nghệ sĩ, bác học, quý tộc và kinh doanh có tên tuổi. Rất có thể là ông yêu con hoang của vua Rôbe, nàng Nan Đakinô. Hoặc giả một phụ nữ nào khác đến nay vẫn chưa biết tên đã trở thành nàng thơ của Boccaccio dưới cái tên miều là Fiametta (ngọn lửa xinh). Ông ca ngợi mối tình ấy theo mẫu ước lệ cung đình trong tập Thơ (Rime) gồm 257 bài không có gì đặc sắc lắm; trong Người say mê tình ái (II Filocolo), truyện văn xuôi phân tích tâm lý theo khuôn sáo tiểu thuyết trung cổ Pháp; Flor và Blăngsơflor (Flor et Blancheflor); và trong Khúc bi thương về nàng Fiametta (Elegia di Madonna Fiametta). Thi phẩm Hình ảnh tình yêu (Amorosa visione) sử dụng thể văn phóng dụ để kể những chuyện phiêu lưu tình ái, cũng bắt chước cuốn Tiểu thuyết Hoa Hồng nổi tiếng thời Trung Cổ. Khúc bi thương về nàng Fiametta mãi đến năm l341 – 1345 mới hoàn thành: là một cuốn tiểu thuyết nửa tự truyện đã có những phân tích tâm lý sâu sắc và những rung cảm chân thực về một mối tình tuyệt vọng. Bị người tình ruồng bỏ, Boccaccio đau khổ, hoang mang, may nhờ bạn bè trông nom, an ủi, ông mới lấy lại được tinh thần.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo