Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào – Tô Hoài
Trong tập tùy bút Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài được tác giả giới thiệu bằng cảm hứng và lời văn trác tuyệt. Trong thăm thẳm bóng người có bóng ta. Có thăm thẳm bóng Nguyễn Tuân trong những kiệt tác ông để lại cho đời. Tô Hoài còn đấy, “ đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng ”, bóng của hàng triệu độc giả hòa vào bóng Tô Hoài trong những tác phẩm bất hủ của ông. Trước “cốt kiêu” và uy bút lực của hai ông, Đỗ Chu – lần đầu tiên tôi thấy – … đứng khép nép.
Tôi đã có lần khép nép trước một tác phẩm của Tô Hoài, đó là Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ in trong tập truyện ngắn này. Sau Giăng thề, đây là kiệt tác thứ hai của Tô Hoài. ( Dế mèn phiêu lưu ký đương nhiên là một tác phẩm bất hủ, nhưng ý tôi nên xếp sang một chiếu khác). Trong Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ, hơi thở hùng tráng của lịch sử vừa kín đáo, vừa mãnh liệt chạm vào tình cảm sâu lắng nhất của bất kỳ độc giả người Việt nào. Ta gặp lại đam mê của Tô Hoài quan sát những lễ tục dân gian và sự am hiểu tinh tường những tập quán ngành nghề, sinh hoạt mà tác giả miêu tả.
Cảnh đám rước kiệu “bà” quay tròn:
“ Kiệu bát cống quay tròn, bây giờ mới thật như chiếc hoa giữa đám hội, vừa bay vừa cong cánh nở. Lòng hân hoan mong đợi của cả ngàn người xem hội cứ thế bồng bột mãi lên. Hai mươi bốn trai kiệu, nghe tiếng trống khẩu, một lượt quỳ như hai mươi bốn thớt voi rồi từ từ bò qua gò, vai kiệu vẫn phẳng lừ như tường đứng. ” (tr. 146)
Mùa vụ cây dó (làm bột giấy):
“ Cạn kỳ dó chính tuyết, vừa cuối thu. Lần sang vụ dó Một Chạp đến tháng Giêng là “đầu giao”. Một Chạp hay “đầu giao”, áo dó mới lột, quệt sương hay mưa đều ố nước, mất công phơi nhiều nắng mới bó được. Nhưng vừa xong cái vất vả rừng này lại phải lặn lội sang rừng khác, đã vào vụ dó chiêm. Dó chiêm tiếp dó đuôi tháng, quanh lại vừa trở lại chính tuyết. ” (tr. 163)
Đúng là Tô Hoài. Chỉ có thể là Tô Hoài.
Nhưng cái mà tôi kính nể là đọc tác phẩm này tôi như đứng trước sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất và tinh diệu. “Trong ngọc” nhất trong tòa ngôn ngữ này là những câu văn thuộc loại “văn xuôi thơ” sáng giá của văn chương Việt Nam hiện đại. Đây là những câu văn tả tình cảnh một người con gái ngồi trên thuyền ngược sông đi lấy chồng giầu mạn ngược:
“Những lời hò vui mà thảm thiết:
Ra khoang… em bước… qua cầu…
Bến vui em đến…
Trên mui bỗng lóng lánh một trời sao. Con thuyền đêm nao cũng đi qua một trời sao ấy. Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng muốn hy vọng, như người chèo thuyền mong đến bến…
Một đêm, Hạ ra khoang sau. Hạ ngồi một lúc thật lâu. Bốn bề lặng ngắt. Những ngôi sao long lanh nhỏ lã chã những giọt nước mắt xuống thế gian…” (tr. 162)
Một lần Hội nghị nhà văn trẻ, nghe giới thiệu nhà văn Tô Hoài lên phát biểu ý kiến, cả hội trường im phăng phắc. Trái với sự chờ đợi của mọi người, nhà văn lão thành lên diễn đàn chỉ để nói với các nhà văn trẻ một câu: “… chừng nào chưa phân biệt được “ mồm ” và “ miệng ” thì đừng có cầm bút… ”. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ háo hức viết văn nên tìm đọc Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ , đọc xong mà nhận ra được vốn ngôn từ của mình sao mà nó nghèo nàn, thảm hại, xô bồ đến thế thì dù có tiến hay thoái cũng là một sự thức nhận hết sức có ích.
Thăm thẳm bóng người trong tập truyện ngắn này:
Bóng cô Cúc, “một sinh viên người Huế đẹp tuyệt trần” được nhà văn Tô Hoài trao cho bản thảo cuốn tiểu thuyết Đêm mưa “ một chiều đông rét mướt” năm 1946 và tòa nhà lưu niệm “tiêu điều, ảm đạm” của bà Điềm (cô Cúc năm xưa, nay đã trở thành nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị),… “trong những tủ kính trang nhã, phủ bụi mấy bức khắc tự họa của nhà điêu khắc”. (Hồi ký Tiểu thuyết đêm mưa)
Một người đàn bà “cả đời chỉ đi bói chèo ước mong tái hợp” vì chồng đi “đất đỏ Sài Goòng” mãi không trở về. ( Cô đào Thương)
Bà Tứ dở điên dở dại lúc hấp hối phải gặp được người tình năm xưa mới yên tâm nhắm mắt. ( Tình buồn)
Có một loạt truyện giúp độc giả hình dung được đầy đủ hơn trí tưởng tượng kỳ thú và hóm hỉnh của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký : Đôi ri đá, Con gà trống ri, Truyện gã chuột bạch, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan…
Trong những truyện về các dân tộc miền núi mà tiêu biểu là truyện Vợ chồng A Phủ, còn gì giản dị và sâu sắc hơn tinh thần cứu đất cứu mường nảy sinh trong tâm khảm và gắn với cuộc đời của các nhân vật.
“ … Nhấn nhớ lại cả cái đời thảm của mẹ và của mình. Nhấn muốn khóc.
Giữa khi ấy thì tiếng chim kỳ lanh lảnh như tiếng kèn giục phường săn. Nhấn không khóc được. Nhưng từ đấy, trong đời chiến đấu của người bộ đội, mỗi khi nghe trên cánh rừng, đầu rừng nào có tiếng chim kỳ kêu, Nhấn tưởng hồn mẹ và hồn em đi đâu cũng đuổi theo Nhấn .” ( Cứu đất cứu mường)
Tập Chuyện để quên có những truyện rất “quý”, làm sống lại không khí hồ hởi hồn nhiên của những năm đầu kháng chiến, những đoàn dân công, bộ đội, cán bộ đi công tác…
Truyện – ký Khiêng máy là một tác phẩm xuất sắc. Tiêu biểu là cảnh đám công nhân nhà in báo “ Cứu quốc Việt Bắc” khiêng máy nghỉ lại ở lán.
“… Cứ tối đến, các lán sàn trên, sàn dưới, hai tầng ghép lại bằng ống vầu tươi, người nằm người ngồi ngổn ngang. Một ngày cật lực khiêng máy, vác giấy, tải gạo, tải muối… Tưởng như mỗi khi ngả lưng xuống thì thiếp đi đến chết. Tiếng moóc-chi-ê ình oàng vào sương đêm, không biết từ phía nào. Nhưng chẳng ai có thể chợp mắt. Từ chập tối đến khuya, người nằm cứ rào rào kháo đủ các thứ chuyện. Chẳng chuyện nào vào chuyện nào, nhưng thú vị, hả hê. Họ đố nhau ăn uống cái gì ngon nhất, rồi lấy quần áo ra đổi chác. Quanh quẩn chỉ vài cái cứ đổi đi đổi lại lẫn lộn, như bọn đánh bạc. Lúc thì ồn ào như đương chè chén ở hiệu cao lâu. Lúc thì tranh nhau giá cả, bớt xén như ở nhà cầm đồ Vạn Bảo. Lúc lại bắt chước vợ chồng ỏn ẻn, nũng nịu. Rồi hát tuồng, gẩy đàn mồm, mãi khuya mới ngớt “cuộc vui”…” (Khiêng máy)
Có những truyện nói về cuộc sống cơ cực của người dân trong vùng bị chiếm đóng.
“Hờn khoác thừng kéo cày vào người, lúc đổi vai, lúc thắt ngang bụng. Cái cánh tay cụt giơ lên, cóng rét, bị nếp thừng kéo thít xuống. Có hôm chỗ đau lại bật máu ra, chảy thấm xuống tận nách áo. Nhưng Hờn vẫn cắn răng, lội. Hờn chỉ còn sức dựa vào cái thừng, lạch đi. Trên cánh đồng này biết bao nhiêu người bì bõm cầy bừa, cấy hái quanh năm như thế, cho đến lúc phía tỉnh gầm gừ tiếng xe, trời tảng sáng, các đồn bốt dọc đường sắp xua nhà phạt và lính tráng vác gậy đi dò mìn, thì những người làm đồng kiệt sức mới lục đục về làng.” (Người mất trí)
Trong một thời gian khá dài (hơn bốn năm), tôi tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học do anh Tô Hoài chủ trì. Thời gian đầu, một tháng họp một lần. Công việc tiến triển hơi chậm, anh Tô Hoài quyết định một tuần họp một lần. Tôi nghĩ bụng đến tuần thứ ba không biết còn chuyện gì để mà bàn, có khi phải hai, ba chầu bia mới hết buổi. Nhưng không phải như vậy. Tô Hoài là một kho chuyện vô tận, có khi một nghìn lẻ một buổi họp vẫn chưa hết chuyện, không riêng gì chuyện văn hóa, văn nghệ, hình như chuyện gì anh cũng biết, chuyện nào anh cũng nhớ vài ba chi tiết đặc sắc, rất quan trọng. Không riêng gì những thời kỳ gần đây, mà những chuyện thời Tự lực văn đoàn và Thơ mới, thời Đề cương văn hóa và Văn hóa cứu quốc, những năm đầu kháng chiến… anh Tô Hoài vẫn nhớ và nhớ tường tận. Những chuyện anh hồi tưởng và kể lại bao giờ cũng hấp dẫn. Anh rất quan tâm đến sự chính xác: tên người, địa danh, niên đại, những sự kiện lịch sử và những chi tiết của đời sống thực tại. Tô Hoài hay nhận xét về những chỗ sai, không chính xác trong các bài báo, bài văn và công trình nghiên cứu anh đọc nhưng tôi chưa thấy ai nêu những điều không chính xác trong những trang viết của anh. Duy có một lần Nguyễn Nguyên, một ký giả lão thành ở Sài Goòng nói với tôi: “Trong bút ký, hồi ký của Tô Hoài có những chi tiết thần tình, phải là một người sành ăn thì miếng thịt chó ngon mới gọi là “đặm và phải chăng cái miếng thịt”. Chỉ tiếc là trong một bài viết về “xóc đĩa” đăng trên Kiến thức ngày nay hồi năm trước có những chi tiết sai, tôi có cảm tưởng là Tô Hoài chưa từng bước chân vào sòng xóc đĩa.”
Nghe anh Tô Hoài hồi ức về “những năm tháng, con người và cuộc đời”, tôi hình dung một lịch sử văn hóa, văn nghệ khác, không giống như những điều được trình bày trong những bộ sử đã công bố, nó phong phú hơn, sống động hơn, chứa chất kịch tính, xem ra thảm hơn, mà cũng lớn lao hơn. Cuối cùng thì tôi thông, họp tuần một lần không phải là nhiều vì đề tài nghiên cứu của chúng tôi có liên quan mật thiết đến lịch sử văn hóa. Những chuyện anh Tô Hoài hồi tưởng và kể lại thiên về giải ảo hơn là ảo hóa những người thật, việc thật. Cách nhìn giải ảo thường là một nhân tố tiến bộ trong văn hóa, nhất là khi người giải ảo có ý thức đặt sự thật cao hơn những ước lệ và cấm kỵ. Tô Hoài quá hiểu lịch sử và lịch sử xem ra cũng nể ngòi bút hồi ký của ông. Tô Hoài không chỉ là một nhà tiểu thuyết phong tục có hạng, tác giả Cát bụi chân ai còn là một tác gia hồi ký bậc thày, vả chăng những truyện hay của Tô Hoài thường là mang tính chất hồi ký: Giăng thề (1943), Mười năm (1957 ), Tự truyện (1978), Ba người khác … Anh Tô Hoài không thích nói chuyện sách vở nhưng khi nói chuyện đụng đến những công trình nghiên cứu thì thấy anh có đọc và đọc khá nhiều. Tôi vẫn cho rằng khổ công đọc sách là một biểu hiện đáng tin cậy của sự khiêm tốn, có thể giả vờ khiêm tốn trong ứng xử nhưng đọc sách thì không giả vờ được. Trong một chuyến thày trò trường viết văn Nguyễn Du hành hương về Tiên Điền, Nghi Xuân thăm quê hương đại thi hào có nhà văn Tô Hoài, chủ tịch đầu tiên và cuối cùng Hội đồng giáo dục Trường Nguyễn Du cùng đi. Trong buổi lễ viếng mộ, mọi người nín lặng khi nhà văn Tô Hoài bước ra đứng trước mộ. Ông thắp nhang, rưới rượu lên mồ rồi ông rót rượu vào cái chén ông cầm trên tay và uống cạn chén rượu trước mộ Nguyễn Du và trước mặt mọi người. Tôi nghe tiếng mấy sinh viên viết văn thì thào: “Tô Hoài tranh thủ uống rượu”, “Tô Hoài cũng ngang đấy chứ”… Tôi nghĩ đến hai câu thơ chữ Hán trong bài thơ Đối tửu của Nguyễn Du: