Downloadsachmienphi.com

Sào Huyệt Của Những Ông Trùm

Sào Huyệt Của Những Ông Trùm - James B. Stewart
Sào Huyệt Của Những Ông Trùm –

Sào Huyệt Của Những Ông Trùm

Tác Giả:

Thể Loại: Kinh Tế

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Sào Huyệt Của Những Ông Trùm –

Khởi đầu lặng lẽ, lấy đà và biến thành một dòng thác lũ nhanh chóng sinh sôi ra hàng triệu, hàng tỷ lợi nhuận, sự vang dội tới nỗi dường như không có một thế lực nào có thể ngăn cản, chi phối hay dung túng. Nhiều nhà đầu tư bị mờ mắt bởi khúc ca mê đắm lòng người của nó: lợi nhuận cao hơn với rủi ro thấp hơn.

Lợi nhuận lớn hơn trong khi mức rủi ro phải chịu lại thấp hơn suốt nhiều thế kỷ đã qua luôn là chiếc Chén Thánh trong tay các thầy phù thủy tài chính. Một điều mà các học thuyết kinh tế đã chứng minh quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro tuân thủ theo nguyên tắc – lợi nhuận cao hơn luôn đi kèm với mức rủi ro cao hơn. Điều này được coi như một chân lý. Các nhà đầu tư đổ tiền vào các vụ đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao luôn đòi hỏi phải thu được những khoản lời lớn hơn để bù đắp cho nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó quy luật này cũng có thể có ngoại lệ mà từ lâu đã trở thành đề tài hấp dẫn lôi cuốn các nhà kinh tế học và các nhà đầu tư. Trong những trường hợp như thế, những giáo sư lỗi lạc của các trường đại học danh giá đã tuyên bố rằng cuối cùng, thứ ngoại lệ ấy cũng đã được phát hiện.

Sự tồn tại của thứ sản phẩm tài chính mới với khả năng phát tán nhanh chóng gây ra những hệ lụy trên diện rộng. Khi hàng tỷ đô la được ném vào thị trường, giá trị tài sản đặc biệt là bất động sản tăng lên vùn vụt. Tại các bữa tiệc rượu, trong các phòng thay đồ và cả các câu lạc bộ bài bridge, người ta nói về giá trị “ngất trời” của các dinh thự cùng danh mục cổ phiếu đang nắm trong tay. Hãng đấu giá Sotheby thì công bố những “siêu” kỷ lục trong các cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật.

Người giàu ngày càng giàu hơn và khoảng cách giữa họ và những người nghèo cũng ngày một rộng ra. Chính phủ thu được nhiều thuế hơn mà chẳng cần động chân động tay hoặc nếu có chỉ làm rất ít. Nới lỏng quản lý không chỉ trở thành câu thần chú của những đảng viên Cộng hòa, mà còn là bùa hộ mệnh của các đảng viên Dân chủ.

Thế rồi tất cả sụp đổ. Giới chuyên nghiệp mắc sai lầm. Điều này một lần nữa nhắc nhở các nhà đầu tư chân lý ‒ lợi nhuận cao luôn gắn liền với rủi ro cao. Những giá trị tăng lên vùn vụt chỉ là ảo tưởng và đơn thuần chỉ là sự xuất hiện hiện tượng bong bóng kinh tế mới trong lịch sử mà thôi. Tất nhiên, theo quy luật bong bóng cuối cùng rồi cũng nổ bung. Hệ thống ngân hàng lung lay và buộc chính phủ phải ra tay can thiệp nhằm cứu vãn tình thế ‒ một điều chưa từng có tiền lệ. Nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Đại Khủng Hoảng năm 1929.

Đến khi thiệt hại to lớn cứ thế tăng lên, mảng tối của giai đoạn bùng nổ kinh tế hiện ra: hoạt động phi pháp bao trùm trên phạm vi rộng lớn tới mức không tiền khoáng hậu.

Bức tranh về cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở trên gợi nhớ tới những sự kiện lịch sử vào những năm 2008-2009. Một loại sản phẩm tài chính mới ‒ nợ có đảm bảo bằng tài sản (CDO) ‒ một loại chứng khoán kết hợp một loạt các sản phẩm tín dụng lại với nhau làm bảo chứng, sau đó phát hành ra thị trường bán đến tay các nhà đầu tư với mục tiêu phân tán lợi nhuận và rủi ro. Thị trường dành cho những loại chứng khoán như vậy bùng nổ cho đến khi những khoản vay của người đi vay thế chấp trở thành dưới chuẩn, với việc ghi nợ căn cứ vào những tiêu chuẩn hết sức lỏng lẻo và người vay bắt đầu không thể trả nợ đúng hạn với tỷ lệ báo động ở mức chưa từng thấy. Hiện tượng này đã đe dọa cấu trúc của những khoản nợ vốn được coi là an toàn được xây dựng dựa trên các khoản thế chấp trước đó trên diện rộng. Hệ lụy phát sinh bắt đầu từ một cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, trận bão này đã biến thành một làn sóng khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu, một sự kiện mà nhiều người gọi tên là Đại Suy Thoái.

Tuy nhiên, câu chuyện trên đây không chỉ đề cập riêng đến chuỗi sự kiện hồi năm 2008-2009. Ở một chừng mực nào đó, câu chuyện này còn đề cập đến những gì đã xảy ra từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 của giai đoạn bùng nổ ‒ đổ vỡ được tiếp năng lượng bởi trái phiếu lãi suất cao. Giống như vay thế chấp dưới chuẩn, trái phiếu trả lãi suất cao rốt cuộc cũng bị mất khả năng thanh toán với tỷ lệ báo động, gây ra làn sóng đổ vỡ thị trường chứng khoán vào năm 1987, làm tiêu tan rất nhiều khoản tiết kiệm và vay nợ biến giai đoạn 1990-1992 trở thành giai đoạn suy thoái chuyển tiếp đen tối nhất kể từ sau Đại Khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn này cao hơn mức thất nghiệp của năm 2009.

Trái phiếu trả lãi suất cao – loại trái phiếu sinh lời cao do các công ty có mức tín nhiệm thấp phát hành được bảo chứng bằng các tài sản đảm bảo dưới chuẩn. Loại chứng khoán này phổ thông hơn hình thức vay nợ có đảm bảo bằng tài sản và những chứng khoán phái sinh tinh vi khác (những tác nhân đã gây ra một sự đổ vỡ ghê gớm mười năm sau đó). Chúng được phát hành ra dựa trên nền tảng giả thuyết (sai lầm) tương tự – tạo ra những khoản lời cao hơn với rủi ro thấp hơn.

Giống nhiều nhà kinh tế đoạt giải Nobel, những người thường được viện dẫn để biện minh cho đánh giá lợi nhuận ‒ rủi ro đối với các loại chứng khoán bảo chứng bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn, trái phiếu trả lãi suất cao cũng có cơ sở học thuật của riêng nó: Năm 1953, W. Braddock Hickman, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton xuất bản cuốn đầu tiên trong bộ sách gồm ba tập viết về lịch sử trái phiếu doanh nghiệp, mang tựa đề “Các chuẩn mực thống kê về hoạt động đầu tư trái phiếu công ty từ năm 1900” (Statistical Measures of Corporate Bond Financing Since 1900). Mục tiêu nghiên cứu của Hickman nhằm chứng minh rằng những khoản lời thu được từ trái phiếu trả lãi suất cao là cao hơn nhiều so với nguy cơ vỡ nợ thực tế. Sau đó, Hickman trở thành Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Cleveland trước khi qua đời do đau tim vào năm 1970. Không mấy ai đọc tác phẩm của Hickman nhưng nghiên cứu của ông đã gây ấn tượng sâu sắc với một sinh viên kinh doanh trẻ tuổi tại Đại học California ở thành phố Berkeley, người đã phát triển tác phẩm của Hickman thành cuốn cẩm nang về trái phiếu trả lãi suất cao với cơ chế lãi cao đi kèm rủi ro thấp. Người này tên là Michael R. Milken.

Hiện tượng vươn lên chạm tới đỉnh cao của sự giàu có và quyền lực rồi sau đó rơi xuống như sao băng của của Milken sẽ được miêu tả chi tiết ở câu truyện sau đây. Câu truyện này được tái bản một lần vào đầu thập niên 1990. Ở cương vị trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu trả lãi suất cao của ngân hàng Drexel Burnham Lambert, Milken đã gây dựng một đế chế trái phiếu trả lãi suất cao, tác động tới đời sống của hầu hết người dân Mỹ, từ những quý ông giàu có trên Phố Wall cho tới những công dân bình thường. Trái phiếu trả lãi suất cao đã tiếp tay cho những vụ thâu tóm doanh nghiệp thô bạo, đẻ ra hàng triệu những kẻ săn lùng công ty và sản sinh ra mạng lưới gồm các chủ nhà băng, luật sư, các chuyên gia thời sự, các cố vấn ủy nhiệm, nhà đầu tư chứng khoán và các giao dịch viên – trong đó, kẻ thì ủng hộ, người thì phản đối chúng. Những cuộc thâu tóm tàn nhẫn ấy đã tạo ra những cái tên nổi đình nổi đám như Ivan Boesky và Carl Icahn, những người sau đó được đưa vào danh sách những nhân vật giàu nhất thế giới. Ở phạm vi rộng hơn, các công ty cùng giá cổ phiếu đã bắt đầu được định giá ở mức giá hợp lý giúp chúng có thể được bán ra trong những cuộc thâu tóm sử dụng trái phiếu trả lãi suất cao, chính điều này đã đẩy thị trường tới những đỉnh cao khủng khiếp vào mùa thu năm 1987.

Ở chiều ngược lại, trái phiếu trả lãi suất cao thúc đẩy việc cung cấp tín dụng một cách dễ dàng cho hàng triệu người đi vay từ các quỹ tiết kiệm và vay nợ mới được thả lỏng do bãi bỏ quy định trong cả nước. Những quỹ kiểu như Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay Lincoln đặt trụ sở tại Phoenix của Charles Keating chính là một trong những khách hàng lớn nhất của trái phiếu Milken. Quỹ này vừa tự phát hành trái phiếu của mình, lại vừa mua lại trái phiếu từ những khách hàng khác của Milken. Những người đi vay rủng rỉnh tiền nhờ các khoản tín dụng lỏng lẻo đã góp phần đẩy giá nhà cửa tăng vọt. Khi các quỹ tiết kiệm và cho vay đổ những khoản đầu tư mới của mình vào thị trường bất động sản, giá cả tăng vọt và ngành xây dựng thăng hoa nhờ bùng nổ trào lưu xây cất hàng loạt.

Kết quả là một bong bóng kinh điển: Các nhà đầu tư bị môt chuyên gia bán hàng bậc thầy – là Milken chứ chẳng phải ai khác ‒ huyễn hoặc tin rằng giá của trái phiếu trả lãi suất cao, cổ phiếu và bất động sản chỉ có thể tăng chứ không giảm. Những tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ dần biến mất trong khi những tiêu chuẩn khác được đề ra với mục tiêu hỗ trợ cho trái phiếu trả lãi suất cao của Milken đang lưu hành. Thị trường dường như cũng minh chứng cho điều này khi giá cả cứ tăng liên tục. Để rồi, như chúng ta thấy, tất cả đều vỡ tung.

Từ đống đổ nát ấy xuất hiện các manh mối sự tương phản của bong bóng tài sản. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã làm lộ diện một loạt thành phần bất hảo, những tội phạm bị phán quyết, trong số đó táo bạo và một cách trơ tráo hơn cả là Bernie Madoff. Madoff quản lý một trong những quỹ đầu cơ thuộc thế hệ đầu trong giai đoạn bùng nổ đầu thiên niên kỉ mới. Các quỹ đầu cơ loại này đa phần không chịu sự giám sát và quản lý gì, được thiết kế riêng cho những nhà đầu tư “mạnh gạo, bạo tiền” một cách tinh vi và khôn khéo, chúng hội tụ hầu hết các chiến lược đầu tư có thể tưởng tượng được trên đời, từ đầu tư vào hàng hóa, các vụ thâu tóm sáp nhập đến chọn mua cổ phiếu theo kiểu cũ. Quỹ đầu cơ của Madoff có tham vọng trở thành một cỗ máy sử dụng chiến lược giao dịch để tạo lợi nhuận cao một cách bền vững trong mọi điều kiện thị trường tốt hay xấu.

Trên thực tế, quỹ đầu cơ Madoff lại hoạt động theo cơ chế gian lận kiểu Ponzi kinh điển, một trong những thủ đoạn tài chính cũ nhất nhưng lại tồn tại lâu bền nhất, trong đó tiền thu về từ nhóm các nhà đầu tư mới được dùng để trả cho các khoản hoàn lại cho các nhà đầu tư cũ. Trò lừa đảo của Madoff có thể hơi thiếu tính độc đáo, nhưng xét về sức bền và quy mô, nó đã xác lập kỷ lục mới. Trong lời bào chữa tội trạng của mình, Madoff thừa nhận rằng quỹ đầu cơ của ông ta không hề tham gia bất cứ hoạt động giao dịch nào sinh lời mà bản chất là trò gian lận kiểu Ponzi bắt đầu từ năm 1991, thật tình cờ đây lại chính là thời điểm Milken bắt đầu thi hành án phạt của mình với sáu tội danh nghiêm trọng mà ông ta đã thừa nhận. Hiếm có trò gian lận Ponzi nào kéo dài được đến 17 năm, bởi dòng tiền đầu tư mới sẽ bị khô cạn khi những yêu cầu hoàn trả liên tục tăng lên và chất chồng lại. Thế nhưng công cụ quỹ đầu cơ lại tỏ ra rất phù hợp cho việc che đậy hành tung hoạt động của một cơ chế lừa đảo kiểu Ponzi. Khác với trái phiếu và các hình thức đầu tư khác, đầu tư chứng chỉ quỹ đầu cơ có thể tiếp diễn liên tục không giới hạn. Madoff đã khôn ngoan sắp đặt các khoản lợi nhuận vừa đủ cao khiến các nhà đầu tư giữ được bình tĩnh và không tự nguyện rút tiền của mình về, nhưng lại không quá cao để thu hút sự chú ý ngoài ý muốn. Thậm chí có những quý, Madoff đã báo cáo những khoản lỗ nho nhỏ. Sau khi Madoff bị bắt giữ, rất nhiều người chỉ trích cho rằng các nhà đầu tư lẽ ra phải biết rằng những khoản đầu tư mong muốn của Madoff – khoảng 10% hàng năm, trong cả những năm phát đạt và ảm đạm của thị trường chứng khoán – là siêu thực. Tuy nhiên, có rất nhiều giám đốc quỹ đầu cơ còn báo cáo những con số lợi nhuận cao hơn thế, mà không có ai đặt câu hỏi về độ minh bạch của các báo cáo đó. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng mấy nhà đầu tư muốn rút vốn ra khỏi tay Madoff mà ngược lại, rất nhiều người thậm chí đầu tư thêm vào, có những người còn tỏ lòng tin tưởng ông ta và trút hết những khoản tiết kiệm cả đời của mình vào quỹ.

Đến lúc hạ màn, giữa một làn sóng các khoản đền bù cùng những lời tự thú lâm li gửi tới hai cậu con trai, dự tính Madoff đang quản lý khoảng 65 tỷ đô-la. Thực tế, tất thảy số tiền này đều biến mất hay chỉ còn là hoang tưởng trả khiến sự kiện này trở thành vụ lừa đảo quy mô lớn nhất trong lịch sử tài chính. Madoff thừa nhận bản cáo trạng với mười một tội danh và bị tuyên án 150 năm tù, mức án cao nhất trong khung hình phạt. Madoff không hề đề cập tới bất cứ một tình tiết giảm nhẹ nào cả. Ông ta nói trước lúc bị tuyên án rằng “Tôi đã để lại một gia sản chỉ toàn sự hổ thẹn cho gia đình và con cháu, đúng như lời một vài nạn nhân của tôi đã nói. Đó là thứ mà tôi sẽ phải chung sống trong suốt quãng đời còn lại.” Khi nhắc đến nạn nhân của vụ lừa đảo, ông ta nói thêm, “Tôi xin lỗi. Tôi biết lời xin lỗi cũng chẳng giúp gì được cho các ông bà.”

