Downloadsachmienphi.com

Lão Tử Tinh Hoa

Lão Tử Tinh Hoa - Nguyễn Duy Cần
Lão Tử Tinh Hoa –

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Lão Tử Tinh Hoa –

Nhân vật Lão Tử sanh vào thời nào, năm nào, thật là một điều rất khó thể biết được. Các học giả Trung Hoa, và cả Âu từ trước đến giờ chỉ bàn suông, chưa có một giả thuyết nào có thể tin là đích xác được về thân thế cũng như về sách vở của ông.

Theo sử gia đầu tiên của 司馬遷 thì Lão Tử là người nước Sở 楚, huyện Khổ 苦, làng Lệ 厲, xóm Khúc Nhân 曲仁, ở tỉnh Hồ Nam bây giờ. Ông tên Nhĩ 耳, họ Lý 李, tự là 伯陽; thuỵ là Đam 聃, làm quan giữ tàng thất sử nhà Châu 周.

“Khổng Tử đến Châu, hỏi Lễ. Lão Tử nói: “Lời nói của ông là lời nói của những kẻ nay đã xương tàn cốt rụi. Vả, người quân tử đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì tay vịn nón lá mà đi chơn. Ta nghe rằng: kẻ buôn giỏi khéo giữ của quý như không có gì, người quân tử đức thạnh, dung mạo dường như kẻ ngu. Họ rất khác với cái kiêu khí và đa dục của ông, thái sắc và đảm chí ấy không ích gì cho thân ông cả. Tôi sở dĩ bảo cho ông biết có bấy nhiêu thôi”.

“Khổng Tử ra về bảo với đệ tử: “Chim, ta biết nó bay thế nào; cá, ta biết nó lội làm sao; thú, ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy, thì ta có lưới bắt nó; cá lội, thì ta có dây câu ví nó; chim bay, thì ta có bẫy gài nó. Chí như con Rồng, ta không biết nó theo mây theo gió mà bay liệng như thế nào. Nay ta thấy Lão Tử như con Rồng!”

“Lão Tử tu giồi đạo đức, cái học của ông là vụ lấy sự “ẩn tích mai danh” làm gốc. Ở Châu lâu, sau thấy Châu suy, nên bỏ mà đi. Đến cửa ải, quan lệnh là Doãn Hỉ 尹喜 nói: “Ngài toan đi ẩn, xin gượng vì tôi để lại bộ sách”.

Lão Tử ở lại soạn ra bộ sách ý nói về Đạo Đức, phân làm hai thiên, gồm trên năm nghìn lời. Rồi bỏ đó mà đi, không biết chung cuộc đời Ngài như thế nào”.

Câu chuyện hỏi Lễ trên đây rất có thể là một câu chuyện ngụ ngôn, chứ không phải là sự thực như đã có nhiều học giả ngờ vực và bài bác. Nhưng thiết nghĩ, việc ấy đích xác hay không đích xác cũng không quan trọng gì cho lắm. Quan trọng nhất là cái ý nghĩa hàm súc của câu chuyện hỏi Lễ ấy: nó biểu diễn được một cách rất sâu sắc và ý vị lập trường hữu vi và vô vi của hai nhà đại tư tưởng đã thay nhau ngự trị và nhồi nắn tâm hồn người Trung Hoa trên mấy mươi thế kỷ.

Có kẻ lại cho rằng đồng thời với Khổng Tử cũng có người tên là Lão Lai Tử (老來子) người nước Sở 楚, có viết ra một bộ sách mười lăm thiên, chuyên nói về cái dụng của Đạo gia.

Sách Lễ Ký ở thiên “Tăng Tử Vấn” có câu “tích ngô tùng Lão Đam” (xưa ta theo Lão Đam), và trong sử nước Sở cũng có câu “Lão Lai Tử giáo Khổng Tử” (Lão Lai Tử dạy Khổng Tử) nên người sau có kẻ cho rằng Lão Lai Tử chính là Lão Đam hay Lão Tử vậy.

Vì chưng Lão Tử sống trên 160 năm (có kẻ lại bảo là trên 200 năm) nên người ta cho rằng ông nhờ tu dưỡng Đạo Đức mà được sống lâu và mạnh khoẻ như thế.

Trong Sử Ký cũng có chép rằng: “129 năm sau khi Khổng Tử mất, Thái Sử nhà Châu (周) là Đảm (儋) gặp Tần Hiến Công (秦獻公) nói: “Bắt đầu nhà Tần và nhà Châu hợp với nhau, rồi lại tan. Tan rồi năm trăm năm lại hợp với nhau 70 năm thì Bá Vương ra đời vậy”. Cho nên có kẻ cho rằng “ông Đảm (儋) đây tức là Lão Tử đó”. Nhưng có người cho rằng không phải thế, vì Lão Tử là một bậc “quân tử ở ẩn”.

Học giả về sau phần nhiều cũng ngờ đoạn văn trên đây của Sử Ký. Nho gia đời Thanh là Tất Nguyên (畢元) trong bài tựa quyển Lão Tử Đạo Đức Kinh Khảo Dị (老子道德經考異) biện minh rằng: “đời xưa chữ ĐAM (聃) và chữ ĐẢM (儋) dùng lẫn nhau”. Trong Thuyết Văn Giải Tự (說文解字) cũng có chữ Đam (聃) và giải nghĩa như vầy: Tai thòng xuống (耳曼也)[2]. Còn chữ Đảm (儋) thì cũng giải là: Tai dài (垂耳也)[3]. Ở phương Nam có nước tên là Đảm Nhĩ (聸耳), nghĩa là nước mà người ta có tai dài thòng xuống. Trong sách Đại Hoang Bắc Kinh Lữ Lãm (大荒北經呂覽) thì chữ Đam Nhĩ 聃耳 cũng viết là Đảm 聸. Lại nữa, cũng trong Lữ Lãm (呂覽) chữ Lão Đam 老聃, trong sách Hoài Nam Vương (淮南王) chữ Đảm Nhĩ 儋耳 đều viết là Đam 耽. Trong Thuyết Văn Giải Tự (說文解字) cũng có chữ 耽 (cũng đọc là Đam), cắt nghĩa là “tai lớn rủ xuống” (耳大垂也)[4]. Vì chưng ba chữ ấy ý nghĩa và giọng đọc tương đồng nên mới dùng lẫn với nhau. Trịnh Khang Thành (鄭康成) nói: “Lão Đam là cái biệt hiệu của những kẻ sống lâu đời xưa”. Nói như thế cũng thông. Như vậy thì Lão Tử cũng chỉ là danh hiệu một bậc “Thầy Già” và chỉ có thế thôi.

Qua thế kỷ thứ 19, các nhà bác học Trung Hoa cũng như những nhà thông thái Âu Tây áp dụng phương pháp khoa học về ngôn ngữ để nghiên cứu sách của Lão Tử, thực ra cũng chỉ đem lại thêm một vài tia sáng nhưng kết quả chưa có gì thiết thực.

Các học giả Trung Hoa phần đông lâu nay vẫn tin theo truyền thuyết rằng Lão Tử đồng thời với Khổng Tử và lớn hơn lối vài mươi tuổi. Khổng Tử sống vào khoảng 570 và 490 còn Lão Tử thì sống vào khoảng 570 và 479 trước Tây lịch kỷ nguyên, nghĩa là vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 và đầu thế kỷ thứ 5 trước Chúa [5], cùng thời với Héraclite (535-475) và Pythagore (570-496) ở Hy Lạp.

Những câu chuyện do sử gia thuật lại trong Sử Ký không thể tin được, là vì phần nhiều tài liệu, Tư Mã Thiên đều lấy theo sách Trang Tử. Mà sách Trang Tử thường có tánh cách nụ ngôn nên những câu chuyện kể trong ấy không thể tin được. Huống chi phần nhiều câu chuyện có liên quan đến Lão Tử trong sách Trang Tử đều ở về phần Ngoại thiên, tức là thiên mà các nhà phê bình đều cho là nguỵ thơ. Những ý tưởng mà sách Trang Tử gán cho Lão Tử về Lễ lại nghịch rất xa với học thuyết Lão Tử trong Đạo Đức Kinh nơi chương 38: “Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín mà cũng là đầu mối của hỗn loạn” (Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ” (夫禮者, 忠信之薄, 而亂之首).

Trong tình trạng hiện thời, ta chưa thể biết được rõ ràng hơn nữa về con người lịch sử của Lão Tử, vậy ta cũng nên tạm thời, theo truyền thuyết mà cho Lão Tử là tác giả quyển Đạo Đức Kinh cũng không sao.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo