Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Lời Thề Trước Miễu – Hồ Biểu Chánh
Trời gần sáng. Trong mấy xóm ở dọc theo khúc lộ từ cầu Mồng Gà lên chợ Cần Giuộc, gà gáy vang rân, tiếp nhau kêu nông phu thức dậy mà đi ra ruộng. Bên hướng Đông trời giăng mấy cụm mây đen để áng mặt nhựt chưa cho lố lên; tuy vậy mà bên hướng tây vừng trăng khuyết treo lửng đửng trên không đã nhượng bước, nên phai lợt lu mờ, không còn tỏ rạng như hồi canh khuya nữa.
Cỏ pha sương ướt ngọn, lúa dợm trổ xóng lưng, cô Đào, là con ghẻ của hương trưởng Tồn, gánh một gánh bánh ú với bánh bò, xung xăng đi lên chợ mà bán. Cô vừa mới được hai mươi tuổi, tuy con nhà nghèo lại mồ côi cha, nên mặc quần áo vải đen, nữ trang thì chỉ đeo một đôi bông tai chuỗi mà thôi, nhưng mà mặt mày cô đề đạm, tướng mạo cô nghiêm trang, vì từ lúc ngây thơ đã thấy những thảm trạng trong nhà, nên cô ảo não trong lòng, ít nói ít cười, mà hễ có dịp vui làm cho cô phải cười, thì mặt như trăng rằm, miệng như hoa nở.
Cô đi ngang qua cái gò mả, là chỗ có cái mồ đất của cha cô, là Hương hào Quý, chết chôn tại đó hồi cô mới lên mười hai tuổi, thì cũng như mọi bữa trước, cô day mặt ngó vô gò mà tưởng tượng hình dạng của cha. Cô bưng khuâng, nhớ lúc cô còn nhỏ hễ cha đi xóm về thì ôm cô hun hít, hễ cô đau thì bồng cô lên võng mà đưa. Nhớ người xưa, cô đương cảm động trong lòng, bỗng thấy trong gò mả có một người xăm xăm đi ra lộ. Cảnh vắng, trời khuya, từ phía không người, cô phát sợ, nên hồi hộp trong ngực. Thình lình người đi ra đó kêu hỏi: “Phải chị đó hay không chị Hai?”
Cô Đào đứng lại mà ngó. Người ấy ra tới, cô nhìn lại thì là Lân, em ruột của cô, mười bảy tuổi, đầu đội nón nỉ đen, mình mặc một bộ đồ vải trắng cũ.
Cô để gánh dựa lề mà hỏi:
– Em làm giống gì ở trong đó? Đi thi về hồi nào?
– Em về hồi chiều hôm qua; mà buồn quá em không muốn về nhà. Từ hồi hôm đến giờ, em nằm một bên mả của cha.
– Em nằm chi đó?
– Em thi rớt rồi, chị Hai à.
– Trời đất ơi! Thi rớt hay sao?
Lân ngồi chồm hổm một bên gánh bánh của chị, khoanh tay trên đầu gối, nước mắt chảy ròng ròng.
Cô Đào đứng lặng thinh mà ngó mông một hồi chậm rãi mà nói: “Em đi thi hổm nay, ở nhà má vái van hết sức, má vái vong hồn của cha giúp cho em thi đậu, đặng em đi học nữa, sau khỏi cực tấm thân. Má hay em thi rớt đây chắc má buồn lung lắm”.
Lân cứ ngồi im lìm.
Cô Đào thở dài rồi để cây đòn gánh trên lề đường, vén vạt áo ngồi một bên em. Bóng trăng lờ lạt, đồng ruộng vắng teo, cô ngó thấy em khóc, cô bắt động lòng, nên cô cũng ứa nước mắt. Cô cúi mặt mà nói tiếp: “Má dung cậu năm năm nay, tuy chi em mình khỏi đói khát, nhưng mà tấm thân mình khổ não biết chừng nào. Hễ say thì cậu chửi mắng tưng bừng. Mà cậu chửi thì cứ chửi cha mình hoài, chị buồn hết sức. Em cũng biết, cậu có muốn cho em đi học đâu, cậu muốn để em ở nhà đặng cậu cho em ở đợ. Má khóc gần hết nước mắt, má năn nỉ hết sức, nên mới chịu để cho em học luôn đến bây giờ đó. Hổm nay em đi thi, cậu ở nhà cứ cằn nhằn hoài. Cậu nói học làm chi, bày học đặng ở không đi chơi, chớ học giống gì. Ở đợ ít năm cho biết nghề làm ruộng, rồi chừng lớn mướn ruộng mà làm, cũng no cơm ấm áo được vậy. Cậu lại hăm hễ em thi rớt thì cậu đợ em liền, không cho học hành gì nữa hết. Em về nhà đây chắc là khổ lắm.”