Cuộc khủng hoảng tài chính đã góp phần lật đổ đế chế Madoff do một làn sóng yêu cầu hoàn trả lợi nhuận của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Madoff lại đứng ngoài chuỗi sự kiện gây ra các bong bóng tín dụng cũng như sụp đổ của nó. Ở khía cạnh này, Madoff khác biệt hẳn với các nhân vật trung tâm của tác phẩm này. Mặc dù kỹ năng huyền thoại của Ivan Boesky với vai trò một nhà buôn cổ phiếu giá thấp rốt cuộc trở thành hão huyền, nhưng chí ít anh ta đã thực sự tham gia vào hoạt động thâu tóm sáp nhập, đôi lúc khá thành công, góp phần hình thành văn hóa giao dịch thỏa điên rồ tạo nền cho sự hình thành và phát triển của trái phiếu lãi suất cao.

Milken thậm chí còn vượt xa cả Madoff cho dù Madoff bị kết án nhiều tội trạng hơn. Mặc dù không cần bàn cãi thêm về những tội danh, nhưng tội lỗi mà Milken gây ra lại hầu như chỉ là ngẫu nhiên trong việc hình thành và duy trì đế chế của ông ta. Sẽ quá ư giản đơn và thiếu chính xác nếu chỉ coi Milken là một tên tội phạm thông thường. Thế nhưng những âm mưu tội ác lại vận hành nhịp nhàng êm ái quá mức với những hoạt động kinh doanh hợp pháp của Milken để hình thành và duy trì thế độc quyền trái phiếu trả lãi suất cao của anh ta. Nhìn rộng ra, chính việc tiếp năng lượng cho bong bóng tín dụng trái phiếu trả lãi cao đã góp phần tạo ra khủng hoảng mang tính hệ thống trên toàn thị trường, khác hẳn với bất cứ thứ gì Madoff đã làm.

Còn quá sớm để biết được liệu một nhân vật giống như Milken có lộ diện giữa đống đổ nát mà bong bóng tín dụng để lại hay không, mặc dù không nhân vật nào có thể thống trị các loại chứng khoán hình thành nhờ sự đảm bảo của các khoản thế chấp và thị trường tài chính phái sinh như cách Milken đã làm với trái phiếu trả lãi suất cao. Rất nhiều cuộc điều tra tội phạm được tiến hành từ năm 2009. Một trong những vụ đình đám nhất tập trung vào Joseph Cassano, người đứng đầu Financial Products Corp., một bộ phận của đế chế bảo hiểm AIG. AIG đã buộc phải trông cậy vào hàng tỷ đô-la cứu trợ của nhà nước sau khi các công cụ tài chính phái sinh do công ty của Cassano phát hành bắt đầu xuống dốc, khiến báo cáo hoạt động kinh doanh của AIG ngập trong hàng tỷ đô-la thua lỗ. (Cassano không hề bị truy tố, ông ta phủ nhận mọi hành vi sai trái.) Cassano rời AIG vào năm 2008 sau khi bỏ túi được 315 triệu đô-la tiền lương thưởng.

Giống như việc Milken chuyển địa bàn hoạt động của mình đến Beverly Hills nhằm thoát khỏi sự giám sát từ trụ sở New York của Drexel, Cassano cũng điều hành hoạt động kinh doanh từ London. Các lãnh đạo tối cao của AIG ở New York cũng bị tách xa khỏi những gì xảy ra ở bộ phận Sản phẩm Tài chính của họ, bộ phận đã sản sinh ra những khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời hoàng kim. Trước khi được AIG chiêu nạp hồi năm 1987, Cassano đã có cơ hội học hỏi từ một bậc thầy khi làm việc cho Milken ở Beverly Hills.

Mặc dù Milken đã bị tuyên án 7 năm tù, nhưng sau đó được Chánh án Tòa án Quận Miền Nam New York, Kimba Wood giảm nhẹ án phạt. Lời khai của Milken cáo buộc Alan Rosenthal, cựu lãnh đạo Drexel, đồng thời là bằng hữu lâu năm của Milken, chính là một trong những căn cứ cho quyết định giảm nhẹ hình phạt với Milken mà Chánh án Wood đã đưa ra. Một Bồi thẩm đoàn đã kết tội Rosenthal gian lận tiền thưởng liên quan đến một quỹ hưu trí, nhưng lại tuyên bố trắng án đối với bốn tội danh khác nghiêm trọng hơn của ông ta. Milken được trả tự do sau khi thi hành án chưa tới hai năm. Ông ta được chẩn đoán tuyến tiền liệt nhưng đã được điều trị thành công. Từ đó trở đi, ông ta tham gia các hoạt động từ thiện và đầu tư kinh doanh, ông ta làm việc rất cần mẫn nhằm đánh bóng danh tiếng của mình. Ông ta duy trì địa vị giàu sang phú quý và được Tạp chí Forbes xếp hạng 158 trong danh sách những người giàu nhất nước năm 2009 với tổng tài sản ước tính khoảng 2 tỷ đô-la. Sau khi được trả tự do, Milken chưa từng công khai thừa nhận hay ngỏ lời xin lỗi đối với những hoạt động phạm pháp của mình. Bất chấp lệnh cấm vĩnh viễn với lĩnh vực chứng khoán, Milken chẳng mấy chốc đã lại tham gia hoạt động giao dịch thỏa thuận. Milken tư vấn cho các khách hàng lâu năm như hãng truyền thông MCI Communications, tập đoàn truyền thông News Corp., và Turner Broadcasting với các thương vụ bị trì hoãn, thu về gần 100 triệu đô-la tiền phí. Năm 1998, Milken đối diện với các cáo buộc mà Ủy ban Chứng khoán đưa ra đối với vai trò của ông trong hai vụ giao dịch, bao gồm một vụ giữa MCI và News Corp., là vi phạm quy định hòa giải. Milken đồng ý bồi thường 47 triệu đô-la tiền phí và lợi tức, nhưng không thừa nhận hay phủ định các cáo buộc ấy. Cuộc điều tra liên quan cũng bị hủy bỏ mà không có cáo buộc nào được ghi nhận.

Sau đó, Milken đã gửi đơn xin ân xá lên Tổng thống và theo một số nguồn tin, đơn xin của ông ta đã gần như được chấp thuận. Tuy nhiên, khi những thông tin về vụ viêc này bị rò rỉ ra ngoài, Ủy ban Chứng khoán đã phản ứng bằng một công văn phản đối gửi tới Nhà Trắng trong đó đoạn đầu viết: “Chưa từng có mấy người dính dáng đến nhiều sự vụ gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với thị trường của chúng ta như thế.” Nó chỉ ra rằng “hầu như ngay sau khi được phóng thích, Milken đã bí mật khởi động lại các hoạt động với vai trò nhà môi giới.” Sau khi Ủy ban Chứng khoán bắt đầu điều tra những hoạt động này, họ đã có “những bằng chứng rõ ràng” để chứng minh “Milken đã đưa ra bằng chứng giả mạo và đánh lạc hướng điều tra” và “ngụy tạo những bằng chứng giả mạo và đánh lạc hướng điều tra về các đối tượng khác…” Milken và các luật sư trước sau đều phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến những thương vụ thỏa của ông ta sau khi mãn hạn tù hay việc dàn xếp công tác điều tra của Ủy ban Chứng khoán sau đó. Tuy vậy, tháng Một năm 2001, ngày làm việc cuối cùng của Tổng thống của Clinton trên cương vị tổng thống, nhà tài phiệt lưu vong Marc Rich đã được ân xá trong khi Milken thì không. Sự phẫn nộ của công chúng xung quanh quyết định ân xá cho Marc Rich gần như đã làm tiêu tan những nỗ lực tương tự đối với trường hợp của Milken.

Khi viết đến những dòng cuối cùng cuốn Sào huyệt của những ông trùm năm 1991, tôi kết thúc với một câu hỏi: Liệu chuyện này có xảy ra lần nữa hay không?

Gần hai mươi năm sau, chúng ta đã biết câu trả lời: nó đã lại xảy ra lần nữa. Điều này làm nảy sinh một câu hỏi tương tự: có phải chúng ta buộc phải lặp lại lịch sử theo sự an bài?

Tôi tin rằng câu trả lời ẩn dưới những trang giấy này suy cho cùng không chỉ đơn thuần là câu chuyện về giao dịch nội gián hay những vụ thâu tóm doanh nghiệp tàn nhẫn, mà còn liên quan đến bản chất con người. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, bối cảnh đã chuyển sang thành tín dụng thế chấp dưới chuẩn, chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản và những công cụ tài chính phái sinh đặc biệt. Sức mạnh của những khoản tiền khổng lồ cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó – luật lệ, quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, thậm chí luân thường đạo lý – một lần nữa lại được phơi bày rõ nét. Để rồi theo thông lệ, người ta lại kêu gọi cải cách để xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng.

Bản tính cố hữu của con người vẫn vậy, lịch sử cho thấy cứu cánh duy nhất cho khủng hoảng là kết hợp việc tạo lập hiệu lực pháp lý với việc thực thi và cưỡng chế. Mặc dù một số người đồng ý với quan điểm cực đoan cho rằng thị trường tự do sẽ chữa lành mọi tật bệnh, nhưng hầu như không một ai có suy nghĩ sẽ tin tưởng vào điều này sau những thương tổn kinh tế trầm trọng kéo theo từ vụ Milken-Boesky cho đến cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp dưới chuẩn. Ai là người có thể bám chặt vào những nguyên tắc thị trường tự do trong khi nhận thức rằng có những tình huống mà chỉ có sự can thiệp của nhà nước mới bảo vệ được thị trường tự do khỏi hiểm họa từ chính nó. Luật Chứng khoán và Giao dịch Chứng khoán ban hành năm 1933-1934 có hiệu lực trên diện rộng mang tính “phòng bệnh” là chủ yếu và điều chỉnh không quá chi tiết. Việc ngăn cản những hành vi phạm pháp trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 là hoàn toàn bất lực. Điều luật Sarbannes-Oxley, được Quốc hội thông qua nhằm ứng phó với sự vụ Enron và WorldCom, cũng không thể làm được gì nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ thế chấp có sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều cùng sự suy thoái sau đó. Thế nhưng Quốc hội lại tỏ ra có sức chống chịu đối với những giải pháp tình thế mang tính viễn kiến. Tuy nhiên, cần dành thời gian theo dõi tiếp để xem liệu cuộc khủng hoảng có thúc đẩy chính quyền Obama đưa ra những cải cách rộng hơn về hoạt động điều chỉnh nền kinh tế trước những nguy cơ vận động hành lang của Phố Wall hay không.

Như câu chuyện sẽ được kể trong cuốn sách này, về lý thuyết không có khuôn khổ điều chỉnh nào phát huy tác dụng thực sự khi hành vi phạm pháp không bị phát giác và không bị kiểm soát, nó sẽ lan tràn dữ dội, đặc biệt khi đồng tiền đã trở thành động cơ chính. Câu nói “Ai cũng đang làm thế cơ mà” trở thành một thứ bùa chú nhằm hợp lý hóa rất hữu hiệu. Xuyên suốt các sự kiện trong cuốn sách kéo dài từ giữa thập niên 1980 đến những năm 1990, kể từ cuối thời Tổng thống Reagan cho đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H. W. Bush, thực thi pháp luật luôn là ưu tiên hàng đầu của đảng Cộng hòa. Đến thời điểm Tổng Thống George W. Bush bước vào nhiệm sở năm 2001, Ủy ban Chứng khoán đã chỉ còn là cái bóng của chính mình trong quá khứ, thiếu thốn nhân sự, bộ phận thi hành pháp luật của Uỷ ban rã rời nản chí. Trong khi chính quyền Bush còn đang mải bận tâm với chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, thì Ủy ban Chứng khoán thất bại trong việc phát hiện ra trò gian lận kiểu Ponzi của Madoff bất chấp một loạt những cảnh báo và kiến nghị về giải pháp. Ủy ban Chứng khoán cũng thất bại trong việc giám sát sự bùng phát của các vụ đầu tư chứng khoán phái sinh đã nhấn chìm AIG. Hoạt động giám sát các ngân hàng đầu tư của Ủy ban Chứng khoán cũng thất bại khi ngăn chặn sự sụp đổ của gần như tất cả các ngân hàng lớn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan này. Thậm chí các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng buộc phải trở thành các ngân hàng cổ phần nằm dưới quyền kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thực thi pháp luật đòi hỏi ý chí chính trị với thái độ thận trọng thường trực.

Giữa biển người mênh mông, thế giới này sẽ luôn tìm ra được một Dennis Levine, một Ivan Boesky thậm chí là một “thiên tài” hiếm hoi kiểu Michael Milken. Nhưng liệu những kẻ ấy có được phép đẩy hệ thống tài chính cùng nền kinh tế thế giới vào tình thế hiểm nghèo hay không lại tùy thuộc vào tất cả chúng ta – những người còn lại.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo