Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Đi Ngang Hà Nội – Nguyễn Ngọc Tiến
NHỮNG CÂU CHUYỆN SINH ĐỘNG VỀ HÀ NỘI HÔM QUA VÀ HÔM NAY
Mấy trăm năm qua, với người Việt Nam, hình như con người và văn hóa Thăng Long – Hà Nội luôn chứa đựng trong đó vô số điều bí hiểm, mà việc tìm hiểu và lý giải đã trở thành một nhu cầu của rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ… Song, dù viết bao nhiêu cuốn sách cũng khó có thể dựng lại diện mạo theo cả chiều rộng và chiều sâu của một vùng văn hóa đặc sắc mà ở đó, sự tích hợp văn hóa luôn mang tới nhiều điều mới mẻ, và sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa nội sinh với văn hóa ngoại sinh liên tục diễn ra trong lịch sử Hà Nội đôi khi có thể khiến người nghiên cứu cảm thấy bất lực vì nghĩ mình ở trong tình trạng viết bao nhiêu vẫn thiếu. Có lẽ Nguyễn Ngọc Tiến cũng là một người như vậy. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã gắn bó với mảnh đất kỳ diệu này, và tôi nghĩ đối với anh, việc cách đây mấy năm xuất bản 5678 bước chân quanh Hồ Gươm là chưa đủ. Để đến năm 2012 này, anh lại tiếp tục ra mắt Đi ngang Hà Nội – tập hợp những ký sự sinh động, có tính chất khảo cứu về một số sự kiện – hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng Long – Hà Nội, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại.
Xưa kia ở Việt Nam, kinh tế thương nghiệp còn trong tình trạng sơ khai vốn không cần tới quy mô lớn, trao đổi hàng hóa thường dừng lại ở phạm vi địa phương. Bởi thế, ngoài các trung tâm quyền lực như kinh đô, các trung tâm hành chính ở địa phương, thì sự xuất hiện đô thị với tính cách là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa dường như không thật sự là đòi hỏi cấp thiết. Sự phồn thịnh rồi suy tàn của kiểu đô thị – kinh tế như Phố Hiến, Hội An là một ví dụ điển hình. Khi đô thị không ra đời như kết quả tất yếu của sự phát triển đô thị – kinh tế thì việc tổ chức để đô thị vận hành theo quy củ sẽ dễ lỏng lẻo. Cho nên, với quá trình phình ra của đô thị ở một quốc gia nông nghiệp lúa nước, xét đến cùng là hệ quả của sự tích hợp dân cư. Người ta đến đô thị từ mọi miền, người ta định cư nhưng không thể cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng làng xã. Ngay đến tầng lớp quan lại, các vị đại khoa… cũng không dám thoái thác nghĩa vụ với nguồn gốc xuất thân (về quê để giỗ chạp, dự hội làng, họp “giáp”, nhận phần ruộng…). Điều này lý giải tại sao đến hiện tại, vào những ngày mồng 1, 2, 3 Tết ở Hà Nội thường vắng vẻ, vì nhiều gia đình đã về quê. Trong một số trường hợp, khi số cư dân cùng một cộng đồng xuất thân tăng lên, còn mang cả thành hoàng làng, ông tổ nghề nghiệp theo để thờ cúng, hình thành nên những khu phố có cư dân xuất xứ cùng một địa phương, hình thành các phố nghề. Theo thời gian, sự tích hợp này cũng biến động với sự xuất hiện của cư dân từ địa phương khác đến sau, rồi các ngành nghề mới, đặc biệt từ ngày tiếp xúc với văn hóa – văn minh phương Tây… đô thị dần dà phai nhạt tính chất nguyên hợp ban đầu, thậm chí phai nhạt cả một vài đặc điểm riêng để thay thế bằng sự tích hợp văn hóa từ nhiều cộng đồng không cùng nguồn gốc, với nền nếp, thói quen, lối sống… khác nhau, với nét bản sắc khác nhau. Tất cả cùng phối kết làm nên một diện mạo văn hóa mới cho đô thị. Và văn hóa Hà Nội là một ví dụ điển hình cho tình thế này, bởi điều chúng ta thường gọi là văn hóa Hà Nội đâu phải ra đời trong một sớm một chiều.
Từ quá trình tích hợp văn hóa trên đây, với nhiều sự kiện – vấn đề của văn hóa Hà Nội, không thể mô tả như đã hoặc đang có, mà cần phải khảo sát trong tính quá trình. Thao tác này, một mặt giúp làm nổi bật lịch sử của sự kiện – hiện tượng, một mặt phác họa các liên hệ văn hóa – xã hội tạo dựng nên bối cảnh lịch sử đã tác động, đẩy tới sự chuyển dịch về cả nội dung và hình thức của sự kiện – hiện tượng. Tuy nhiên, làm được điều này là không dễ, vì người viết sẽ phải kiên nhẫn “lao tâm khổ tứ” để truy tìm tài liệu và chứng cứ, từ đó phác dựng lại gốc tích và quá trình chuyển dịch của sự vật – hiện tượng, lý giải những nguyên nhân làm cho sự vật – hiện tượng biến đổi theo thời gian như thế nào. Đối với các sự vật – hiện tượng còn có sự đánh giá khác nhau thì phức tạp hơn, nếu chưa đưa ra ý kiến riêng thì chí ít, người viết cũng phải cố gắng phác dựng những nét cơ bản giúp người đọc có thể lựa chọn và đánh giá. Đọc các ký sự trong Đi ngang Hà Nội, có thể nhận thấy một điều rất cần trân trọng là Nguyễn Ngọc Tiến có ý thức rất nghiêm túc với công việc. Trong bối cảnh không ít người bằng lòng với việc “nghiên cứu” một số sự kiện – hiện tượng văn hóa ở Hà Nội như chúng đang có, sử dụng tư liệu theo lối “ăn theo”, lý giải vấn đề bằng cảm quan hiện thực hơn là tiến hành khảo cứu, thì Nguyễn Ngọc Tiến lại cố gắng truy tìm ngọn nguồn của mỗi vấn đề mà anh đề cập. Vì thế, với Bia hơi Hà Nội, Ô tô và biểu trưng quyền lực, Chơi đĩa than, Phở có người lái và không người lái, Từ xe tay đến xích lô, Từ xoa bóp đến tẩm quất… người đọc không chỉ được tiếp xúc với diện mạo của sự vật – hiện tượng, mà còn được biết thêm rất nhiều về các biến thiên và tương quan văn hóa – văn minh.
Và dẫu có nói thế nào thì mọi sự kiện – hiện tượng của văn hóa – văn minh cũng liên quan tới con người. Nếu vắng bóng con người, sự kiện – hiện tượng sẽ chỉ còn là các liệt kê khô khan, thiếu sinh khí. Trong Đi ngang Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến khắc phục tình trạng này bằng cách đưa vào các khảo cứu những con người và việc làm cụ thể, hoặc khai thác từ sử liệu hoặc do chính anh quan sát, chứng kiến và lưu giữ sau hơn nửa thế kỷ là “người Hà Nội”. Chính vì thế, dù có thể đã sống cùng thời với anh, nhưng nếu không quan sát, không lưu giữ trong trí nhớ, ai đó sẽ ngạc nhiên khi đọc điều Nguyễn Ngọc Tiến kể về cuộc truy bắt ngoạn mục nhưng bất thành của cảnh sát Hà Nội với tay anh chị Nguyễn Thế Tuyền từng làm náo loạn đoạn đường Hà Nội – Hà Đông từ những năm 80 của thế kỷ trước; hoặc không biết các “bãi bia” náo nhiệt ồn ào trong những buổi trưa hè ở Hà Nội hôm nay, là sản phẩm du nhập đã có tuổi lịch sử gần một thế kỷ. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, người Hà Nội cùng thời lại có thể hình dung về tiếng chuông tàu điện leng keng và vợ chồng người hát xẩm ủ ê, ai oán cùng tiếng nhị cò cưa. Rồi những ngày người Hà Nội tìm cách chế biến bột mỳ sao cho ngon miệng. Rồi những giai thoại dân gian, những bài văn vần từng lưu truyền một thuở về Hà Thành, về tem phiếu, về những nghệ sĩ đậm “chất Hà Nội” bên ly cafe cũng đậm “chất Hà Nội” trong một thời khốn khó…