Downloadsachmienphi.com

Ngay Cả Buffett Cũng Không Hoàn Hảo

Ngay Cả Buffett Cũng Không Hoàn Hảo - Vahan Janjigian
Ngay Cả Buffett Cũng Không Hoàn Hảo – Vahan Janjigian

Ngay Cả Buffett Cũng Không Hoàn Hảo

Tác Giả: Vahan Janjigian

Thể Loại: Kinh Tế

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Ngay Cả Buffett Cũng Không Hoàn Hảo – Vahan Janjigian

Ngày 26 tháng 6 năm 2006, người giàu thứ hai nước Mỹ thông báo rằng ông sẽ trao tặng phần lớn tài sản của mình cho người giàu nhất nước Mỹ. Ngồi bên cạnh vợ chồng Bill và Melinda Gates ở Thư viện Quốc gia New York, Warren Buffett đã công bố kế hoạch hiến tặng 10 triệu cổ phiếu phổ thông loại B của Berkshire Hathaway, trị giá ước tính vào thời điểm đó khoảng 31 tỷ USD, cho Quỹ Từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation. Ngoài ra, ông còn dành thêm 2 triệu cổ phiếu, tương đương 6,3 tỷ USD, trao tặng cho những quỹ từ thiện do ba người con của ông điều hành, trong đó có một quỹ từ thiện được đặt tên theo tên người vợ quá cố của ông. Chỉ bằng một hành động, người đàn ông đã từng tạo dựng được tiếng tăm lừng lẫy với việc xây dựng một trong những khối tài sản cá nhân vĩ đại nhất thế giới đảm bảo rằng thế giới này sẽ nhớ mãi lòng hảo tâm của ông, cũng gần giống như cách mà ông đang ghi tên mình vào sử sách của nhân loại về tài năng làm giàu xuất chúng của mình.

Tài sản của Buffett quả thực là vô cùng to lớn. Ông đã tạo ra nó bằng cách đầu tư. Thực ra, có thể nói rằng Buffett là nhà đầu tư vĩ đại nhất của mọi thời đại. Không ai có chút mảy may nghi ngờ nào về điều này, bởi chắc chắn ông sở hữu một trong những kỷ lục kinh doanh lâu dài tốt nhất. Vì ông lãnh đạo tập đoàn Berkshire Hathaway, một công ty đại chúng được giao dịch trên sàn chứng khoán, nên những quyết định đầu tư của ông đều được thể hiện hoàn toàn minh bạch, không chút giấu giếm và cũng dễ dàng theo dõi. Buffett nắm quyền điều hành Berkshire từ những năm 1960 và cuối cùng đã chuyển đổi nó từ một công ty dệt thành một công ty đầu tư. Dưới “triều đại” của ông, trong vai trò giám đốc điều hành, ông đã tạo ra một gia tài khổng lồ cho bản thân và cho tất cả các cổ đông khác.

Tư duy của Buffett đôi khi không mang tính truyền thống. Ví dụ, hầu hết các nhà đầu tư khác thích nhìn thấy giá cổ phiếu mà họ mua tăng lên nhanh chóng. Buffett không thích vậy. Ông nói rằng thời điểm duy nhất mà bạn nên thích giá cổ phiếu tăng lên là thời điểm bạn sẵn sàng bán chúng đi. Vì Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, nên ông không muốn nhìn thấy giá tăng lên ngay lập tức. Thực ra, nếu ông thực sự thích một cổ phiếu nào nó, ông sẽ cảm thấy vui hơn nếu giá giảm, nhờ đó ông có thể mua thêm cổ phiếu đó và thực sự cắt giảm được mức chi phí cơ bản. Bằng cách này, khi giá hồi phục sau nhiều biến cố, ông sẽ nhận được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Cách tư duy như thế này đã mang lại cho Berkshire những khoản lợi nhuận từ vốn vào khoảng 8,5 tỷ USD từ American Express, 8 tỷ USD từ Coca-Cola, 5,5 tỷ USD từ Procter & Gamble, và 4 tỷ USD từ Wells Fargo. Một số mã cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Berkshire cũng đã tạo ra những tỷ suất lợi nhuận khổng lồ. Chỉ riêng tiền lãi từ công ty chủ quản tờ Washington Post cũng đã đạt đến mức 11.600%.

Một trong những tính cách đáng quý nhất của Buffett là ông biết rõ những điểm hạn chế của mình. Ví dụ, ông biết rằng mình không thể trở thành chuyên gia trong tất cả các ngành kinh doanh. Nhưng bảo hiểm là một ngành mà ông hiểu rõ từng đường đi nước bước. Ông có một kỹ năng đặc biệt trong việc đánh giá rủi ro. Ông khám phá ra cách đầu tư khoản tiền “chờ” của các công ty bảo hiểm với suất thu nhập cao đủ để thanh toán những yêu cầu bảo hiểm trong tương lai và để lại rất nhiều lợi nhuận cho cổ đông.

Buffett luôn thực hiện theo một phương pháp tiếp cận đầu tư mang tính kỷ luật. Ông đã trở nên nổi tiếng trong việc tránh những phong cách và chiến lược đầu tư “nóng” (nhưng cuối cùng hóa ra chẳng có ý nghĩa gì ngoài những làn sóng ảo tưởng chóng tàn). Ví dụ, thị trường Mỹ bùng nổ từ những năm giữa và cuối thập niên 1990, chủ yếu được thúc đẩy bởi các cổ phiếu công nghệ. Buffett nổi tiếng tìm cách né tránh chính những cổ phiếu tương tự khi chúng thúc đẩy các chỉ số thị trường lên cao chưa từng có. Thậm chí, ông còn không mua một cổ phiếu nào của Microsoft, mặc dù công ty này được người bạn tốt của ông lãnh đạo.

Buffett bị nhiều người chỉ trích vì đã không tham gia vào cuộc đua do ngành công nghệ dẫn đầu đó, nhưng ông không mấy quan tâm đến những người phê bình mình. Những cổ đông Berkshire cũng vậy. Họ hiểu phương pháp tiếp cận lâu dài của ông và họ tự tin rằng dưới sự dẫn dắt của Buffett, họ sẽ hoàn toàn được thỏa mãn với những khoản thu nhập đạt được.

Buffett luôn gắn liền với những gì ông biết rõ nhất. Ông thích các công ty hoạt động trong những ngành kinh doanh đơn giản mà ông có thể hiểu và kiểm soát được. Ông không hiểu làm thế nào để định giá ngành phần mềm và ngành chất bán dẫn. Ông nghĩ rằng quá khó để có thể dự báo dòng tiền của những công ty này với độ chính xác cao. Tuy nhiên, ông hiểu rất sâu về cách định giá ngành nước giải khát có ga, dao cạo và ngân hàng. Ông cũng thích các công ty được quản lý bởi những người lãnh đạo trung thực và có tài năng. Và trên hết, ông muốn mua lại những công ty với mức giá thấp hơn giá trị nội tại của chúng, và sẽ nắm giữ chúng trong một khoảng thời gian rất dài. Thực tế chứng minh rằng chiến lược này đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho ông và các cổ đông Berkshire Hathaway trong hơn bốn thập kỷ qua.

Tuy nhiên, trở lại những năm 1990, có nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng Buffett đã đánh mất “cảm giác” của mình. Ông không thèm quan tâm đến sự mà ông đạt được qua một thời gian dài. Họ tin rằng ông đã “lỡ chuyến đò” của xu hướng mới. Vào thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng chúng ta đã bước sang một thời đại mới. Thực ra, các chuyên gia gọi đó là “nền kinh tế mới”. Họ cho rằng các quy luật cũ không còn áp dụng được nữa. Những nhà đầu tư này không ngần ngại thu mua vô số cổ phiếu được bán với giá cao gấp nhiều lần – mà chỉ một thời gian trước đó được xem là mức giá cao một cách kỳ quặc.

Có lẽ cách suy nghĩ này được minh họa rõ nhất bằng một lá thư gởi cho bản tin Forbes Special Situation Survey bởi một trong những người đăng ký báo dài hạn. Nó được viết vào đầu năm 2000, ở giai đoạn cuối của hiện tượng được gọi là thời kỳ bùng nổ “bong bóng dot-com” (lấy từ cách đọc ‘.com’ thường xuất hiện trong tên các công ty hoạt động trên nền tảng Internet), để đáp lại một sự đề xuất mua cổ phiếu – nghĩa là cổ phiếu của một công ty thuộc “nền kinh tế cũ” theo khái niệm lúc đó. Chẳng có gì liên quan đến công nghệ cao đối với cổ phiếu này. Thực ra, nó là loại cổ phiếu mà bản thân Buffett có lẽ cũng ưa thích, nhưng tác giả lá thư nọ đã viết: “Bạn có thực sự mong tôi mua một cổ phiếu có thể tăng lên chỉ khoảng 40% trong 2 năm không? Tôi đã 80 tuổi rồi. Tôi chẳng thể sống muôn đời để kiếm được một khoản tiền ít ỏi thế đâu!”.

Lá thư có vẻ như một câu chuyện đùa, nhưng người viết thực sự rất nghiêm túc. Những từ ngữ của bà rõ ràng chứng thực rằng mức độ bất hợp lý và khó duy trì từ những kỳ vọng của nhà đầu tư trong những ngày tháng “bừng bừng khí thế” ấy là đúng. Bây giờ, bạn có thể dễ dàng nhìn lại những điều đã diễn ra và nói rằng lẽ ra các nhà đầu tư lúc đó nên hiểu rõ hơn những điều mình làm. Không may là nhiều nhà đầu tư đã để cho bản thân mình rơi vào vòng xoáy “điên loạn của đám đông”. Buffett không bao giờ bị rơi vào cái bẫy này. Ông là bậc thầy của sự điềm tĩnh. Ông luôn luôn suy nghĩ một cách hợp lý và có phương pháp hẳn hoi. Tư duy và đầu tư theo cách của Buffett có thể mang lại lợi nhuận đặc biệt khi tất cả những người khác bị cảm xúc và sự điên loạn của đám đông dẫn dắt hành động của mình.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Ibbotson Associates, tổng suất thu nhập trung bình dài hạn theo số học (nghĩa là bao gồm cả cổ tức) cho những cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường lớn chỉ vào khoảng 12% một năm (từ 5 tỷ USD trở lên được xem là có mức vốn hóa lớn). Đối với những cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ, con số thường tốt hơn – khoảng 17% một năm.

Nhưng vào cuối những năm 1990, các nhà đầu tư lại muốn thu lãi nhiều hơn. Họ luôn nghe nói đến các cổ phiếu trong lĩnh vực Internet với những cái tên nghe rất buồn cười, dường như có mức giá tăng gấp đôi hoặc gấp ba sau vài tháng. Trên thực tế, nhiều công ty đã thêm cái đuôi “.com” vào cuối tên công ty của mình, vì họ tin điều này sẽ giúp họ thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ thị trường. Hết cuộc khảo sát này đến cuộc khảo sát khác đã cho thấy những nhà đầu tư suy nghĩ việc kiếm được suất thu nhập ít nhất là 20% mỗi năm trên thị trường chứng khoán là hoàn toàn hợp lý. Họ không quan tâm đến việc mua vào những cổ phiếu có thể tạo ra suất thu nhập khiêm tốn hơn – thậm chí ngay cả khi chúng tỏ ra tốt hơn so với mức trung bình trong lịch sử. Và dĩ nhiên, họ không quan tâm gì đến những cổ phiếu có giá trị cao.

Tuy nhiên, Buffett hiểu rõ điều này hơn ai hết. Ông là một trong những “học trò” sắc sảo nhất trên thị trường tài chính và luôn là người giỏi nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông chú ý đến những khuynh hướng dài hạn, và ông biết rằng hoạt động đầu tư hợp lý đã “chào thua” sự phấn khích của đám đông (hoặc “sự hồ hởi phi lý trí”1 – theo cách nói của cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Alan Greenspan).

Buffett hiểu rất tường tận báo cáo nghiên cứu của Ibbotson. Ông biết rằng những mức thu nhập cao hơn mức trung bình không thể tiếp diễn mãi được. Thị trường sẽ luôn sụt giảm sau thời kỳ bùng nổ những khoản thu nhập lớn chưa từng thấy nhưng không thực chất. Cũng giống như Buffett, các nhà đầu tư có lý trí khác bị chế nhạo trên báo chí vì những quan điểm thận trọng của họ vào cuối những năm 1990. Ví dụ, David Dreman đã cảnh báo các nhà đầu tư trong chuyên mục của mình trên tạp chí Forbes rằng giá cả cổ phiếu đã trở nên quá đắt để mua vào. Một độc giả sau đó đã gọi ông là một “con khủng long” ngu ngốc vì không hiểu rằng mọi việc đã khác đi vào thời điểm đó.

Dĩ nhiên, nhiều biến cố cuối cùng cũng đã chứng minh những người như Buffett và Dreman là đúng. Nhưng vào những ngày còn say sưa với “bong bóng dot-com”, các nhà đầu tư đã trở nên tham lam quá mức. Họ chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với cái gọi là tỷ suất thu nhập hợp lý. Họ muốn kiếm thật nhiều tiền, và thật nhanh. Do thị trường đang tăng lên và những cổ phiếu của họ có giá quá cao, họ tin rằng họ cũng là những chuyên gia về đầu tư. Một số người thậm chí còn nghĩ mình thông minh hơn cả Buffett! Khi sự thoải mái và kiên nhẫn biến mất hoàn toàn, những nhà đầu tư đó cuối cùng lâm vào cảnh phá sản. Trái lại, Buffett càng trở nên giàu hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, người viết lá thư trên đã nêu ra một điểm rất thú vị. Với uy tín vững chắc là một nhà đầu tư dài hạn, Warren Buffett không ủng hộ những người thích kiếm tiền nhanh bằng việc “lướt sóng” với những cổ phiếu ngắn hạn. Ông nói rằng khoảng thời gian nắm giữ được ông ưa thích là “vĩnh viễn”. Nhưng người viết thư 80 tuổi nêu trên chẳng quan tâm gì đến dài hạn nữa. Bà ấy rõ ràng luôn nghĩ đến một khung thời gian đầu tư ngắn hơn nhiều, vì lý do tuổi tác.

Không may là khi bà đang tìm cách kiếm tiền nhanh thì những chỉ số chính của thị trường sắp đạt đến những mốc cao kỷ lục và bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài và đau đớn. Mọi người chỉ có thể hy vọng bà đã không đổ toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời mình vào một trong những cổ phiếu công nghệ hoặc cổ phiếu công ty Internet, khi cuối cùng chúng đã sụp đổ xuống chỉ còn 1 USD mỗi cổ phiếu. Lá thư của bà cho thấy rõ ràng bà biết chính xác mình đang tìm kiếm điều gì. Bà muốn có lãi lớn và thật nhanh. Tuy nhiên, có lẽ bà không hiểu được những rủi ro kèm theo chiến lược đầu tư kiểu đó. Có lẽ, bà thậm chí không quan tâm đến rủi ro. Xét cho cùng, như bà đã nói rất rõ trong lá thư của mình, bà đang già đi và có thể bà sẽ không có đủ tiền phòng khi bệnh tật. Chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 mất khoảng 7 năm để trở lại mức cao như năm 2000. Trong cùng thời gian ấy, chỉ số NASDAQ cũng xoay xở phục hồi được khoảng một nửa con số mất mát của mình. Mọi người đều có thể ước tính thời gian cần thiết để các chỉ số của các ngành công nghệ nêu trên lấy lại các khoản sụt giảm nhưng có lẽ phải mất đến cả thập kỷ hoặc hơn để chúng phục hồi.

Trong số rất nhiều điều mà bạn sẽ biết khi đọc hết quyển sách này, bạn sẽ thấy Warren thường chớp thời cơ khi thị trường bán tháo. Xét cho cùng, việc bán tháo cổ phiếu cũng giống như việc đại hạ giá. Nếu bạn khao khát một đôi giày đắt tiền, bạn có muốn mua khi nó được bán đại hạ giá hay không? Tương tự như vậy, nếu bạn thích một cổ phiếu có giá 50 USD thì bạn có cảm thấy thích thú hơn khi nó xuống mức 40 USD hay không? Dĩ nhiên, giày và cổ phiếu không hoàn toàn giống nhau. Một đôi giày sẽ chẳng thay đổi gì nếu nó được bán hạ giá. Nhưng giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng về dòng tiền trong tương lai. Nếu giá rớt, điều đó nghĩa là tất cả những nhà đầu tư trở nên ít lạc quan hơn về dòng tiền ấy. Họ đã hạ thấp kỳ vọng của mình về triển vọng phát triển của công ty.

Không giống như việc hạ giá bán giày, việc bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể làm các nhà đầu tư bình thường hoảng loạn. Cần phải có sự lỳ rất lớn để sẵn sàng nhảy vào mua cổ phiếu khi tất cả những người khác đang bán chúng đi. Dĩ nhiên, rủi ro xuất hiện khi bạn mua quá sớm. Bởi vì, một khi cổ phiếu đã giảm giá 20% thì không có gì bảo đảm nó sẽ không giảm thêm 20% nữa. Một trong những câu châm ngôn đặc trưng ở Phố Wall là “Đừng bắt một con dao đang rơi.” Tuy nhiên, có nhiều cơ hội để cổ phiếu của một công ty tốt cuối cùng cũng hồi phục. Chẳng ai biết chắc chắn khi nào sự phục hồi sẽ bắt đầu. Đôi khi, có thể mất đến vài năm. Nhưng nếu bạn là một nhà đầu tư kiên nhẫn có tầm nhìn dài hạn, bạn sẽ không cảm thấy khó chịu khi chờ đợi đâu. Thậm chí, bạn có thể sử dụng thời gian này để mua thêm nhiều cổ phiếu hơn ở mức giá thấp hơn. Dĩ nhiên, Buffett là bậc thầy trong đầu tư dài hạn. Buffett là một bằng chứng xác thực cho thấy sự kiên nhẫn có thể là cách mang lại lợi nhuận khổng lồ cho hoạt động đầu tư của bạn.

Dù sự của Buffett hết sức to lớn, nhưng bạn sẽ biết rằng cách thức của Buffett không phải là cách duy nhất để kiếm được mức lợi nhuận tốt trên thị trường chứng khoán. Thực ra, trong nhiều trường hợp, đó không phải là cách tốt nhất. Có nhiều cách để đầu tư. Một số cách mang tính cờ bạc. Ví dụ, nếu bạn đến trường đua ngựa và đặt rất nhiều tiền vào một con ngựa nào đó, dĩ nhiên điều này không phải là đầu tư. Để làm cho mình cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể gọi đó là giải trí. Tuy nhiên, nếu bạn có lý trí, bạn sẽ nhận ra đó thực sự là hành vi đánh bạc. Tương tự, việc dồn một khoản tiền cực lớn vào một cổ phiếu duy nhất cũng không phải là đầu tư. Giống như việc đánh cá ở trường đua ngựa, dồn tiền vào một cổ phiếu duy nhất chỉ đơn giản giống như đánh bạc. Ở thái cực ngược lại, bạn có thể làm theo cách an toàn bằng cách phân tán tiền trên một số lượng loại cổ phiếu lớn. Với tên gọi là đa dạng hóa danh mục đầu tư, phương pháp này được hầu hết những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực đầu tư áp dụng. Tuy vậy, nếu bạn đa dạng hóa quá mức, bạn không thể hy vọng nhận được kết quả tốt hơn tổng thể thị trường.

Cũng có một câu hỏi liên quan đến thời gian. Giống như Buffett, bạn có thể thực hiện theo chiến lược mua và nắm giữ, đầu tư cho tương lai dài hạn. Hoặc bạn cũng có thể áp dụng chiến lược kiểm soát thời gian thị trường, đầu tư ngắn hạn. Tuy đầu tư ngắn hạn có lợi nhuận tốt, nhưng nó đòi hỏi một tâm thế hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ xem xét một số kết quả nghiên cứu học thuật – vốn chứng minh rằng các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, chỉ muốn tập trung vào thu nhập ngắn hạn nên hướng đến những chiến lược nhấn mạnh sự tăng trưởng và động lực của thị trường.

Chúng ta cũng sẽ xem xét các nghiên cứu để chứng minh rằng cổ phiếu giá trị sẽ vượt qua cổ phiếu tăng trưởng trong dài hạn. Mua vào một danh mục đa dạng hóa rộng rãi gồm những cổ phiếu giá trị và nắm giữ chúng trong thời gian dài là một cách đầu tư khá an toàn, nhưng có lẽ không thú vị. Tuy nhiên, đó cũng là một chiến lược có thể sinh lời. Trái lại, áp dụng phương pháp đầu tư tập trung vào một số lượng mã cổ phiếu nhỏ, dù là ngắn hạn hay dài hạn, có thể trở nên hấp dẫn một cách đáng kể, nhưng cách này chắc chắn sẽ có nhiều rủi ro hơn.

Buffett với sự kiên trì của một vị thánh đã trở thành bậc thầy trong hoạt động đầu tư dài hạn. Cá tính của ông rất thích hợp với loại chiến lược này. Tuy nhiên, trong những trang sách tiếp theo, bạn sẽ biết rằng Buffett cũng từng tham gia vào hoạt động mua bán cổ phiếu tương đối ngắn hạn. Thực ra, một bài học quý giá cần được rút ra từ quyển sách này là những chiến lược đầu tư của Buffett không thể dễ dàng được phân loại như vậy. Chúng đã tiến hóa theo thời gian. Ví dụ, trong buổi đầu mới bước chân vào sự nghiệp, ông đã thể hiện sở thích chiếm lấy những vị trí sở hữu lớn trong một số ít công ty. Mặc dù ông vẫn thiên về phương pháp tiếp cận tập trung này, nhưng trong những năm gần đây việc đa dạng hóa đã nổi lên đóng vai trò quan trọng hơn trong phong cách đầu tư của Buffett.

Để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn phải là một nhà đầu tư có kiến thức vững vàng, và điểm khởi đầu tốt nhất chính là xem xét những chiến lược đầu tư của Buffett. Quyển sách này sẽ trình bày cho bạn thấy những điểm tốt và chưa tốt của những chiến lược ấy, khi nào thì chúng đạt hiệu quả tối đa, khi nào thì không. Nó sẽ dạy cho bạn rằng việc đa dạng hóa, một trong những khái niệm quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính hiện đại, không chỉ giúp bạn giảm rủi ro trong đầu tư; nó còn giới hạn tiềm năng lợi nhuận của bạn. Bạn sẽ thấy quan điểm của Buffett về đa dạng hóa phát triển như thế nào theo thời gian.

Quyển sách này cũng giúp bạn hiểu và phân biệt sự khác nhau giữa một cổ phiếu giá trị và một cổ phiếu bị định giá thấp. Điều này rất quan trọng nếu bạn muốn hiểu rõ cách đầu tư của Buffett. Quyển sách này cũng chỉ ra cho bạn biết khi nào bạn nên hướng danh mục đầu tư về các cổ phiếu giá trị và khi nào nên ưu tiên cho những cổ phiếu tăng trưởng. Thậm chí, nó còn dạy cho bạn một chiến lược đầu tư không hề mang dấu ấn của Buffett – đầu tư momentum2 – và làm thế nào bạn có thể sử dụng nó như một lợi thế của mình.

Trong những trang sách tiếp theo, bạn sẽ biết rằng không có ai là hoàn hảo cả – kể cả Warren Buffett. Thật khó tin, nhưng ngay cả Buffett cũng phạm phải một số sai lầm. Mà trong đầu tư, sai lầm có thể gây ra những thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, bạn có thể học hỏi rất nhiều từ những sai lầm của mình. Thông thường, mọi người thường muốn quên đi những sai lầm vì chúng gợi lại những kỷ niệm đau buồn, nhưng nhà đầu tư cần phải ghi nhớ chúng. Bằng cách này, bạn có thể đoan chắc rằng mình học hỏi được những điều hữu ích, và bạn sẽ có thêm cơ hội tránh được vết xe đổ khi đứng trước những sai lầm tương tự về sau. Thất bại thường là người thầy vĩ đại nhất, nhưng nó chỉ đúng khi bạn rút ra được bài học cho chính mình.

Rất may cho các cổ đông của Buffett, Buffett rất ít khi phạm sai lầm và không thường xuyên. Nhưng khi nói đến sai lầm, cần lưu ý một đặc điểm quan trọng giúp Buffett khác xa so với nhiều nhà đầu tư khác. Ông thể hiện một tài năng đáng kinh ngạc trong việc biến những điều có vẻ là sai lầm hiển nhiên thành những lớn. Thực ra, đây chính là lý do giải thích tại sao Buffett lại là nhà đầu tư thành công nhất – và giàu có nhất – của mọi thời đại.

Vâng, nói đến sự giàu có, mỗi năm tạp chí Forbes xuất bản một danh sách 400 người Mỹ giàu nhất. Họ cũng đưa ra một danh sách các tỷ phú trên thế giới. Hết năm này đến năm khác, tên của Warren Buffett luôn xuất hiện ở vị trí đầu tiên hoặc gần đầu tiên trong cả hai danh sách này. Bạn cũng sẽ biết rằng tài sản của Buffett gắn liền với một công ty chủ chốt. Trong trường hợp của Buffett, công ty đó là Berkshire Hathaway. Ông vừa là Giám đốc điều hành vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, Berkshire là một công ty độc nhất vô nhị trên thế giới này.

Không giống hầu hết các công ty chuyên sản xuất một số sản phẩm chính hoặc cung cấp những dịch vụ cụ thể, Berkshire giống một công ty đầu tư hơn. Trong khi doanh thu và lợi nhuận của Berkshire chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động kinh doanh thực sự của Berkshire là đầu tư vào các công ty khác. Phương thức kinh doanh này đã biến Berkshire thành một tổ chức giống như một quỹ đầu tư tương hỗ (mutual fund), và Buffett là giám đốc của quỹ đó. Đây là điểm làm cho Buffett trở thành một trong số ít những tỷ phú làm giàu chủ yếu nhờ vào hoạt động đầu tư, chứ không thực sự xây dựng và điều hành một doanh nghiệp tập trung vào một lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Phần lớn của Berkshire là nhờ khả năng của Buffett trong việc sử dụng tiền thặng dư từ các doanh nghiệp bảo hiểm để làm nguồn tài chính cho việc thu mua lại những công ty ăn nên làm ra khác. Đây chính là lý do chủ yếu giải thích vì sao Buffett được gọi là nhà đầu tư vĩ đại, thay vì chỉ đơn giản gọi là một doanh nhân vĩ đại.

Vì đã có hơn một chục quyển sách viết về Warren Buffett và Berkshire Hathaway, tại sao chúng ta lại cần thêm một quyển nữa như vậy? Trong khi nhiều quyển sách trước đã thảo luận và phân tích những chiến lược đầu tư của Buffett, hầu hết đều trông có vẻ là “một lá thư tình” dành cho một con người vĩ đại. Dĩ nhiên Buffett xứng đáng với tất cả những lời khen tặng mà vô số người đã và tiếp tục dành cho ông, nhưng hầu hết những quyển sách viết về Buffett lại thiếu đi vế này: Chúng không chỉ ra được những sai sót trong phương pháp đầu tư của ông. Thậm chí ngay cả khi họ phân tích cẩn thận những chiến lược đầu tư được Buffett ưa thích, họ cũng không giải thích được đâu là việc mà Buffett làm mà các nhà đầu tư khác có thể hy vọng phỏng theo. Có lẽ, điều quan trọng hơn cả là các tác giả không giải thích được những điều Buffett đã làm mà các nhà đầu tư khác không có hy vọng gì trong việc sao chép từ ông được.

Hơn nữa, những tác giả trước đây chỉ đơn giản là không nhìn nhận được nhiều vấn đề mà Buffett ủng hộ nhưng không có tác dụng tốt nhất đối với quyền lợi của nhà đầu tư. Chẳng hạn, Buffett tin rằng các tập đoàn nên chấm dứt việc cung cấp cho nhà đầu tư các báo cáo định hướng thu nhập hàng quý, như sẽ trình bày trong những trang sách tiếp theo. Nói cách khác, trong thời đại các cơ quan điều hành pháp luật đang cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng tính minh bạch và cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt thì Buffett lại ủng hộ một chính sách có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ “bưng bít” thông tin hơn. Dĩ nhiên, ý định của ông là tốt như những gì ông đã làm, nhưng bạn sẽ thấy rằng, một chính sách “mù thông tin” không bao giờ là tốt đối với các nhà đầu tư.

Buffett cũng ủng hộ việc đánh thuế cao đối với những người được xem là giàu có. Ông thích thuế tài sản, ngay cả khi bản thân ông sẽ tránh loại thuế này bằng cách hiến tặng tài sản của mình cho các quỹ từ thiện. Ông phản đối những nỗ lực cắt giảm thuế suất thuế thu nhập, ngay cả khi các chứng cứ cho thấy thuế suất thấp hơn sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giảm thất nghiệp nhờ việc khuyến khích đầu tư và cắt giảm chi phí vốn. Cũng có bằng chứng cho thấy tỷ suất thuế thấp hơn sẽ dẫn đến thu nhập của chính phủ từ thuế sẽ cao hơn. Khi cố vấn cho Arnold Schwarzenegger tranh cử chức thống đốc bang California, Buffett đề xuất Armold tăng thuế tài sản. Điều thú vị nữa bạn sẽ nhận ra là, Buffett thừa nhận rằng sự do dự trong việc bán đi một vài công ty ở bất cứ giá nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của Berkshire.

Thực ra, có rất nhiều “truyền thuyết” về Warren Buffett. Quyển sách này sẽ cố gắng phân biệt đâu là những câu chuyện hoang đường, đâu là sự thực. Chẳng hạn như, nhiều nhà đầu tư tin rằng Buffett xem thường những chiến lược đa dạng hóa, chứ không phải tập trung hóa danh mục đầu tư. Buffett từng chê bai phương pháp đầu tư đa dạng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế Buffett lại tin rằng hầu hết các nhà đầu tư nên nắm giữ những danh mục cổ phiếu tương đối đa dạng. Thậm chí, ngày nay Berkshire còn có một danh mục đa dạng hóa hơn nhiều so với chính nó trong một quá khứ vinh quang và lâu dài.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư tin rằng Buffett chỉ mua những cổ phiếu giá rẻ, nghĩa là những cổ phiếu có hệ số giá trên thu nhập (P/E)3 thấp – chúng ta sẽ đề cập sâu hơn trong những chương tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Buffett không chú ý nhiều đến các hệ số giá, mà giống như tất cả những chuyên gia phân tích tài chính có kiến thức vững chắc, ông ước lượng dòng tiền tương lai và qua chiết khấu quy chúng về hiện tại để tính toán cái gọi là giá trị nội tại (intrinsic value). Ông thích mua những công ty mà ông có thể trả giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Nói cách khác, ông thích mua cổ phiếu với giá tốt, chứ không phải cổ phiếu rẻ tiền. Điều này nghe có vẻ như là một sự khác biệt tinh tế, nhưng đó là sự phân biệt quan trọng khi bạn đọc tới những trang sách tiếp theo trong quyển sách này.

Trái với ý kiến chung của rất nhiều người, Buffett không chống lại việc sử dụng cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên. Điều này chắc chắn sẽ là một sự ngạc nhiên đối với nhiều độc giả vì Buffett luôn là một người lớn tiếng chỉ trích chính sách lương bổng ưu đãi dành cho các nhà quản lý cấp cao trong các công ty. Thậm chí, Buffett còn là người đi tiên phong trong những nỗ lực yêu cầu các cơ quan điều hành của nhà nước bắt buộc các doanh nghiệp thể hiện chi phí dành cho cổ phiếu ưu đãi trên các bản báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trong thực tế Buffett tin rằng quyền mua cổ phiếu ưu đãi là một công cụ vô cùng thích hợp để tưởng thưởng cho các nhà quản lý doanh nghiệp – miễn là chúng được cấu trúc một cách hợp lý.

Bạn sẽ thấy rằng uy tín của Buffett trong vai trò là người bảo vệ quyền lợi của cổ đông có thể có phần không xứng đáng. Mặc dù ông là một trong những giám đốc điều hành có đạo đức nhất ở Mỹ và là người thẳng thắn xem thường những nhà quản lý chỉ thích làm giàu cho bản thân bằng chi phí của các cổ đông, nhưng bạn sẽ khám phá ra rằng Berkshire Hathaway có một lịch sử quản trị công ty khá tối tăm cho đến khi nó bị Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE – New York Stock Exchange) buộc phải cởi mở và minh bạch hơn.

Một huấn luyện viên điền kinh từng nói với các vận động viên hàng đầu của mình rằng: “Nếu muốn chạy nhanh hơn, các bạn phải tập luyện cùng với những vận động viên chạy nhanh hơn bạn”. Tương tự, nếu bạn muốn trở thành một nhà đầu tư giỏi hơn, hãy học hỏi những người giỏi nhất. Điều không hay là bạn không thể xuất hiện ở văn phòng của Warren Buffett ở Omaha và thông báo rằng bạn đã sẵn sàng học hỏi. Tin tốt là bằng cách học hỏi những kỹ thuật của ông, bạn có thể nắm được rất nhiều điều hữu ích trong đầu tư và bạn có thể tự biến mình thành một nhà đầu tư giỏi hơn nhiều.

Đọc về Buffett, bạn có thể biết được điều gì có tác dụng, điều gì không trong hầu hết các trường hợp. Bạn sẽ đảm bảo rằng mình có những thông tin cần thiết để tối đa hóa xác suất thành công, bất kể điểm xuất phát đầu tư của bạn nằm ở đâu. Bạn cũng sẽ hình thành một nền tảng kiến thức vững chắc về những rủi ro gắn liền với các loại chiến lược đầu tư đa dạng khác nhau. Và, bạn có thể trở thành một nhà đầu tư thực tiễn hơn. Xét cho cùng, trong mua bán cổ phiếu, không có điều gì là chắc chắn cả! Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những chiến lược đầu tư nào có hiệu quả cao nhất trong từng môi trường đầu tư khác nhau. Nghiên cứu Buffett và nhận thức được những kết quả từ việc nghiên cứu này có thể giúp bạn đảm bảo rằng những cơ hội trong đầu tư luôn nằm trong tầm tay của bạn.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Downloadsachmienphi.com
Logo