Downloadsachmienphi.com

Việt Nam kho tàng dã sử

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

kho tàng dã sử –

Nước ta có lịch sử bốn nghìn năm, nhưng mãi đến thế kỷ XIII mới bắt đầu chép sử. Ba ngàn năm trước đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra, nhưng tiếc rằng ta không còn lưu giữ được một chi tiết nào (ngoài những truyền thuyết). Rồi trong thời trung đại, cận đại và ngay thời kỳ hiện đại bây giờ, cũng có bao nhiêu là chuyện mà sách vở không thể chính thức ghi chép, nhưng người dân đều biết cả. Chuyện không lấy gì làm chính xác hay chắc chắn, song cứ vẫn được lưu truyền từ người này sang người khác.

Cuốn sách này gồm những nội dung chính:

Phần 1: Các nhân vật và sự kiện qua nhiều thế kỷ

Phần 2: Dã sử qua các địa danh

Phần 3: Dã sử xung quanh một vài cuộc khởi nghĩa

Phần 4: Dã sử về những người thuộc dân tộc thiểu số

Phần 5: Một số thần tích.

Theo sự hiểu biết hạn chế của chúng tôi, thì hình như trong giới sử học ở nước ta, chưa có ý kiến nhiều lắm về vấn đề dã sử, mà những cuốn sách như Đào Khê dã sử lại cũng rất ít. Song thuật ngữ dã sử thì lại khá thông dụng, gần như rất quen thuộc với mọi người.

Theo đúng nghĩa đen của nó: dã là chốn quê mùa, chốn đồng ruộng. Dã sử có thể hiểu lại chuyện sử dân gian, do dân gian ghi chép lưu truyền chứ không phải do Nhà nước chủ trì, giao cho các sử quan phụ trách. Nhà nước phải chép quốc sử, tài liệu ấy được gọi là chính sử. Chính sử có những phần chính yếu gọi là cương, và những phần cụ thể, chi tiết hơn, gọi là mục. Quyển sử nước ta gọi là Thông giám cương mục là vì như thế. Chính sử chỉ chép những điều được chế độ chấp nhận tuỳ theo từng triều đại. Có nhiều sự kiện,ừng triều đại đánh giá khác nhau, có thể bỏ đi, không chép hoặc chép một cách sơ lược và phê phán gay gắt, thiên lệch. Có nhân vật được tôn vinh, phải chép đầy đủ, nội dung phong phú. Có nhân vật chỉ được ghi chép qua, để gọi là có mà thôi. Nhiều chuyện chép vào chính sử là rất khách quan (nếu sử quan là người công bằng chính trực, không sợ quyền uy), nhưng nhiều chuyện vẫn không phản ánh được hoàn toàn sự thực. Bên cạnh loại sử chính thức như cương mục, còn phải có những bộ sách khác ghi đầy đủ, chi tiết hơn – phần lớn ghi chuyện các vua quan, các ông hoàng bà chúa, hoặc những trận đánh lớn, những chiến dịch ghi được nhiều quân công. Người ta gọi những sách này là những thực lục. Lục cũng có ít nhiều giá trị như sử, nhưng không phải là sử chính thức. Và đó cũng là những tài liệu quan phương, không phải do dân ghi chép.

Nhưng trong cuộc sống có biết bao nhiêu việc đã xảy ra, bao nhiêu nhân vật đã hành động, bao nhiêu biến cố dâu bể thăng trầm. Các nhà làm sử dù là sử quan, sử thần (do vua cử ra) hay là sử gia (các trí thức chuyên về môn sử học) dù tài giỏi, uyên bác đến đâu, cũng không thể ghi cho đầy đủ. Họ không thể nào biết hết mọi chuyện. Ngay cả với những sự kiện trọng đại, họ cũng không thể nói thẳng ra, hoặc vì quan niệm, vì kỷ luật bó buộc. Thí dụ như ai đã là cha của các ông vua Lê Hoàn, Lý Công Uẩn ..v.v… thì không thể biết (hoặc có biết mà không dám nói), họ đành quy là do các ông ấy đã được giao hợp với Thần! Lại thí dụ như vua Lê Thánh Tông dù là một bậc minh quân, nhưng có thể là có chuyện lăng nhăng này nọ. Không thể nói thẳng điều ấy sử quan đành ghi một nhận xét phê phán nhẹ nhàng: “nữ yết thái thậm” (con gái hầu quá nhiều). Dân gian không bằng lòng với cách ghi chép này. Dã sử sẽ cho thấy ông vua này có khá nhiều giai thoại…

Vậy là những sự kiện, những nhân vật lịch sử, ngoài những gì họ được chính thức ghi chép trong sách vở của nhà nước, họ còn được dân gian ghi nhận. Chuyện của họ dù đúng hay sai, song tất nhiên phải có cơ sở, phải có cái lõi sự thực nhất định, và được những người có chứng kiến, có nghe bình luận, có ngấm ngầm ghi nhận và khẳng định đó là sự thật. Thế rồi họ sẽ lưu truyền cho nhau, kể một cách tự do theo cảm quan hay do nhận thức của số đông. Những chuyện kể ra như vậy đã thành dã sử, hay nói một cách khác là sử dân gian. Và tất nhiên, không phải chỉ có chuyện trong cung đình, mà còn có chuyện của những người có tên tuổi, chuyện về những sự kiện quan trọng của các triều đại, các giai đoạn. Dã sử có thể là chuyện sử của một người (cả người có tiếng tăm và người bình thường) của một làng, của một dòng họ. Có thể những chuyện ấy có liên quan ít nhiều đến chính sử, nhưng cũng có thể chỉ là chuyện riêng, tầm ảnh hưởng chỉ có trong phạm vi không gian và thời gian hạn hẹp, nhưng vẫn có một giá trị sử liệu nhất định, vẫn tồn tại trong ký ức của nhiều người và nhiều thế hệ. Dã sử chỉ là những câu chuyện riêng tư. Trong sách Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, có chua thêm cả chữ Pháp để chỉ ra rằng dã sử là sử của tư gia (histoire privée). Như vậy là rất đúng.

Vì những câu chuyện dã sử đều được lưu hành bằng con đường truyền khẩu, phổ biến trong dân gian, nên nếu không thận trọng sẽ dễ bị lầm với các thể loại khác, nhất là với các thể loại trong văn học dân gian:

+ Dã sử là chuyện sử. Nói sử, người ta thường phải nhớ đến nhiều thời đại, đến cổ sử, cận sử và hiện đại. Về cổ sử của dân tộc người dân ta đã có nhiều chuyện để tự hào. Thí dụ dân ta hay kể chuyện Con Rồng Cháu Tiên. Cũng có liên quan đến sử, song đây lại không phải là dã sử mà là thần thoại. Đa số các truyền thuyết, các cổ tích (nhất là truyền kỳ) cũng không phải là dã sử. Song, cũng là thần, mà nói đến các thần tích thì khác. Một số thần tích, thần phả có thể xem là dã sử. Chuyện các vị Thành hoàng, các phúc thần ở các làng thì là dã sử hẳn hoi. Vì các vị này đều là những con người thực ở làng ấy, làm nên lịch sử của làng, chứ không phải là người trong thần thoại.

+ Chuyện truyền thuyết vô cùng phong phú trong văn học dân gian nước ta, có truyện là dã sử, nhưng nhiều chuyện lại không thuộc thể loại này. Thí dụ như những câu chuyện địa danh, nói về những núi này, sông nọ. Yếu tố dã sử và truyền thuyết ở đây có thể nhận ra rất dễ dàng. Ở Hải Phòng có một làng được đặt tên là làng Lưu Kiếm, vì có chuyện để lại đây một thanh gươm khi ngài đi đánh giặc Nguyên. Vậy chuyện địa danh này là một dã sử. Còn như ở Thái Nguyên, có núi Cốc sông Công, và có chuyện kể về một đôi trai gái, đã lưu danh để cho người ta nhớ được mối tình chung thuỷ của mình. Chuyện địa danh này là một cổ tích, chứ không phải là dã sử. Vào vùng quê Nam bộ, chuyện cầu Thị Nghè là dã sử, nhưng chuyện núi Bà Đen lại là truyền thuyết.

+ Chuyện dã sử cũng thường bị lầm với các giai thoại. Vì thường các giai thoại đều là chuyện của nhân vật này, sự kiện kia. Cũng có những nhân vật có liên quan nhiều ít đến lịch sử. Do đó phải chú trọng đến nội dung. Lê Quí Đôn, Cao Bá Quát có nhiều giai thoại văn chương, những mẩu chuyện này của các ông là ở trong phạm vi văn học nhiều hơn trong phạm vi lịch sử, dù các ông đều có vai trò, có địa vị trong sử sách. Giai thoại có ba loại: giai thoại lịch sử, đa số là dã sử, còn giai thoại văn học và giai thoại folklore chỉ có liên quan ít nhiều, chứ chủ yếu không phải là dã sử.

