Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Chó Bi, Đời Lưu Lạc – Ma Văn Kháng
Chó Bi được nhà văn miêu tả và khắc họa tính cách như là hiện thân của cái Đẹp – từ hình thức bên ngoài đến những phẩm chất bên trong. Chó Bi không thuộc loại phàm phu tục tử, giá áo túi cơm mà là một trang hảo hán đầy nghĩa hiệp. Bi không bao giờ tỏ ra bị nhục nhã trước miếng ăn. Nó luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nó giàu lòng tự trọng. Tuyệt đối trung thành với chủ và một đời sống thủy chung tình nghĩa là những phẩm chất đáng được ngợi ca ở nhân vật này. Chỉ hai lần Bi được miêu tả trong “quan hệ xã hội” đồng loại. Lần thứ nhất là trận huyết chiến với kẻ thù mạnh hơn gấp bội là con Xồm độc ác của nhà Viển cụt; lần thứ hai với mối tình “sét đánh” với con Trắng nhà anh Thái. Phần lớn truyện là những sự kiện mà tính cách Bi được khẳng định trong quan hệ với thế giới con người, trước hết là những người có học vấn, có nhân cách cao và chan chứa tình thương với nó như bà giáo Trang, cậu Toản, ông Thuần, người phóng viên báo Lao động… Ở những mối quan hệ này Nó tỏ ra rất xứng đáng và thể hiện nhân tính cao. Trong loại quan hệ thứ hai với những kẻ đi bằng hai chân mà khó có thể gọi là người Bi tỏ ra cực kì nhạy cảm và quyết tâm truy kích đến cùng cái Ác mỗi khi có cơ hội. Nó coi thường ra mặt kẻ hợm của mà tỏ ra thương hại bà Trang là ông Mệnh. Nó tấn công tên Viển cụt, trong chiến tranh thì tự chặt ngón tay mình để được về tuyến sau; hòa bình lập lại, gặp thủ trưởng cũ – ân nhân của nó, không ơn thì chớ, nó rắp tâm vu cáo để thủ trưởng vào tù rồi ở nhà giở đủ trò bỉ ổi, đê tiện nhằm chiếm đoạt vợ người ta. Nó khinh thường ra mặt thằng Xuân Chương đàng điếm, dốt nát, chuyên xúi nguyên giục bị mà lại làm trưởng ban văn hóa – văn nghệ phường. Nó cắn con mụ Lên chảy máu vì tính dâm đãng, tham ô, gắp lửa bỏ tay người… Một con chó tốt như thế đáng lẽ phải được hưởng hạnh phúc mà trái lại gần hết cả cuộc đời lại trầm luân, lưu lạc!
Phong cách sáng tác của nhà văn tài năng Ma Văn Kháng vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh trong tiểu thuyết này, chẳng hạn cái duyên khắc họa tính cách nhân vật qua ngoại hình, sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp làm tăng sự đồng cảm của người đọc, những nhận xét đầy giá trị triết lí nhân sinh, những trang văn miêu tả thiên nhiên thấm đẫm chất thơ và thổi vào thiên nhiên một đời sống tâm hồn khiến người đọc có cảm giác thiên nhiên trong tác phẩm của Ông cũng là một nhân vật…
Toản ơi, ra mẹ cho xem cái này.
Đúng là tiếng gọi nao nức của mẹ tôi mỗi khi mẹ đi dạy học về. Tôi bỏ lại bài toán tập đang làm dở trên bàn vừa chạy ra tới ngoài sân, thì mẹ tôi đã dựng xe đạp và nhấc ra từ tay lái xe một cái túi vải sọc xanh lá mạ, đáy túi nặng trĩu một khối tròn mềm. Đặt cái túi xuống đất, thọc tay vào miệng túi, mắt âu yếm nhìn tôi, mẹ tôi như muốn hỏi: Đố con cái gì đấy? Nhưng có lẽ là bất ngờ so với dự liệu, mẹ tôi bỗng kêu liên tiếp và rụt phắt tay lên, y như là bà vừa chạm phải cái gai nhọn vậy. Không còn người giữ, cái túi lăn trên nền sân. Có vật gì đó quẫy động ở bên trong, dưới lần vải lùng nhùng. Vật gì đó hình như đã qua ngủ một giấc dài, giờ mới sực tỉnh, và lập tức cảm thấy khó chịu trong cảnh tù túng, chật chội nên lục xục tìm lối thoát. Cuối cùng, nó đã tìm được cái miệng túi và chui ra, thoạt tiên là cái đầu.
Cái gì vậy? Ôi! Một bụm tơ vàng. Một cái kén ngoại cỡ. Một khối nguyên sinh. Một sự sống nhỏ nhoi. Một con cún. Một gã nhách. Một nhóc êu. Một cậu khuyển tí nhau.
Chắc mới chỉ rời vú mẹ được dăm hôm thôi, chú còn nguyên dạng một êu con nít bụ bẫm, thơ dại, với một mẩu thân mình trên bốn cái chân ngắn ngủn và cái đuôi tí xíu xoáy tít một vòng tròn. Toàn bộ thân hình chú gợi hình ảnh một viên bi tròn, một khối cầu tròn có cái mặt sư tử, hai cái tai cụp to bản, cái mõm ngắn chùn với hai lỗ mũi ẩm ướt không ngừng nghỉ việc đánh hơi.
Hai con mắt chú thì thực sự là hai viên bi xanh, lóng lánh như hai vật thể phát sáng. Chú chẳng ngại ngùng gì mà không biểu lộ ngay cái tinh tướng khác thường của mình. Chú đâu có phải là một chú chó con hiền lành dễ bảo. Đó, bốn chiếc răng nanh chú vừa bập vào tay mẹ tôi. Miếng cắn đầu tiên trong đời chú. Răng sữa, vết cắn như vết gãi mạnh, nhưng đích thực là thực hiện công năng tự vệ và tấn công của bộ răng chó đấy, chứ đùa!
Chui ra khỏi cái túi vải ngục tù rồi, chú ngồi chệt đít xuống đất. Chưa thèm để mắt đến tôi, ngoác mõm, chú ngáp một cái rõ to. Không bỏ lỡ cơ hội, ngay lúc chú có vẻ xuất kỳ bất ý ấy, tồi liền đặt tay lên đầu chú, vỗ nhè nhẹ: dẫu sao tôi cũng cần chủ động bày tỏ thiện cảm với chú, tôi là cậu chủ của chú cơ mà! Nhưng, một lần nữa, tôi lại giống mẹ tôi, phải rút vội tay lại. Chú nhóc thừa tinh thần cảnh giác thường trực, ngay lập tức, mới chỉ thấy hơi bàn tay tôi nhớm tới lớp lông đầu, đã bập ngay miệng lại, cắt cái ngáp giải toả cơn buồn ngủ, giật lùi một bước về phía sau, tạo nên một khoảng cách biệt, đồng thời nghiêng đầu cau có nhìn tôi, với một vẻ thù địch không cần che giấu.
Êu êu! làm gì mà cau có như nhà khó không có ăn thế! Ăn đi, em!
Mẹ tôi vào bếp, lấy bát cơm mèo Mí ăn dở, rưới thêm nước thịt lợn rim, đặt xuống trước mặt chú, tặc tặc lưỡi. Thật là một cử chỉ đầy tình yêu mến và thiện chí. ấy thế mà chú nhách lại dệch dệch đít giật lùi; hơn nữa, chú còn nhe bộ răng nhọn như gai ra và gầm ghè. Chú doạ tôi và quyết không thân thiện với tôi!
Chà, những cún khác đâu có thế! Những cún khác chỉ cần một hơi sáo, một vài tiếng tặc lưỡi là đã quay tít đuôi, xán đến rồi. Làm quen với các cún ấy đâu có khó! Còn cún này? Thật là một ấu nhi đánh mất tính hồn nhiên vô tư! Một nhóc con khó tính! Một bẩm sinh ương ngạnh!