Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Vùng Trời Mơ Ước – Elia Kazan
Từ rất xa, người ta có thể nhìn thấy ngọn núi Aergius hiện ra thật đẹp, thật cân đối, với đỉnh núi và những sườn núi phủ tuyết. Người ta có thể nghe được tiếng hát của hai người đàn ông, bằng một ngôn ngữ lạ.
Trên một sườn cao khuất nắng có một cánh đồng nước đá. Một chiếc xe và một con ngựa già đứng bên cánh đồng nước đá đỏ. Hai người đàn ông đang xẻ nước đá thành từng mảnh vừa sức mang đi.
Công việc nặng nhọc, nhưng hai người còn trẻ và khỏe mạnh. Họ làm việc hăng hái vì họ làm việc cho họ. Giọng hát của họ, mặc dầu không được huấn luyện, nghe rất hòa hợp thích thú. Đó là dấu hiệu thân kết giữa một đôi bạn thiết.
Stavros Topouzoglou là một thanh niên hai mươi tuổi. Nét mặt của chàng có một cái gì vừa dịu dàng vừa say sưa. Trên nét mặt đó ẩn chứa đầy những khao khát không nói lên được. Cặp mắt mầu nâu của chàng long lanh như những trái ô liu ướt nước.
Làm việc cạnh chàng là Vartan Dama-dian. Anh ta hai mươi tám tuổi. Khuôn mặt của anh có những nét hoang dại, phong trần. Một chiếc mũi thật to, cong lại với một vẻ đa nghi, vừng trán thấp, mái tóc rậm tràn đầy sức sống, cặp môi thèm khát. Những nét đó và vóc dáng nặng nề như gấu rừng tạo cho anh một hình ảnh đáng nể.
Hai chàng thanh niên chỉ là hai bóng dáng bé nhỏ trên cánh đồng nước đỏ. Sau lưng họ là một phong cảnh hùng vĩ. Người ta nghe được tiếng gió âm u ngự trị vùng cao nguyên này.
Xưa kia, Anatolia là một quận huyện thuộc đế quốc Byzantine, với hai sắc dân Hy Lạp và Armenia chung sống. Vào năm 1381, miền đất này bị quân Thổ đánh chiếm, và từ dó hai sắc dân Hy Lạp và Armenia sống như những sắc dân thiểu số dưới quyền thống trị của quân xâm lăng Hồi Giáo.
Nổi bật về phía trước, một sợi giây điện tín móc trên những chiếc cột, thô sơ càng lùi xa càng nhỏ dần, làm tăng thêm vẻ mênh mông.
Phía xa, là ngọn núi Aergius. Gần đó là một số ngôi nhà nằm một phần dọc theo hai sườn dốc đối diện nhau, một phần dướt trũng hẹp giữa hai sườn dốc đó. Thị trấn mang tên Germer. Người ta có thể nhận ra một hay hai tháp chuông.
Hôm nay là một ngày lễ lớn của Hồi Giáo, gọi là lễ Bayram. Vào ngày này tất cả những người Thổ dư dả đều làm thịt một con cừu và bố thí một phần cho người nghèo. Một đàn cừu đang được lùa qua đường phố hẹp. Người chăn cừu dừng lại để bán một con cừu cho một chủ nhà. Theo sau ông cả gia đình ông bận những quần áo ngày lễ đẹp nhất của họ. Rượu vừa được rót ra.
Một con cừu hoảng sợ kêu lên. Nó đã biết số phận của nó. Trong lúc những cốc rượu chuyền khắp những người trong gia đình, thì người cha đang liếc lại con dao phay. Trông người ta có vẻ thành thạo với con dao này lắm, để mổ thịt, cũng như để sử dụng như một khí giới.
Cả gia đình có mặt tại đây. Những người đàn bà đứng trước ngưỡng cửa, mặt được phủ kín một phần. Tất cả gia đình nhìn người cha mổ thịt con vật vừa bị giết. Một bé gái nhỏ mang đến cho người cha một cốc rượu trên một chiếc khay nhỏ. Ông ta cầm cốc rượu rồi hôn con gái yêu của ông ta một cách say sưa.
Một vài người ăn mặc sang trọng cưỡi ngựa đi qua. Những người đàn bà kéo các đứa trẻ tránh ra. Phía sau những kỵ mã là một đôi ngựa kéo theo một chiếc xe. Mã phu hét lớn điều khiển đôi ngựa. Cặp ngựa quẹo theo góc đường, kéo chiếc xe theo. Đến trước thị sảng, các chức sắc dừng lại, người cưỡi ngựa, người đi xe, vài người đi bộ, tất cả đều phục sức cho ngày đại lễ. Bầu không khí có một vẻ gì đầy đe dọa.
Trong tòa Thị Sảng, quan tổng trấn cai trị toàn tỉnh đã triệu tập hội đồng tỉnh họp khẩn.
Cánh cửa văn phòng quan tổng trấn mở ra. Hai binh sĩ cao lớn đi ra, dậm chân theo kiểu được các sĩ quan Đức huấn luyện (quân dội Thổ được các nhà quân sự Đức huấn luyện). Họ chuẩn bị đón rước một nhân vật quan trọng. Nhưng từ trong cửa, một người có dáng thư lại nhỏ bé bước ra: Quan tổng trấn.
Tất cả hội đồng đứng vội lên. Quan Tổng Trấn bước vào bàn dành riêng của ông. Giọng quan Tổng Trấn có vẻ cau có: “Mời ngồi…”
Cả hội đồng ngồi xuống. Binh sĩ đứng thế nghiêm. Quan Tổng Trấn càu nhàu: ‘Đâu rồi…”
Một thư ký nhảy dựng lên, tưởng chừng mạng sống của hắn tùy thuộc vào việc làm này và nhanh nhẩu mang đôi kiếng lại cho quan.
Quan Tổng Trấn mở một bức điện ra: “Bức điện tin này vừa từ Kinh Đô gửi đến một giờ trước đây. Và ông đọc: “Gửi Ngài Tổng Trấn. Ngày hôm nay, trước lễ Bayram của chúng ta, bọn Armenia đã cả gan đốt hủy Ngân Hàng Quốc Gia Thổ Nhĩ Kỳ ở Constan-tinople.”
Quan Tổng Trấn ngẩng nhìn. Trong đám cử tọa, có một vài phản ứng, nhưng không rõ ràng lắm. Tức giận? Bực bội? Vài người chỉ thở dài.
Quan Tổng Trấn đọc tiếp bức điện: “Hoàng đế của chúng ta, Đức Abdulhammid Uy Quyền, Hình Ảnh của Thượng Đế trên trần giao nghĩ rằng bọn tiện dân Armenia cần được trừng trị mọt lần đích đáng để chúng hiểu rằng mọi hành động phá hoại không thể tha thứ được. Đức Hoàng Đế của chúng ta nhẫn nại như Đáng Tiên Tri, nhưng Ngài đã bày tỏ dấu hiệu là Ngài sẽ hài lòng nếu sự trừng phạt này được thi hành đích đáng để cho bọn dân thiểu số hỗn xược và nguy hiểm kia không bao giờ tái phạm được nữa. Phương pháp thi hành hoàn toàn giao cho các vị Tổng Trấn các tỉnh, và Tư lệnh quân đội tại mỗi Thủ Phủ.”