Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Cha Mẹ Pháp Không Đầu Hàng – Pamela Druckerman
Khi viết cuốn sách đầu tiên về những gì tôi quan sát và ghi chép được trong quá trình sinh nở và nuôi dạy ba đứa trẻ ở Paris, tôi không chắc là có ai ngoài mẹ tôi quan tâm mà đọc đến. Thực ra, tôi cũng không chắc là mẹ tôi đủ kiên nhẫn đọc hết (vì mẹ tôi thích đọc tiểu thuyết hơn).
Nhưng tôi đã thực sự kinh ngạc khi thấy rất nhiều người không thân thiết với mình cũng tìm và đọc sách. Và sau đó là một chuỗi những bài báo, xã luận giận dữ với nội dung cuốn sách. Hẳn tôi đã xúc phạm đến cái được gọi là “Nuôi dạy con kiểu Anh – Mỹ”, nếu thực sự trên đời tồn tại khái niệm đó? Hay là trên đời có quá nhiều đứa trẻ Pháp hư đốn? Hẳn tôi chỉ quan sát kiểu nuôi dạy của những gia đình giàu có ở Paris? Hay là tôi có ý cổ xúy cho việc xã hội hóa trong nuôi dạy trẻ hoặc tệ hơn, việc cho trẻ bú bình?
Tôi là tuýp người mà mỗi khi nghe được những lời chỉ trích, phê phán mình, sẽ lập tức tự vấn bản thân: hẳn mọi người đã nói đúng. Tôi rơi vào hố sâu sợ hãi. Nhưng rồi niềm vui đã quay trở lại khi tôi nhận được thư từ rất nhiều người không nghĩ là tôi đã buộc tội một cách mù quáng rằng những cha mẹ khối nói tiếng Anh đang áp dụng cách nuôi con tiềm ẩn nhiều vấn đề. Họ cũng như tôi, đang háo hức muốn tìm một giải pháp khác cho những bế tắc mình đang phải đương đầu.
Một số cha mẹ khác thổ lộ rằng cuốn sách của tôi như một lời khẳng định tích cực về những gì mà họ đã và đang nuôi dạy con ở nhà, có điều là họ làm trong vòng bí mật và cảm thấy tội lỗi. Một số khác lại nhắn nhủ rằng họ đã thử áp dụng những phương pháp trong cuốn sách và thực sự thấy hiệu quả (Hơn ai hết, tôi cảm thấy yên lòng khi nhận được lời khẳng định này). Rất nhiều cha mẹ muốn tôi viết thêm về các bí kíp, các mẹo cụ thể hay tóm tắt lại một cách súc tích và cô đọng hơn những gì đã nói ở cuốn Trẻ em Pháp không ném thức ăn (lược bỏ hết những phần tiểu sử gia đình dài dòng và những hành trình khám phá của tôi), để họ dễ dàng truyền đạt lại cho ông bà, bạn đời và cô bảo mẫu của gia đình.
Đây chính là nó, cuốn sách tóm tắt lại của Trẻ em Pháp không ném thức ăn – cuốn sách đầu của tôi. Cha mẹ Pháp không đầu hàng là 100 bí quyết quan trọng nhất mà tôi đã học được từ các cha mẹ và các chuyên gia giáo dục trẻ tại Pháp. Người đọc không nhất thiết phải sống giữa lòng Paris mới có thể áp dụng những bí quyết này. Thậm chí, cha mẹ cũng chẳng cần phải thích phô mai mới dạy được con cách yêu phô mai của người Pháp. (Tuy vậy, tôi khuyên bạn nên ngó qua những thực đơn ở phần cuối cuốn sách. Đó là thực đơn mẫu mà trẻ em ở các nhà trẻ tại Paris được ăn, hơn nữa những món đó không phải dành riêng cho trẻ nhỏ mà còn là những món ngon cho cả người lớn nữa).
Tôi tin tưởng vào cả 100 bí quyết trên. Nhưng đây không phải là những bí quyết tôi tạo ra hay tự nhận là của mình. Và không phải tất cả những bí quyết này đúng với tất cả mọi nhà. Người Pháp quan niệm rất rõ ràng rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập và không tồn tại bất cứ một công thức chung nào khi nuôi dạy trẻ. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhận thấy đằng sau những bí quyết đơn lẻ luôn là một số những nguyên tắc chung. Một trong những nguyên tắc nền tảng trụ cột với tôi, với tư cách một người Mỹ, đó là: Nếu toàn bộ cuộc sống sinh hoạt của gia đình chỉ xoay quanh những đứa trẻ, điều đó không có lợi cho bất cứ ai, kể cả cho chính đứa trẻ trung tâm đó!
Bản thân tôi nghĩ rằng cha mẹ Mỹ đã dần dần nhận ra chân lý này. Số liệu thống kê cho thấy 20 năm trở lại đây xuất hiện cái được gọi là phong cách nuôi dạy lấy trẻ làm trọng tâm. Phong cách này càng được củng cố thì sự thỏa mãn trong hôn nhân càng đi xuống. Các cặp vợ chồng có con càng ngày càng ít hạnh phúc hơn các cặp đôi chưa là cha mẹ, tệ hơn, hạnh phúc lứa đôi càng giảm sút sau mỗi lần sinh thêm con. Và số liệu đáng lo nhất từ một cuộc điều tra khảo sát trên diện rộng các gia đình trung lưu Mỹ đã mô tả hiện tượng mà các cha mẹ, từ chỗ là người quyết định và nắm quyền kiểm soát cuộc sống gia đình, đang chuyển dần sang thành người “phục vụ riêng” cho những ước muốn của con (bài khảo sát dùng từ “người hầu, đày tớ”). Thực tế phũ phàng là chúng ta, những cha mẹ Mỹ, cũng đang bắt đầu nghi ngờ kiểu nuôi dạy chiều chuộng theo yêu cầu của trẻ có thực sự tốt cho trẻ. Những phương tiện giáo dục tưởng chừng ưu việt, đầy thiện ý như những video hay những cuốn sách giúp phát triển trí não sớm cho trẻ để mai kia con sẽ có một chỗ trong trường đại học tốt nhất, trở nên quá mơ hồ. Các chuyên gia gọi thế hệ đầu tiên được nuôi dậy theo phong cách này là những đứa trẻ “thủy tinh”, bởi chúng mong manh dễ vỡ vô cùng, và cảnh báo rằng khái niệm về thành đạt của cha mẹ sẽ làm các con vô cùng khổ sở.
Hiển nhiên rằng không phải những gì cha mẹ Pháp làm cũng đúng. Và họ không hành động giống hệt nhau. Những bí quyết trong cuốn sách này chỉ là những quan niệm và kiến thức tổng quát, là những gì mà sách báo, tivi, loa đài và các phương tiện truyền thông Pháp khuyên các bậc cha mẹ nên áp dụng. Và thực tế đây là những bí quyết mà hầu hết các gia đình trung lưu thực hiện, hoặc ít nhất cũng biết là sẽ phải tuân theo.
Rất nhiều kiến thức giáo dục của Pháp là những kiến thức thường thức cơ bản. Tôi nhận được rất nhiều thư từ độc giả mô tả sự giao thoa giữa kiến thức nuôi dạy con của Pháp với phương pháp giáo dục Montessori hay của nhà nữ giáo dục người Hungary có tên Magda Gerber. Một số đông các độc giả khác khẳng định rằng nước Mỹ đã từng nuôi nấng và giáo dục con theo những quan điểm và kiến thức trên cho đến những năm 1980, khi nước Mỹ bùng nổ số lượng các nhà tâm lý học và các nghiên cứu cho rằng trẻ em từ các gia đình nghèo của nước Mỹ không được khích lệ đủ khi còn nhỏ để cố gắng vươn lên.
Tuy vậy, một số kiến thức giáo dục của Pháp thực sự sáng suốt và tinh túy. Cha mẹ Pháp đồng loạt tin tưởng rằng trẻ sơ sinh là các cá thể biết suy nghĩ và khi nuôi dạy con, cha mẹ cần kết hợp một chút nghiêm khắc với rất nhiều tự do, cha mẹ cần lắng nghe con thật kỹ nhưng không có nghĩa là sẽ phụng sự y như những gì con muốn. Cách cha mẹ Pháp chuyển cho con từ ăn dặm sang ăn đồ ăn như người lớn thực sự đáng kinh ngạc. Quan trọng hơn cả, họ tuyệt đối tin tưởng rằng trí khôn và sự nuôi dạy con sáng suốt nhất chỉ đến khi cha mẹ bình tĩnh và thư thái. Cái hay là ở Pháp, họ có cả một dân tộc với tất thảy các bậc cha mẹ đều đồng thời áp dụng phương châm này, như một nhóm khổng lồ và thống nhất bao gồm các bậc cha mẹ cùng chí hướng. Hãy đến đây mà xem. Bạn sẽ thấy kinh ngạc.
Chúng ta, các bậc cha mẹ từ các nước nói tiếng Anh, tin rằng mình cần phải dạy con kỹ năng nhận thức, ví dụ như dạy con biết đọc sớm nhất có thể; người Pháp không như vậy, ngay từ rất sớm, họ dạy trẻ các “kỹ năng mềm” như cách sống trong tập thể và sự đồng cảm với người khác. Cha mẹ Anh – Mỹ muốn con được kích thích và vận động, cha mẹ Pháp thì nghĩ thời gian con được yên lặng và bình tĩnh là cực kỳ quan trọng. Cha mẹ Anh – Mỹ sợ và tránh làm con tức giận hay tuyệt vọng; ngược lại cha mẹ Pháp nghĩ những đứa trẻ không biết cách vượt qua sự tức giận và tuyệt vọng của bản thân sẽ rất khổ sở khi lớn lên. Cha mẹ Anh – Mỹ quan tâm đến kết quả của quá trình nuôi dạy trong khi đó cha mẹ Pháp nghĩ rằng chất lượng cuộc sống chung của 18 năm con nằm trong vòng tay gia đình cũng quan trọng không kém. Cha mẹ Anh – Mỹ tin rằng mất ngủ trường kỳ, sự đảo lộn nếp sinh hoạt gia đình, những trận ăn vạ cực điểm, tính kén ăn và những cuộc trò chuyện liên tục bị ngắt quãng là những điều không thể tránh được khi có con nhỏ. Người Pháp thì tin rằng, những điều kể trên (hay tưởng tượng tôi nói với đúng giọng điệu của người Pháp) là… không thể chấp nhận được!
Tôi là một nhà báo, không phải là một chuyên gia nuôi dạy trẻ. Vì thế những gì thực sự có thể thuyết phục tôi về các nguyên tắc của Pháp là những con số thống kê, kết quả nghiên cứu và số liệu điều tra. Rất nhiều điều cha mẹ Pháp làm là do bản năng ngấm lại từ truyền thống giáo dục ăn sâu vào trong họ hay do nhiều lần “thử sai sửa chữa – áp dụng lại”, và cũng trùng hợp với những gì mà các nghiên cứu gần nhất khuyên các cha mẹ các nước Anh ngữ áp dụng. Người Pháp tin tưởng rằng đương nhiên cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sơ sinh ngủ qua đêm mà không dậy đòi ăn, rằng trẻ em có thể học được tính kiên nhẫn, rằng thừa thãi lời khen không cho lợi cho con trẻ, rằng cha mẹ có thể và nên kết nối với nhịp điệu sinh hoạt của bé, rằng bằng việc con học và chấp nhận nếm thử sẽ đưa đến sự yêu thích các món ăn. Đương nhiên, khoa học luôn đứng sau và khẳng định lại rằng những điều đó là đúng.
Hãy coi cuốn sách này như một gợi ý tạo ý tưởng chung, chứ không phải sách giáo khoa. Hãy linh động và mềm dẻo. Một trong những câu nói nổi tiếng của Pháp mà tôi rất thích đó là “Luôn luôn thay đổi khi cuộc sống thay đổi”. Trẻ học và phát triển rất nhanh. Và khi trẻ thay đổi, mặc dù cha mẹ vẫn giữ những nguyên tắc giáo dưỡng chủ đạo nhưng cách áp dụng lại có thể khác đi ở những trường hợp khác nhau. Tôi hy vọng rằng, cuốn sách này mang đến cho người đọc khả năng linh hoạt đó. Cuốn sách này, thay vì đưa ra luật lệ cứng nhắc và sẵn có, lại cung cấp cho độc giả những công cụ để có thể tự mình nuôi dạy con theo cách của riêng mình. Như một câu ngạn ngữ có nói rằng: đừng cho tôi cá mà hãy dạy tôi cách đi câu.