+ Chúng ta còn có nhiều tập gia phả, nhiều sách địa chí. Đây chính là những dã sử hẳn hoi (theo đúng chữ histoire privée mà Đào Duy Anh đã chú thích). Địa chí hay gia phả chủ yếu là chép chuyện riêng biệt của một làng hay một họ, có thể chép được rất nhiều chuyện thật mà quốc sử không ghi chép được. Cũng có những chuyện chưa biết có chính xác không, nhưng vẫn phải giữ gìn để có cơ hội đối chiếu và tham khảo về sau. Tất nhiên, trong những gia phả và địa chí, có nhiều nội dung không liên quan đến dã sử. Nhiều làng, nhiều dòng họường ghép cho gia tộc và cho địa phương mình những chuyện hoang đường với dụng ý tôn vinh, không rõ sự thực đến đâu. Nhiều sự tích về các ruộng đồng, núi non, sản nghiệp, phong tục, nhiều bản phả hệ công phu, nhưng gắn bó với lịch sử đất nước thì không rõ nét lắm. Tìm các chi tiết dã sử trong địa chí và phả tộc có thể gặp nhiều tư liệu quý, nhưng lại phải chú ý chọn lọc chứ không phải xô bồ.

Đại khái ta có thể hiểu vấn đề dã sử là như vậy. Nhưng thể loại này cần được quan tâm ở nhiều mặt khác. Có thể tạm thời lướt qua mấy điều sơ bộ như sau:

+ Dã sử có đáng tin không? Dã sử kể những chuyện thực hay là không thực? Điều này rất khó nói, mà phải đi vào từng trường hợp cụ thể để suy nghĩ và đoán định. Thí dụ như câu chuyện Chúa Chổm ở nước ta. Có thực lịch sử đã có ông vua Lê Duy Bang (hay Lê Ninh) nào đó, đã là con nợ của nhiều người, gây nên những chuyện buồn cười như ta đã biết. Không lấy gì làm chắc, nhưng rất khó bác bỏ. Quốc sử không ghi, nhưng nhân dân bao đời nay đã thừa nhận, và câu thành ngữ: Nợ như Chúa Chổm vẫn rất quen thuộc, và cái phố Cấm Chỉ ở Hà Nội vẫn còn đó để mãi mãi câu chuyện không thể mờ đi trong trí nhớ mọi người. Tôi xin mách thêm với bạn đọc rằng, những ngày đi sưu tầm sử liệu ở miền núi Thanh Hoá, tại các vùng như Mường Khô, Mường Kloòng (huyện Bá Thước) tôi cũng được nghe các cụ người Mường người Thái nới về vua Chổm. Tôi không tin, nhưng không có lập luận nào để phủ định. Lại còn có chuyện không biết làm sao mà kết luận, như câu chuyện của quận mã Đặng Lân, em trai bà chúa chè Đặng Thị Huệ. Sử sách ghi rõ là chúa Trịnh Sâm đã phải thi hành án, bắt Đặng Lân đày đi xa. Cuộc ra đi của Đặng Lân lại có cờ quạt, đàn sáo tưng bừng đầy đủ nghi vệ giành cho một vị hoàng thân quốc thích. Trái lại, dã sử kể rằng Đặng Lân đã bị viên quan Hộ thành chém chết. Bà Chúa Chè đã khóc lóc bắt Trịnh Sâm phải trị tội kẻ giết em bà. Nhưng Trịnh Sâm không dám làm, mà tha tội cho viên quan công bằng chính trực. Hình như chuyện này mới là thực, vì còn lại câu thành ngữ: “Quan Hộ được tha, vương gia muôn tuổi”, đã khai thác để chép vào tiểu thuyết Đêm Hội Long Trì. Thế nhưng, lại có người bảo với tôi, đó là chuyện Nguyễn Huy Tưởng sáng tác ra mà thôi! Thật không biết làm sao mà xác định. Nhưng dẫu có phải lưỡng lự, vẫn phải công nhận là dã sử đã làm phong phú thêm cho lịch sử nước nhà. Tin hay không tin là do quyền đoán định của chúng ta. Mà rõ ràng dã sử là loại tài liệu có ích và cần thiết cho chúng ta nghiên cứu.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo