Downloadsachmienphi.com

Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison

Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison - Robert James Waller
Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison –

Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison

Tác Giả:

Thể Loại: Văn Học Nước Ngoài

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Những Chiếc Cầu Ở Quận Madison –

Tiếng hát vọng lại theo cỏ xanh và bụi đường. Một chiều cuối thu 89, ngồi tại văn phòng, tôi theo dõi điểm sáng trên màn hình máy tính thì điện thoại reo. Đầu dây kia là Michael Johnson. Hiện tại anh ta đang ở Florida nhưng trước kia sinh tại đây, bang Iowa này. Có một người bạn gởi cho anh ta một trong mấy cuốn sách của tôi. Michael Johnson, cả cô em gái Carolyn nữa, có đọc và, anh ta nói, họ biết một câu chuyện mà theo họ có thể làm tôi quan tâm. Họ cẩn thận không chịu nói gì thêm, nhưng hai anh em sẵn sàng đến đây gặp tôi để kể.

Xem ra họ có vẻ nhiệt tình, mặc dù tôi tỏ ra hững hờ trước những đề nghị loại như vậy. Tôi đành chấp nhận gặp họ tại Des Moines tuần tới.

Tại quán Holiday Inn gần phi trường, giới thiệu xong, khi sự lúng túng qua đi, cả hai ngồi xuống trước mặt tôi. Bên ngoài, chiều xuống chậm trên bầu trời tuyết mịn. Họ bắt tôi hứa một điều: Nếu tôi quyết định không viết lại câu chuyện, sẽ không nói cho ai biết về sự tình đã xảy ra ở quận Madison năm 1965, kể cả những gì diễn ra 24 năm sau đó. Được thôi, cũng hợp lý. Bởi dẫu sao, đó cũng là chuyện của họ chứ đâu phải của tôi.

Vậy thì tôi lắng nghe. Tôi lắng nghe chăm chú và đặt những câu hỏi khó trả lời. Còn họ thì nói. Nói mãi. Có lúc Carolyn khóc và không giấu giếm, còn ông anh Michael thì cố chế ngự. Họ cho tôi xem tài liệu, bài vở cắt ở các tạp chí và những trang nhật ký riêng của họ, Francesca.

Hầu bàn tới rồi lui. Chúng tôi uống cà phê. Khi họ nói, tôi bắt đầu xem các tấm hình. Lời họ lọt vào tai. Tôi bắt đầu nghe, rồi vừa hình dung những từ ngữ ấy trên trang giấy. Gần quá nửa đêm, tôi chấp viết lại câu chuyện… hay ít ra tôi sẽ thử viết. Việc quyết định khơi mở ra ánh sáng những sự việc này trước đây đối với họ thật khó khăn. Hoàn cảnh rất tế nhị bởi nó liên quan đến họ và gián tiếp đến bố họ nữa. Cả Michael và Carolyn đều biết rằng một câu chuyện như thế thì có thể là dịp cho những lời đàm tiếu khó chịu và cả những lời lăng mạ những kỉ niệm mà Richard và Francesca Johnson để lại.

Dẫu sao, trong một thế giới mà sự hiện diện cá nhân dưới mọi hình thức đều dường như mất giá trị, trong một thế giới mà là một sự thỏa hiệp về vấn đề tiện nghi, cả hai cảm thấy câu chuyện này đáng để kể lại. Khi đó tôi cũng thấy như vậy và bây giờ càng tin chắc rằng họ có lý.

Trong suốt thời gian nghiên cứu rồi biên tập lại cuốn sách này, tôi yêu cầu gặp họ ba lần. Mỗi lần như thế họ đều đến Iowa gặp tôi, chẳng chút dè dặt. Họ chỉ muốn câu chuyện được kể lại một cách thật trung thực. Thường khi chúng tôi ngồi nói chuyện, cũng có lúc đi lững thững theo các con đường trong quận Madison để họ có thể chỉ rõ những nơi xảy ra sự tình. Ngoài lời kể của Michael và Carolyn, tôi còn căn cứ trên cuốn nhật ký của Francesca Johnson; trên những tìm tòi của chính tôi ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, đặc biệt tại Seattle Bellingham, trong bang Washington; những cuộc dò hỏi bí mật ở quận Madison, ở Iowa; những thông tin thu lượm được trong những bài báo ảnh của Robert Kincaid; cả sự giúp đỡ bằng thư từ của các biên tập viên các tạp chí, những chi tiết kỹ thuật của các nhà làm phim ảnh, và nhất là những cuộc nói chuyện dài dòng với các người già còn sống ở viện dưỡng lão ở Barnesville bang Ohio, những người còn nhớ tới Kincaid thời trẻ.

Mặc cho những nỗ lực của tôi, vẫn có những khoảng trống tồn tại. Tôi đã phải vận dụng một ít trí tưởng tượng để lấp đầy, nhưng chỉ khi tôi có thể chứng minh bằng sự hiểu biết riêng tư về Francesca Johnson và Robert Kincaid mà tôi cảm nhận được trong suốt quá trình nghiên cứu. Tôi tin rằng mình đã tiếp cận được gần với những diễn biến thật nhất.

Khá nhiều chi tiết còn thiếu liên quan đến chuyến đi của Kincaid lên phía Bắc nước Mỹ. Chúng tôi chỉ biết ông thực hiện chuyến đi này theo các bức ảnh ông đăng trên tạp chí cũng như theo lời Francesca nhắc trong nhật ký, cùng vài thư nhắn Kincaid viết cho Tổng biên tập. Do những nguồn vắn tắt như vậy, tôi lại lần theo con đường ông ta đi từ Bellingham trong tiểu bang Washington cho đến quận Madison trong mùa hè 1965. Đến Madison, cuối cuộc hành trình của chính tôi, thì tôi có cảm giác rằng, nhiều mặt, tôi đã trở thành Robert Kincaid. Điều đó có nghĩa là nỗ lực nắm lấy “yếu tính” của Kincaid chính là sự dấn thân đích thực nhất của việc viết cuốn sách này. Và đó là một nhân vật khó nắm bắt. Có lúc, ông ta gần như một người bình thường. Lúc khác thì phiêu bồng như không thực. Miệt mài với công việc, dẫu vậy ông lại tự xem mình như thể một loài thú đặc biệt đang trên đà diệt chủng trong một thế giới càng lúc càng có tổ chức chặt chẽ hơn. Ngày nọ, ông ta từng nói về “tiếng kêu thảm khốc” của thời gian đang vọng lại trong đầu mình, và Francesca Johnson thì miêu tả ông như là một con người sống trong “những vùng xa lạ, ma quái, rất xa những điều căn bản của luân lý bình thường”.

Có hai câu hỏi đơn độc vẫn mãi mãi không có câu trả lời. Thứ nhất, cho đến nay chúng tôi vẫn không thể xác định cái gì xảy ra với tập tài liệu ảnh của Kincaid. Cứ theo nghề nghiệp của ông ta, hẳn ông ta phải để lại hàng vạn, hàng chục vạn bức ảnh. Thế mà người ta chẳng bao giờ tìm thấy. Điều có khả năng nhất – và nó thích hợp với cách ông ta nhìn về chính mình và về vị trí của ông trong thế giới này – ông đã hủy hết tất cả trước khi chết.

Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc ông ta làm trong thời gian giữa năm 1975 đến 1982. Rất ít thông tin: Ông kiếm sống rất khiêm tốn bằng cách chụp ảnh chân dung ở Seattle nhiều năm rồi tiếp tục chụp ảnh khu Puget Sound. Ngoài ra, tôi chẳng biết gì hơn. Cũng cần ghi chú thêm là tất cả những thư từ gửi đến ông ta từ Phòng an sinh xã hội và Hội cựu chiến binh đều được gởi trả lại với lời ghi “trả lại người gửi” do chính tay ông ta viết.

Việc chuẩn bị soạn cuốn sách này làm thay đổi nhãn quan của tôi về thế giới, làm chuyển biến cách suy nghĩ của tôi, và nhất là làm tôi ít trơ tráo hơn trong cách nhìn về mối quan hệ giữa con người. Trong việc tìm biết Francesca Johnson và Robert Kincaid như tôi đã làm trong suốt quá trình thu thập tài liệu, tôi mới khám phá ra rằng trong những mối quan hệ đó, các biên cương ngăn cách có thể bị đẩy lùi xa đến mức tôi không ngờ. Có thể bạn cũng sẽ có cùng cảm giác với tôi khi đọc chuyện này. Vì điều đó đâu có dễ. Trong một thế giới càng ngày càng khô cứng lại, chúng ta luôn tự hào cho mình một lớp vỏ rắn nhằm che chở cho những tình cảm đã chết của mình. Biên giới phân ranh một niềm đam mê lớn và chân thật với những tình cảm ủy mị thái quá nằm ở đâu, tôi không thể biết. Nhưng tôi biết cái xu hướng tự nhạo báng về nỗi đam mê của mình, cái khuynh hướng muốn xếp loại những tình cảm thuần khiết sâu xa như là những gì ẻo lả, ướt át rẻ tiền chính là trở ngại cho việc đi vào cái thế giới dịu dàng chứa đựng những câu chuyện của Francesca Johnson và Robert Kincaid này. Tôi biết rằng tôi phải vượt qua cái định kiến đó mới có thể bắt đầu được.

Dẫu vậy, nếu như bạn, bằng cách tự nguyện tạm gác lại lòng ngờ vực của mình như cách nói của Coleridge – để đọc tiếp những dòng sau đây, tôi tin rằng bạn cũng sẽ trải qua những điều như tôi đã trải qua. Và cả những miền hờ hững của con tim bạn, rồi bạn cũng sẽ tìm thấy – như Francesca Johnson và Robert Kincaid đã tìm thấy một cõi bờ để có thể tự ca múa một lần nữa.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo