Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Một chiến thắng bị bỏ lỡ – William Colby
Trước khi đặt chân tới Việt Nam, trở thành Giám đốc C.I.A ở Sài Gòn, William Colby đã có một quá trình công tác rất lâu trong ngành tình báo. Là một thành viên của O.S.S cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, ông tổ của C.I.A, trong chiến tranh thế giới thứ hai, W. Colby đã đại diện cho C.I.A ở Ý và Thụy Điển. Sau một thời gian từ 1962 đến 1968 phụ trách Phân cục tình báo Viễn Đông, nhưng trọng tâm vẫn là theo dõi và chỉ đạo công tác tình báo ở Việt Nam, Colby lại trở lại Sài Gòn với hàm đại sứ và chức danh là cố vấn của tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Từ 1973 đến 1976. Colby trở thành Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ.
Như vậy có thể nói trong ngành tình báo, W. Colby là một nhân vật chủ chốt đã trực tiếp chứng kiến và can dự vào các tình huống mấu chốt của chiến tranh Việt Nam và suốt năm đời tổng thống Mỹ – Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford – Colby đã phục vụ cho chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Với cương vị và quá trình công tác như trên, W. Colby đã có những điều kiện thuận lợi để nhìn nhận, phân tích, đánh giá và suy ngẫm về cuộc chiến tranh Việt Nam, và năm 1989, nghĩa là một khoảng thời gian ít nhiều đã có đủ độ lùi để nghiên cứu xem xét cuộc chiến tranh ấy, W. Colby đã cho ra mắt người đọc cuốn “Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ“, một cuốn sách viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Không mô tả lại cả quá trình cuộc chiến trong cuốn sách, W. Colby chỉ đi sâu vào một số giai đoạn, một số thời điểm mà ông cho là quan trọng, có tính quyết định tới diễn tiến của cuộc chiến. Như giai đoạn từ 1959 đến 1962, khi cộng tác với Diệm – Nhu, đặc biệt là Nhu, người mà ông ca ngợi là đã đưa ra ý tưởng về “ấp chiến lược”; thời điểm năm 1967 mà ông coi là một “bước ngoặt”, với sự xuất hiện của Johnson, người đã kêu gọi phải chú trọng tiến hành một “cuộc chiến tranh khác”, nghĩa là phải nâng cuộc chiến tranh bằng chính trị lên ngang tầm với chiến tranh bằng quân sự – của Nguyễn Văn Thiệu, người mà sau một thời kỳ hỗn loạn do cái chết của Diệm – Nhu, cuối cùng người Mỹ đã phát hiện ra; và giai đoạn sau Xuân 1968, mà Colby xác định là một “bước nhảy vọt” trong cuộc chiến ở Việt Nam, với việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức đẩy mạnh công tác bình định, ổn định tình hình nông thôn…
Trong cuốn sách, với cương vị là người lãnh đạo C.I.A ở Nam Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, W.Colby đã cung cấp cho người đọc một số những thông tin cùng với những phân tích, đánh giá, nhận định của ông – điều đó sẽ góp phần cho người đọc hiểu thêm về một cuộc chiến đã qua. Tuy nhiên, trong khi trình bày lịch sử và ít nhiều cũng để biện hộ cho bản thân và ngành mình, ông cũng đã có không ít những chỗ nhầm lẫn, thậm chí cả xuyên tạc, bóp méo.
PHẦN MỘT: ĐÔI NGÃ TRƯỚC THẤT BẠI
Vào tuần cuối tháng Tư năm 1975, ngày nào tôi cũng đến Nhà Trắng. Lúc bấy giờ, có hai vấn đề choán gần hết thời gian của tôi. Trước hết, đó là Quốc hội đang mở cuộc điều tra đặc biệt về những hoạt động bất hợp pháp mà C.I.A bị cáo buộc là đã tiến hành từ khi thành lập đến nay. Sau đó là những rò rỉ trong thông tấn báo chí, đặc biệt là những cố gắng cuối cùng và vô ích của chúng tôi về vụ giấu không cho báo chí, có nghĩa là cả người Nga, biết về chuyện chúng ta đang cố gắng trục vớt từ biển khơi Thái Bình Dương chiếc tàu ngầm Xô Viết mang vũ khí hạt nhân bị chìm ở đó. Nhưng trên hết tất cả những vấn đề ấy, những cuộc họp của Nhà Trắng điều hành ưu tiên để xem xét tình hình ở Nam Việt Nam, bởi lúc đó, Sài Gòn đang hiển nhiên đứng trước một thất bại hoàn toàn.
Sáng 28 tháng Tư, một lần nữa tôi bước xuống phòng tình hình nằm dưới tầng ngầm bên cánh tây. Xuống đến nơi, tôi đã thấy ngồi xung quanh chiếc bàn họp lớn: Henry Kissinger, lúc đó là bộ trưởng Ngoại giao và cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia; Jim Schlesinger, bộ trưởng Quốc phòng; Bill Cléments, thứ trưởng Quốc phòng; Bob Jngerboll, thứ trưởng Ngoại giao; George Brown, Tổng Tư lệnh quân đội và Brent Scowcroft, phó Cố vấn An ninh quốc gia. Chúng tôi họp thành Nhóm hành động đặc biệt của Washington – một phân ban thuộc Hội đồng An ninh quốc gia làm nhiệm vụ ứng chiến để giải quyết những vụ khủng hoảng.
Với tư cách Giám đốc C.I.A và đúng với thủ tục, tôi khai mạc buổi họp. Quân đội Bắc Việt đã ở trước cửa ngõ Sài Gòn và uy hiếp phi trường Tân Sơn Nhất. Thành phố đang rối loạn tới cực điểm, tàn binh quân đội Việt Nam Cộng hoà và dân chúng nhiều vùng nông thôn đổ về đây, trộn lẫn với dân thành phố, tất cả đang cuống cuồng và tuyệt vọng tìm đường trốn chạy trước cuộc tiến quân của bộ đội cộng sản.
Sau khi kết thúc lời mở đầu, chúng tôi đề cập đến vấn đề chủ yếu đang đặt ra trước mắt: Bây giờ khi mà các sư đoàn Bắc Việt đã ở trước cửa ngõ Sài Gòn, lúc nào chúng tôi nên khuyên tổng thống ra lệnh cho tất cả người Mỹ ở đấy di tản? Thực ra, từ hai năm trước đây, tức năm 1973, sau khi “hiệp định hoà bình”, hiệp định được xem như kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài ở Việt Nam được ký kết ở Paris, thì những người cuối cùng trong số năm trăm nghìn binh sĩ Mỹ có mặt ở đấy từ 1968 đã rút về nước. Nhưng ở lại Nam Việt Nam, Mỹ vẫn còn vài trăm công nhân làm việc ở đại sứ quán, phòng tuỳ viên quân sự và một số hãng, sở Mỹ khác, Graham Martin, đại sứ của chúng tôi, vẫn tìm cách trì hoãn việc di tản của họ, trước hết viện cớ sự ra đi này sẽ có nguy cơ bị hiểu là một dấu hiệu của sự yếu ớt của chúng tôi và sau nữa hy vọng sẽ có thể duy trì được một sự hiện diện nào đấy, dù là yếu ớt, trong những bức tường của đại sứ quán. Ngoại trưởng Kissinger, người vẫn còn cho rằng có thể qua trung gian của Matxcơva thương lượng với Hà Nội về một thoả hiệp hoà bình, cũng tỏ ra ủng hộ sự hiện diện ấy. Còn bộ trưởng Quốc phòng Jim Schlesinger thì đồng tình với tôi: ông cho rằng Liên Xô chẳng thể kiểm soát được Bắc Việt và nếu không có sự can thiệp của Mỹ thì thất bại ở Nam Việt Nam là không thể tránh khỏi. Chúng tôi không muốn bằng việc trì hoãn thời cơ di tản mà để những công dân Mỹ ở Sài Gòn bị giết hoặc bị bắt.
Tất nhiên, khả năng Mỹ can thiệp vào Nam Việt Nam đã tan biến từ sau vụ Watergate, khi tổng thống Nixon, người hứa sẽ chi viện cho Sài Gòn về yểm trợ không quân và hậu cần nếu Hà Nội vi phạm hiệp định hoà bình, đã từ chức. Hai năm trước đây, tôi đã cảnh báo quốc hội về một số vụ vi phạm ấy, nhưng tổng thống Gérald Ford đã uổng công khi xin quốc hội chuẩn chi cho quân đội Sài Gòn một số ngân sách, lúc họ đang bị uy hiếp. Nhiều lần nữa, tôi đã cố giải thích cho các nghị sĩ quốc hội rằng bộ đội Bắc Việt chẳng những đang chiếm đóng Lào và Campuchia, vi phạm hiệp định, mà họ đang còn xây dựng ở hai nước ấy cũng như ở Tây Nam Việt Nam một mạng lưới đường sá rộng lớn và cả một hệ thống ống dẫn dầu để tiếp tế cho bộ đội cơ giới và các lực lượng khác, chuẩn bị cho một cuộc tấn công ở dọc biên giới Nam Việt Nam, thế nhưng các vị ấy đã chẳng buồn nghe tôi.
Trong khi tránh không phản ứng lại những vi phạm ấy, người Mỹ đã ít nhiều tỏ thái độ. Tháng Một năm 1975, muốn “nắn gân” người Mỹ, Bắc Việt từ những căn cứ đóng ở Campuchia đã tung ra một cuộc tiến công vào Phước Long, một tỉnh nằm cô lập ở phía Bắc Sài Gòn. Một lần nữa, Mỹ không một phản ứng. Quốc hội khước từ không tăng viện trợ bổ sung cho Nam Việt Nam. Nhà Trắng bất lực không thể hành động một mình, mặc dù đó là sự vi phạm trắng trợn nhất của Bắc Việt đối với hiệp định tháng Một năm 1973 mà Hoa Kỳ đã ký với Bắc Việt, và chẳng những thế còn ép Việt Nam Cộng hoà phải ký, dọa nếu không Hoa Kỳ sẽ cắt ngay bất cứ thứ viện trợ nào.