Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Đất Khách Quê Người – Mario Puzo
Đất Khách Quê Người là tác phẩm văn học đạt tới sự chân thật, thẳm sâu đến kỳ lạ của nhà văn lừng danh Mario Puzo. Theo tác giả, từ những năm sáu mươi, ông đã dành phần lớn tâm trí cho đề tài nhân sinh này. Ông đã sống, đã thể nghiệm, đã “trầm người” trong khu vực đề tài để diễn tả với một sức mạnh mới.
Đất Khách Quê Người là một phần máu thịt của ông, là quê hương, gia tộc, gia đình ông. Mỗi nhân vật trong sách dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp…đều là người thân của ông hoặc người ông đã tiếp cận, được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh bi thương của con người, buộc phải rời Tổ quốc vượt ngàn dặm biển để kiếm sống nơi đất khách quê người.
Mario Puzo là tác giả liên tục thành công trong nhiều cuốn sách, mà tiêu biểu là Bố Già, đã vạch trần và lên án các tập đoàn tội ác Mafia, hoạt động trên đất Mỹ và địa bàn liên quan, với đường dây buôn lậu ma tuý, gái mãi dâm, sòng bạc, ám sát, khống chế, bắt cóc tống tiền.
Đất Khách Quê Người khi được xuất bản đã nhanh chóng được công chúng chào đón và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Khác với tác phẩm Bố Già – tận cùng mãnh liệt, trong Đất Khách Quê Người, chúng ta nhận diện một Mario Puzo hồn hậu, sâu xa, tinh tế. Bằng văn phong bình dân, ông viết sinh động và phong phú, xây dựng nên một bản dân ca bi hùng tráng, ly kỳ trong cụ thể, đồ sộ trong giản đơn…Ông đã sống, đã yêu, đã đau khổ và vui sướng cho tác phẩm rất chân phương và lạ lùng này.
Nếu Bố Già là đỉnh nhọn thì Đất Khách Quê Người là mặt bằng rộng lớn, với chiều sâu của nhà văn thấu suốt con người và vì lợi ích con người mà chiến đấu bằng bút lực dữ dội, làm rung động lòng người. Toàn bộ khung cảnh cuộc hành hương này được Mario Puzo khái quát vào cuộc sống một gia đình lưu vong người Ý Angeluzzi-Corbo, mà góa phụ Lucia Santa một người đàn bà nghèo khổ, dốt nát nhưng là người mẹ sống chết vì con, đầy bản sắc Ý và rất đỗi anh hùng.
Năm mười bảy tuổi Lucia Santa cùng hai người bạn gái rời gia đình vượt mấy ngàn cây số trên đại dương để sang Mỹ lấy chồng, mà chàng trai ấy cô chỉ nhớ thoang thoáng là có cùng chơi giỡn với nhau lúc nhỏ. Nhà nghèo nên ngày Lucia Santa ra đi, ông già không cho nổi con gái cưng một bộ đồ cưới và tấm khăn trải giường. Xuống tàu đi, Lucia Santa dù rất mực thương cha nhưng vẫn hận cha mình mãi.
Nơi đất khách, bốn mươi năm ròng rã gia đình Lucia Santa sống gói kín trong căn hộ số 358 lầu bốjn, chung cư đại lộ Số Mười, khu tây New York. Nơi lưu cư này bà đã sinh nở cho hai đời chồng, nuôi dạy sáu đứa con và cố giữ đúng nề nếp tập tục dân nước Ý, phản đối lối sống buông thả của đám trẻ theo kiểu Mỹ. Nhưng quan trọng nhất là bà chỉ huy con cái tập trung sức lực và trí khôn chống lại sự nghèo khổ, tủi nhục, mặc dù có lần bà bảo các con bà phải biết tự hào về cái nghèo thơm thảo của chính mình. Bà cho rằng mình nghèo nhưng là cái nghèo vĩ đại.
Chung quanh mối quan hệ đan xen với gia đình do “dũng tướng” Lucia Santa cùng Octavia, đứa con gái thông minh và cương trực, chèo chống, cuộc sống xã hội của cộng đồng lưu dân Ý trên đất Mỹ ở đại lộ Số Mười hiện ra rõ đến đỗi người đọc thấy như có mình trong đó. Chúng ta chảy nước mắt đau khổ hoặc vui mừng cùng các nhân vật. Thuật ẩn ngữ và lối nói dí dỏm trào phúng là đặc tài của Mario Puzo bộc lộ ở đây.
Trở lại buổi đầu, Lucia Santa với những khát vọng về một vùng đất mới giàu sang bị tan vỡ, dù đó là vùng đất “hứa”. Thực tế này cho thấy ở bất cứ nơi nào cũng có cái ác, có hiếp đáp, giành giựt, có mưu sâu kế độc để hãm hại nhau. Nhưng ở bất cứ nơi đâu cũng có con người sống gắn bó với nhau, yêu thương nhau, giữ cho kỳ được những bản thể tốt đẹp vẫn có của mình để cùng hướng lên cuộc sống văn minh. Đất KHách Quê người chính là bài ca về sự nỗ lực lao động quên mình để có cuộc sống ấm no, và người chân thật dẫu ở đâu vẫn có thể sống hiên ngang, đứng vững bên cạnh bọn gian xảo, chiếm đoạt, vu khống…
Cuối cùng khi về già, con cháu đầy đàn, Lucia Santa lên chiếc xe nhà về khu Long Island sang trọng, giã biệt căn hộ chung cư và kiếp sống lầm than. Chi tiết này Mario Puzo cho bạn đọc một niềm vui có thật. Đây là tính nhân hậu của nhà văn.
Đọc Đất Khách Quê Người không phải chỉ để thông cảm một cách sâu xa về đồng loại, mà còn để tự hào và tin cậy ở chính mình.
Larry Angeluzzi thúc con ngựa ô đen bóng trên lòng đường như một khe núi, giữa hai dãy tường nhà cao dòm trật ót. Dưới những chân tường, trên lề đường lát đá xanh, phân ô biệt lập mỗi lô nhà, lũ trẻ ngừng chơi đùa, im thin thít chiêm ngưỡng anh Larry. Larry vung vẩy đèn dầu màu đỏ thành một vòng cung lớn, những tia lửa toé ra từ những móng sắt của con ngựa khua trên đường rầy xe lửa, làm loé sáng những viên đá trải trên đại lộ Số Mười và lừ đừ theo sau là đoàn tàu chở hàng chậm chạp từ nhà ga cuối cùng, trên phố Hudson tiến về phương bắc.
Năm 1928, sở Đường Sắt trung ương New York phải sử dụng những con đường trong thành phố để xuôi ngược bắc nam, nên phải có người cưỡi ngựa mở đường để tránh tai nạn giao thông. Chỉ vài năm nữa, khi cầu nổi xây xong, hình ảnh người dẫn đường chỉ còn là kỷ niệm của lịch sử thành phố. Nhưng Larry Angeluzzi không hề biết nó là người cuối cùng trong nghề này. Nó ngồi trên mình ngựa cứ kiêu hãnh như một cao bồi chính hiệu miền Tây. Nó luôn ăn diện: ghệt trắng nặng, mũ rộng vành, đồng phục quần xanh bằng vải thô cứng, bó chặt tới mắt cá bằng những cái cặp sáng bóng.