Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Cái Hột Mận – Lan Khai
Trong vườn hoa dinh quan Thái sư chí sĩ Phạm Cự Lượng Tướng công – khuất sau dải tường đá ong rêu phủ – Không khí lúc nào cũng dịu dàng và sực nước hương thơm…
Những khóm liễu mo màng, những gốc đào cổ kính, những cụm hải đường, tầm xuân, thược dược in bóng dưới gương hồ.
Ngồi trên các đầu cột trụ hoặc đuổi nhau trên các mái lầu cong, những cặp kỳ lân, những đôi phượng sứ phản chiếu nắng xuân thành những tia lửa cầu vòng chói lọi…
Ðàn bướm ngũ sắc tung bay…
Con hoàng oanh, chiếc thoi vàng thấp thoáng trong tơ liễu biếc, véo von ca khúc xuân tình. Tiếng hót của chim, phản chiếu cái tiếng gọi thiết tha của một linh hồn lẽ bạn ấy, khiến nỗi lòng của Bội Ngọc càng não nùng…
Nàng ngồi dựa bao lan hiên Lãm Thúy và im lặng hằng trống canh, ủ trong khóe hạnh cả một nổi buồn sâu thẳm…
Chợt nghe Oanh kêu, Bội Ngọc thở dài, nhìn lơ đãng cảnh hoa viên đầy bóng râm và ánh nắng, đầy hương thơm và muôn tiếng mơ hồ của tịch mịch.
Bội Ngọc là con gái một của Phạm Thái Sư.
Sinh trưởng ở một gia đình sang quý vào bậc nhất nhì trong nước. Bội Ngọc, từ nhỏ, chỉ biết những nâng niu chiều chuộng, những hương xạ ngọc ngà với tất cả sự thỏa thuê do địa vị.
Hơn thế nữa, Bội Ngọc còn có mới nàng cả mốt áng thanh xuân đầy ước hẹn và một nhan sắc tuyệt trần gian.
Phải, ai còn không biết tiếng Bội Ngọc là hoa khôi của thời đại?
Mà, trên gương mặt thiếu nữ, cái nó khiến người ta chú ý nhất tức là cái màu da lỗng lẫy, nỏn nà, như màu cẩm thạch.
Gò má nàng hơi cao, cái cằm nàng hơi lẹm, cặp mắt nàng dịu dàng, trong lặng và làn môi thắm luôn luôn như ngậm nét buồn càng khiến cho dung mạo ấy có một vẽ trinh tĩnh u nhàn.
Ðối với dục vọng phàm trần, nhan sắc của thiếu nữ có khi băng tuyết, xa xôi quá. Nhưng, đối với những mắt xanh lạc loài trong thế tục, đó lại là một vẻ đẹp khó lòng quên, mặc dầu chỉ khi nó thoáng qua giây phút, như cái bóng mộng mong manh.
Nàng vận một áo gấm ngắn rộng tay màu hồ thủy, vạt lẩn trong những nếp xiêm là riêm rúa, bó chẽn lấy lưng ong bằng một sợi kim tuyến có tua dài.
Y phục nghê thường ấy khiến nàng, mỗi khi cử động, chập chờn như con bướm lượn trong hoa.
Ðối với một người như Bội Ngọc, cuộc đời phải là một bài thơ dệt bằng những ước vọng muôn màu.
Vậy mà, trái lại, nàng đã ủ trong khóe mắt cả một nỗi buồn sâu thẳm!…
Vậy mà, cùng buổi sớm xuân hôm ấy, nàng âm thầm, ủ rủ trong khi cả tạo vật tươi vui…
Thỉnh thoàng nàng, khẻ nâng mảnh khăn điều thấm cạn giọt châu đọng sau diềm mi mắt. Cử động ấy cho ta được thoáng trông bàn tay nàng, nó là cả một công trình mỹ thuật, với những ngón búp măng trắng nõn, với những móng thon thon kiểu hạt hạnh, bóng như những mảnh ngọc màu hồng.
Nhưng, vì sao Bội Ngọc buồn?
Là vì, đã sáu tháng nay, cuộc đời êm đẹp của nàng bỗng trở nên một khúc tương tư, rồi một bài ly hận.
… Ðã sáu tháng nay, giữa hôm lễ thọ Phạm Tướng công…
Ngài vốn là đệ nhứt công thần của Ðại Hành Tiên đế nên, mặc dầu Ngài đã về chí sĩ, vua quan trong Triều vẫn một niềm trọng vọng. Hôm lễ thọ Phạm Thái sư, bởi thế, các vương hầu khanh tướng đều khắp mặt lại mừng.
Từ quá giờ Ngọ hôm ấy, bao nhiêu ngựa xe võng lọng mà Kinh thành Hoa Lư có thể có được đều dồn lại trước Hầu Môn, bao nhiêu trâm hốt hoa bào đều hẹn nhau khoe đẹp phô tươi với cỏ hoa trong Tướng phủ, bao nhiêu nhạc khí cùng đồng thanh cử khúc sinh ca làm rộn rịp bầu không khí bình nhật êm đềm như cửa một nơi tĩnh thất.