Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.
Giới Thiệu Sách:
Mùa Xa Nhà – Nguyễn Thành Nhân
Sanly thân mến,
Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên cho quyển truyện này, tôi đã nhớ tới cô. Tôi nhớ lại ngày chúng ta tình cờ gặp gỡ nhau ở một phòng triển lãm tranh tại Sài Gòn; và những gì chúng ta đã trao đổi với nhau. Truyện được viết nên, phần nào đó cũng bắt nguồn từ cuộc chuyện trò giữa chúng ta hôm ấy. Tôi hy vọng là sau khi đã đọc qua, cô sẽ tìm thấy những gì mà trong lần trao đổi đó tôi chưa thể nói hết được với cô. Tôi cũng hy vọng rằng cô, và cả những bạn bè của cô – những người trí thức trẻ, những người sau này sẽ đứng mũi chịu sào lèo lái con thuyền đất nước Campuchia – sẽ có một cái nhìn mới, hiểu biết và đồng cảm hơn với chúng tôi, những người lính tình nguyện Việt Nam.
Tôi muốn nhắc lại với cô ngày hôm ấy. Chắc hẳn cô vẫn còn nhớ, một buổi chiều cuối năm 1995, tại phòng triển lãm, trước một bức tranh dầu, cô đã đứng yên lặng giờ lâu?
Bức tranh vẽ một người lính Việt Nam đang một tay bưng bát sữa, tay kia cầm chiếc muỗng nhỏ bón sữa cho một bé gái Khmer, vây quanh hai nhân vật đó là vài người lính khác. Hậu cảnh bức tranh là một phum làng đổ nát, tan hoang, một vài túp nhà sàn cháy dở dang còn nghi ngút khói, và đó đây trên mặt đất rải rác một vài xác chết. Tác giả bức tranh này, và một số tranh khác trong cuộc triển lãm, là một người bạn của tôi. Ðó là lý do giải thích sự có mặt của tôi hôm ấy. Dạo đó, tôi chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng đã rất yêu thích hội họa. Và tôi, khi ấy, đã dừng lại khá lâu, sau lưng cô để ngắm nhìn bức tranh.
Bức tranh gợi cho tôi một nỗi niềm, mà có lẽ giờ đây tôi sẽ không thể nhớ lại, và diễn đạt được chính xác, nếu không có cuộc trò chuyện với cô. Ðó là một nỗi buồn sâu thẳm. Nó không quá mãnh liệt đến làm cho ta đau đớn, nhưng cũng không hời hợt thoáng qua. Một nỗi buồn đã kinh qua nhiều năm tháng, đã gắn chặt, chìm lặng xuống đáy tim, đã trở thành ký ức không thể phai nhòa. Ðó là nỗi buồn trước một điều bi thảm nhất, một điều xấu xa, gây nhức nhối nhất cho con người. Ðó là nỗi buồn và cảm giác bất lực trước hậu quả của chiến tranh. Tôi đã cảm nhận bức tranh như vậy. Nhưng cô, Sanly thân mến, cô chỉ thấy ở đó một sự ca ngợi tầm thường và hơi có phần cường điệu cái gọi là tình cảm quân dân, tình đoàn kết Campuchia -Việt Nam, và lòng nhân đạo chung chung.
Lúc đó, cô đã lẩm bẩm, bằng tiếng Khmer: “Giả tạo, dối trá…!” Tôi thoáng nghe những lời ấy. Tôi biết lõm bõm tiếng Khmer, nhưng cũng đã quên đi khá nhiều, nên không hiểu hết những lời cô nói. Tôi chỉ có cảm giác cô đang bực dọc, bất bình. Tôi đã bước lên, đứng đối diện với cô, mỉm cười chào và hỏi: “Cô có biết tiếng Việt không?”
Cô lắc đầu, rồi lại gật đầu, “Chỉ chút chút thôi!”
“Cô có thể ra bên ngoài uống một ly cà phê với tôi không? Tôi có chuyện muốn nói với cô.”
“Dạ được”, cô đáp thật ngọt ngào, và mỉm cười, nói tiếp bằng tiếng Khmer, “Tôi không nói được nhiều tiếng Việt đâu. Anh có thể nói chuyện với tôi bằng tiếng Khmer không?”
“Tiếng Khmer của tôi cũng như tiếng Việt của cô vậy!”, tôi cười, “Tôi đã quên nhiều. Chắc cô nói được tiếng Anh?”
“Vâng, khá hơn tiếng Việt, tôi mới sang Việt Nam hai tháng.”, cô đáp.
Rồi chúng ta đã ngồi nói chuyện với nhau khá lâu, lúc thì nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Khmer, lúc nói tiếng Anh, rồi có lúc dùng cả điệu bộ, nét mặt kết hợp với ba thứ ngôn ngữ đó để cố làm cho nhau hiểu. Dù sao, hôm đó chúng ta đã hiểu người kia muốn nói gì, và cũng đã diễn tả ý nghĩ của mình tương đối tốt, phải không, Sanly?
Cô cho biết tên cô là Sanly, hiện là du học sinh ở Hà Nội, nhân nghỉ Tết, cô ghé vào Sài Gòn thăm vài người đồng hương học ở đây trước khi về Campuchia. Cô chỉ mới mười chín tuổi, rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật. Tôi cũng nói sơ cho cô biết về tôi, một người lính xuất ngũ, đã có mấy năm ở Campuchia. Sau đó, tôi hỏi cô về những lời nhận xét cô bất giác thốt ra lúc nãy khi xem tranh.