Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Đường Phượng Bay – Từ Kế Tường
Buổi chiều thả những giọt nắng yếu bên ngoài cửa sổ, một khoảng trời nhỏ, với vài đám mây trắng lờ đờ bay ngang qua đỉnh cây nhạc ngựa. Tôi thức giấc giữa tiếng reo nhỏ, mơ hồ, của hàng nhạc ngựa say gió bên ngoài con đường im vắng chạy ngang trước nhà. Ngôi nhà nằm cách lề đường một con ngõ, khuất trong vườn cây thấp có nhiều hoa. Nằm ở đây, tôi có thể nhìn thấy một khoảng lối đi trải sỏi vụn dẫn ra cánh cổng có dây leo um tùm trổ một thứ hoa màu tím lấm tấm.
Ngày xưa khi mới tới đây, tôi đã sung sướng vô cùng vì không ngờ mình lại được ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ và yên tĩnh như vậy. Dì Hạnh mở cổng cho tôi với đôi mắt mở lớn tròn xoe, đầy ngạc nhiên. Lúc đó tôi hoàn toàn rơi vào một trạng thái sững sờ và ngượng, vì tôi không biết gọi dì Hạnh bằng gì và ngược lại, hình như chính dì Hạnh cũng rơi vào một trạng thái như thế. Dì Hạnh nhỏ hơn tôi hai tuổi, học dưới tôi hai lớp, nhưng lại được tôi gọi bằng dì, vì giữa tôi và dì Hạnh có liên hệ bà con sao đó. Tiếng “dì” ngượng nghịu đó làm sao tôi thốt ra được khi tôi đang đứng trước một người con gái nhỏ hơn mình, xinh đẹp và có lẽ rất thông minh. Lúc đó tôi cũng nhận ra trên gương mặt dì Hạnh một nét u buồn vừa nhìn thấy trong đôi mắt ngạc nhiên của dì. Nhưng sau một tuần, tôi cũng quen dần và tôi cũng bỏ được lối xưng hô trống không khi nói chuyện với dì Hạnh. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi vào trường, chọn lớp, làm quen với bộ mặt mới của tỉnh lẻ.
Tôi yêu cái vẻ êm đềm đến dễ thương của tỉnh lỵ. Những con đường trơn bóng, rộng lớn với hai hàng me chạy dài thả lá bay trong gió suốt mùa. Gió của tỉnh lỵ không ào ạt, lạ lùng như gió biển ở quê hương tôi. Ở đây gió nhẹ và có lẫn hương thơm hòa vào tiếng chim ríu ran gọi nhau trên các mái ngói. Thành phố không lớn, nhưng lại được vây quanh bằng dòng sông tươi mát êm đềm, được che mát bởi cây lá, được xông bởi hương hoa, được tô điểm bởi những ngôi nhà mái ngói cổ xưa. Sau một năm tôi đã quen thuộc với tỉnh lỵ, quen thuộc cả đến những viên sỏi vô tâm trong khu vườn nhỏ nhà dì Hạnh. Mùa hè, được báo trước bằng những ngày học thi bù đầu. Ở những con đường tỉnh lỵ đã thấy lác đác bông phượng nở. Và mưa. Mùa hè và mùa mưa, làm xao xuyến tỉnh lỵ, xao xuyến những người học trò ở vào tuổi mới lớn, một tuổi đời mơ hồ sương khói nhất. Nỗi xao xuyến cũng thả dài theo hàng nhạc ngựa trước nhà, mà tôi nghe được tiếng reo của nó trong gió vào những buổi chiều tuyệt đẹp.
Dì Hạnh ở một góc phòng dưới nhà, với một người giúp việc, tôi ở một phòng trên lầu. Ba má của dì Hạnh. (Tôi vẫn còn bối rối không biết gọi bằng gì) có cơ sở làm ăn ở Sài-gòn. Nửa tháng hoặc đầu tháng ông bà mới về một lần, đưa cho dì Hạnh một khoản tiền tiêu trong tháng, trả lương người giúp việc, tiền học phí và chi tiêu, linh tinh đủ mọi chuyện. Tôi vẫn như một người ở trọ, nhưng không phải đóng tiền nhà, tiền cơm, chỉ lo tiền sách vở. Đôi khi những thứ này dì Hạnh cũng mua luôn cho tôi. Nhà tôi ở một quận hẻo lánh, trường trung học chỉ dạy đến lớp đệ tứ. Hết lớp đệ tứ tôi phải lên tỉnh để học đệ tam. Ba tôi hy sinh trong thời kháng chiến không để lại được gì. Mọi thứ má tôi đều xoay xở lấy. Nhà tôi nghèo, chỉ có một thửa vườn nhỏ. Đó là nguồn lợi tức hàng năm mà má tôi cho tôi theo đuổi việc học. Năm tôi lên tỉnh dì Hạnh mới học đệ ngũ, bây giờ dì đã lên đệ tứ và cũng đang sửa soạn cho ngày thi sắp tới như tôi. Năm nay tôi thi tú tài một, những ngày học thi tôi thức rất khuya, cũng như dì Hạnh thức rất khuya dưới nhà. Và trong căn nhà vắng vẻ này dì Hạnh và tôi như hai chiếc bóng loanh quanh đến hết ngày tháng. Dì thường kêu buồn trong những ngày mưa, hay khi nghe tiếng ve kêu ran trên đường đi học về. Nhưng đôi khi dì bảo rằng dì chỉ thích thú khi ở trong một ngôi nhà vắng vẻ như thế này. Tôi và dì hợp nhau ở điểm đó. Tôi yêu hàng cây nhạc ngựa reo say trong gió, khi con sông lồng lộng nước sau nhà. Bên kia là vườn cây ăn trái, tôi vẫn thường bơi qua sông ăn cắp trái cây đầu mùa mang về chia cho dì Hạnh, cả hai vừa ăn vừa cười thích thú. Dì cũng thích được bơi qua sông. Con sông không lớn lắm, tôi hứa hôm nào sẽ dạy dì bơi. Nhưng chắc chắn một điều là dì sẽ không bao giờ biết bơi vì có một ông thầy huấn luyện như tôi.
Phía sau nhà dì Hạnh, trước khi tới bờ sông phải băng ngang qua con đường sắt. Tôi vẫn thường ra đó đứng ngóng suốt con đường chạy ngoằn ngoèo vào trong những ngôi nhà thuộc một khu phố mang cái vẻ buồn bã mơ hồ. Những buổi sáng sớm, khi nghe tiếng còi xe hú dài trong sương, hay nhìn ánh sáng đèn nơi đầu máy xe lửa quét sáng một vùng cây cỏ im ngủ, tự nhiên tôi thấy yêu quí tỉnh lỵ hơn bao giờ, đồng thời cũng nhớ rười rượi một hình ảnh nào đó rất mơ hồ ở quê nhà tôi. Phải chăng từ lúc đặt chân lên con đường thứ nhất trong tỉnh lỵ, nhìn thấy chiếc lá đầu tiên long lanh trong nắng, nhìn thấy đôi mắt mở lớn, tròn xoe như mắt chim khuyên của dì Hạnh, những gì đến với tôi đều trở thành kỷ niệm, trở thành một thứ mùi hương không phai nhạt. Ngôi nhà này có những âm thanh thật lạ lùng của nó, gần như sự rung động, và ngào ngạt hương thơm. Không ngớt ngân lên với những ngày những tháng cùng với một tuổi đời nào đó vừa tới với dì Hạnh, với tôi. Hôm qua, trong lúc ra vườn, tôi bắt gặp đôi mắt dì Hạnh thật buồn. Lúc đó dì ôm con mèo nhỏ trong tay, còn tay kia thì dì cầm một cái hoa xoay xoaỵ Khi tôi hỏi, dì cố tạo một nụ cười. Dì đã là một thiếu nữ, một người con gái. Tôi hiểu điều đó. Và có gì khó hiểu trong đôi mắt của một người con gái mười lăm mười sáu tuổi đó?