Downloadsachmienphi.com

Nghìn Xưa Văn Hiến: Tập 1

Nghìn Xưa Văn Hiến: Tập 1 - Nhiều Tác Giả
Nghìn Xưa Văn Hiến: Tập 1 –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Nghìn Xưa Văn Hiến: Tập 1 –

Ra đời trong trời đất, sống giữa muôn vật, con người phải tìm hiểu đất trời, muôn vật. Không tìm hiểu thì không sống nổi. Hiểu được loài vật và cây cỏ, con người mới biết chống lại thú dữ, săn mồi lấy thịt, tránh hái quả độc, tìm trẩy trái lành. Hiểu núi sông, đất đá, con người mới biết trèo núi, lội sông, đi tìm miếng ăn, biết ghè đẽo đá làm đồ dùng và vũ khí thô sơ, để đào được củ nhiều hơn, săn được thú nhiều hơn. Như vậy, từ buổi đầu, con người đã học tập. Học cho biết để làm. Giải thích để cải tạo. Vừa làm vừa học. Làm đến đâu, học đến đấy. Học tập bằng mắt nhìn: quan sát. Học tập bằng tay làm: lao động.

Khi trời đất được chiếu sáng thì con người mới nhìn thấy muôn vật, mới có thể đi lại kiếm miếng ăn. Khi ánh sáng tắt, không kiếm ăn được, con người nghỉ ngơi, ngủ một giấc lấy lại sức, chờ lúc trời đất lại sáng. Như vậy, ngay từ đầu, con người đã phân biệt ngày sáng và đêm tối. Ngày đêm cứ thay phiên nhau; ngày là lúc con người làm việc, đêm là lúc người nghỉ ngơi. Ban ngày nhìn lên trời, con người loá mắt vì ánh sáng mặt trời. Ban đêm, mặt trời không còn nữa, nhưng nhiều đêm trên bầu trời lại hiện ra mặt trăng và các vì sao. Trong trí óc của họ, con người thuở ấy đã gắn mặt trời với ngày, trăng sao với đêm.

Mặt trời không đứng một chỗ. Nó hiện ra, từ từ vượt qua bầu trời, rồi biến mất. Trời vừa hửng, con người đã tỉnh giấc. Đất đã rạng, nhưng còn mát mẻ. Mặt trời càng vượt qua bầu trời, trời đất càng sáng tỏ, nhưng càng nóng lên. Kịp đến khi mặt trời ở đỉnh đầu thì nóng nhất. Mặt trời vẫn tiếp tục chuyển chỗ, càng chuyển trời đất càng bớt nóng, cho đến khi mặt trời vượt hết bầu trời để rồi mất tích sau rặng non xanh. Căn cứ vào vị trí từng lúc của mặt trời, con người phân biệt các buổi: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Từng hoạt động của con người… có lúc thật ngắn ngủi: nói một câu bắn một mũi tên, lấy một tổ ong, chặt một cành cây… Để ghi nhớ những hoạt động ngắn ngủi ấy, con người quy mỗi việc đã làm vào một buổi, một lúc nào đó: Cô gái ra suối lấy nước khi mặt trời vừa mọc, ông lão ăn vào buổi trưa, chàng trai bắn chết con sóc này đúng vào lúc mặt trời chỉ còn cách mặt đất khoảng hai con sào…

Mặt trời không ngừng chuyển động. Nhưng, dù vào buổi nào, nheo mắt nhìn lên trời, con người vẫn thấy mặt trời giữ nguyên hình tròn. Mặt trăng không thế. Có đêm trăng chỉ nửa vành, đã vậy lại rất mỏng, như viền móng tay con người. Thế rồi, cứ qua từng đêm, từng đêm một, trăng lớn lên, dày ra, to dần, cho đến khi trở thành một mặt tròn vành vạnh, toả ánh dịu mát, sáng tỏ gần như ngày. Rồi, mỗi đêm mặt trăng mỗi khuyết đi, lẹm dần, lẹm dần cho đến khi chỉ còn là một vành mỏng như viền móng tay. Tiếp theo là đêm không trăng: mặt trăng biến đâu mất, trời đất tối như bưng. Cứ thế “ông trăng khuyết”, “ông trăng lại tròn”. Mỗi kì từ lần khuyết này đến lần khuyết kia, là một tuần trăng là 29 đêm – ngày, là một tháng. Hoạt động của con người có lúc dài hơi, diễn ra qua nhiều đêm – ngày.

Trong trường hợp đó, phải căn cứ vào tuần trăng: bầu đoàn chúng tôi từ chân núi ra đi vào buổi trăng non, cứ ngày đi đêm nghỉ, hôm nay đến bờ biển thì trăng vừa tròn…

Nhưng, ngay từ buổi đầu, hoạt động của con người không chỉ trôi theo ngày đêm và tuần trăng. Có việc diễn ra qua rất nhiều tuần trăng, ví như cuộc đời của một con người, từ thuở mới sinh ra, lớn lên, già đi, rồi chết. Chưa có khoa học để tính lịch như ngày nay, con người thuở ấy chỉ biết dõi theo những biến đổi đều kì của muôn vật quanh mình. Có lúc đất trời ấm áp, cây cỏ tốt tươi, hoa nở đầy rừng.

Nhưng rồi trời đất nóng dần, hoa không còn, nhưng cây đậu quả, thỉnh thoảng có mưa dông, sông nước tràn bờ. Nắng dịu đi, cho đến khi trời đất mát hẳn, bầu trời một màu xam xám. Cứ thế, trời đất mát dần, mát dần, rồi chuyển sang lạnh ngắt, mưa phùn rả rích. Chỉ bằng quan sát cảnh vật, con người dần dần hiểu được các mùa, cứ qua bốn mùa trôi qua thì hơn 12 tuần trăng cũng trôi qua theo. Như thế, con người đã phát hiện ra năm, mỗi năm gồm bốn mùa, hay 12 tuần trăng, hơn 12 tháng. (Sau này, để tính cho tròn, có năm 12 tháng, có năm nhuận, thêm một tháng nữa là 13). Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, con người trải qua nhiều năm, nhiều lần 12, 13 tuần trăng, cứ mỗi năm tính là một tuổi.

Buổi, ngày đêm, tuần trăng, hay tháng, mùa, năm. Buổi ngắn hơn ngày, ngày ngắn hơn tuần trăng, tuần trăng ngắn hơn mùa, mùa ngắn hơn năm. Cứ thế, ngày lại ngày, năm lại năm, nhiều năm nối tiếp nhau, con người càng đông lên, tinh khôn hơn, hiểu biết thêm muôn vật quanh mình, làm ra nhiều đồ dùng và công cụ mới để càng no ấm hơn. Trong trí óc, con người gắn mỗi hoạt động của mình vào một buổi, một ngày, một tháng, một mùa, một năm nào đấy. Ngày – đêm – năm – tháng trôi qua, như nước dòng sông chảy xuôi không trở lại. Ngày nay, ta gọi những ngày – đêm – năm – tháng liên tiếp như thế ấy là dòng thời gian. Con người gắn những hoạt động của mình vào dòng thời gian, khác nào người đi đò ghi vào trí nhớ những bến bờ, làng mạc, chợ búa nối tiếp nhau bên dòng sông. Ngày nối ngày, năm tiếp năm… dòng thời gian có bao giờ chấm dứt! Nhưng, chưa có lịch thì làm sao phân biệt năm này với năm kia? Ngay gần đây, người Mơ Nông ở Tây Nguyên còn ghi nhớ từng năm theo vị trí phát nương. Mỗi năm, dân làng lại đến một khu rừng hoang để phát nương mới: họ bảo rằng đến “ăn” khu rừng ấy. Các sự việc xảy ra trong năm, họ đều gắn với khu rừng mới khai phá: chú bé này sinh vào thời chúng tôi “ăn” khu rừng này, hai anh chị kia lấy nhau hồi chúng tôi “ăn” khu rừng nọ.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo